NSƯT Việt Hoàn: "Cảm ơn những tháng ngày vất vả"

Cập nhật: 17:01 | 14/04/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Theo đuổi dòng nhạc chính thống, kén người nghe, NSƯT Việt Hoàn nhanh chóng tạo được dấu ấn trong lòng công chúng với các ca khúc như “Những ánh sao đêm”, “Thành phố hoa phượng đỏ”, “Chảy đi sông ơi”, “Tình ta biển bạc đồng xanh”, “Đường chúng ta đi”... Giọng hát của Việt Hoàn lúc vút cao, lúc lả lướt, lúc lại như trần tình, giãi bày; anh có thể lên cao, xuống trầm rất nhuần nhuyễn, kỹ thuật, không bị lệch tông hay đổ giọng. Những biểu cảm trên gương mặt Việt Hoàn mỗi khi anh hát cứ khiến người ta liên tưởng rằng, dường như bao nhiêu nỗi nhọc nhằn của vùng đất quê hương Thái Bình đang hiển hiện trên gương mặt người ca sĩ...  

nsut viet hoan cam on nhung thang ngay vat va NSƯT Xuân Bắc hé lộ những hình ảnh đầu tiên của Táo quân 2019
nsut viet hoan cam on nhung thang ngay vat va Từ một nữ ca sĩ trở thành “bà hoàng” với thương hiệu thời trang của riêng mình, cô là ai?

Bây giờ, như Việt Hoàn tự đánh giá, anh có mức sống trung lưu của nghệ sĩ hát nhạc cách mạng, nhưng anh không buông thả, xa xỉ. Những ngày sống cơ hàn từ thuở ấu thơ và khi mới lập nghiệp in đậm trong anh những kỷ niệm vừa đắng cay vừa ngọt ngào. Quá khứ ấy là cái nền vững chắc cho anh bước đi vững vàng trên con đường nghệ thuật. Anh tâm sự: “Do số phận không may mắn nên bố tôi mất sớm từ năm tôi 6 tuổi, mẹ tôi phải rất vất vả mới nuôi được 6 anh em tôi trưởng thành. Cả ngày bà chỉ ăn một bữa cơm trưa, chiều nhịn ăn chở một bao đạo cụ đi biểu diễn để lại suất cơm tối cho bầy con sáu đứa có cái ăn. Thuở bé mấy anh em chúng tôi chẳng ao ước gì ngoài việc được ăn một bữa thật no. Nhưng tôi cũng phải nói thật, tôi rất cảm ơn những ngày tháng vất vả, đau khổ ấy để tôi có được những cảm nhận và thăng hoa được trên sân khấu ngày hôm nay”.

nsut viet hoan cam on nhung thang ngay vat va

Đến với nghề nhờ cơ duyên

Nhiều người lầm tưởng Việt Hoàn là người Hải Phòng bởi anh sớm có tên tuổi ở Hải Phòng từ khi còn rất trẻ, nhưng thực ra anh sinh ra ở vùng quê chiêm trũng Thái Bình, trong một gia đình cả bố và mẹ đều là những nghệ sĩ cải lương. Hồi nhỏ, Việt Hoàn ca vọng cổ rất “mùi”, từng thuộc cả vở cải lương, đóng được tất cả các vai. Năm 18 tuổi, Việt Hoàn đoạt giải nhất trong một hội diễn văn nghệ của tỉnh Thái Bình. Chàng trai bé nhỏ, thư sinh nhưng có giọng hát âm vang, truyền cảm đã lọt vào mắt xanh của người phụ trách đội Văn nghệ Công an TP.Hải Phòng lúc bấy giờ và anh được mời về đội văn nghệ của công an. “Đó là năm 1985, tôi bước vào sự nghiệp với hai chiếc quần thì một chiếc phải vá chằng vá đụp”, Việt Hoàn kể.

Những anh em công tác cùng phòng khi đó còn nhớ như in hình ảnh Việt Hoàn nhỏ bé, gầy gò nhưng sáng nào cũng chưa đánh răng, rửa mặt đã “úp mặt” xuống cái miệng bể nước để “luyện thanh”. Đó là một kỹ thuật của những ca sĩ và anh sáng tạo dùng miệng bể nước để luyện tập. Người ta bảo, Việt Hoàn khi đó hát đã có hồn ghê lắm. Khi hát anh quỳ xuống, mắt đau đáu, có khi còn rơi nước mắt vì xúc động. Tiếng hát của anh được cất lên từ trái tim cùng sự biểu cảm dẫn người nghe vào thế giới cảm xúc của chính anh, cùng anh cảm nhận, thấu hiểu và chia sẻ. Thời gian 9 năm trong đội Văn nghệ công an thành phố, Việt Hoàn đã giành 2 huy chương vàng, 1 giải đặc biệt trong các kỳ hội diễn sân khấu, các cuộc thi.

Năm 1994, Việt Hoàn chuyển công tác sang Đoàn ca múa Hải Phòng. Anh nhớ lại, 3 năm sau, tức là năm 1997, anh quyết định lên Hà Nội vào Nhạc viện Hà Nội theo lời khuyên và sự dìu dắt của cố nghệ sĩ Lê Dung. Suốt 4 năm đại học, nhiều lời mời biểu diễn nhưng anh từ chối để tập trung học tập. Trong nhạc viện, Việt Hoàn được thầy cô truyền thụ cho những cái hay, cái đẹp của dòng nhạc chính thống, hay còn gọi là nhạc Đỏ, nhạc Cách mạng. Từ khám phá, anh bị chinh phục và đam mê cháy bỏng với dòng nhạc uyên bác, đầy tính nghệ thuật này. Hơn nữa, chất giọng vang, khoẻ, mạnh mẽ, tròn đầy và giàu cảm xúc của anh chính là dành cho dòng nhạc đó.

Tốt nghiệp Nhạc viện, trường đại học danh giá của những ca sĩ, anh đầu quân vào Nhà hát Nhạc nhẹ Việt Nam, một nhà hát cũng danh giá. Ở đó 5 năm, từ 2001 đến 2006, anh ra sức khổ luyện để sao cho kỹ thuật hoàn chỉnh, trau dồi kinh nghiệm, vốn sống để tâm hồn giàu có cảm xúc. Khó khăn, vất vả, Việt Hoàn vẫn cố gắng vượt qua, phấn đấu đạt đến độ chuẩn của nghề, đáp ứng được sự đòi hỏi cao của dòng nhạc chính thống và chinh phục sự khó tính của cả những khán giả yêu dòng nhạc này. Anh nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2006 và sau đó chuyển sang Đài tiếng nói Việt Nam công tác.

Người ta biết và nhớ một Việt Hoàn có già đi theo tuổi tác thời gian nhưng niềm đam mê nghề không vơi cạn với một nỗ lực, ý chí, khát vọng vươn lên khẳng định mình, chinh phục và ở lại trong tim khán giả. Con đường đó đầy chông gai, thử thách và cả những giọt mồ hôi, giọt nước mắt. Chính vì thế mới là Việt Hoàn, con đường thành công không hoa hồng, không thảm đỏ.

Trong cuộc trò chuyện, chính anh cũng tâm đắc với điều đó. Cái thuở ban đầu rời làng quê lúa ra Hải Phòng, Việt Hoàn cứ bị ám ảnh bởi cái nghèo, cái khó của mẹ anh. Một người phụ nữ tài sắc, một nghệ sĩ cải lương chân chính nhưng chồng mất sớm, ở vậy vừa rèn giũa theo nghề vừa chắt chiu nuôi con. Khi ấy anh còn nhỏ, thấy mẹ mình đẹp quá, tài hoa quá, vậy mà cũng nghèo quá. Cả ngày bà chỉ ăn một bữa cơm trưa, để dành cơm gạo nuôi 6 người con, Hoàn là út. Mỗi khi sẩm tối, anh thường đứng ở cửa nhà nhìn theo dáng mẹ hao gầy gò lưng trên chiếc xe đạp, hành trang nghệ sĩ đựng trong chiếc ba lô bộ đội đi diễn xa hai ba chục cây số và tới tận khuya mới về nhà.

nsut viet hoan cam on nhung thang ngay vat va
Vợ chồng ca sĩ Việt Hoàn.

