Thị trường hồ tiêu tháng 5/2021: Giá tiêu bước vào đợt tăng mới

Cập nhật: 14:20 | 22/06/2021 Theo dõi KTCK trên

Giá hạt tiêu trên thị trường quốc tế trong tháng 5 ghi nhận xu hướng tăng ở hầu hết các thị trường. Sang đến tháng 6 (từ ngày 1/6 đến ngày 11/6) giá tiêu tại Brazil và Indonesia tiếp tục tăng 1,9% và 2,7% so với cuối tháng 5.

Giá dầu thô có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng vào năm 2022?

Giá thép hôm nay 22/6/2021: Thép thanh tiếp đà lao dốc

Lần đầu lên sàn đấu giá, vải thiều Việt tại Australia được trả giá gần 52 triệu đồng/1kg

Thị trường hồ tiêu thế giới

Sản xuất

Theo Tổ chức Hồ tiêu Quốc tế (IPC), sản lượng hạt tiêu toàn cầu trong năm 2021 dự báo đạt 555 nghìn tấn, giảm 21 nghìn tấn so với năm 2020. Tuy nhiên con số có thể thấp hơn khi mới đây IPC tiếp tục điều chỉnh hạ dự báo sản lượng hạt tiêu của Việt Nam.

Tại Malaysia, mặc dù đang là thời điểm thu hoạch chính vụ nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng khiến người trồng tiêu gần như không thể thu hoạch và bán ra thị trường.

Còn tại Brazil, lượng tiêu tồn kho của nước này hiện nay tương đối thấp và sản lượng được dự báo sẽ giảm mạnh trong năm 2021. Nguyên nhân là do Brazil có khả năng phải đối mặt với một đợt hạn hán nghiêm trọng từ tháng 6 đến tháng 9 và được dự báo là đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 91 năm qua. Trong khi đó, năm nay vụ thu hoạch tiêu của Indonesia sẽ diễn ra vào tháng 7 và tháng 8, nhưng theo nhiều thông tin, sản lượng sẽ giảm trên 20% so với niên vụ 2020 do giá cả không hấp dẫn khiến nhiều nông dân chuyển đổi cây trồng và bỏ bê chăm sóc.

Tại Ấn Độ, sau một thời gian bị gián đoạn do đại dịch COVID-19 nước này đã mở cửa trở lại vào đầu tháng 6/2021, nhu cầu ở thị trường nội địa vì thế cũng cao hơn. Tuy nhiên, việc chế biến tiêu đang gặp khó khăn khi nguồn nguyên liệu không có sẵn.

1917-thitruongtieu2
Ảnh minh họa

Hạt tiêu Kampot của Campuchia cũng đã được đăng ký bảo hộ quốc tế tại 32 quốc gia theo Đạo luật Geneva của Hiệp định Lisbon về Tên gọi xuất xứ và Chỉ dẫn địa lý.

Còn theo Hiệp hội Xúc tiến Hồ tiêu Kampot (KPPA), xuất khẩu hạt tiêu Kampot đã vượt qua cơn bão kinh tế do COVID-19 tạo ra và tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Campuchia.

Thông thường thị trường hạt tiêu được thúc đẩy bởi lượng mua của khách du lịch nhưng ngay cả khi họ vắng mặt trong thời kỳ đại dịch, nhu cầu quốc tế vẫn rất mạnh.

Tính đến cuối tháng 5/2021, giá tiêu tại Campuchia đứng ở mức 15 USD/kg đối với tiêu đen, 25 USD/kg đối với tiêu đỏ, 28 USD/kg đối với tiêu trắng và 4 USD/kg đối với tiêu xanh.

Tiêu thụ

Nhập khẩu hạt tiêu của Mỹ trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 27,2 nghìn tấn, trị giá 88,1 triệu USD, tăng 5,9% về lượng và tăng 19,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, trong 4 tháng đầu năm nay, nhập khẩu tiêu đã xay hoặc nghiền của Mỹ tăng mạnh 42,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 8,7 nghìn tấn. Trong khi đó, lượng tiêu chưa xay hoặc nghiền lại giảm 5,7%, xuống còn 18,4 nghìn tấn.

