Vốn ngoại thay đổi cuộc chơi giữa các công ty chứng khoán

Cập nhật: 14:07 | 07/02/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Trở thành một trong những thị trường chứng khoán hấp dẫn trong khu vực cùng triển vọng được nâng hạng thị trường, chứng khoán Việt Nam đang trở thành miếng bánh hấp dẫn các tập đoàn tài chính ngoại. Liên tục trong thời gian gần đây, hàng nghìn tỷ đồng đã được rót vào những công ty chứng khoán thành viên để tăng vốn điều lệ, phả hơi nóng trực tiếp vào những doanh nghiệp nội trên thị trường.  

von ngoai thay doi cuoc choi giua cac cong ty chung khoan Thời điểm nào thích hợp để nới room ngoại?
von ngoai thay doi cuoc choi giua cac cong ty chung khoan Cổ phiếu ngân hàng lao dốc, nhà đầu tư ngoại còn mặn mà?
von ngoai thay doi cuoc choi giua cac cong ty chung khoan Chứng khoán Việt Nam đang hút vốn ngoại, dòng tiền có thể luân chuyển vào nhóm ngành nhựa và vận tải

Chứng khoán ngoại tăng tốc

Một năm trở lại đây, các công ty chứng khoán có vốn nước ngoài liên tục tăng tốc và bứt phá, đặc biệt trong cuộc đua về vốn. Đơn cử, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) dẫn đầu về tốc độ tăng vốn, từ 700 tỉ đồng lên 2.000 tỉ đồng năm 2017 và tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 4.300 tỉ đồng vào giữa đầu năm nay. Với quy mô này, MASVN hiện chỉ đứng sau Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) về vốn điều lệ. Một loạt công ty chứng khoán ngoại khác cũng đang tăng vốn. Đơn cử, IS Việt Nam (KIS) đã tăng vốn điều lệ lên gần 1.900 tỉ đồng, trong khi Maybank Kim Eng tăng lên 1.056 tỉ đồng. Riêng KB Việt Nam và Yuanta Việt Nam đã được chấp thuận phương án tăng vốn, lần lượt 1.680 tỉ đồng và 1.000 tỉ đồng. Shinhan Việt Nam cũng đã tăng vốn lên 812 tỉ đồng.

von ngoai thay doi cuoc choi giua cac cong ty chung khoan

Các đợt tăng vốn tuy chưa thể tạo ra đột biến về con số kinh doanh nhưng đã giúp một số công ty ngoại đủ điều kiện tham gia vào các mảng mới.

Hiện trong số 12 thành viên tham gia trên thị trường chứng khoán phái sinh, có sự hiện diện của MASVN và KIS. Lợi thế vốn cũng giúp MASVN gia tăng sức mạnh hoạt động. Cụ thể, tính đến cuối tháng 6/2018, MASVN đã dành tới 1.835 tỉ đồng cho vay giao dịch chứng khoán ký quỹ, tăng hơn 2,3 lần so với cùng kỳ. Với những thay đổi ngoạn mục, trong quý II/2018, lần đầu tiên MASVN nằm trong top 10 công ty dẫn đầu về thị phần môi giới trên sàn TP.HCM. Dù sang quý III, MASVN rời khỏi danh sách nhưng vẫn là đối thủ phải dè chừng.

Theo báo cáo tài chính quý III/2018, doanh thu MASVN đã tăng 126%, lãi sau thuế tăng gấp đôi so với cùng kỳ. MASVN bứt phá nhờ sự hậu thuẫn của tập đoàn mẹ Mirae Asset (Hàn Quốc). Tập đoàn này đang hiện diện ở nhiều thị trường như Úc, Brazil, Canada, Trung Quốc, Colombia, Hồng Kông, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Anh, Mỹ, Việt Nam, quản lý hơn 100 tỉ USD tài sản trên toàn cầu.

von ngoai thay doi cuoc choi giua cac cong ty chung khoan
Ngày càng có nhiều CTCK ngoại tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam.

Một đơn vị khác là Yuanta Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ từ Tập đoàn Yuanta. Đây là một trong những tập đoàn tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm hàng đầu xứ Đài với tổng tài sản hơn 100 tỉ USD. Yuanta còn mở rộng hoạt động ra khắp 9 quốc gia châu Á trong đó, dẫn đầu ở thị trường Thái Lan, Hàn Quốc. Đối với thị trường Việt Nam, như tiết lộ của CEO Yuanta Việt Nam ông Lê Minh Tâm, “định hướng của Công ty là gia nhập vào nhóm công ty môi giới chứng khoán có quy mô vốn điều lệ lớn nhất. Yuanta Việt Nam cũng xác định sẽ lấn sâu hơn vào thị trường chứng khoán Việt Nam”.

