“Tối hậu thư” cho tôm càng đỏ

Cập nhật: 10:58 | 24/05/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Cục Quản lý thị trường Quảng Nam vừa có văn bản yêu cầu các đội quản lý thị trường thực hiện nghiêm một số công việc về tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm vi phạm liên quan đến tôm càng đỏ (tôm hùm đất) trên địa bàn tỉnh.  

toi hau thu cho tom cang do Tổng Cục Hải quan: Tăng cường kiểm soát tôm hùm càng đỏ

Theo đó, ông Đoàn Ngọc Sơn, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, đã yêu cầu các đội quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra các tuyến đường chính, cửa ngõ giao thông của tỉnh như quốc lộ 1, quốc lộ 14B, đường Hồ Chí Minh, các điểm thu gom tập kết, trung chuyển thủy hải sản.

Trong đó, các địa bàn đông dân cư, địa điểm tham quan, du lịch, khu công nghiệp cần được chú ý đặc biệt.Theo lãnh đạo Cục, các hành vi vi phạm, bao gồm vận chuyển, buôn bán tôm càng đỏ sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

toi hau thu cho tom cang do
Tôm hùm càng đỏ tiếp tục rộ lên ở thị trường Việt Nam thời gian gần đây

Gần đây, loài tôm hùm càng đỏ được nhập vào Việt Nam làm thực phẩm với giá khoảng 200.000-350.000 đồng/kg. Đặc biệt, mặt hàng này còn được nhiều nhà hàng, quán ăn giới thiệu là món đặc sản.

Loài thủy sinh này có đặc điểm 2 càng đỏ, thân màu đất, không có tên trong Danh mục loài thuỷ sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và được xác định là sinh vật ngoại lai xâm hại. Việc kinh doanh, tiêu thụ loài tôm này là vi phạm quy định của pháp luật về đa dạng sinh học và thuỷ sản.

Trước đó, Tổng Cục Hải quan cũng đã có văn bản yêu cầu Cục hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm soát tôm hùm càng đỏ.

Văn bản của Tổng cục Hải quan dẫn thông tin trên báo chí cho hay, thời gian gần đây cho thấy cơ quan chức năng phát hiện mặt hàng tôm càng đỏ (còn gọi là tôm hùm đất) nhập lậu để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.

Theo Tổng cục Hải quan, căn cứ Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, tôm càng đỏ không có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam. Mặt hàng nêu trên thuộc danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại.

Qua đó, để bảo vệ môi trường, tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố phối hợp, chỉ đạo với các cơ quan chức năng nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu tôm càng đỏ.

Các đơn vị cũng được đề nghị kịp thời đấu tranh, ngăn chặn đối với các hành vi vận chuyển trái phép các mặt hàng này vào Việt Nam qua các cửa khẩu phụ, lối mòn, lối mở tại các tỉnh biên giới.

Loại tôm hùm càng đỏ rất phàm ăn, ăn đủ loại từ thực vật đến động vật như tôm, cá, lúa, thậm chí sinh vật cùng cỡ nó vẫn ăn được vì càng và miệng cứng. Ngoài ra, tôm hùm đất còn đào hang, phá công trình thủy lợi, bờ kênh, mương, gây nguy cơ sạt lở; trong khi đó hiệu quả kinh tế của loại tôm này thấp do vỏ cứng.

Có thể bị phạt đến 1 tỉ đồng

Theo khoản 7 Điều 43 Nghị định 155/2016 về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi nhập khẩu loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại bị xử phạt hành chính mức thấp nhất từ 20 triệu đến 40 triệu đồng đối với tang vật vi phạm trị giá dưới 10 triệu đồng; mức cao nhất từ 920 triệu đồng đến 1 tỉ đồng đối với tang vật vi phạm trị giá từ 230 triệu đến dưới 250 triệu đồng.

Kèm theo đó là các hình phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và buộc phải khắc phục hậu quả.

Nguyễn My

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm