Nhà băng hỗ trợ giải cứu giá lúa

Cập nhật: 11:12 | 20/02/2019 Theo dõi KTCK trên

Hệ thống ngân hàng tại nhiều địa phương khu vực phía Nam đang tích cực rà soát, mở rộng hạn mức tín dụng, hỗ trợ vốn cho các DN thu mua lúa gạo.

nha bang ho tro giai cuu gia lua Những “cha đẻ” bị đuổi bởi chính đứa con của mình
nha bang ho tro giai cuu gia lua Cha đẻ thương hiệu Nissan Motor là ai?
nha bang ho tro giai cuu gia lua 'Cha đẻ tuổi teen' của Subway làm thế nào để biến 1.000 USD thành đế chế tỷ đô?

Ngay sau khi nhận các thông tin kiến nghị từ các địa phương về việc khẩn trương tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn tín dụng giúp các DN chế biến – xuất khẩu gạo thu mua lúa trong dân trong bối cảnh giá lúa trên thị trường liên tiếp giảm mạnh, ngày 18/2 NHNN Việt Nam đã chính thức ban hành Văn bản số 928/NHNN-TD yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long tập trung chỉ đạo hệ thống NHTM cân đối nguồn vốn, tập trung cho vay đáp ứng nhu cầu vốn của DN thu mua lúa gạo.

Bên cạnh đó NHNN cũng khuyến khích các NHTM chủ động liên hệ và làm việc trực tiếp với các DN thu mua lúa gạo có nhu cầu vay vốn để xem xét tăng hạn mức vay vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm tạo điều kiện để DN thu mua thóc, gạo cho người dân kịp thời.

nha bang ho tro giai cuu gia lua
Các ngân hàng đang tích cực vào cuộc hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp thu mua lúa gạo

Ngân hàng nhiều nơi vào cuộc

Ghi nhận tại Đồng Tháp, ngày 19/2, ông Nguyễn Văn Quế - Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cho biết, những ngày giữa tháng 2/2019, trong bối cảnh giá thu mua lúa gạo tại nhiều địa phương giảm mạnh, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có buổi làm việc trực tiếp với chi nhánh NHNN và các DN xuất khẩu gạo cũng như các hợp tác xã kinh doanh lúa gạo trên địa bàn địa phương.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh và các NHTM tại địa phương tạo điều kiện thuận lợi để các DN thu mua lúa gạo dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn vay. Bên cạnh đó kêu gọi các DN lớn và các HTX có khả năng tiến hành sấy và lưu kho cho nông dân nhằm hạn chế thiệt hại. Đến nay, một số HTX có quy mô liên kết nông dân lớn như HTX Tân Bình, HTX Tân Cường đã lưu kho cho nông dân được khoảng 1.500 tấn lúa. Các DN như Công ty Lương thực Đồng Tháp, Công ty Phát Tài… cũng đang triển khai sấy và lưu kho lúa cho nông dân.

Ở khía cạnh cung ứng vốn tín dụng, ông Quế cho biết, tính đến cuối tháng 1/2019 các TCTD trên địa bàn Đồng Tháp đã cho vay thu mua lúa gạo đối với DN, hợp tác xã, thương lái với dư nợ khoảng trên 3.600 tỷ đồng. NHNN chi nhánh Đồng Tháp cũng đã làm việc với các NHTM trong tỉnh, khuyến khích các đơn vị tạo điều kiện hỗ trợ tăng hạn mức cho vay đối với các DN, HTX lúa gạo để có vốn thu mua lúa gạo kịp thời cho người dân.

Tại Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang… tình hình cũng diễn ra tương tự. Ông Trần Quốc Hà - Giám đốc NHNN chi nhánh Cần Thơ thông tin, ngay sau khi chính quyền TP. Cần Thơ có cuộc họp và chỉ đạo các sở, ngành vào ngày 13/2, đơn vị đã nhanh chóng làm việc với các NHTM và các DN sản xuất – xuất khẩu lúa gạo trên địa bàn. Phía các DN hầu hết vẫn cho rằng đang có quan hệ tốt với các NHTM và được các ngân hàng hỗ trợ vốn theo đúng hạn mức cam kết.

Tính đến thời điểm cuối tháng 1/2019 các TCTD tại Cần Thơ đã cho vay thu mua lúa gạo xuất khẩu khoảng 7.000 tỷ đồng. Để tích cực hỗ trợ vốn thu mua lúa gạo cho các DN, hợp tác xã, NHNN chi nhánh Cần Thơ cũng đã chỉ đạo các NHTM khẩn trương có kế hoạch làm việc với các DN để nắm bắt nhu cầu, trên cơ sở đó báo cáo về hội sở chính để đề xuất hỗ trợ giải quyết tăng thêm hạn mức tín dụng cho các DN, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn để DN có nguồn vốn thu mua lúa gạo trong thời gian ngắn nhất.

DN xuất khẩu lớn dồn sức mua

Trong bối cảnh, hệ thống ngân hàng tỏ ra khá sốt sắng trong việc hỗ trợ nguồn vốn cho DN thu mua lúa gạo thì cộng đồng DN xuất khẩu gạo tại nhiều địa phương cũng khá chủ động trong việc đẩy mạnh thu mua dự trữ lưu kho.

Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, ngay sau khi nhận được các kiến nghị của các địa phương, đơn vị này đã có văn bản đề nghị tất cả các DN thành viên thực hiện việc thu mua dự trữ để góp phần thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo, đồng thời chuẩn bị chân hàng cho các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết.

Phía các Tổng công ty Lương thực miền Bắc và miền Nam (Vinafood 1 và Vinafood 2) cũng thông tin rằng, các đơn vị này đã chỉ đạo cho gần 30 DN thu xếp nguồn tài chính, lập các điểm thu mua tại các địa phương khu vực ĐBSCL để mua hết số lượng gạo đã ký kết bao tiêu với các hợp tác xã và nông dân, đồng thời chủ động liên kết và hỗ trợ các hợp tác xã thực hiện sấy khô và ký gửi lúa cho người dân tại kho trống của các DN còn khả năng dự trữ.

Theo đại diện Vinafood 1, tổng sản lượng gạo theo kế hoạch thu mua của Tổng công ty trong quý I/2019 sẽ đạt khoảng 300.000 tấn, các nhà máy hiện đang tiến hành thu mua hết công suất và đã thu mua được 150.000 tấn. Như vậy từ nay đến hết tháng 3/2019 Vinafood 1 dự kiến sẽ thu mua thêm 150.000 tấn lúa nữa. Trong khi đó, phía Vinafood 2 cũng cho hay, hiện tại 12 DN thành viên của đơn vị này đã thành lập được 34 điểm thu mua lúa gạo tại khu vực ĐBSCL. Tất cả các DN đều đang tích cực thu mua lúa gạo, đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nông dân trồng lúa.

Ghi nhận từ VFA cho thấy, đến thời điểm hiện tại giá thu mua lúa ở các địa phương khu vực ĐBSCL mặc dù đã giảm 1.000 – 3.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cũng bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Tính đến thời điểm tháng 1/2019 sản lượng gạo xuất khẩu mặc dù ghi nhận giảm khoảng 31,7% so với cùng kỳ nhưng các tháng tiếp theo trong quý I/2019 dự kiến xuất khẩu gạo có thể tăng mạnh vì các thị trường Philipines và Indonesia sẽ gia tăng nhập gạo từ Việt Nam.

Trong đó, riêng Philipines sau khi bãi bỏ chính sách hạn chế nhập khẩu, hiện đã có 166 công ty có đơn xin nhập 1 triệu tấn gạo mà nguồn gạo từ Việt Nam và Thái Lan đang là nguồn cung chính vào thị trường này. Vì vậy, việc giá lúa xuống thấp trong các tuần vừa qua có thể sẽ sớm được cải thiện. Nếu nguồn lúa gạo từ các hợp tác xã và người dân được phơi sấy, lưu kho ký gửi kịp thời thì sẽ có nhiều cơ hội bán giá cao hơn trong các tháng tới của quý I/2019.

Thủ tướng yêu cầu mua sớm 200.000 tấn gạo dự trữ

Chiều 19/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với một số bộ, ngành để giải quyết việc giá gạo giảm so với cùng kỳ. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, từ cuối 2018, giá lúa tươi (IR50404) tại ruộng có dấu hiệu sụt giảm. Đầu tháng 2/2019 sụt xuống 4.200-4.400 đồng/kg; loại thóc hạt dài (OM 504) giảm còn 4.500 đồng/kg. Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 1/2019 giá cả về lượng và giá trị. Nguyên nhân được đánh giá là một số thị trường vẫn còn lượng gạo dư của 2018 nên chưa có nhu cầu nhập khẩu trong đầu năm.

Trước tình hình đó, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Tài chính tập trung triển khai mua dự trữ quốc gia năm 2019 số lượng 80.000 tấn thóc và 200.000 tấn gạo. Đồng thời phối hợp với Bộ NN&PTNT sẵn sàng mua 100.000 tấn tiếp theo để thực hiện theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định hiện hành.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu các tổng công ty lương thực thực hiện đúng Nghị định 157, mua dự trữ 5% theo quy định. Cần tiếp tục thực hiện sớm kế hoạch xuất khẩu cho Philippines 200.000 tấn gạo và Trung Quốc cũng đã xác định mua của Việt Nam trong giai đoạn này là 100.000 tấn gạo. Do đó, sản lượng gạo mua của người dân là ở mức cao. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT làm việc với Bộ Tài chính thống nhất chủ trương, biện pháp thu mua gạo để hỗ trợ cho các hộ dân trồng rừng ngay trong mùa xuân này.

Đối với NHNN Việt Nam, Thủ tướng đề nghị có trách nhiệm xem xét tăng hạn mức tín dụng cho các DN và coi đây là chủ trương của Chính phủ nhằm đảm bảo vốn cho việc mua trong thời kỳ đang rộ mùa này. Bộ Công thương tiếp tục cùng Bộ NN&PTNT tìm thị trường mới để tiêu thụ lúa dài hơi hơn cho người dân, không chỉ Trung Quốc...

Thạch Bình

Theo thoibaonganhang.vn