Trọng Tấn chia sẻ "chìa khoá" giúp tình yêu bền vững

Cập nhật: 17:48 | 29/04/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Ca sĩ xứ Thanh, một thân một mình ra Thủ đô lập nghiệp. Khởi đầu bằng cuộc sống “dưới mức nghèo khó”, Trọng Tấn bây giờ đã có nhà đẹp, xe đẹp và đủ điều kiện để lập cả một công ty tổ chức biểu diễn, nhà hàng. Có thể với người khác, hạnh phúc là thứ khó cắt nghĩa, là những giá trị luôn ẩn hiện bằng những thước đo, còn với anh, hạnh phúc thật đơn giản: Là có được những thứ làm mình hài lòng.  

trong tan chia se chia khoa giup tinh yeu ben vung Bài 2: Những quán ăn Việt ghi dấu chân Anthony Bourdain, người đầu bếp đưa ẩm thực Việt ra thế giới
trong tan chia se chia khoa giup tinh yeu ben vung Bài 1: Người đàn bà biến quán ăn vỉa hè thành thương hiệu nổi tiếng thế giới “Lunch Lady”
trong tan chia se chia khoa giup tinh yeu ben vung NSƯT Việt Hoàn: "Cảm ơn những tháng ngày vất vả"

Giành giải thưởng lớn, được nhiều người biết đến và “hái ra tiền” nhờ giọng hát hay nhưng Trọng Tấn luôn giữ nếp sống giản dị. Khác hẳn vẻ sang trọng với complet, cà vạt trong những chương trình biểu diễn trên truyền hình, Trọng Tấn ở ngoài đời trẻ trung và dễ gần. Anh không ham xuất hiện nơi đám đông, không thích sự bóng bẩy, điệu đà, không đi quán bar, không xài đồ hiệu... Nếu các ca sĩ trẻ không tính nổi đã bỏ bao nhiêu tiền cho việc làm đẹp thì Trọng Tấn lại trái ngược hoàn toàn. Với anh, vẻ đẹp của người đàn ông là sự lịch thiệp.

trong tan chia se chia khoa giup tinh yeu ben vung
Ca sĩ - nghệ sĩ Trọng Tấn

Chỉ vì nghèo mà... học nhạc

“Hồi ấy, nhà tôi nghèo đến nỗi cả khu có điện rồi nhưng gia đình mình không thể mắc được. Thi thoảng ngày Tết bố câu điện trộm cho dùng”, Trọng Tấn mở đầu cuộc trò chuyện. Rất nhiều năm như thế, đến khi có điện, anh chàng bên rìa thành phố ấy thấy mình như có một sự đổi đời: “Có điện rồi, hàng ngày không phải chạy sang nhà bạn học nhờ hoặc không phải học dưới ánh đèn dầu nữa. Tôi rất nhớ những cảm giác ấy, cứ mỗi dịp Tết đến là lại cảm thấy tủi thân...”.

Khi hỏi về giấc mơ ngày bé, anh bảo: “Tôi có quá nhiều ước mơ bé tí, đáng yêu và tội lắm”. Chẳng hạn chỉ vì cái bánh Trung thu mà cậu bé Tấn từng ước: “Sau này khi làm ra được tiền chắc sẽ phải ăn cho thật đã”. Anh nói rồi cười: “Khi Trung thu được tổ dân phố phát bánh, mình cứ phải cắn dè cho thật lâu. Khi ăn phải đứng sát vào một góc để không ai nhìn thấy, không ai xin”. Trọng Tấn đã lớn lên bằng những chuyến hàng xáo (đong thóc, xát gạo rồi bán lại cho người dùng) của mẹ, đi học nhờ xe bạn đến tận lớp 12. Và thậm chí có nhiều bữa sáng, bạn bè đã góp tiền mua chung đồ ăn sáng rồi chia cho cậu bạn nghèo. Nhưng bất ngờ nhất khi Trọng Tấn bảo: “Cũng may vì nhà nghèo nên tôi mới thi vào Nhạc viện”.

Ước mơ ban đầu của Tấn là thi đỗ vào các trường Đại học Kiến trúc, Đại học Tài chính. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, để đỡ gánh nặng tài chính cho bố mẹ, Trọng Tấn lựa chọn thi vào Trung cấp thanh nhạc - Nhạc viện Hà Nội, vì nếu thi đỗ vào trường thì “bố mẹ sẽ không phải lo học phí cho mình”. Cũng may, quyết định này đối với Tấn lại là một “sự lựa chọn hoàn hảo”.

Ban đầu, lặn lội từ Thanh Hóa ra Hà Nội, xin vào lớp cô Minh Huệ (vợ NSND Trần Hiếu), Trọng Tấn mong muốn được phổ cập kiến thức sơ đẳng về âm nhạc để có thể hỗ trợ trong kỳ thi sắp tới. Nhưng thời gian quá gấp gáp, 12 ngày làm sao có thể dạy được một thí sinh với kiến thức âm nhạc là “con số không” tròn trĩnh như Tấn đây, nên tốt nhất quyết định là không nhận - Trọng Tấn chia sẻ lời cô Minh Huệ lúc đó.

Tấn lủi thủi đi về, sang phòng anh bạn cạnh đó chơi, vừa tranh thủ đệm đàn, hát thì thầy Trần Hiếu đi qua, nghe được tiếng hát hiếm có đó ngay lập tức thầy đã quyết định nhận Trọng Tấn làm “đệ tử”. Không ngờ, cậu học trò nghèo đã xuất sắc vượt qua rất nhiều thí sinh để lọt vào tốp 3 người thi đỗ kỳ thi năm đó. “Lúc ấy, trong danh sách có hàng ngàn cái tên, Vũ Trọng Tấn được vinh dự xướng tên một cách trang trọng. Cùng với tôi lúc đó, còn có chị Bích Thủy, anh Quốc Khánh nữa”, Trọng Tấn nhớ về khoảnh khắc bước ngoặt cuộc đời mình.

Giữa những năm 90 của thế kỷ trước, khi Trọng Tấn nhập học, bố mẹ anh chỉ chu cấp được cho con trai 180 đồng/tháng. Tấn hòa nhập với cuộc sống đắt đỏ ở Thủ đô bằng cách tự đi chợ nấu cơm để tiết kiệm chi phí. Phòng có gần chục đàn ông góp gạo thổi cơm chung. Đang tuổi ăn tuổi lớn mà cứ phải bóp mồm bóp miệng. Tấn khéo tay, được giao làm đầu bếp chính, và anh có toàn quyền sai phái người này nhặt rau, người kia nhóm bếp... Cuối tháng là thời gian cả phòng sợ nhất. “Anh nuôi” Trọng Tấn phòng xa đã phải đong gạo đầy thùng trước cả tuần. Những bữa cơm cuối tháng chủ yếu ăn cho no bụng. Để lùa trôi bát cơm gạo hẩm những ngày nóng, Tấn sáng kiến úp thêm một hai gói mì tôm lấy nước chan cho dễ nuốt. Khi gạo cạn thì nấu cháo. Trong lúc Tấn hì hục tra tra, nếm nếm, một cậu trong phòng phải trổ hết tài miệng lưỡi sang phòng nữ xin tí dầu ăn về đổ vào nồi cháo cho có “màu mè”.

Năm 1997, khi là sinh viên năm thứ hai thì Tấn bắt đầu đi hát phòng trà, hát đám cưới để cải thiện thu nhập. Thù lao cho sinh viên chẳng đáng là bao, nhưng giúp bữa cơm được thêm mớ rau, con cá khô. Cũng trong năm đó, Trọng Tấn giành giải nhất cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội”. Anh kể: “Giải nhất năm đó được thưởng 1,5 triệu đồng, đủ để tôi mua một chiếc xe đạp làm phương tiện đi lại ở Hà Nội”. Hai năm sau, Trọng Tấn tiếp tục giành giải nhất cuộc thi “Giọng hát hay truyền hình toàn quốc” và thực sự trở thành một gương mặt quen thuộc với khán giả cả nước. Anh ghi dấu ấn với những ca khúc cách mạng của các nhạc sĩ Huy Du, Hoàng Việt, Thái Cơ, Phan Huỳnh Điểu...

