Thị trường trái phiếu vẫn còn tiềm năng tăng trưởng

Cập nhật: 16:02 | 05/04/2022 Theo dõi KTCK trên

Trên thị trường, hiện tại có đến 40% trái phiếu doanh nghiệp đến từ các doanh nghiệp bất động sản, tuy nhiên, dòng tiền của doanh nghiệp bất động sản không được ổn định như các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khác nhưng lại có tài sản đảm bảo.

Tại Talk show Phố Tài chính ngày 4/4/2022, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, tổng khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ quý I đạt khoảng hơn 10% so với kế hoạch đặt ra đạt trên 40.000 tỷ đồng.

Kỳ hạn phát hành chủ yếu cũng là 10 – 15 năm. Khối lượng huy động trái phiếu doanh nghiệp ước đạt hơn 40.000 tỷ đồng - tăng khoảng 0,8% trong đó trái phiếu bất động sản chiếm trên 40% và của các tổ chức tín dụng chiếm khoảng trên 20%. Khối lượng phát hành trái phiếu riêng lẻ thì là trên 77,8%. Lãi suất của cả trái phiếu Chính và trái phiếu doanh nghiệp đều có áp lực tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 do lo ngại lạm phát.

5906-thi-truong
Thị trường trái phiếu vẫn còn tiềm năng tăng trưởng.

Theo bà Ngô Thị Thùy Linh, Chủ tịch CTCK Smart Invest (AAS), thị trường trái phiếu ngày càng phát triển mạnh, nhóm khách hàng mua trái phiếu cũng ngày càng đa dạng hơn.

Năm 2020, giá trị giao dịch trái phiếu tại AAS đạt khoảng 22.000 tỷ đồng. Sang năm 2021, giao dịch đã đạt đến mức 55.000 tỷ đồng. Còn trong quý I/2022 giao dịch trái phiếu chững hơn do việc Nghị định 153 bắt đầu đi vào hoạt đông.

Theo ông Quỳnh, Nghị định 153 (Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế) giúp cho thị trường trái phiếu lành mạnh hơn tuy nhiên hiện vẫn có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc tiếp tục sửa đổi Nghị định này.

Việc siết lại Nghị định 153 trong thời gian vừa qua là bước định hướng để chuyển từ phát triển về lượng sang phát triển về chất. Tuy nhiên, thông thường ở thị trường quốc tế, phát hành trái phiếu ra công chúng tiêu chuẩn và chuẩn mực phải cao hơn trái phiếu phát hành riêng lẻ.

Đến nay, Việt Nam đang đưa ra các dự thảo sửa đổi Nghị định 153 theo hướng thắt chặt hơn nữa và điều này có những điểu khoản chặt hơn cả trái phiếu phát hành theo phương thức ra công chúng.

Bà Linh cho rằng, Nghị định 153 sẽ nâng cấp thị trường trái phiếu của Việt Nam minh bạch, sàng lọc về chất lượng hơn. Về dài hạn chính sách này có thể hạn chế được các rủi ro cho nhà đầu tư. Các cá nhân thực sự không đủ kiến thức chuyên nghiệp để đánh giá được rủi ro của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Vì vậy, phải đưa ra các đánh giá xếp hạng về tín nhiệm và các điều kiện liên quan đến mục đích phát hành.

Trên góc độ nhà tư vấn, nhà đầu tư đánh giá sơ bộ về việc doanh nghiệp dư dụng tài sản đảm bảo, liệu dòng tiền của doanh nghiệp có đủ thanh toán cho nhà đầu tư trong tương lai hay không? Tương ứng với mỗi giai đoạn phát triển, Nhà nước sẽ nắm bắt tình hình thị trường để đưa ra những chính sách điều chỉnh nâng cao chất lượng cho thị trường trái phiếu tốt hơn nữa.

Hiện tại, CEO Smart Invest đánh giá cao việc cơ quan quản lý Nhà nước đã cảnh báo rủi ro đối với các nhà đầu tư liên quan tới các kênh trái phiếu. Đã có nhiều trái phiếu được các doanh nghiệp tự phát hành, tự chào bán nhưng không thông qua các tổ chức tư vấn.

