Tiếp tục khẳng định sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam

Cập nhật: 14:29 | 04/12/2020 Theo dõi KTCK trên

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) toàn quốc lần thứ II tiếp tục khẳng định đồng bào các dân tộc thiểu số là máu thịt của dân tộc Việt Nam, một bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; 54 dân tộc anh em “như cây một cội, như con một nhà”, đều mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, luôn kề vai sát cánh bên nhau trong chế ngự thiên nhiên, đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tiếp tục khẳng định sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo chính trị tại Đại hội
Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

Trình bày Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu các DTTS toàn quốc lần thứ II, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, từ Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS lần thứ nhất năm 2010 đến nay, Đảng và Nhà nước tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, thực hiện thắng lợi Quyết tâm thư Đại hội lần thứ nhất, thể hiện qua 6 nội dung chính.

Thứ nhất, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các ban, bộ, ngành; các tỉnh, thành phố tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật rất quan trọng để lãnh đạo toàn diện công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.

Thứ hai, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị đã ưu tiên nguồn lực, đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nhất là địa bàn KT-XH đặc biệt khó khăn, đạt được kết quả rất quan trọng; cơ sở hạ tầng thiết yếu được xây dựng ngày càng đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bền vững hơn.

Thứ ba, đi đôi với phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo; sự nghiệp y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân; sự nghiệp văn hóa, thông tin, truyền thông; tạo điều kiện để đồng bào DTTS tiếp cận với các dịch vụ công, góp phần nâng cao mặt bằng dân trí, chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao mức độ hưởng thụ văn hóa, nâng cao nhận thức, xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu.

Thứ tư, các cấp ủy, tổ chức Đảng đặc biệt quan tâm quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí sử dụng, nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS; chú trọng phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, thật sự là hạt nhân chính trị lãnh đạo ở cơ sở.

Thứ năm, tăng cường củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh. Góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Thứ sáu, cùng với sự chăm lo của Đảng và Nhà nước, đồng bào các DTTS tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết; tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; phát huy nội lực, đóng góp xứng đáng sức người, sức của vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Từ thực tiễn công tác dân tộc 10 năm qua, 3 bài học kinh nghiệm đã được rút ra.

Cụ thể, một là, phải kiên định, kiên trì thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển; chăm lo công tác dân tộc là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị.

Hai là, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện kinh tế-xã hội, tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững. Chú trọng củng cố và giữ vững niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước.

Ba là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS; phát triển đảng viên, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, mục tiêu tổng quát về công tác và chính sách dân tộc đến năm 2030 được xác định là: Khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách về mức thu nhập so với vùng phát triển; giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; gia tăng đầu tư nguồn lực của nhà nước và các thành phần kinh tế để quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xóa bỏ tập quán lạc hậu đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; chú trọng xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; củng cố tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tiếp tục khẳng định sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam

Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 được xác định là: Phấn đấu thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đến năm 2025 tăng trên 02 lần so với năm 2020; đến năm 2030 bằng 1/2 bình quân chung của cả nước.

Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 3%; đến năm 2030 giảm hộ nghèo xuống dưới 10%.

Đến năm 2025, hoàn thành cơ bản công tác sắp xếp, ổn định dân cư ở nơi cần thiết; phấn đấu 70% số xã vùng DTTS&MN đạt chuẩn nông thôn mới.

Phấn đấu đến hết năm 2025 có 80% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống, hoạt động thường xuyên, có chất lượng.

Quy hoạch, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS phù hợp với tỷ lệ dân số ở từng địa phương.

Cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra trong Mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững đến năm 2030.

Thành tựu quan trọng và toàn diện của công tác dân tộc đạt được trong 10 năm qua là nhờ có sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; sự đoàn kết, vượt khó vươn lên của đồng bào các dân tộc trên mọi miền đất nước. Một lần nữa đồng bào các dân tộc xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành, sâu sắc đối với công lao trời biển của Đảng, Nhà nước và Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Xin tri ân công sức của hàng vạn cán bộ, thầy giáo, thầy thuốc, chiến sỹ lực lượng vũ trang và bà con miền xuôi tăng cường lên phát triển kinh tế-xã hội miền núi.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, Đại hội lần này tiếp tục khẳng định đồng bào các DTTS là máu thịt của dân tộc Việt Nam, một bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; 54 dân tộc anh em “như cây một cội, như con một nhà”, đều mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, luôn kề vai sát cánh bên nhau trong chế ngự thiên nhiên, đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Máu xương của những người con đất Việt đã hòa vào lòng đất Mẹ, thành những viên gạch bằng vàng, xây dựng nên thành đồng Tổ quốc Việt Nam. Vì vậy, không một thế lực nào, dù xảo quyệt đến đâu cũng không thể chia rẽ được khối đại đoàn kết của chúng ta.

Đồng bào các dân tộc nguyện một lòng sắt son đi theo Đảng, luôn tâm nguyện rằng còn Đảng là còn mình; chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới lãnh đạo, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho toàn dân, trong đó có đồng bào DTTS.

Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, hơn 14,2 triệu đồng bào DTTS cùng với nhân dân cả nước nguyện xiết chặt tay nhau, triệu người như một, quyết tâm thực hiện lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ muôn vàn kính yêu: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Chúng ta phải thương yêu nhau, kinh trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.

Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Ngày 18/11, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ ...

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính dự ngày hội Đại đoàn kết tại huyện Thạch Thành

Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020), ngày 15/11, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ ...

Ðoàn kết dân tộc chính là cội nguồn sức mạnh của Việt Nam

Càng khó khăn, Đảng Cộng sản Việt Nam càng giữ vững ý chí thống nhất, tinh thần đoàn kết, vì đó là “bức tường thành” ...

Theo baochinhphu.vn

Tin cũ hơn
Xem thêm