Sở hữu chất giọng tenor thính phòng đẹp và truyền cảm, làn hơi khỏe, chắc, đầy đặn, âm vực rộng... Trọng Tấn khi cần thể hiện những ca khúc nghiêm trang, hào hùng thì rất khí phách, nhưng khi cần thể hiện những ca khúc trữ tình thì cũng không kém phần sâu lắng, và ngay cả khi anh hát những ca khúc nhạc trẻ mang âm hưởng dân gian đương đại cũng rất nuột, rất tình. Người nghe cảm nhận được ở Trọng Tấn một giọng hát hết sức chỉn chu, chuẩn mực cùng căn bản nhạc lý vững vàng. Ngay cả những ca khúc đã gắn với tên tuổi của những bậc “tiền bối” như NSND Trung Kiên, NSND Quang Thọ, Kiều Hưng, Ngọc Tân... qua sự thể hiện của Trọng Tấn vẫn tạo được dấu ấn đẹp, đầy xúc cảm và riêng biệt.

Ấp ủ những dự định

Với năng lực chuyên môn giỏi, Trọng Tấn được Ban Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam giữ lại làm giảng viên thanh nhạc. Kinh nghiệm của những năm tháng “vừa học, vừa hành” đã giúp Trọng Tấn rất nhiều trong việc giảng dạy và ngược lại, việc giảng dạy cũng giúp cho Tấn có thêm nhiều kiến thức và hoàn thiện bản thân hơn. Nói về công việc của một giáo viên thanh nhạc, ngoài giọng hát là tố chất bẩm sinh của học trò và việc rèn luyện kỹ thuật ở trường lớp ra, thầy Trọng Tấn nói rất nhiều về câu chuyện thẩm mỹ âm nhạc của người nghệ sĩ. Không có thẩm mỹ, người nghệ sĩ sẽ không thể xác định được con đường mình sẽ đi trong tương lai, họ sẽ không tạo nên bản sắc và cá tính nghệ thuật của riêng mình và không có một ảnh hưởng thực sự đáng kể đến công chúng.

trong tan chia se chia khoa giup tinh yeu ben vung

Thẩm mỹ không phải chỉ là câu chuyện của áo quần thời trang lấp lánh bên ngoài mà nó là sự kết tinh của hiểu biết, tri thức trong tâm hồn mỗi người. Trọng Tấn khuyến khích các học trò của mình đọc sách, đặc biệt là các tác phẩm văn học. Những giọng hát mà không chứa một hàm lượng tri thức, trải nghiệm, hiểu biết đáng kể bên trong thì nó chỉ là cái vỏ rỗng, rất khó để mang tới cho khán giả sự rung động. Trọng Tấn quan niệm, âm nhạc bác học, trong đó có âm nhạc chính thống chính là “đền thờ” của âm nhạc nói chung, vì nó là tinh túy nhất, và người nghệ sĩ phải đạt đến những “chuẩn mực” cần thiết. Và, để đi đường dài với nó, rất cần một sự hi sinh, một sự dấn thân không ngần ngại, không tính đếm của người nghệ sĩ.