Việt Nam tiếp tục là nhà cung cấp hạt tiêu số 1 cho thị trường Mỹ trong 4 tháng đầu năm với khối lượng đạt 17,2 nghìn tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 63,1% trong tổng nhập khẩu tiêu của Mỹ. Bên cạnh đó, Mỹ cũng tăng mạnh nhập khẩu hạt tiêu từ các thị trường Indonesia (+97,4%), Ấn Độ (+45,7%), Trung Quốc (+137,2%)… và giảm nhập khẩu từ Brazil, Nam Phi, Sri Lanka…

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, trong tháng 4/2021, nhập khẩu hạt tiêu của nước này đạt gần 1,5 nghìn tấn, tăng 11% so với tháng trước nhưng giảm 45% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế sau 4 tháng đầu năm, nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc đạt 5,75 nghìn tấn, giảm 26,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 4 tháng đầu năm, nhu cầu nhập khẩu tiêu của Trung Quốc có sự chuyển dịch từ tiêu nguyên hạt sang tiêu đã xay hoặc nghiền.

4 tháng đầu năm 2021, lượng hạt tiêu nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam, Malaysia, Brazil giảm lần lượt là 66,4%, 17,4% và 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Trung Quốc đã nhập khẩu tổng cộng 1 nghìn tấn hạt tiêu từ Việt Nam và 80% trong số đó, tương ứng 835,6 tấn là tiêu nguyên hạt, giảm 71,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, tăng nhập khẩu hạt tiêu đã xay hoặc nghiền từ Việt Nam lên mức 371,4 nghìn tấn, tương ứng tăng 37,4%.

Trái lại, Indonesia thị trường cung cấp hạt tiêu lớn nhất cho Trung Quốc ghi nhận mức tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,6 nghìn tấn. Giá nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc từ Brazil và Indonesia và cũng tăng khá mạnh 30,2% và 15,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Dự báo

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tình hình tiêu thụ hạt tiêu toàn cầu trong những tháng đầu năm nay không có biến động mạnh. Theo đó, Mỹ và các nước Ả Rập tiếp tục tăng nhập khẩu trong khi Trung Quốc và một số quốc gia châu Âu lại giảm đáng kể lượng mua vào.

Nhu cầu tăng kết hợp với nguồn cung sụt giảm tại Việt Nam và triển vọng mùa vụ không mấy khả quan tại các nhà cung cấp lớn khác như Indonesia hay Brazil sẽ tiếp tục nâng đỡ giá hạt tiêu trong thời gian tới. Ngoài ra, thị trường cũng chịu tác động bởi các yếu tố đầu cơ hay cước vận tải biển tăng cao.

Thị trường hồ tiêu Việt Nam

Sản lượng

Mới đây, Tổ chức Hồ tiêu Quốc tế đã tiếp tục hạ dự báo sản lượng hồ tiêu của Việt Nam trong vụ thu hoạch 2021 xuống còn 180.000 tấn, tương ứng giảm 40.000 tấn so với dự báo trước đó và thấp hơn 60.000 tấn (tương đương 25%) so với vụ thu hoạch 2020.

1915-thitruongtieu1
Ảnh minh họa

Nhập khẩu

Các doanh nghiệp trong nước đang tăng cường nhập khẩu hạt tiêu nhằm bù đắp sự sụt giảm nguồn cung trong nước.

Trong tháng 5, nhập khẩu hạt tiêu của Việt Nam tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay với hơn 5 nghìn tấn, tăng mạnh 56,8% so với tháng 4. Trong đó tiêu đen đạt 4,3 nghìn tấn và tiêu trắng đạt 73 tấn.Campuchia là quốc gia xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất vào Việt Nam trong tháng 5/2021, đạt hơn 1,8 nghìn tấn, tăng 138,3% so với tháng 4/2021, nguyên nhân có thể là do dịch COVID-19 nên hàng hóa không xuất khẩu qua đường tiểu ngạch và phải chuyển sang chính ngạch.

Như vậy, sau 5 tháng đầu năm, nhập khẩu hạt tiêu của nước ta đạt 16,4 nghìn tấn, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Hạt tiêu được nhập khẩu chủ yếu từ 3 thị trường chính là Indonesia, Brazil và Campuchia. Trong đó, lượng hạt tiêu nhập về từ Indonesia đạt 1,1 tấn, tăng 35,8%; từ Brazil đạt 4,5 nghìn tấn, giảm 14,6%; từ Campuchia đạt 3,2 nghìn tấn, tăng 84,8%.