Chứng khoán nội giữ ngôi

Cho đến hiện tại, top 10 công ty dẫn đầu thị phần môi giới đều là những công ty nội địa. Đặc biệt, các công ty lớn như SSI, HSC, VCSC, VNDirect, FPTS, BVSC… liên tục giữ ngôi đầu bảng. Đây cũng là các công ty cho vay đầu tư chứng khoán nhiều nhất. Vì thế trong cuộc đua tăng tốc, các công ty chứng khoán ngoại với sự hậu thuẫn mạnh mẽ vè vốn từ tập đoàn mẹ, công nghệ, dịch vụ, khách hàng..., liệu có thể qua mặt và vẽ lại bức tranh ngành chứng khoán hay không?

Câu trả lời là có thể nhưng sẽ khó khăn,bởi theo một lãnh đạo doanh nghiệp, lợi thế dẫn đầu là lợi thế rất đặc biệt, không dễ gì cho các tên tuổi phía sau vượt qua. Trong khi đó, theo đánh giá của ông Nguyễn Duy Linh - Phó Giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán khách hàng cá nhân thuộc SSI, trong một thị trường còn nhiều dư địa phát triển, với quy mô giao dịch còn nhỏ (200-250 triệu USD/ngày) so với khu vực và thế giới, “chứng khoán Việt Nam thu hút nhiều sự quan tâm đầu tư của các tổ chức ngoại là tất yếu”. Song ông Linh cũng cho biết, SSI không lo ngại cạnh tranh, bởi cạnh tranh lành mạnh sẽ giúp cải thiện chất lượng sản phẩm dịch vụ, tăng tính đa dạng, giúp các công ty có thêm động lực đổi mới, mở rộng thị trường và phát triển.

Chiến lược trung và dài hạn của SSI sẽ vẫn là theo đuổi mục tiêu giữ vững vị thế dẫn đầu ngành chứng khoán Việt Nam nỗ lực vươn ra quốc tế trong những năm tới.

Để làm được điều này, SSI sẽ phải đổi mới vận hành, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ mới, đầu tư vào chất lượng nhân sự, tạo môi trường làm việc hấp dẫn, kiểm soát chi phí và rủi ro...

Tương tự Công ty Cổ phần Chứng khoán TP. HCM (HSC) cũng đẩy mạnh hoạt động ngân hàng đầu tư (IB). Theo ông Johan Nyvene, CEO của HSC, “cách thức này giúp HSC vẫn đạt được mục tiêu kinh doanh mà không cần quá đẩy mạnh vào dịch vụ tài chính”. Với VNDirect, đầu tư công nghệ là hướng đi tạo sự khác biệt. VNDirect đã đầu tư công nghệ như một công ty fintech, nhưng xác định con người vẫn là nòng cốt. Về phần FPTS đơn vị này cũng coi công nghệ và nhân lực là yếu tố ưu tiên đầu tư.

von ngoai thay doi cuoc choi giua cac cong ty chung khoan

Thách thức và cơ hội

Nhìn chung, việc các công ty chứng khoán ngoại tăng cường gia nhập thị trường chứng khoán Việt Nam đã, đang và sẽ tạo ra những thách thức nhất định cho khối Công ty Chứng khoán nội ngay trên “sân nhà”. Trao đổi về việc khối Công ty Chứng khoán ngoại tăng cường gia nhập thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Nguyễn Duy Linh, cho biết, việc một thị trường chứng khoán có nhiều tiềm năng phát triển với các chỉ số ổn định và bền vững như Việt Nam góp phần thu hút được nhiều sự tham gia của các Công ty Chứng khoán nước ngoài là một điều tất yếu. Kéo theo đó, các Công ty Chứng khoán trong nước sẽ chịu tác động nhiều hơn từ việc cạnh tranh: trong cải tiến chất lượng sản phẩm dịch vụ, nhân sự (cao cấp, trung cấp và đội ngũ môi giới) và đặc biệt là cạnh tranh về khách hàng.

Trong khi đó, đại diện Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), Tổng Giám đốc Vũ Đức Tiến chia sẻ, sức ép từ việc cạnh tranh từ các Công ty Chứng khoán ngoại là hiện hữu và ngày càng lớn, đặc biệt đối với các Công ty Chứng khoán vừa và nhỏ. Nguy cơ bị mất thị phần ngay trên "sân nhà" là đáng kể, kéo theo đó là doanh số sụt giảm và mất khách hàng.

Bên cạnh đó, ông Dương Thế Quang - Tổng Giám đốc của Công ty Chứng khoán Đông Á (DAS) cũng nhận định, với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các CTCK 100% vốn nước ngoài như Mirae Asset, KIS Việt Nam, Shinhan, KB Việt Nam, Yuanta… cạnh tranh trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới chắc chắn sẽ rất khốc liệt dù chưa công ty nào đứng vững trong top 10 thị phần và doanh thu lợi nhuận vẫn kém xa các Công ty Chứng khoán trong nước.

“Sự am hiểu thị trường, tâm lý nhà đầu tư Việt cùng khả năng nhanh nhạy trong việc kinh doanh, mối quan hệ với các cơ quan quản lý, công ty niêm yết là thế mạnh vượt trội của các Công ty Chứng khoán nội so với hàng ngoại”, ông Quang nhận xét.

Trước bối cảnh này, ông Linh, đại diện của SSI lạc quan rằng, đây là cơ hội đối với Công ty bởi cạnh tranh lành mạnh sẽ tốt cho sự phát triển, thúc đẩy sự sáng tạo để hoàn thiện những gì còn thiếu sót từ chất lượng sản phẩm dịch vụ, chính sách khách hàng, chính sách nhân sự, đào tạo, hoàn thiện môi trường làm việc. Trong khi đó, ông Tiến lại cho rằng, khối Công ty Chứng khoán ngoại tham gia thị trường sẽ tạo ra không ít thách thức khi có lợi thế cạnh tranh với dòng vốn giá rẻ và quy mô. Bên cạnh đó, các Công ty Chứng khoán trong nước sẽ đứng trước yêu cầu giữ chân những nhân sự có chất lượng, đặc biệt là nhân sự quản lý trung cấp và cao cấp. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là cơ hội để Công ty Chứng khoán nội rà soát toàn bộ để nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển các sản phẩm dịch vụ mới có chất lượng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp của mỗi công ty.

Về phần mình, ông Quang cho rằng việc mở cửa cho các Công ty Chứng khoán ngoại sẽ tạo nhiều cơ hội trong việc chuyển giao công nghệ, thay đổi hệ thống kỹ thuật. Đồng thời sự xuất hiện mới các sản phẩm tài chính, sản phẩm phái sinh, hệ thống quản trị rủi ro hiện đại, chất lượng dịch vụ, đào tạo nhân sự chuyên nghiệp… sẽ thúc đẩy các Công ty Chứng khoán trong nước tự làm mới mình bằng cách đầu tư, cải tổ toàn diện.

Bên cạnh đó, để đủ tiềm lực tài chính nhằm cung cấp các sản phẩm phái sinh, sản phẩm margin…, các Công ty buộc phải tăng vốn, tìm kiếm đối tác chiến lược trong và ngoài nước, các Công ty nhỏ sáp nhập với nhau, việc giảm số lượng các Công ty Chứng khoán được thực hiện tự nhiên và phù hợp với định hướng của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Nhà đầu tư sẽ hưởng lợi từ “cuộc chiến” nội - ngoại

Tuy ít nhiều tạo ra thách thức cho khối Công ty Chứng khoán nội nhưng việc khối Công ty Chứng khoán ngoại gia nhập thị trường sẽ đem lại những lợi ích nhất định cho thị trường chứng khoán và nhà đầu tư. Trước nhất, việc các Công ty Chứng khoán ngoại tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ lôi kéo các nhà đầu tư đồng hương đến giao dịch (đặc biệt là các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp), giúp thanh khoản thị trường được cải thiện, quy mô ngày càng mở rộng… Mặt khác, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán sẽ hưởng lợi khi được giao dịch với chi phí tài chính thấp hơn do được sử dụng dòng vốn giá rẻ từ các Công ty Chứng khoán ngoại.

Vì thế sự cạnh tranh giữa các công ty sẽ là điều kiện để nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng thị trường, phát triển khách hàng mới. Tuy nhiên, đây chỉ là điều kiện cần, để đủ thì đó phải là một quá trình cạnh tranh lành mạnh. Nếu hội tụ điều kiện cần và đủ, chất lượng sản phẩm dịch vụ sẽ được cải thiện, sản phẩm cung cấp sẽ đa dạng hơn… và nhà đầu tư sẽ chính là người được hưởng lợi từ quá trình này.

Nguyễn Thanh

Tin cũ hơn
Xem thêm