“5K + vắc xin + công nghệ” - Chiến lược giúp Việt Nam chiến thắng đại địch COVID-19

Cập nhật: 09:23 | 19/08/2021 Theo dõi KTCK trên

Trước diễn biến phức tạp của “làn sóng” COVID-19 lần thứ 4 với đa ổ dịch, đa nguồn lây và đa biến chủng, “5K + vắc xin + công nghệ” chính là thông điệp được Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh để đẩy lùi dịch bệnh. Theo đó, song song với khuyến cáo 5K, vắc xin và công nghệ cũng được xem là “vũ khí” tối thượng để tạo ra những “lá chắn thép”, giúp nước ta tự tin đương đầu với dịch bệnh.

2609-tiem-3

Tích cực đàm phán tăng nguồn cung vắc-xin

Trước diễn biến phức tạp của COVID-19, đặc biệt là sự xuất hiện của biến thể Delta với tốc độ lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn, gia tăng độ phức tạp, khó lường, khó dự báo hơn, vắc xin được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống đại dịch trong thời gian tới.

Tại buổi lễ phát động Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mục tiêu của Chiến lược vắc xin là tiêm miễn phí hằng năm cho Nhân dân để đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng trên cả nước. Để đạt mục tiêu đó, chúng ta phải thực hiện được việc có đủ vắc xin cho Nhân dân từ nguồn nhập khẩu và tự sản xuất trong nước. Mọi người đều bình đẳng, công bằng trong tiếp cận vắc xin.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ngay từ tháng 5/2020, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan đã tích cực đàm phán, tiếp cận tất cả các nguồn vaccine phòng COVID-19. Bộ Y tế đang nỗ lực cao nhất để có thêm vaccine phòng COVID-19, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Bên cạnh nguồn vaccine của Nga, Bộ Y tế đã nỗ lực đàm phán, tiếp cận với các nguồn vaccine khác như COVAX; Astra Zeneca; Pfizer, Moderna, Johnson&Johnson…

“Như vậy, đối với nguồn cung ứng của Nga, của Mỹ và của Anh, có thể nói rằng, chúng ta đã dần dần hướng tới mục tiêu mua đủ 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong năm 2021 để tiêm chủng cho 75% dân số Việt Nam theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết thêm, Bộ Y tế vẫn đang tích cực đàm phán tiếp tục để tăng thêm nguồn cung ứng vaccine cho Việt Nam, nhằm giúp Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021 đầu năm 2022.

Với chiến lược vắc xin, mua khoảng 150 triệu liều để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người thì tổng kinh phí ước tính 25,2 nghìn tỉ đồng.

Nguồn kinh phí cần là rất lớn nên bên cạnh nguồn ngân sách, cần huy động thêm các nguồn lực từ đóng góp mang tính thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để mua đủ số lượng vắc xin dự tính trên.

1330-vyc-xin
Lô vắc xin được Vietnam Airlines vận chuyển

Trong thời gian ngắn vừa qua, đã có hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã đăng ký ủng hộ hàng trăm tỉ đồng và nếu tính cả ở các tỉnh, thành thì đã lên hàng nghìn tỉ đồng (bằng cam kết đóng góp tiền hoặc số liều vắc-xin cụ thể).

Thậm chí đã có tập đoàn lớn ngoài đóng góp số tiền lớn vào quỹ vắc-xin, còn cam kết tài trợ chi phí nhập khẩu 60.000 liều vắc-xin Covid-19 để tiêm phòng cho 100% cư dân của khu đô thị và nhân viên Tập đoàn.

Chưa kể, rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, trong đó có các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đều cho biết sẵn sàng tự bỏ ra chi phí để thực hiện tiêm chủng cho nhân viên của họ.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chính phủ mong muốn người dân, doanh nghiệp đóng góp công sức, trí tuệ, rồi mới đến tiền bạc vào phòng, chống dịch nói chung, việc tiếp cận nguồn vắc-xin nói riêng.

"Chính phủ thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 để bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc tiêm vắc-xin phòng dịch cho người dân. Các doanh nghiệp, cá nhân có thể đóng góp vào thực hiện chiến lược vắc-xin không chỉ việc đóng góp vào Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 mà còn bằng nhiều phương thức khác nhau, bảo đảm sử dụng các nguồn đóng góp công khai, minh bạch", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần tạo mọi điều kiện để việc nhập khẩu vắc-xin thuận lợi, không để các tổ chức, doanh nghiệp có nguồn mua được vắc-xin mà lại không nhập về được. Nhưng những nguồn vắc-xin thông qua các tổ chức môi giới thì phải kiểm tra kỹ trước khi đề xuất với Bộ Y tế.

