Tình hình thế giới ảm đạm, "ông lớn" dệt may TNG "khoác" lớp áo lợi nhuận xám màu

Cập nhật: 09:29 | 02/11/2023 Theo dõi KTCK trên

Quý III/2023, do chịu tác động lớn từ thị trường và đơn đặt hàng giảm mạnh, lợi nhuận sau thuế của TNG đi lùi 35% so với cùng kỳ.

Tình hình thế giới ảm đạm,
Lợi nhuận quý III của TNG giảm sâu

Vừa qua, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) đã công bố báo cáo tài chính quý III/2023 và lũy kế 9 tháng đầu năm. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, TNG ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.104,6 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, giá vốn hàng bán đạt 1.814,5 tỷ đồng, tương ứng tăng 5% so với cùng kỳ và tăng nhanh hơn so với mức tăng của doanh thu. Điều này đã khiến lợi nhuận gộp của TNG giảm 4% so với quý III/2022, xuống chỉ còn 290 tỷ đồng.

Ở kỳ này, doanh thu hoạt động tài chính của TNG giảm mạnh 13% so với cùng kỳ năm trước, xuống mức 28,8 tỷ đồng. Thêm vào đó, chi phí tài chính của TNG tăng mạnh 38% so với cùng kỳ, lên tới 93,4 tỷ đồng, trong đó, chi phí lãi vay chiếm 72,8%, đạt 68 tỷ đồng. Chi phí bán hàng cũng tăng gấp rưỡi, lên mức 39,2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ có hơn 25 tỷ đồng.

Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp lại giảm 7% so với cùng kỳ, xuống chỉ còn 98,7 tỷ đồng. Đáng chú ý, TNG có khoản thu nhập khác giảm mạnh ở kỳ này. Theo đó, thu nhập khác của TNG trong quý III chỉ còn vỏn vẹn 334 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước ghi nhận ở mức 1,9 tỷ đồng.

Khấu trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của TNG đạt 69,4 tỷ đồng, giảm mạnh 35% so với quý III/2022.

Giải trình về nguyên nhân khiến lợi nhuận sau thuế đi lùi, TNG cho biết, do quý III/2023, doanh thu của công ty ghi nhận là đơn hàng xác nhận và sản xuất từ tháng 6/2023. Hơn nữa, do ảnh hưởng của tình hình thế giới, một số khách hàng lớn và lượng đơn giá giảm so với cùng kỳ nhưng chi phí trả cho người lao động vẫn phải đảm bảo, chi phí sản xuất kinh doanh không giảm dẫn đến lợi nhuận sau thuế giảm gần 35%.

Tình hình thế giới ảm đạm,
Kết quả kinh doanh của TNG thời gian gần đây

Lũy kế 9 tháng đầu năm, TNG ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.438,5 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 170,9 tỷ đồng, giảm mạnh 27% so với 3 quý đầu năm 2022.

Năm nay, TNG đề ra kế hoạch kinh doanh với mục tiêu đạt 6.800 tỷ đồng doanh thu và 299 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, với kết quả trên, sau 9 tháng đầu năm, TNG đã hoàn thành 80% chỉ tiêu doanh thu và 57% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.

Về sức khỏe tài chính, tính đến cuối quý III/2023, tổng tài sản của TNG đạt 5.389,7 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,8% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn và dài hạn lần lượt đạt 2.401 tỷ đồng và 2.988,6 tỷ đồng, tương ứng giảm 8% và tăng 11,3% so với số đầu năm.

Cụ thể, tiền và các khoản tương đương tiền đạt 465,5 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Ở kỳ này, TNG vẫn không ghi nhận các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn. Ngoài ra, hàng tồn kho và các tài sản ngắn hạn khác đồng loạt giảm, lần lượt đạt 839 tỷ đồng và 183 tỷ đồng.

Đáng chú ý, các khoản phải thu ngắn hạn của TNG tăng mạnh 63%, lên mức 913 tỷ đồng và chủ yếu đến từ khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng, trả trước cho người bán ngắn hạn. Hơn nữa, dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi đã giảm đáng kể từ mức âm 2,4 tỷ đồng của cùng kỳ xuống chỉ còn 291,7 triệu đồng.

Với tài sản dài hạn, TNG ghi nhận tài sản cố định và bất động sản đầu tư tăng mạnh, lần lượt đạt 2.183,9 tỷ đồng và 292,7 tỷ đồng, tương ứng tăng 20% và gấp 9 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Còn khoản mục khác như tài sản dở dang dài hạn và tài sản dài hạn khác cùng giảm.

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của TNG đạt 1.786,3 tỷ đồng, tăng 8% so với số đầu năm.

Về cơ cấu nợ, tổng nợ phải trả của TNG chỉ giảm nhẹ 38 tỷ đồng, đạt 3.603 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm đa số, ghi nhận ở mức 2.816,8 tỷ đồng và giảm 4% so với số đầu năm. Ngược lại, nợ dài hạn tăng 9%, đạt 786,6 tỷ đồng.

Trong một diễn biến khác, ngày 30/10, theo thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ông Nguyễn Mạnh Linh - Ủy viên HĐQT TNG đã đăng ký bán 3,3 triệu cổ phiếu TNG để phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 31/10 đến ngày 22/11 theo phương thức giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh.

Hiện tại, ông Linh đang nắm giữ gần 3,66 triệu cổ phiếu TNG, tương đương tỷ lệ 3,22%. Nếu giao dịch thành công, ông Linh còn nắm giữ hơn 300.000 cổ phiếu. Theo giá giao dịch hiện tại, ước tính, ông Linh có thể thu về khoảng hơn 59 tỷ đồng sau khi bán bớt cổ phiếu.

Trên sàn chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 1/11, giá cổ phiếu TNG đóng cửa ở mức 17.600 đồng/cp, giảm 12% trong vòng 2 tháng trở lại đây.

Vinamilk báo lãi ròng quý III cao nhất 2 năm, nắm giữ hơn 26.500 tỷ tiền mặt và tiền gửi

Vinamilk đã hoàn thành 71% mục tiêu doanh thu và 77% kế hoạch lợi nhuận sau 9 tháng đầu năm 2023.

Trước thềm lên sàn HOSE, Viettel Post (VTP) báo lãi tăng mạnh 82%

Không lâu sau khi nộp hồ sơ niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), Viettel Post đã công bố ...

Doanh thu mảng xây lắp đi lên, Giao thông Đèo Cả (HHV) báo lãi tăng mạnh

Quý III/2023, Giao thông Đèo Cả (HHV) đã có một kỳ kinh doanh tươi sáng với kết quả doanh thu và lợi nhuận tăng đáng ...

Ngọc Bích