Tận tụy với học trò, thầy Trọng Tấn rất được các em quý mến, ngưỡng mộ. Thế nhưng vào năm 2013, Trọng Tấn lại gửi đơn xin nghỉ việc, quyết định từ bỏ sự nghiệp tại ngôi trường đào tạo nghệ thuật mà anh đã gắn bó gần chục năm. Nghe tin, rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp, bên cạnh sự ngạc nhiên là thái độ tỏ ra nuối tiếc, nhất là thời điểm đó anh cũng đang chuẩn bị làm luận án tiến sĩ. Tuy nhiên, cũng rất nhiều khán giả mến mộ Trọng Tấn lại ủng hộ quyết định của anh, bởi họ cho rằng, nếu cứ khép mình trong công việc đào tạo thì anh không có nhiều thời gian để cống hiến cho nghệ thuật. Trong khi công chúng yêu mến nghệ thuật âm nhạc luôn từng phút, từng giờ, đòi hỏi được hưởng thụ nghệ thuật ca hát chân chính đầy cuốn hút từ anh. Với họ, khi Trọng Tấn không còn bị bó buộc về công việc và thời gian thì anh sẽ dành trọn sức mình để phục vụ khán giả, phục vụ bộ môn nghệ thuật mà sở trường của anh là biểu diễn phục vụ công chúng.

Trả lời thắc mắc về việc bỏ dạy, Trọng Tấn cho biết: “Tôi đã đi một chặng đường dài trong công tác giảng dạy và nhân lúc mình đang còn trẻ thì hãy dành cho các dự án âm nhạc, sau đó sẽ quay lại để giảng dạy. Đó không phải là chuyện tôi không thích dạy nữa thì nghỉ, mà đó chỉ đơn giản là sự sắp xếp, ưu tiên việc nào trước, việc nào sau mà thôi”. Cho dù, ở đâu đó, tiếng xì xầm về việc rời Học viện Âm nhạc của Trọng Tấn vẫn râm ran, nhưng anh biết con đường mình đi có đích đến. Nam ca sĩ không giấu giếm việc anh nghỉ dạy là để hướng đến những mục tiêu lớn hơn cho âm nhạc, trong đó có việc làm liveshow hàng năm, ra album và lớn hơn là mở công ty tổ chức biểu diễn.

Để đi đến hôm nay, Trọng Tấn nói không bao giờ quên những người bạn thuở ấu thơ đã từng thay nhau chở anh đến lớp vì không có xe đạp. Cũng một trong số những người bạn ấy đã cùng anh ra Hà Nội xem trường nhạc dài rộng thế nào. Họ cùng nhau đi lạc ở Thủ đô ngày ấy. Nhưng bây giờ mỗi người đã một cuộc đời riêng. Trọng Tấn cũng không quên nhắc đến một người mà anh coi như cha, đó là bác lái xe cho Sở Giáo dục - Đào tạo Thanh Hóa những năm 1990. Người đàn ông đó đã vận chuyển gạo từ Thanh Hóa ra Nhạc viện cho anh, thỉnh thoảng thương đứa cháu còi cọc đã dúi cho vài chục bạc lẻ. Nhưng với chàng ca sĩ này, đó là những món quà tặng mà anh suốt đời tri ân. Con đường Trọng Tấn đang đi như là duyên phận. Anh đã biến một gia đình thị dân nghèo trở thành một gia đình âm nhạc. Bằng chứng là, hai em trai sinh đôi của Trọng Tấn bây giờ một người làm thu âm, một người làm phối khí. Và cả người phụ nữ gắn với anh từ thiếu thời cũng theo chồng về trường nhạc. Con đường Trọng Tấn đi chưa dài, nhưng đủ để anh nhận biết với âm nhạc, anh có món nợ về duyên phận.