Nhiều ứng dụng công nghệ số được triển khai trong phòng, chống dịch

Ngay trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhất, công nghệ số đã khẳng định sự cần thiết, góp phần hiệu quả phòng, chống dịch , quản lý và vận hành xã hội.

Công nghệ được coi là một trong những “vũ khí” tối thượng để tạo ra những “lá chắn thép” giúp nước ta tự tin đương đầu với dịch bệnh. Trong đó, các nền tảng và ứng dụng công nghệ số đã được áp dụng rộng rãi trong công tác phòng, chống dịch bệnh thời gian qua như: Cơ sở dữ liệu tiêm chủng COVID-19 quốc gia tại Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 (http://tiemchungCOVID19.gov.vn); các ứng dụng khai báo y tế và quản lý vào, ra các địa điểm dựa trên nền tảng QR Code như Bluezone, Vietnam Health Declaration, nCOVI,…

0510-tiem-chyng-1
Công nghệ số đã khẳng định sự cần thiết, góp phần hiệu quả phòng, chống dịch bệnh, quản lý và vận hành xã hội.

Giải pháp công nghệ thông tin cũng được nhiều địa phương trong cả nước áp dụng hiệu quả. Đơn cử, TP HCM đã triển khai nhanh chóng để “kết nối”, tiếp cận với người dân.

Với thực trạng giãn cách xã hội đã kéo dài, nhiều người dân thành phố gặp khó khăn về đời sống. Sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong chăm lo đời sống người dân đôi khi chưa bao phủ hết, khiến nhiều hộ chưa được hỗ trợ, tiếp cận. Thành phố đã nhanh chóng triển khai tích hợp các kênh vào Cổng thông tin 1022 (Tổng đài 1022) để hỗ trợ, hướng dẫn người dân các vấn đề liên quan đến đời sống.

Theo ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, mục tiêu lớn nhất của Cổng thông tin 1022 là giúp đỡ, tạo thuận tiện cho người dân khi gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 được các cơ quan chức năng hỗ trợ kịp thời. Thành phố cũng thực hiện giải pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, quan tâm đời sống người dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, hướng đến mục tiêu chung “không một người dân nào bị bỏ lại phía sau” trong “cuộc chiến” chống đại dịch COVID-19 trên địa bàn.

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng trang thông tin chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh và ứng dụng Smart Thanh Hóa, góp phần kiểm soát công tác phòng, chống dịch.

Khi cài đặt ứng dụng Smart Thanh Hóa trên nền tảng di động, người dân có thể theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh của thế giới, trong nước và địa phương; đồng thời cập nhật liên tục các văn bản chỉ đạo, điều hành của tỉnh Thanh Hóa về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, người sử dụng có thể nắm được thông tin về lịch sử di chuyển của ca bệnh cũng như các trường hợp liên quan, thông tin vùng cách ly y tế, chốt kiểm soát... không di chuyển đến các điểm nóng, tránh lây nhiễm dịch. Phần mềm này cũng cho phép người dân phản ánh về các trường hợp nghi mắc COVID-19 hoặc lợi dụng tình hình dịch bệnh để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…

Kiên trì “5K” để chung sống an toàn với dịch bệnh

Việt Nam sẽ phải tiếp tục chống dịch COVID-19 trong thời gian dài và dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh. Trong bối cảnh đó quy tắc 5k đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống.

Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái “bình thường mới”, Bộ Y tế mong muốn và kêu gọi mỗi người dân Việt Nam cần đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc và khai báo y tế.

5650-5k

Theo các chuyên gia, 3 trọng điểm chống dịch nêu trên là “5K + vắc xin+ công nghệ” không được phép có phút chủ quan, lơ là hay đứt quãng mà cần kiên trì bởi ngay cả khi đã có đủ lượng vắc xin và tiêm cho đại trà (75% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng) thì các biến chủng mới vẫn có thể khiến chúng ta rơi vào vòng xoáy của các làn sóng dịch mới kháng lại vắc xin đã tiêm, nên sẽ phải tiếp tục tiêm nhắc lại hàng năm - như một dạng cúm mùa biến chủng.

Như vậy, cuộc chiến với COVID-19 có thể sẽ rất lâu dài, đòi hỏi chúng ta phải kiên trì và có các kế hoạch để tiến tới chủ động nguồn vắc-xin, cũng như nghiên cứu sản xuất ra vắc-xin nội có khả năng thích ứng với các biến chủng mới.

Ông Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho hay, ngay cả khi đã được tiêm chủng thì nguyên tắc “5K” vẫn phải thực hiện, không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ vì thực tế thời gian qua cho thấy, mỗi lần xuất hiện biến chủng mới đều cho thấy tốc độ lây lan và mức độ nguy hiểm lớn hơn.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Hồng Giang

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm