Tính liên thông và "real-time" - "Cục máu đông" khi vận hành hệ thống kiểm soát giao dịch chứng khoán

Cập nhật: 11:36 | 06/10/2023 Theo dõi KTCK trên

Các công ty chứng khoán cho rằng, tính liên thông và "real-time" của dữ liệu là cơ sở quan trọng để triển khai phương án thực hiện kiểm soát nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin của người nội bộ, người có liên quan một cách có hiệu quả.

Tính liên thông và
Cơ sở dữ liệu “real-time” là yếu tố quan trọng để vận hành thông suốt hệ thống công nghệ kiểm soát giao dịch

Như Kinhtechungkhoan.vn đã đưa tin, thực hiện nhiệm vụ mà Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) giao trong cuộc họp ngày 18/8 và tại Công văn số 5876/UBCK-VP ngày 25/8/2023, các công ty chứng khoán đang tích cực triển khai xây dựng hệ thống công nghệ kiểm soát nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin trước khi giao dịch của người nội bộ, người có liên quan.

Ghi nhận tại cuộc họp lấy ý kiến của Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB), tính đến cuối tháng 9, phần lớn các công ty chứng khoán đều đã thiết lập được hệ thống công nghệ kiểm soát nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin trước khi giao dịch của người nội bộ, người có liên quan. Tuy nhiên, hệ thống này mới chỉ thực hiện được trên thị trường cơ sở và dừng lại ở mức độ đơn giản.

Ví dụ, tại Công ty CP Chứng khoán Việt, trên cơ sở dữ liệu căn cước công dân, khi khách hàng đặt lệnh, hệ thống sẽ tiến hành nhận diện xem họ có thuộc diện phải báo cáo, công bố thông tin hay không, từ đó đưa ra cảnh báo và yêu cầu xác nhận. Chỉ khi khách hàng xác nhận đã thực hiện công bố thông tin, hệ thống mới hoàn tất đặt lệnh.

Tương tự, tại Công ty CP Chứng khoán SSI và Công ty CP Chứng khoán FPT (FPTS), hệ thống công nghệ kiểm soát giao dịch mới chỉ có thể “chặn cứng” (cứ có tên trong danh sách người nội bộ và người có liên quan là không được đặt lệnh, muốn đặt lệnh thì phải đưa ra bằng chứng về việc đã thực hiện công bố thông tin tại các sở giao dịch chứng khoán).

Tuy nhiên, việc khách hàng cung cấp bằng chứng về việc đã thực hiện công bố thông tin và hoạt động xác minh của công ty chứng khoán cũng đang diễn ra một cách thủ công nên chưa thể loại trừ rủi ro hay bỏ sót.

Thêm vào đó, đối với yêu cầu về việc ngăn chặn giao dịch có giá trị nhỏ hơn 50 triệu/ngày hoặc khối lượng giao dịch/tháng nhỏ hơn 200 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 200 triệu/tháng, các công ty chứng khoán cho biết, hiện họ chỉ kiểm soát được nếu nhà đầu tư mở tài khoản tại một công ty duy nhất, chứ chưa thể kiểm soát nếu nhà đầu tư mở nhiều tài khoản ở các công ty khác nhau.

Được biết, ngày 6/10 là hạn chót để các công ty chứng khoán báo cáo với UBCKNN về tiến độ xây dựng hệ thống kiểm soát, tiến tới đưa vào vận hành chính thức. Do đó, Kinhtechungkhoan.vn đã gặp gỡ, trao đổi với đại diện một số công ty chứng khoán về vấn đề này. Đáng nói, liên quan đến những hạn chế có thể khiến hệ thống có thể vận hành chưa được thông suốt, các công ty chứng khoán đều nhất trí rằng, vấn đề cốt lõi cần xử lý là cơ sở dữ liệu.

Cơ sở dữ liệu phải liên thông và real-time

Được biết, theo hướng dẫn của UBCKNN, các công ty chứng khoán sẽ kiểm soát nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin trước khi giao dịch của người nội bộ, người có liên quan trên cơ sở dữ liệu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).