Cái nghèo, cái vất vả của mẹ từng khiến chàng trai quê lúa không muốn đeo đuổi nghiệp ca sĩ. Nhưng rồi, như một duyên nợ, anh vẫn hát, vẫn đứng trên sân khấu và thành danh. “Nói thật là trước kia tôi từng sợ nhất cái nghèo. Mẹ tôi cả đời đi hát cũng vẫn nghèo. Nhưng hình như số tôi “ăn” về... hậu vận thì phải. Cuộc sống của tôi cái gì đến cũng chậm, song chậm mà chắc. Bây giờ, tôi đã có mức sống trung lưu của nghệ sĩ hát nhạc cách mạng. Tôi rất cảm ơn những ngày tháng vất vả, đau khổ ấy để tôi có được những cảm nhận và thăng hoa được trên sân khấu ngày hôm nay”, anh nói.

“Tôi có bản mặt được nhiều người thương”

Không như những ca sĩ theo dòng nhạc trẻ, có thanh, có sắc, được đón nhận nồng nhiệt, Việt Hoàn đã phải nỗ lực hết mình để có thể khẳng định mình, đi lên bằng chính tài năng và tiếng hát của mình. Anh lại chọn dòng nhạc chính thống, một dòng nhạc kén người nghe bởi những ca khúc có phần khô khan. Lên sân khấu, chỉ là áo sơ mi, cà vạt hay comple chỉnh tề, không có vũ đoàn phụ hoạ, không nhảy nhót... Việt Hoàn dồn tất cả tình yêu, niềm đam mê, kỹ thuật, tất cả vào giọng hát để rồi giọng hát ấy chinh phục người nghe.

Hỏi Việt Hoàn: Những ngày đầu, là nghệ sĩ trẻ, khi hát những bài hát nhạc đỏ, vốn là tâm thế của thời đại mà cha ông đã sống, anh làm thế nào để chuyển tải hết tinh thần của mỗi bài hát mà người nhạc sĩ muốn gửi gắm? Về điều này, Việt Hoàn chia sẻ: “Chúng tôi biết đến chiến tranh là qua những lời kể của ông bà, cha mẹ cùng với những người xung quanh. Chúng tôi đọc các tài liệu, đọc sách, xem phim ảnh, báo chí, truyền hình... Tất cả là để có được một “vốn sống” về quá khứ của dân tộc. Cái mà một người ca sĩ trẻ hôm nay có thể thổi vào các ca khúc Cách mạng là phải hát bằng một niềm tự hào về quá khứ ấy. Sự trẻ trung, sức sống của mỗi ca khúc còn lại với thời gian được chúng tôi hòa âm, phối khí theo một phong cách mới hơn để vẫn được khán giả chấp nhận, hưởng ứng. Chúng tôi hát bằng tâm thế của chính chúng tôi, những người trẻ ngày hôm nay, với một thông điệp rằng, cho dù được thừa hưởng những thành quả của văn minh, tiến bộ, được sống trong hòa bình, tự do, nhưng chúng tôi không bao giờ lãng quên quá khứ”.

Sự chân thành trong ứng xử, trong biểu diễn là điều dễ nhận thấy ở Việt Hoàn. Trước hết, đó là sự chân thành đối với những tác phẩm âm nhạc. Anh nghiên cứu kỹ, tập kỹ, trên cơ sở thấu hiểu tác phẩm làm bật ra những cảm xúc của chính mình, từ đó hát có hồn, truyền tải được những điều mà nhạc sĩ muốn gửi gắm đến người nghe. Đã có lần anh vào tận trại cải tạo phạm nhân quan sát các đồng chí làm công tác quản giáo khi nhận hát bài hát về ngành An ninh. Với ca khúc “Bên dòng sông Cái”, Việt Hoàn đến tận nhà nhạc sĩ Phó Đức Phương tập đến khuya để nhập tâm những tư duy của tác giả ẩn chứa trong tác phẩm.

May mắn là Việt Hoàn có những người thầy mẫu mực như cố NSND Lê Dung, thầy Bùi Gia Khánh... đều là những kho kiến thức sống, không những chỉ dạy về nghệ thuật mà còn dạy rất nhiều điều tốt đẹp mà người nghệ sĩ chân chính cần có. “Không hiểu sao trên quãng đường nghệ thuật, tôi hay gặp nhiều người giúp đỡ. Do cách sống hay do bản mặt của mình, lúc mới gặp, ai cũng cảm tình, thấy thương thương rồi quý”, anh tâm sự.

Hàng chục năm đi hát nhưng đến nay, Việt Hoàn số lượng album được phát hành mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, chứng tỏ cách làm nghệ thuật thận trọng, có trách nhiệm của mình. Anh tự răn mình sống chừng mực, điềm đạm, tránh những xô bồ, thể hiện đẳng cấp từ việc hát những chương trình lớn và không bao giờ hét giá cát-sê: “Tôi chưa bao giờ cho phép mình nhận show bừa bãi. Tôi luôn cân nhắc trước mỗi lời mời, xem show diễn đó có đáng để mình bỏ sức ra không. Tôi chỉ chấp nhận những chương trình hát thật, không bao giờ hát nhép. Tôi đưa ra cát-sê để họ có thể chấp nhận mình và mình chấp nhận họ. Tôi chỉ nghĩ, mình làm nghệ thuật, cái quý nhất là mang nghệ thuật đến với khán giả và sự bù đắp lại của xã hội, công chúng đem lại cho mình thế nào, mình hưởng như thế”.

Cùng với Đăng Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàn đã tạo nên một tam ca nhạc chính thống nổi tiếng. Lần đầu tiên đứng cùng nhau trên sân khấu, ba chàng trai đã gây một ấn tượng mạnh khi trình bày ca khúc nổi tiếng “Việt Nam trên đường chúng ta đi” của nhạc sĩ Huy Du. Và cũng từ đây, ba cái tên, ba gương mặt luôn được nhắc cùng nhau và họ trở thành một nhóm hát không thể thay thế.

Việt Hoàn không bon chen, chèn đẩy người khác, có lúc biết ẩn mình đi cho nghệ thuật thăng hoa. Anh bảo: “Hát tập thể thì phải biết nhường nhịn để phát huy hết sở trường của từng người”. Khi “bộ ba nhạc đỏ” cùng kết hợp, anh luôn khiêm nhường ở vị trí bè trầm - cái bè không được vang lên dẫn dắt bài hát, mà luồn sâu trong suối âm thanh, tạo nên sự ấm áp, sâu lắng. Ngay cả khi được hỏi về thứ bậc trong tam ca, anh luôn nhận mình là người đứng sau nhất, và mỗi người có những cảm thụ riêng, giọng ca có nét đẹp riêng, chỉ có điều phải biết vì nhau để cùng thành công. Chính sự vì nhau của họ đã làm nên tên tuổi của “Ba chàng ngự lâm” hát nhạc đỏ Việt Hoàn, Trọng Tấn, Đăng Dương.

Bí quyết giữ vợ trẻ

Không được ưu ái về “sắc”, chàng ca sĩ chuyên dòng nhạc đỏ vẫn có cái “thanh” buộc người ta phải nhớ đến. Và may mắn hơn Trương Chi trong truyện cổ, anh hạnh phúc bên người con gái xinh đẹp, trẻ trung. NSƯT Việt Hoàn gặp Diễm Hoa, vợ anh, khi anh có chương trình biểu diễn tại buổi tổng kết năm của một công ty. Diễm Hoa làm cán bộ chuyên trách đoàn nên cũng đến để theo dõi chương trình. Kết thúc buổi diễn, chị nhắn tin cho Việt Hoàn: “Hôm nay anh hát rất hay”. Thấy giọng nhắn tin của Hoa tình cảm, có vẻ dễ gần nên Việt Hoàn nhắn tin lại và rồi hai người thành quen nhau.

“Tôi “chết mê” cô ấy bởi nụ cười vô tư, hào sảng và phóng khoáng vô cùng. Nụ cười của người không toan tính, rất thoải mái. Tiếp xúc ít lâu thì tôi lại càng nhận thấy Hoa tạo cho tôi một niềm tin vững chắc, một sự an toàn và đầy trung thực, không màu mè. Tôi rất thích tuýp phụ nữ như thế, ở bên cạnh khiến mình được yên tâm hoàn toàn”, Việt Hoàn chia sẻ. Còn Hoa, anh biết ngoài mến tài của anh thì Hoa mến anh bởi sự chân chất, hiền hòa trong cuộc sống. Cứ thế, tình duyên đến với họ mỗi ngày càng thắm đượm. Ngặt một nỗi, Việt Hoàn hơn Diễm Hoa gần 20 tuổi, cũng vì sự chênh lệch tuổi tác quá lớn ấy mà bố mẹ Hoa đã cấm đoán gay gắt tình yêu của đôi trẻ. Nhưng cô gái con một muốn gì được nấy đã nhất quyết phải lấy bằng được Việt Hoàn. Cuối cùng, bố mẹ cô cũng đành chấp thuận và kết quả là một đám cưới viên mãn.

nsut viet hoan cam on nhung thang ngay vat va
Gia đình hạnh phúc của ca sĩ Việt Hoàn.

Việt Hoàn bảo, ra đường, anh có thể là một ca sĩ nổi tiếng, đi đây đó có người đón đưa, chào mừng, nhưng về nhà anh xác định mình là người đàn ông bình thường chăm lo cho gia đình. Việc đóng đinh, sửa điện, sửa cái cánh cửa bị gió giật hỏng... là việc anh phải đảm nhận, không bao giờ vợ anh phải ngó ngàng đến. Nhưng, ngược lại, việc cái cúc áo của anh hỏng, chiếc áo của con bị tuột chỉ... là việc của vợ. Ban đầu, anh thấy đường khâu của vợ không đẹp, anh góp ý khéo rằng em khâu cái này chưa được đẹp lắm, em thử xem lại những nốt khâu của mẹ em xem sao... Làm nghệ thuật nên Việt Hoàn cũng cố gắng xử lý mọi việc rất nghệ thuật, mềm dẻo, dịu dàng sao cho dễ nghe nhất. Cứ khéo léo thế, vừa chiều vợ những việc mà vợ thấy rõ là cần bàn tay của người đàn ông, lại vừa hướng vợ đến việc chiều những mong muốn về hình ảnh người phụ nữ giàu nữ tính của mình, giờ đây Việt Hoàn tự hào là mình đã biến vợ từ chỗ không hề biết may vá đến giờ đã trở thành người phụ nữ tháo vát.

Sau hơn chục năm chung sống với nhau, Việt Hoàn dám tự tin nói rằng mỗi ngày vợ anh càng yêu anh hơn. Anh nhìn thấy điều đó trong sự thay đổi của vợ từ khi mới lấy nhau đến giờ. Anh biết, con người ta không bao giờ là hòn bi tròn trịa mà mỗi người đều có những khiếm khuyết, yêu nhau, thương nhau thì mỗi người cần khắc phục những khiếm khuyết đó để làm hài lòng nhau. Cái sự nữ tính dần lên mỗi ngày của vợ là cách mà Việt Hoàn thấy chị đã hết lòng vì anh.