“Chìa khóa” giúp tình yêu bền vững

Trong giới ca sĩ, không ít người gọi Trọng Tấn là “người đàn ông của gia đình”, vì anh rất thương yêu vợ con, chăm chút cho tổ ấm của mình. Nói về ngôi nhà khang trang mà gia đình anh đang ở, Tấn tự hào có được nó bằng sức lao động cần cù, chắt bóp chi tiêu, tối giản các nhu cầu phù phiếm khác của người nghệ sĩ. Trong suốt cuộc trò chuyện, Tấn nhắc rất nhiều về Thanh Hoa, vợ anh. Họ quen nhau từ thời học phổ thông, Tấn học trên Hoa một lớp, lớp anh học buổi sáng, chị học buổi chiều. Hồi đó, Tấn hay làm thơ tặng Hoa và thường để thơ ở dưới ngăn bàn. Những vần thơ học trò tỏ tình ngây ngô nhưng đầy chân thật cộng với giọng hát hay hiếm có thời bấy giờ khiến Hoa yêu anh lúc nào không hay biết.

trong tan chia se chia khoa giup tinh yeu ben vung
Trọng Tấn cùng vợ và hai con

Trọng Tấn chia sẻ: “Người ta bảo mối tình tuổi học trò thường tan vỡ nhưng tôi và bà xã may mắn là một ngoại lệ. Chính vì quen, yêu nhau từ những ngày tay trắng nên tình yêu của chúng tôi bền vững sau bao nhiêu giông tố cuộc đời”. Thanh Hoa tốt nghiệp khoa Quản trị kinh doanh trường Đại học Công Đoàn và khoa Tiếng Anh trường Đại học Ngoại ngữ. Xinh đẹp và năng động, nhưng chị từ bỏ giấc mơ làm việc ở công sở mà tình nguyện ở nhà chăm sóc Tấn Đạt và Hoa Thảo Nguyên để ông xã phấn đấu trên con đường học vấn và âm nhạc. Việc chồng thôi giảng dạy ở Học viện Âm nhạc Quốc gia cũng vậy, chị Hoa không thấy băn khoăn bởi điều đó xuất phát từ việc chị luôn đặt niềm tin ở chồng. “Anh Tấn là người có lòng tự trọng cao và tâm huyết với nghề. Nếu làm cùng lúc hai việc là giảng dạy và biểu diễn thì anh cảm thấy mình sẽ không hoàn thành một cách trọn vẹn, ảnh hưởng đến công việc chung”, chị Hoa nói.

Khi được hỏi: Lấy tình đầu, anh có bao giờ tiếc, có bao giờ xuất hiện những phút giây xao lãng, Trọng Tấn cười: “Tôi không đo được đến mức độ nào thì bị gọi là xao lãng, còn vợ mình, mình không biết được cụ thể những giây phút ấy đã diễn biến ra sao”. Và với người phụ nữ bên anh cũng như trái tim nghệ sĩ, anh luôn hiểu, là vợ chồng rồi, góc lãng mạn sẽ không được thường xuyên nhưng nó sẽ có, chỉ là nó chuyển sang một trạng thái khác, ở những thời gian khác lúc yêu.

Giọng ca “Tiếng đàn bầu” cho biết, chuyên gia tư vấn về làm đẹp của anh không ai khác chính là bà xã Thanh Hoa. Vợ anh thường cùng chồng đi mua sắm, nhắc nhở anh hạn chế ăn uống, giúp anh trang điểm khi lên sân khấu. Ngược lại, Trọng Tấn chiều vợ theo cách riêng: mỗi lần đi nước ngoài diễn anh không quên mua nước hoa tặng nàng. Thỉnh thoảng để “nịnh” vợ, Trọng Tấn lại nghêu ngao hát: “Đêm đã qua những ngang trái, giữa đời hát về em cho anh không buồn nữa, một lần thương một lần nhớ về kỷ niệm xưa đầy chơi vơi... Anh xin em một góc sân lùa gió, anh mong đêm về anh ngủ tóc em...”.

Dù Thanh Hoa không chuyên về âm nhạc, nhưng Trọng Tấn lúc nào cũng tin tưởng vào sự cố vấn của vợ. Anh lý giải: “Có lẽ vì chúng tôi là... vợ chồng, từ quyền lợi đến mọi thứ đều là của nhau thì không có lý gì để không hiểu và làm tất cả vì nhau. Tôi thấy nhiều đôi vợ chồng sống “lạc” nhau, ai làm gì thì làm dù rằng vẫn tôn trọng nhau, gần như chỉ đơn giản là chung một mái nhà. Tôi lại nghĩ khác, hai vợ chồng ít ra phải là hai người bạn. Nếu không hiểu thì rất dễ bị hẫng. Cũng may tôi và vợ không bị rơi vào cảm giác đó”.

