TP HCM: Huyện Hóc Môn và Củ Chi dự kiến hút nhiều dự án tỷ đô

Cập nhật: 07:00 | 13/04/2022 Theo dõi KTCK trên

TP HCM mời gọi đầu tư cho 48 dự án vào huyện Hóc Môn và Củ Chi với tổng vốn đầu tư dự kiến là 9,4 tỷ USD (tương đương 216.500 tỷ đồng).

Hơn 4.200 tỷ đồng xây dựng vành đai 3 TP HCM đoạn qua Long An

TP HCM: Xem xét giảm lãi suất cho vay đối với những doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường

Ngày 12/4, UBND TP HCM tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi năm 2022, theo báo Chính phủ.

Thông qua Hội nghị lần này, TP HCM mời gọi đầu tư cho 48 dự án vào huyện Hóc Môn và Củ Chi với tổng vốn đầu tư dự kiến là 9,4 tỷ USD (tương đương 216.500 tỷ đồng).

Trong đó, 12 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông-kỹ thuật có tổng vốn đầu tư mời gọi lên tới 9,3 tỷ USD, tương đương 213.900 tỷ đồng.

Trong 12 dự án này, có 6 dự án cầu-đường bộ với tổng vốn đầu tư 8,3 tỷ USD, tương đương 191.500 tỷ đồng; 1 dự án giao thông đường thủy với tổng vốn đầu tư 196 triệu USD, tương đương 4.500 tỷ đồng; 1 dự án đường nội đô với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, tương đương 3.800 tỷ đồng; 3 dự án xử lý rác thải với tổng vốn đầu tư 566 triệu USD, tương đương 13.020 tỷ đồng; 1 dự án giảm ngập nước với tổng mức đầu tư 49 triệu USD, tương đương 1.122 tỷ đồng.

Ngoài ra, 12 dự án chỉnh trang đô thị với tổng vốn đầu tư 33 triệu USD, tương đương 750 tỷ đồng; 3 dự án công nghiệp; 15 dự án nông nghiệp; 2 dự án thương mại-dịch vụ với tổng mức đầu tư 80 triệu USD, tương đương 1.845 tỷ đồng và cuối cùng là 4 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục-văn hóa-thể thao.

Tại hội nghị, theo báo Pháp luật TP HCM, nhiều nhà đầu tư cho biết sẽ tìm hiểu và có nhiều dự án tỷ đô tại 2 huyện Hóc Môn - Củ Chi trong thời gian sắp tới.

Ông Jun Sung Ho, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc điều hành Lotte Properties cho biết đơn vị đang phát triển đô thị mới với công nghệ hàng đầu, áp dụng mô hình đô thị sinh thái thông minh ở khu Thủ Thiêm. "Chúng tôi hy vọng và sẽ tìm hiểu thêm cơ hội đầu tư mới về khu đô thị Tây Bắc TP HCM và các dự án mới ở 2 huyện"- ông Jun Sung Ho thông tin.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch - Tổng giám đốc Tập đoàn Sovico cho biết rất hào hứng tham gia chương trình phục hồi kinh tế của TP HCM. Trong đó, có 2 huyện và sẽ nghiên cứu 1 số dự án, cam kết thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, để ngay trong năm nay có thể khởi công dự án. Dự kiến Sovico sẽ đầu tư 4 dự án ở Hóc Môn, 7 dự án ở Củ Chi, trị giá hàng tỷ USD.

Ngoài ra, Quỹ đầu tư CMIA Capital Partner và Surbana Jurong (Singapore) cũng thông tin về dự án "Đô thị sinh thái Nông nghiệp Thực phẩm Công nghệ cao” tại xã Trung An, huyện Củ Chi. Đây là dự án đã được nhà đầu tư nghiên cứu khảo sát từ năm 2018 với diện tích hơn 1.018 ha. Mục tiêu của dự án là hình thành một khu Đô thị sinh thái nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản thực phẩm (300 ha); khu logistic, kết nối vùng (Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai) nguyên vật liệu chế biến nông nghiệp - thực phẩm khép kín.

Đây là khu đô thị sinh thái gần gũi thiên nhiên, cân bằng sinh thái, đáp ứng mức dân số 100.000 người là các chuyên gia, công nhân lao động, dịch vụ thương mại và dân cư trong vùng. Tạo ra doanh thu mỗi năm khoảng 2 tỷ USD và tạo việc làm ổn định cho hơn 50.000 lao động.

Còn ông Nguyễn Công Hồng, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và phát triển đô thị TDH Ecoland đề xuất về dự án khu đô thị sinh thái ở bãi chôn lấp rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn). "Đều chỉnh quy hoạch khu chôn lắp bãi rác Đông Thạnh, hình thành đô thị sinh thái sẽ tạo ra nguồn lực hàng chục nghìn tỉ đồng. Nếu được chọn là nhà đầu tư, chúng tôi cam kết tối đa 3 năm hoàn thành dự án, xử lý bãi rác, xây dựng khu đô thị sinh thái", ông Hồng nói.

1602-chy-tych-nyyc-3
Chủ tịch nước trao đổi với các nhà đầu tư tại Hội nghị. (Ảnh: VGP/Anh Thơ).

Tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Hóc Môn, Củ Chi là địa phương có nhiều lợi thế về chiến lược khi nằm ở vùng đệm giáp ranh với Long An, Bình Dương có khả năng kết nối đường thủy thuận lợi và hướng tới sông Sài Gòn. Quy mô dân số của Hóc Môn, Củ Chi tương đương thành phố Đà Nẵng. TP HCM là thành phố năng động nhất nước ta, đóng góp 1/3 ngân sách của đất nước và xấp xỉ 1/3 GDP nhưng 2 huyện này phát triển còn ở mức thấp.

Chủ tịch nước đề nghị TP HCM cần quan tâm hơn hệ thống giao thông tại 2 huyện, đường bộ, đường cao tốc, đặc biệt là hệ thống giao thông đường thủy và thậm chí là đường sắt tốc độ cao.

Nhanh chóng tháo gỡ các nút thắt về cơ chế, chính sách để sớm huy động nguồn lực đầu tư các tuyến giao thông có tính huyết mạch, tạo tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây TP HCM trên cơ sở hoàn thành đường Vành đai 3 để đưa khu vực Hóc Môn, Củ Chi đến gần với phía đông TP HCM và ngược lại; đầu tư đường Vành đai 4 để kết nối vùng TP HCM, tuyến đường ven sông Sài Gòn đối với khu vực nội thành, kết nối giao thông giữa Củ Chi, Hóc Môn với trung tâm Thành phố; kết nối Củ Chi, Hóc Môn với hệ thống sân bay quốc tế, cảng biển để tiếp cận thị trường thế giới.

Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh cần điều chỉnh quy hoạch 2 huyện phù hợp với định hướng chiến lược mới. Quy hoạch mới này phải tích hợp với quy hoạch tổng thể TP HCM và kết nối với các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Long An.

Nghiên cứu mở rộng một số khu công nghiệp hiện có theo hướng ưu tiên công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường, phát triển các mô hình công nghiệp bền vững nhằm tạo động lực tăng trưởng mới và giải quyết việc làm.

Đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân, Chủ tịch nước đề nghị thực hiện đúng cam kết đầu tư, ghi nhớ đầu tư, khẳng định uy tín, sớm triển khai nhanh kế hoạch giải ngân vốn đầu tư đúng với quy định pháp luật, nói không với tham nhũng, tiêu cực.

Anh Đào

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm