TP HCM: Xem xét giảm lãi suất, bình ổn thị trường

Cập nhật: 10:56 | 15/04/2022 Theo dõi KTCK trên

Việc giảm lãi suất cho vay sẽ tiết giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp, giúp giữ giá thành sản phẩm, góp phần tạo ổn định thị trường…

3957-binh-on-thi-truong
Bình ổn giá giúp tăng trưởng thị trường

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM vừa có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn xem xét giảm lãi suất, niêm yết công khai giá mua bán ngoại tệ và tăng trưởng tín dụng hiệu quả để bình ổn giá cả thị trường.

Bên cạnh đó, NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho những khoản vay bị ảnh hưởng Covid-19, quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, qua các chương trình tín dụng của NHNN và UBND TP HCM; tích cực tham gia các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu vốn cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Song, các tổ chức tín dụng phải nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu đảm bảo an toàn hệ thống.

Phát biểu trước báo giới, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM cho biết, việc giảm lãi suất cho vay sẽ tiết giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp, giúp giữ giá thành sản phẩm, góp phần tạo ổn định thị trường.

Theo số liệu thống kê của NHNN chi nhánh thành phố, dư nợ cho vay bình ổn thị trường của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến nay đạt khoảng hơn 2.105,3 tỷ đồng, với doanh số cho vay lũy kế đạt 5.862,2 tỷ đồng cho 35 doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường.

Được biết, chương trình bình ổn thị trường ở TP HCM hàng năm diễn ra từ tháng 4 đến tháng 3 năm sau, gắn liền với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm thúc đẩy sản xuất, tạo nguồn cung hàng hoá, đảm bảo chất lượng và giá cả trên thị trường. Các doanh nghiệp tham gia cho vay bình ổn thị trường được vay vốn ngân hàng lãi suất thấp hơn so với lãi suất thương mại trên thị trường.

Theo số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP HCM, chương trình bình ổn thị trường năm 2022-2023 các ngân hàng dự kiến cho vay lãi suất ngắn hạn 5,9-6,4%/năm; lãi suất cho vay trung dài hạn ở mức 6,5-10%/năm đối với doanh nghiệp bình ổn và doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng hàng hóa trong chương trình bình ổn thị trường.

Mức lãi suất cho vay này thấp hơn so với lãi suất cho vay trong chương trình bình ổn thị trường năm 2021-2022 (các ngân hàng cho vay lãi suất ngắn hạn từ 4,5-8%/năm, trung dài hạn từ 6,5-11,3%/năm). Trong bối cảnh lãi suất huy động có xu hướng tăng như hiện nay đòi hỏi các tổ chức tín dụng phải tiết giảm mạnh chi phí hoạt động, hy sinh lợi nhuận mới có thể thực hiện giảm lãi suất cho vay như kế hoạch trên.

Chương trình bình ổn thị trường năm 2021-2022 đạt tổng doanh thu 17.381 tỷ đồng, trong đó lương thực thực phẩm đạt 16.298,1 tỷ đồng. Chương trình này đã góp phần kiềm chế chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn trong tháng 3/2022 tăng khoảng 1,71% so với tháng 12/2021 và tăng 2,03% so với cùng kỳ, thấp hơn bình quân cả nước tăng 1,91% so với cuối năm ngoái và tăng 2,41% so với cùng kỳ.

Theo một chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh lạm phát có nguy cơ tăng cao, các tổ chức tín dụng cho vay lãi suất thấp đối với doanh nghiệp bình ổn thị trường là một kênh kiềm giữ giá rất quan trọng đối với một địa bàn như TP HCM, luôn chiếm đến 50% CPI cả nước.

Giá heo hơi hôm nay 15/4/2022: Miền Bắc lặng sóng

Giá heo hơi hôm nay điều chỉnh tăng từ 2.000 đồng/kg đến 3.000 đồng/kg ở một vài nơi thuộc khu vực miền Nam. Trong khi ...

Giá cà phê hôm nay 15/4/2022: Hai sàn tiếp tục đi xuống

Theo các chuyên gia, giá cà phê trên cả hai sàn giao dịch kỳ hạn xuống dốc chủ yếu là do lực bán kỹ thuật. ...

Tin vui đầu tuần: Giá xăng tiếp tục giảm gần 1.000 đồng/lít

Từ 15h chiều 12/4/2022, giá xăng tiếp tục giảm 1.000 đồng/lít mặc dù Liên Bộ Công Thương - Bộ Tài chính không chi Quỹ Bình ...

Kiều Phong

Tin cũ hơn
Xem thêm