Thông tư 22 không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động kinh doanh các ngân hàng?

Cập nhật: 07:00 | 30/11/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Với thông tư mới ban hành, cơ quan quản lý tiếp tục thể hiện rõ quan điểm “mạnh tay” trong cho vay bất động sản, song các ngân hàng cho biết, điều này không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động kinh doanh bởi đã có sự chuẩn bị từ trước đó…

thong tu 22 khong anh huong nhieu toi hoat dong kinh doanh cac ngan hang

NHNN thực hiện Thông tư 22 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất

thong tu 22 khong anh huong nhieu toi hoat dong kinh doanh cac ngan hang

Thông tư 22 được đánh giá sẽ ảnh hưởng nhất định tới hoạt động các ngân hàng?

thong tu 22 khong anh huong nhieu toi hoat dong kinh doanh cac ngan hang

Nhiều rủi ro tín dụng từ cho vay bất động sản

thong tu 22 khong anh huong nhieu toi hoat dong kinh doanh cac ngan hang

Lợi nhuận 10 tháng đầu năm 2019 của một ngân hàng đã vượt kế hoạch đề ra

Trung tâm Phân tích CTCP Chứng khoán SSI - SSI Research vừa có báo cáo đánh giá ảnh hưởng của Thông tư 22/2019 với các ngân hàng. Thông tư này quy định về lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (từ mức 40% hiện tại xuống 30%) và tăng hệ số rủi ro của cho vay bất động sản tiêu dùng, từ mức 50% lên đến tối đa 150%.

Thông tư 22/2019 sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020, với thời gian chuyển tiếp là 6 tháng (trừ tỷ lệ huy động/cho vay (LDR), có mức giới hạn mới là 85% đối với ngân hàng quốc doanh và TMCP). Trong trường hợp cụ thể của LDR, thời gian chuyển tiếp là 2 năm (trước ngày 1/1/2022). Thực tế, theo SSI Research, Thông tư chính thức quy định bớt nghiêm ngặt hơn so với bản dự thảo.

Với quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, theo SSI Research, tính đến tháng 9, các ngân hàng niêm yết trong phạm vi nghiên cứu duy trì tỷ lệ vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn trung bình ở mức 31%. Trong đó, nhiều ngân hàng có tỷ lệ này dưới 30%.

thong tu 22 khong anh huong nhieu toi hoat dong kinh doanh cac ngan hang
Ảnh minh họa

Với cho vay mua nhà, các ngân hàng đạt Basel II sẽ tuân thủ theo Thông tư 41/2016 về cách tính tỷ lệ an toàn vốn (CAR) thay vì Thông tư 22. SSI Research cho rằng Thông tư 22 sẽ không tác động tiêu cực đến hoạt động cho vay mua nhà tại các ngân hàng niêm yết do tỷ lệ CAR Basel II của nhiều đơn vị cao hơn mức yêu cầu tối thiểu là 8% tính tới cuối tháng 9, nhờ các hoạt động huy động vốn trong 2 năm qua trong bối cảnh lợi nhuận cao.

Thay vào đó, SSI Research tin rằng một số ngân hàng niêm yết có vốn tự có lớn như Techcombank có thể giành nhiều thị phần cho vay mua nhà từ các ngân hàng vốn cấp 3 yếu hơn trong những năm tới.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phê duyệt cho 14 ngân hàng thương mại áp dụng tiêu chuẩn Basel II trong hoạt động kinh doanh theo Thông tư 41/2016 bao gồm Vietcombank, ACB, MB, Techcombank, VPBank, HDBank, TPBank, SeABank, MSB, VietCapital Bank, OCB, VIB, Shinhan Bank và Vietbank. Các ngân hàng khác như BIDV đã xác nhận sẽ bắt đầu áp dụng Basel II từ năm 2020 sau đợt phát hành nâng vốn thành công.

Đối với quy định về LDR, hầu hết các ngân hàng niêm yết đều có tỷ lệ LDR (theo Thông tư 36) dưới 80%, không bao gồm BIDV ở mức 86% tính đến tháng 9. Quy định mới nâng mức trần từ 80% lên 85% cho tất cả các ngân hàng, điều này sẽ có lợi cho các ngân hàng thương mại cổ phần. Đối với các ngân hàng quốc doanh, SSI Research ước tính BIDV sẽ giảm tỷ lệ này xuống dưới 85% nhờ nguồn vốn mới tăng vào năm 2020.

Một cán bộ cao cấp HSBC Việt Nam cho biết, hoạt động cho vay bất động sản vốn đã được kiểm soát và siết rất chặt nên Thông tư 22/2019 được ban hành không ảnh hưởng đến hoạt động của Ngân hàng.

Tại TPBank, một lãnh đạo cao cấp thông tin, sau tái cơ cấu, Ngân hàng đẩy mạnh hoạt động bán lẻ và tiêu dùng, nên Thông tư 22/2019 về cơ bản không tác động đến hoạt động kinh doanh.

Theo đó, mặc dù thu nhập lãi thuần trong 9 tháng đầu năm 2019 tăng 33% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh hơn, đạt 72%, lên 757 tỷ đồng.

Đáng chú ý, mảng kinh doanh ngoại hối và đầu tư chứng khoán có sự tăng trưởng đột biến về lãi thuần, lần lượt tăng 178% và 137%. Riêng lãi thuần thu về từ đầu tư chứng khoán là 824 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, với sự trợ giúp của công nghệ, mỗi tháng hệ thống LiveBank đã phục vụ hơn 2.500 giao dịch thành công. Thế nên, dù đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, song lợi ích mang về cho TPBank đã chuyển hóa tích cực, cả trực tiếp lẫn gián tiếp.

“Phí dịch vụ thanh toán của TPBank tăng nhờ sự phát triển mạnh mẽ của ngân hàng số như mạng lưới LiveBank và các ứng dụng e-Banking đã trợ giúp cho các dịch vụ gửi tiền và giao dịch qua Ngân hàng”, báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán SSI nêu rõ.

Mặt khác, với mục tiêu phát triển ngân hàng bán lẻ trong đó định hướng sự đóng góp của các sản phẩm thu phí sẽ ngày càng tăng cao và dựa trên nhu cầu thực tế của thị trường, TPBank đã lựa chọn Sun Life Việt Nam làm đối tác.

“Cho vay bất động sản không còn là thị phần rất hấp dẫn đối với TPBank”, vị lãnh đạo trên nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, Thông tư 22/2019 được ban hành đã chính thức hóa các dự định của NHNN, trong đó việc giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn là giảm rủi ro cho các ngân hàng và đây là điều thích hợp với tình hình thực tế và thị trường.

Trước câu hỏi về lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn xuống 30% đến đầu năm 2022 liệu có chặt chẽ, TS. Hiếu cho rằng, tỷ lệ này tại Việt Nam còn quá rộng rãi, bởi theo thông lệ quốc tế chỉ là 20%.

“Dù vậy, thực tế, ngành ngân hàng Việt Nam có rất nhiều vốn lưu động là vốn ngắn hạn nên mức 30% là tương đối phù hợp”, ông Hiếu nói.

Hoài Dương

Tin liên quan