Hiểu nhau là thế, nên khi được hỏi: “Lấy tình đầu, anh có bao giờ tiếc, có bao giờ xuất hiện những phút giây xao lãng”. Trọng Tấn cười: “Tôi không đo được đến mức độ nào thì bị gọi là xao lãng, còn vợ mình, mình không biết được cụ thể những giây phút ấy đã diễn biến ra sao”. Và với người phụ nữ bên anh cũng như trái tim nghệ sĩ, anh luôn hiểu, là vợ chồng rồi, góc lãng mạn sẽ không được thường xuyên nhưng nó sẽ có, chỉ là nó chuyển sang một trạng thái khác, ở những thời gian khác lúc yêu.

Mỗi khi rảnh rỗi, chàng ca sĩ thích được trổ tài nấu nướng “chiêu đãi” vợ con. “Tôi nấu ăn chưa thấy ai chê cả. Tôi cũng là người thích ăn cơm nhà. Nên đi làm xa, nếu muộn một chút vẫn cố gắng về. Tôi ngại ăn hàng quán, ngại không phải vì sợ không sạch mà ngại về mặt không gian. Về nhà mình có thể thoải mái, có vợ, có con xung quanh, cảm giác không thể có ở bên ngoài...”, anh dí dỏm. Nhiều lần vợ con phải tự đi du lịch với bạn bè, Trọng Tấn cảm thấy rất áy náy và có lỗi vô cùng, nhưng vì lịch diễn đã ký từ trước nên không thể bỏ được. Có những lúc, vì cảm thấy con mình quá thiệt thòi nên Trọng Tấn thường tranh thủ khi vắng show dẫn các con đến những địa điểm vui chơi để các con được chơi như chúng bạn.

Dẫu trái tim người nghệ sĩ vẫn biết “chẳng bao giờ thấm hết được vào nhau”, nhưng cảm giác bình yên mà vợ và hai đứa con mang lại cho anh, đủ để Trọng Tấn biết, anh đã đi đến trạng thái vững chắc của hạnh phúc... Hiện tại Vợ chồng ca sĩ Trọng Tấn hiện sở hữu một biệt thự ở Hà Nội và một nhà vườn ở Thanh Hóa. Một thời gian, dư luận xôn xao nhà vườn của Trọng Tấn trị giá hàng triệu USD. Tuy nhiên, nam ca sĩ cho rằng chi phí của căn nhà chắc chỉ bằng một phần nhỏ của tin đồn.

Kỹ thuật thanh nhạc đã đạt đến đỉnh cao

trong tan chia se chia khoa giup tinh yeu ben vung
NSND Quang Thọ

Nói về ca sĩ - nghệ sĩ Trọng Tấn, NSND Quang Thọ chia sẻ: Tấn là lứa nghệ sĩ đương thời có giọng hát bẩm sinh ngọt ngào làm say đắm lòng người, qua những tình khúc thấm đượm màu dân ca, được gọt giũa bởi kỹ thuật thanh nhạc đã đạt đến đỉnh cao với việc tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia VN. Trọng Tấn đang là một trong những giọng ca được mọi thế hệ, tầng lớp khán giả yêu mến và trở nên vô cùng thân quen với khán giả khắp các vùng, miền đất nước, không chỉ bởi giọng hát mà còn cả sự đức độ, khiêm tốn, lòng đam mê với âm nhạc và ca hát của anh. Giọng hát và con người Trọng Tấn sẽ còn đồng hành rất lâu với khán giả, những người yêu thích cái đẹp.

Trang Nhi