Tuy nhiên, hiện tại, các công ty chứng khoán chưa thể khai thác dữ liệu từ phía VSD mà vẫn đang xây dựng hệ thống kiểm soát giao dịch trên cơ sở dữ liệu là thông tin mà khách hàng khai báo và thông tin được đăng tải trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Các công ty chứng khoán phân tích, về cơ bản, VSD phải tổng hợp dữ liệu từ HSX và HNX. Trong khi đó, hai sở giao dịch lại nhận thông tin từ tổ chức phát hành, người nội bộ và người có liên quan. Điều đó có nghĩa là, VSD sẽ cần một khoảng thời gian nhất định để biến “thông tin” thành “dữ liệu”, dẫn tới việc quá trình truyền dữ liệu giữa các bên buộc phải có những “độ trễ” nhất định.

Trong khi đó, để hệ thống kiểm soát giao dịch của các công ty chứng khoán có thể vận hành một cách thông suốt, dữ liệu về người nội bộ và người có liên quan cần phải đảm bảo được tính “real-time” (chuyển tiếp thông tin gần như ngay lập tức hoặc có độ trễ cực ngắn).

Thực tế, ông Nguyễn Khắc Hải – Giám đốc Khối Phụ trách Luật và Kiếm soát tuân thủ Chứng khoán SSI cho hay, VSD xác nhận chưa thể “real-time” mà tạm thời chỉ có thể cập nhật dữ liệu hàng ngày. Điều này có thể ảnh hưởng tới khả năng vận hành thông suốt của hệ thống kiểm soát cũng như trải nghiệm của khách hàng tại các công ty chứng khoán.

Ông Hải nêu ví dụ, giả sử danh sách người nội bộ và người có liên quan mà công ty chứng khoán nhận được từ VSD hôm trước ghi nhận 1.000 người, danh sách cập nhật hôm sau ghi nhận 1.005 người, họ sẽ phải thực hiện thêm thao tác thủ công là so sánh và sàng lọc, để gửi thông báo tới 5 khách hàng mới phát sinh nghĩa vụ công bố thông tin.

Tuy nhiên, nếu số lượng quá lớn dẫn tới không thể thực hiện thủ công, các công ty sẽ buộc phải gửi thông báo tới toàn bộ những người có tên trong danh sách. Điều này có thể khiến khách hàng có thể bị rơi vào tình trạng “spam”. Về giải pháp khắc phục tạm thời, ông Hải cho biết, SSI dự kiến sẽ gửi thông báo theo tuần, nhưng cũng không thể loại trừ khả năng nhận được sự phàn nàn từ phía khách hàng.

Mặt khác, các công ty chứng khoán cũng chỉ ra rằng, tính chất “real-time” của dữ liệu sẽ giúp họ bảo đảm được quyền lợi của khách hàng, thực hiện đúng nghĩa vụ đã ký kết trong hợp đồng với khách hàng. Có rất nhiều câu chuyện thực tế đã được nêu ra làm ví dụ. Chẳng hạn, nhà đầu tư A đã ly hôn với người nội bộ của tổ chức phát hành chứng khoán B.

Tuy nhiên, xác nhận ly hôn của Toà án không được cập nhật “real-time” và công ty chứng khoán không kịp nắm thông tin về việc chấm dứt “mối liên quan” giữa hai người. Lúc này, nhà đầu tư A vẫn sẽ bị chặn giao dịch cổ phiếu B. Hay như trường hợp nhà đầu tư đính chính công bố thông tin, nhưng công ty chứng khoán không cập nhật kịp thời, dẫn đến chặn nhầm giao dịch. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của chính nhà đầu tư mà còn có thể dẫn đến những tranh chấp về mặt pháp lý giữa nhà đầu tư và công ty chứng khoán.

Còn theo phân tích của ông Đặng Thái Nguyên, Tổng Giám đốc Chứng khoán Việt, về bản chất, cơ sở dữ liệu về người nội bộ và người có liên quan mà VSD, sở giao dịch chứng khoán và các công ty chứng khoán khai thác có tính liên thông. Tuy nhiên, ông Nguyên nhấn mạnh, hệ thống phải đảm bảo được tính liên thông giữa các công ty chứng khoán với nhau, chứ không nên chỉ dừng lại ở việc liên thông dữ liệu giữa cơ quan quản lý và công ty chứng khoán. Nếu làm được điều đó, các công ty hoàn toàn có thể kiểm soát được khối lượng giao dịch, kể cả nếu nhà đầu tư mở nhiều tài khoản ở các công ty khác nhau.

Dữ liệu “real-time”: Yếu tố quan trọng để vận hành thông suốt hệ thống công nghệ kiểm soát giao dịch
Ông Đặng Thái Nguyên chia sẻ tại cuộc họp lấy ý kiến về nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin trước giao dịch của người nội bộ, người có liên quan của Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB)

Doanh nghiệp “hiến kế” gì cho UBCKNN

Trước những yêu cầu của thực tiễn, trên cơ sở kinh nghiệm triển khai hệ thống kiểm soát giao dịch, ông Đặng Thái Nguyên, Tổng Giám đốc Chứng khoán Việt đề xuất xây dựng một ứng dụng cho phép nhà đầu tư thực hiện công bố thông tin qua tài khoản giao dịch. Tại đó, nhà đầu tư khi được bầu vào doanh nghiệp và trở thành người nội bộ, sẽ thực hiện kê khai các thông tin theo quy định. Dữ liệu này sau đó sẽ được đẩy lên hệ thống dữ liệu liên thông giữa VSD, các sở giao dịch chứng khoán và các công ty chứng khoán.

Theo ông Nguyên, liên thông, chia sẻ, kết nối dữ liệu thông tin khi được đẩy mạnh và thực hiện một cách đồng bộ sẽ giúp giảm bớt phiền hà và thủ tục giấy tờ cho các tổ chức và cá nhân, rút ngắn “độ trễ” khi cập nhật thông tin.

Trước hết, đối với nhà đầu tư, họ sẽ không phải nộp nhiều loại giấy tờ hay phải kê khai nhiều lần, thậm chí là có thể loại bỏ việc công bố thông tin bằng bản cứng. Riêng đối với nhà đầu tư là người có liên quan, họ cũng sẽ được giảm thiểu rủi ro bị phạt.

Ông Nguyên chỉ ra rằng, trong giao dịch chứng khoán, theo quy định hiện hành, người có liên quan còn bao gồm các mối quan hệ dâu – rể nên không phải lúc nào thông tin giữa người nội bộ và người có liên quan cũng được diễn ra một cách thường xuyên, liên tục và hoàn toàn có thể xảy ra việc người có liên quan không nắm được tình hình bổ nhiệm của người thân. Mặt khác, việc để nhà đầu tư tự thực hiện khai báo thông tin cũng là cách để họ thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình trên thị trường chứng khoán.

Đối với các cơ quan quản lý, ứng dụng có khả năng lưu lại tất cả các lần cập nhật, đính chính thông tin của nhà đầu tư, sẽ giúp họ thu thập, xử lý và trích xuất dữ liệu một cách nhanh nhất. Ở đó, các sở giao dịch có thể lấy dữ liệu để thực hiện chức năng của mình là cập nhật công bố thông tin, VSD và UBCKNN có thể đối chiếu thời gian thực hiện giao dịch và thời gian công bố thông tin, nhanh chóng phát hiện và xử lý vi phạm.

Về phía các công ty chứng khoán, theo ông Đặng Thái Nguyên, các công ty chứng khoán sẽ không ngần ngại liên kết và tích hợp ứng dụng nói trên với hệ thống kiểm soát giao dịch riêng, bởi lẽ, việc này không đòi hỏi quá cao về mặt kỹ thuật công nghệ và bản thân công ty chứng khoán sẽ hưởng lợi đầu tiên. Trước hết, với cơ sở dữ liệu liên thông, các công ty chứng khoán sẽ không mất thời gian nhập liệu thủ công và loại trừ được các sai sót không đáng có.

“Nếu giao dịch của khách hàng bị xử phạt, bản thân công ty chứng khoán cũng sẽ phải xử lý, tiêu tốn không ít nguồn lực. Nhưng nếu đã có hệ thống trích xuất theo dữ liệu thời gian thực, việc phát hiện vi phạm và phối hợp xử lý cùng với các cơ quan quản lý cũng trở nên đơn giản hơn”, ông Nguyên nói.