Việt Hoàn không phải típ người lãng mạn, thậm chí vợ anh thường nói: “Anh là người đàn ông tốt, yêu thương vợ con nhưng... khô tính lắm”. Anh ít khi tặng hoa cho vợ, nhưng anh lại chiều chuộng đam mê thời trang của vợ. Thi thoảng, đi trên đường hay đi diễn, thấy có cái váy hay cái áo, cái đầm dạ hội ưng mắt là anh lại ghé vào mua tặng vợ làm quà. Tuy nhiên, những món quà anh tặng đó chỉ để treo làm kỷ niệm chứ không để mặc vì hình như anh chẳng bao giờ chọn hợp ý, hợp dáng vợ anh. Cuối cùng là món đồ mua bằng sự vụng về đáng yêu của người đàn ông cứ nằm nguyên trong tủ, lúc nào cũng tươi nguyên như những kỷ niệm đẹp.

Bản tính Việt Hoàn yêu trẻ con, khi sinh con anh được phát huy cái tình yêu đó nên lúc nào cũng chia sẻ việc chăm con với vợ. Anh không ngần ngại chuyện vệ sinh cho con, thậm chí còn thích thú những công việc vặt như thế. Anh sẵn sàng chạy đi mua bỉm, mua sữa cho con, chỉ có điều bỉm chẳng bao giờ nhớ cỡ và sữa không bao giờ nhớ chủng loại. Anh cũng chẳng bao giờ nề hà việc chăm sóc con để vợ anh có thể đi chơi cùng bạn bè, mua sắm hay đi xem những show diễn nào đó mà cô thích. Mà đã giao con vào tay anh là yên tâm hoàn toàn vì Việt Hoàn còn cho con ăn giỏi hơn cả vợ.

Chừng ấy năm chung sống, vợ chồng anh hiểu hết tính khí của nhau. Giờ anh chỉ cần nhìn phản ứng của vợ là đã đọc được trong đầu cô đang nghĩ gì, muốn gì. Vợ anh cũng thế, nhìn thái độ của anh là biết suy nghĩ của anh. Việt Hoàn thấy thú vị nhất là dường như vợ chồng anh luôn có chung một mạch xúc cảm nào đó, mà đôi khi có vấn đề nào, hiện tượng nào xảy ra, bất chợt cả hai vợ chồng cùng đồng thanh nói đến và cùng cười hạnh phúc khi thấy cùng suy nghĩ với nhau.

Trong môi trường nghề nghiệp thường xuyên tiếp xúc với nhiều người đẹp, Việt Hoàn thú nhận: “Thấy phụ nữ xinh ai chẳng thích, chẳng mê. Đó là điều bình thường vì con người mà, ai cũng bị rung động trước cái đẹp, nhưng khi đã có gia đình, mình phải biết kìm nén, kiềm chế những ham muốn tham lam ấy; phải có giới hạn và biết đặt ra giới hạn cho chính mình. Tôi nghĩ những người khôn ngoan là những người biết đặt giá trị gia đình lên trên hết”.

Vợ chồng Việt Hoàn vẫn thường tìm cách gia tăng tình cảm, thổi sự lãng mạn vào đời sống bằng cách thi thoảng “trốn” con ra ngoài đi ăn với nhau, ngồi cà phê ôn lại những kỷ niệm xưa cũ cùng nhau. Việt Hoàn vẫn luôn nghĩ, dù cuộc sống có bận rộn thế nào thì thi thoảng chỉ dành một thế giới riêng cho hai người, vứt bỏ hết những lo toan là điều luôn luôn cần cho hạnh phúc. Đó cũng là bí quyết Việt Hoàn làm trẻ tâm hồn mình cùng cô vợ trẻ. “Chúng tôi luôn thấy mình “vừa vặn với nhau”. Đàn ông già bằng... đàn bà trẻ mà”, Việt Hoàn cười rổn rang.

Một người vợ xinh đẹp, 3 đứa con ngoan ngoãn, với Việt Hoàn thế là đủ cho cuộc sống, anh bằng lòng, không ham hố, không bon chen, chỉ có một khát vọng cống hiến cho khán giả tiếng hát, tiếng lòng của mình...

Trang Nhi

Tin liên quan