Xu hướng lãi suất ngân hàng năm 2020 sẽ như thế nào?

Cập nhật: 07:00 | 10/01/2020 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Tác động của sự điều chỉnh lãi suất điều hành trong giai đoạn tháng 9 – 10 và 11/2019 sẽ được dần phản ánh trong nửa đầu năm2020.

xu huong lai suat ngan hang nam 2020 se nhu the nao

Lãi suất Ngân hàng Việt Á tháng 1/2020 mới nhất

xu huong lai suat ngan hang nam 2020 se nhu the nao

Lãi suất 4 “ông lớn” ngân hàng nào cao nhất tháng 1/2020?

xu huong lai suat ngan hang nam 2020 se nhu the nao

Lãi suất Ngân hàng NCB tháng 1/2020 mới nhất

xu huong lai suat ngan hang nam 2020 se nhu the nao

Xu hướng lãi suất ngân hàng sẽ ra sao từ nay đến sau Tết Nguyên đán?

Công ty chứng khoán KB Securities vừa có báo cáo nhận định về kinh tế vĩ mô năm 2020, trong đó nhận định chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục duy trì nới lỏng.

Ngoài ra, dư địa để NHNN có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành trong năm 2020 là còn khá nhiều khi lãi suất thực (đã trừ lạm phát) vẫn ở mức tương đối trong khu vực.

Cụ thể, nhóm phân tích đánh giá tăng trưởng cung tiền và tín dụng sẽ tương đương năm 2019, tức là ở mức lần lượt là 13% và 14%. Ước tính mức tăng thêm cung tiền trong năm 2020 vào khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng khoảng 13%.

Xu hướng đẩy mạnh cung tiền vào hệ thống (trung bình khoảng 1 triệu tỷ đồng/năm) được duy trì từ năm 2016 song song với việc mua ngoại tệ nhằm bổ sung dự trữ ngoại hối. Trong năm 2019, hoạt động mua ngoại hối đã giúp điều tiết thị trường ngoại hối, giảm áp lực tăng giá của VND, đặc biệt trong bối cảnh đa số các NHTW khác đều có xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ.

xu huong lai suat ngan hang nam 2020 se nhu the nao
Ảnh minh họa

Trong năm 2020, khả năng cao NHNN sẽ tiếp tục mua dự trữ ngoại hối với mức khoảng 10 – 12 tỷ USD do dư địa được mở rộng thông qua quy mô GDP năm 2020 dự kiến sẽ tăng khoảng 25% (theo cách tính mới).

Ngoài ra, nhu cầu vay để trả nợ đến hạn của Chính Phủ trong 2020 ước tính là 242 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2019 nên áp lực phát hành TPCP là tương đối lớn. Việc điều chỉnh GDP sẽ tạo điều kiện để Chính phủ nới rộng các khoản vay nợ. Tăng trưởng tín dụng trong năm 2020 dự báo ở mức 14%, tương đương với mục tiêu Chính phủ đặt ra, nhằm vừa đảm bảo an toàn kinh tế vĩ mô, vừa có thể kích thích tăng trưởng.

Đáng chú ý, chỉ số tín dụng/GDP của Việt Nam sau khi điều chỉnh GDP vào khoảng 110% (so với mức trên 130% cũ vốn nhận được nhiều cảnh báo của các tổ chức tài chính trên thế giới), mặc dù chưa phải mức lành mạnh nhưng phần nào giảm tải áp lực về lộ trình giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng của NHNN. Trong năm 2020, room tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng sẽ tiếp tục theo chỉ định của NHNN với lợi thế lớn dành cho các NHTM đã đạt chuẩn Basel 2.

Về mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trong năm 2020, xu hướng giảm nhẹ sẽ xuyên suốt cả năm. Cụ thể, tác động của sự điều chỉnh lãi suất điều hành trong giai đoạn tháng 9 – 10 và 11/2019 sẽ được dần phản ánh trong nửa đầu năm2020. Ngoài ra, dư địa để NHNN có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành trong năm 2020 là còn khá nhiều khi lãi suất thực (đã trừ lạm phát) vẫn ở mức tương đối trong khu vực. Trong bối cảnh nếu lạm phát được kiểm soát tốt, khả năng cao NHNN sẽ giảm lãi suất điều hành thêm 25 điểm cơ bản trong quý 2 năm 2020 nhằm kích thích tăng trưởng.

Ông Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính cho rằng, lãi suất năm 2020 được dự báo nhiều khả năng sẽ ổn định, không tăng thêm so với năm 2019.

Cụ thể, trong 3 quý đầu năm, lãi suất huy động, chủ yếu là lãi suất huy động dài hạn được các ngân hàng điều chỉnh theo chiều hướng tăng, tất nhiên mức tăng không phải là quá lớn, do các ngân hàng đứng trước áp lực cơ cấu lại nguồn vốn nhằm đáp ứng các quy định về hệ số an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II và thực hiện quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về lộ trình giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn.

Tuy nhiên, trong quý cuối năm 2019, NHNN đã đồng loạt điều chỉnh giảm đồng bộ 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành; giảm 0,2 - 0,5%/năm trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên; giảm 0,75%/năm lãi suất nghiệp vụ thị trường mở. Đồng thời, NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn và năng lực tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý; điều hòa thanh khoản ổn định thị trường, nhờ đó duy trì lãi suất thị trường liên ngân hàng phù hợp, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn chi phí hợp lý cho doanh nghiệp. Kết quả sau các động thái điều hành của NHNN, mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm. Trong đó, lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 0,2 - 0,5%/năm và lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5%/năm.

Năm 2020, mặt bằng lãi suất nhiều khả năng sẽ duy trì được sự ổn định. Bởi trước hết, hiệu ứng của việc NHNN hạn chế tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung, dài hạn, cũng như áp lực nâng cao năng lực tài chính (theo chuẩn Basel II) đã phản ánh trong năm 2019.

Thứ hai, năm 2020, dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng chậm lại so với năm 2019, nên nhu cầu về vốn cho nền kinh tế có thể không quá lớn. Cùng với đó, một số lĩnh vực như bất động sản có thể vẫn tiếp tục xu hướng chững lại của năm 2019, nên nhu cầu về vốn cho một số lĩnh vực cần nhiều vốn như bất động sản cũng không quá mạnh trong năm 2020.

Thứ ba, nếu như nhìn tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2019 cũng đã có dấu hiệu chững lại, không còn tăng mạnh như những năm trước, nên sức ép lên lãi suất cũng sẽ không lớn.

Thứ tư, về yếu tố tỷ giá, trong cả năm 2019, tỷ giá được giữ tương đối ổn định. Năm 2020, nhiều khả năng tỷ giá vẫn sẽ tiếp tục xu hướng ổn định, nên sức ép tỷ giá lên lãi suất không nhiều.

Thứ năm, về yếu tố lạm phát, năm 2019, lạm phát bình quân tăng 2,79%. Năm 2020, nhiều khả năng lạm phát sẽ cao hơn một chút, ông dự báo, lạm phát năm nay nằm trong khoảng 3,5%. Với mức lạm phát này vẫn nằm dưới ngưỡng 4%, nên tác động của yếu tố lạm phát đến lãi suất cũng không phải là quá mạnh.

Thu Hoài