Thực tế vẫn xảy ra những trường hợp có doanh nghiệp sau khi phát hành ra trái phiếu sử dụng sai mục đích hoặc không hiệu quả gây rủi ro cho nhà đầu tư. Về vấn đề này, bà Linh cho rằng nên ràng buộc thêm một vài tiêu chí liên quan đến đơn vị tư vấn hoặc bắt buộc phải có đơn vị bảo lãnh. Điều này để tăng cường chất lượng trái phiếu và đảm bảo được thanh khoản cho trái phiếu đó.

Trên thị trường hiện tại có đến 40% trái phiếu doanh nghiệp đến từ các doanh nghiệp bất động sản, tuy nhiên, dòng tiền của doanh nghiệp bất động sản không được ổn định như các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khác nhưng lại có tài sản đảm bảo. Đối nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khác tài sản đảm bảo hạn chế nhưng dòng tiền tốt để đảm bảo tốt cho việc thanh khoản trái phiếu.

Theo bà Linh, tùy vào khẩu vị của nhà đầu tư nhưng cũng cần nêu cao vai trò của nhà tư vấn phát hành lẫn tư vấn đầu tư cho nhà đầu tư.

Ông Quỳnh cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 88 về quản lý hoạt động của các công ty xếp hạng tín nhiệm. Bên cạnh đó, hiệp hội thị trường trái phiếu đang có hoạt động hợp tác với các tổ chức có uy tín trên thị trường quốc tế để hình thành công ty xếp hạng tín nhiệm để tạo thêm cơ hội và sự lựa chọn cho doanh nghiệp. Với quy hoạch của Chính phủ, sẽ không chỉ dừng lại ở một hai công ty mà có thể tối đa 5 công ty xếp hạng tín nhiệm để tạo sự cạnh tranh.

Đồng tình với ông Quỳnh, bà Linh đánh giá xếp hạng tín nhiệm là điều tất yếu cho nhà đầu tư có sơ sở để định hạng và đánh giá chất lượng doanh nghiệp tốt hay xấu. Các tổ chức phát hành có áp lực để chuẩn hóa doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tốt, chuẩn hóa dòng tiền.

Đánh giá về diễn biến của thị trường trái phiếu trong các quỹ tiếp theo, ông Quỳnh cho biết dù có nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng GDP và vốn cho đầu tư phát triển phục hồi sau dịch bệnh sẽ tiếp tục tăng trưởng. Tỷ lệ dân tham gia vào thị trường trái phiếu so với các nước có thị trường tài chính phát triển vẫn còn thấp.

Ví dụ như giá trị trái phiếu doanh nghiệp hiện nay của Việt Nam đạt khoảng 20% GDP so với tỷ lệ tại các nước ASEAN khoảng từ 40 - 50%, thậm chí có những nước lên đến 90% GDP.

Với những dư địa như vậy, tiềm năng tăng trưởng của thị trường trái phiếu vẫn còn. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn cần có những điều chỉnh về mặt chính sách để chuyển phát triển từ lượng sang chất.

Bà Linh nhận định năm 2022 thị trường trái phiếu có thể không đạt được mức độ tăng trưởng ấn tượng do Fed đã tăng lãi suất, dòng tiền bị hạn chế gián tiếp.

Bên cạnh đó, lãi suất trong nước sẽ tăng do lạm phát và nhu cầu tín dụng tăng lên sẽ dẫn đến nhà đầu tư cá nhân có thể không nhận được mức tăng trưởng như năm ngoái. Dựa trên những chính sách ban hành mới của cơ quan quản lý Nhà nước, những cảnh báo vừa qua đối với nhà đầu tư cá nhân về rủi ro của kênh trái phiếu, thị trường được kỳ vọng sẽ tăng cường chất lượng hơn trong tương lai.

Tập đoàn Tân Hoàng Minh nói gì về việc hủy bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu hơn 10.000 tỷ đồng?

Liên quan đến việc hủy bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu, Tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa có thông báo đang thực hiện rà ...

Chuyên gia chứng khoán: Thị trường chứng khoán vẫn là kênh sinh lời tốt

Theo các chuyên gia, những tác động về địa chính trị hay là lạm phát cao trên thế giới chỉ là những tác động ngắn ...

Thận trọng với "món hời" lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Việc nhóm doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu về giá trị phát hành trái phiếu năm 2021 được chỉ ra là do nhóm doanh ...

Việt Hoàng