Những doanh nghiệp nhập khẩu tiêu lớn nhất trong 5 tháng đầu năm nay gồm có: Olam Việt Nam với gần 7 nghìn tấn, tăng 52,1% so với cùng kỳ năm trước; Harris Freeman đạt 1,5 nghìn tấn, tăng 24,8%; Gia vị Sơn Hà đạt 1,2 nghìn tấn, tăng 342,1%...

Xuất khẩu

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt gần 28 nghìn tấn, trị giá 95,9 triệu USD, giảm 13,2 % về lượng và giảm 8,9% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái giảm 6,7% về lượng nhưng tăng mạnh 58,9% về trị giá.

Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt tổng cộng 121,3 nghìn tấn, trị giá 379,6 triệu USD, giảm 17,1 % (tương ứng giảm gần 25.000 tấn) về lượng nhưng bù lại trị giá tăng mạnh 23% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong tháng 5/2021, giá xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam tiếp tục tăng tháng thứ 7 liên tiếp lên mức trung bình 3.429 USD/tấn, tăng 5% so với tháng trước và tăng tới 70% (1.416 USD/tấn) so với cùng kỳ năm ngoái.

Cơ cấu chủng loại hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 5/2021 tiếp tục có sự chuyển dịch từ tiêu nguyên hạt sang tiêu đã xay hoặc nghiền. Cụ thể, tỷ trọng tiêu đen nguyên hạt trong tổng xuất khẩu đã giảm từ 79,1% của tháng trước xuống còn 78,1% trong tháng này, với 21,8 nghìn tấn. Tiêu trắng nguyên hạt cũng giảm tỷ trọng xuống còn 7,4% trong tháng này so với 9,3% trong tháng trước, đạt 2,1 nghìn tấn. Trong khi đó, tỷ trọng tiêu đen đã xay tăng lên 10,3% (đạt 2,9 nghìn tấn), còn lại tiêu trắng xay chiếm 2,7% tỷ trọng và tiêu ngâm giấm, mộc, đầu đinh, xanh, hồng,… chiếm 1,5%.

Diễn biến giá

Trong tháng 5, giá hạt tiêu ổn định trong phần lớn thời gian và bất ngờ tăng mạnh trong tuần cuối cùng của tháng. Cụ thể, từ ngày 1/5 đến 22/5/2021, giá tiêu đen nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên duy trì ổn định ở mức 63.000 – 68.000 đồng/kg.

Sau đó giá liên tục tăng từ ngày 23/5 đến 30/5/2021, với mức tăng 4.500 – 5.000 đồng/kg lên 69.000 – 72.500 đồng/kg. Sang đến tháng 6, giá hạt tiêu đen trong nước giảm ở hầu hết khu vực sản xuất với mức giảm 500 – 1.000 đồng/kg so với cuối tháng 5/2021, xuống còn 68.000 – 72.000 đồng/kg trong ngày 12/6.

Ngược lại, giá hạt tiêu trắng ở mức 103.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với cuối tháng 5/2021 và tăng mạnh so với 67.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2020. Theo Cục xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, việc Trung Quốc đẩy mạnh thu mua hạt tiêu khiến giá phục hồi trở lại từ cuối tháng 5/2021.

Tuy nhiên, sức mua không tăng mạnh như kỳ vọng, đồng thời cước phí tàu biển tiếp tục tăng nên các doanh nghiệp hạn chế việc mua vào, khiến giá hạt tiêu trong nước đầu tháng 6/2021 giảm so với cuối tháng 5/2021.

Dự báo

Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam thời gian tới sẽ thuận lợi về giá khi các thị trường Mỹ, châu Âu, Ấn Độ nới lỏng giãn cách xã hội, Trung Quốc tăng nhập khẩu để bù đắp phần thiếu hụt từ những tháng trước đó. Tuy nhiên, lượng hạt tiêu còn lại trong dân không còn nhiều do đã đẩy mạnh bán ra từ trước đó. Điều này sẽ tác động tích cực lên giá hạt tiêu trong thời gian tới.

Còn theo Bộ NN&PTNT, hiện tại nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã nhận được đơn hàng, trong bối cảnh nguồn cung cạn dần do vụ thu hoạch tiêu đã kết thúc.

Bộ dự báo giá tiêu toàn cầu sẽ tăng trong thời gian tới, song mức tăng không lớn. Nguyên nhân giá tiêu tiếp tục tăng là do nguồn cung tại Việt Nam - nước sản xuất tiêu lớn nhất thế giới giảm mạnh so với năm trước.

Thu Uyên (Tổng hợp)

Tin cũ hơn
Xem thêm