Triển vọng 2 ông lớn ngành thép dưới góc nhìn của SSI Research

Cập nhật: 12:08 | 11/01/2024 Theo dõi KTCK trên

Trong báo cáo triển vọng ngành thép năm 2024 vừa cập nhật, SSI cho biết, thép là ngành mang tính chất chu kỳ. Tổng sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong nước năm 2023 chứng kiến sự sụt giảm do ảnh hưởng của nền kinh tế vĩ mô cũng như thị trường bất động sản nói riêng...

Theo SSI, trong 11 tháng đầu năm 2023, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng, tôn mạ và ống thép lần lượt giảm 13,5%, 6% và 0,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tình hình năm 2023 khá giống năm 2012, thời điểm nhu cầu thép xây dựng cũng giảm khoảng 7% do tăng trưởng GDP giảm tốc và thị trường bất động sản đóng băng.

Triển vọng 2 ông lớn ngành thép dưới góc nhìn của SSI Research

SSI kỳ vọng tổng sản lượng tiêu thụ thép sẽ tăng hơn 6% trong năm 2024, trong đó tiêu thụ nội địa đạt mức tăng trưởng gần 7%. Kênh nội địa đã có những dấu hiệu phục hồi đầu tiên vào cuối năm 2023 khi sản lượng tiêu thụ từ tháng 9 đến tháng 11 đã tăng 13% so với cùng kỳ, sau khi giảm 20% trong 8 tháng đầu năm 2023.

Mức tiêu thụ thép trong năm 2024 sẽ được hỗ trợ nhờ tình hình vĩ mô và thị trường bất động sản khởi sắc hơn. Trong chu kỳ trước, tiêu thụ thép xây dựng năm 2013 đã tăng khoảng 3% so với mức đáy năm 2012.

Triển vọng 2 ông lớn ngành thép dưới góc nhìn của SSI Research
Nhu cầu thép xây dựng so với mức tăng trưởng GDP (Nguồn: SSI)

Về giá thép, SSI cho rằng có thể đã chạm đáy và cải thiện trong năm 2024 do cung cầu cân bằng hơn. Sản lượng sản xuất thép của Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm 2023 tăng 1,5% so với cùng kỳ, đạt 952 triệu tấn. Tuy nhiên, nếu xét theo tháng, sản lượng sản xuất thép của Trung Quốc gần như liên tục giảm từ mức đỉnh 95,7 triệu tấn trong tháng 3 xuống còn 76,1 triệu tấn trong tháng 11, do nhu cầu yếu và chi phí nguyên vật liệu tăng cao, trong khi biên lợi nhuận của các công ty thép đã giảm xuống mức thấp.

Sản lượng sản xuất của Trung Quốc sụt giảm cũng khiến sản lượng toàn cầu giảm từ 165 triệu tấn trong tháng 3 xuống còn 145,5 triệu tấn trong tháng 11. Tồn kho thép ở Trung Quốc đã giảm đáng kể trong những tháng gần đây, giúp giảm áp lực dư cung trên toàn cầu trong thời gian sắp tới. Do đó, giá thép có thể đã chạm đáy và sẽ phục hồi trong thời gian tới.

Tuy nhiên giá thép sẽ khó tăng mạnh vì nhu cầu chung vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi nhu cầu yếu ở Trung Quốc do thị trường bất động sản chưa có nhiều khởi sắc. Mặt khác, sự gia tăng giá thép so với chi phí nguyên liệu đầu vào có thể thúc đẩy hoạt động sản xuất ở Trung Quốc quay trở lại.

SSI kỳ vọng lợi nhuận của các công ty thép sẽ đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2024 từ mức nền thấp năm 2023 nhờ sản lượng tiêu thụ cải thiện, biên lợi nhuận gộp tăng trở lại. Mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn trong nửa đầu năm 2024 nhờ mức nền lợi nhuận thấp trong nửa đầu năm 2023.

Xu hướng phục hồi có thể được duy trì sau năm 2024, tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ và biên lợi nhuận vẫn còn khả năng biến động. Vì vậy, cổ phiếu thép thường phù hợp với nhà đầu tư có mức độ chấp nhận rủi ro cao.

Triển vọng 2 ông lớn ngành thép dưới góc nhìn của SSI Research
Biên lợi nhuận ròng của các công ty thép (Nguồn: SSI)

Theo thống kê, giá cổ phiếu thép đã tăng trung bình 58% trong năm 2023, cao hơn 46% so với chỉ số VN-Index. Mặc dù kết quả kinh doanh theo năm của các công ty thép trong năm 2023 chưa hồi phục mạnh, thậm chí còn giảm sâu hơn so với kết quả kinh doanh năm 2022 nhưng giá cổ phiếu vẫn diễn biến tích cực.

Lý giải của SSI, điều này là do lợi nhuận theo quý của hầu hết các công ty thép đã chạm đáy trong nửa cuối năm 2022, sớm hơn so với phần lớn các ngành nghề khác; cổ phiếu thép thường có hệ số beta cao và diễn biến tích cực hơn khi thị trường chung tăng lên; và mức nền thấp hơn so với năm trước khi ngành thép giảm 51% so với mức giảm 33% của VN-Index.

"Giá cổ phiếu thép thường được định giá cao ở thời kỳ đáy lợi nhuận. Ngoài ra, cổ phiếu thép cũng được ưa chuộng trong những năm gần đây khi được coi là cổ phiếu có hệ số beta cao", SSI nhận định.

SSI ưa thích cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát và cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen. HPG được kỳ vọng với dự kiến lợi nhuận sẽ phục hồi 80% trong năm 2024 nhờ cả sản lượng tiêu thụ và biên lợi nhuận gộp đều cải thiện. Dự án mở rộng Dung Quất 2 dự kiến bắt đầu vận hành theo từng giai đoạn trong năm 2025 và 2026, giúp thúc đẩy tăng trưởng dài hạn sau năm 2024.

HSG cũng được dự báo lợi nhuận sẽ phục hồi mạnh trong năm 2024, với mức tăng hơn 20 lần so với mức nền thấp được thiết lập trong năm 2023 – mức thấp nhất kể từ năm 2006. Thêm vào đó, dư nợ của Hoa Sen đã giảm xuống mức thấp 2,3x trong niên độ tài chính 2023, tương đương 0,22x vốn chủ sở hữu.

Nhận định chứng khoán phiên 11/1: Rủi ro rung lắc đang khá lớn

Nhận định về thị trường chứng khoán phiên 11/1, Chứng khoán Đông Á (DAS) cho rằng, VN-Index tạm giữ được xu hướng tăng trung hạn, ...

Thị trường chứng khoán ngày 11/1/2024: Thông tin trước giờ mở cửa

SHB lập kỷ lục thanh khoản, VN-Index lấy lại đà tăng; Chủ tịch HĐQT Nước Thủ Dầu Một bất ngờ thoái sạch vốn; CTS nâng ...

Định giá thị trường chứng khoán thấp, cơ hội mở ra với những cổ phiếu nào?

Mức định giá chung của VN-Index hiện khá thấp, với P/B năm 2023 là 1,5x, sát với các giai đoạn thấp lịch sử như 2009, ...

Nguyên Nam

Tin liên quan