Tổng Giám đốc Chứng khoán Việt cũng nói thêm, hệ thống kiểm soát giao dịch sẽ là một dịch vụ gia tăng của các công ty chứng khoán, nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro bị phạt cho khách hàng, bởi lẽ nhiều vi phạm trên thực tế chỉ là “vô tình”, mà thường gặp phải ở đối tượng nhà đầu tư là người có liên quan, chưa được đào tạo kỹ càng về quy định như nhà đầu tư là người nội bộ.

Ông Đặng Thái Nguyên thẳng thắn chia sẻ: “Lâu nay, đúng là hoạt động cảnh báo vi phạm cho khách hàng của các công ty chứng khoán đã bị “buông lơi” và nhiều nhà đầu tư phải “đi trong đêm tối”.”

Ông Nguyên nhấn mạnh, sự ra đời của hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông cho phép tất cả mọi người có thể khai thác, giúp thị trường chứng khoán trở nên nhanh chóng, minh bạch và rõ ràng.

Tổng Giám đốc Chứng khoán Việt cũng nói thêm, quyền admin (quyền quản lý cao nhất) của hệ thống nên thuộc về cơ quan quản lý nhà nước như VSD hoặc sở giao dịch, mà tốt nhất là nằm ở sở giao dịch, vì đây là cơ quan chịu trách nhiệm về công bố thông tin. Mặt khác, ứng dụng cũng cần tính đến các tính năng khác như: cho phép khai bổ sung, cho phép đính chính (giới hạn số lần), cho phép chỉ cần khai báo ở một công ty rồi chuyển lên hệ thống chung để đảm bảo quyền lợi và sự tiện lợi cho nhà đầu tư.

Thêm vào đó, khi đưa hệ thống nói trên vào hoạt động trong thực tế, ông Đặng Thái Nguyên cho rằng, chỉ nên hướng trách nhiệm của công ty chứng khoán ở mức “cảnh báo”. Quan điểm này đồng nhất với ý kiến mà các công ty chứng khoán khác đã nêu ra trong cuộc họp của VASB. Theo ông Nguyên, chưa bàn sâu xa tới cơ sở pháp lý cho phép công ty chứng khoán ngăn chặn nhà đầu tư đặt lệnh như thế nào, mà chỉ cần nhìn nhận một thực tế rằng, nhà đầu tư đâu đó đâu đó “tôi sai thì tôi sẽ chịu phạt”, dẫn tới tranh chấp về quyền giao dịch được quy định trong hợp đồng đối với công ty chứng khoán.

“Nếu đã có quy định chặn giao dịch, thì các quy định xử phạt sẽ trở nên vô nghĩa. Phải nhìn nhận một thực tế rằng, quy định xử phạt đã có, nhưng đôi khi nhà đầu tư vẫn “cố tình” giao dịch chui và chấp nhận bị phạt. Chúng ta không thể xác định nhà đầu tư thu được những lợi ích gì từ các giao dịch như thế này. Tôi cho rằng, cơ quan quản lý có thể áp dụng thêm các hình thức tịch thu lợi ích, tăng mức xử phạt và cấm giao dịch để tăng tính răn đe. Còn yêu cầu về mặt kiểm soát giao dịch đối với công ty chứng khoán chỉ nên dừng lại ở việc “cảnh báo”. Các công ty theo đó buộc phải có trách nhiệm tích hợp các hệ thống cơ sở dữ liệu nói trên để hoàn thành nhiệm vụ của mình”, ông Nguyên nói.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: VASB góp phần to lớn vào sự phát triển thị trường chứng khoán

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam - VASB, Bộ trưởng Bộ Tài chính ...

Nâng cao trách nhiệm của công ty chứng khoán trong việc kiểm soát nghĩa vụ báo cáo thông tin của các tổ chức niêm yết

Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) cùng các công ty chứng khoán hội viên đã có một buổi trao đổi tích cực ...

VASB lấy ý kiến công ty chứng khoán về quản lý tách bạch tài sản nhà đầu tư

Ngày 22/8/2023 tại Hà Nội, Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) đã tổ chức họp lấy ý kiến các công ty chứng ...

Hà Lê