Giá dầu thô có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng vào năm 2022?

Cập nhật: 11:13 | 22/06/2021 Theo dõi KTCK trên

Ngân hàng Bank of America dự đoán, giá dầu thô có thể tăng lên 100 USD/thùng vào năm tới khi nhu cầu đi lại phục hồi. Liên minh OPEC+ hiện duy trì cách tiếp cận thận trọng trong việc nâng sản lượng khai thác bất chấp các dấu hiệu cho thấy nhu cầu sử dụng tăng mạnh. Đây là dự báo lạc quan nhất từ trước đến nay trong số các tổ chức lớn.

Giá thép hôm nay 22/6/2021: Thép thanh tiếp đà lao dốc

Lần đầu lên sàn đấu giá, vải thiều Việt tại Australia được trả giá gần 52 triệu đồng/1kg

Giá gas hôm nay 22/6/2021: Giá khí đốt tự nhiên tiếp tục giảm

Dự đoán lạc quan nhất

Trong báo cáo mới nhất, ngân hàng Bank of America (Mỹ) cho biết, mức tiêu thụ dầu thô toàn cầu sẽ tiếp tục vượt cung vào năm 2022, khi nền kinh tế thế giới vực dậy từ đại dịch và thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu, trong khi hoạt động đầu tư khai thác mới bị hạn chế bởi những lo ngại về môi trường.

Ông Francisco Blanch, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa của Bank of America, cho hay: "Nhu cầu năng lượng của nhiều nước bị dồn nén vì ảnh hưởng của đại dịch. Khi nền kinh tế chung khởi sắc, nhu cầu sẽ bùng nổ".

Trong các nhà tổ chức khác, từ tập đoàn thương mại hàng hóa Trafigura Group đến ngân hàng Goldman Sachs, cho rằng giá dầu thô có thể quay lại mức 100 USD/thùng trong điều kiện thích hợp, thì cho đến nay dự đoán của Bank of America là chắc chắn và cụ thể nhất.

1025-giadau
Ảnh minh họa

Theo Bloomberg, nếu dự đoán của Bank of America là đúng, đây sẽ là lần đầu tiên giá dầu thô quay trở về mức ba con số kể từ năm 2014, tức trước khi Mỹ ồ ạt bơm lượng lớn dầu đá phiến ra thị trường và khiến giá dầu quay đầu giảm. Đến nay, giá dầu vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn về mốc cũ.

Triển vọng ngày càng tươi sáng của giá dầu đang tạo thêm áp lực cho OPEC+. Liên minh dầu mỏ do Arab Saudi và Nga dẫn dắt dự kiến sẽ nhóm họp vào tuần tới để xem xét khôi phục một phần sản lượng mà họ đã cắt giảm trong thời kỳ dịch bệnh.

Trong khi Riyadh đã phát tín hiệu hành động thận trọng, nguồn cung trên toàn thế giới bị siết chặt có thể thúc đẩy liên minh dầu mỏ bơm thêm sản lượng. Trong tháng 6, giá dầu đã tăng nhẹ khi Iran, một nước thành viên OPEC, không thể đạt được thỏa thuận hạt nhân với Mỹ.

Các yếu tố chi phối giá dầu mỏ thời gian tới

Thứ nhất: Nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu phục hồi mạnh mẽ là yếu tố cơ bản và có tác động lớn nhất để hỗ trợ giá dầu thô tăng lên. Sự hồi sinh của nền kinh tế toàn cầu hậu đại dịch Covid-19 là động lực lớn nhất thúc đẩy sự bùng nổ trên thị trường hàng hoá, nguyên liệu thô.

Tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm nay được Ngân hàng Thế giới dự báo sẽ đạt 5,6% - mức phục hồi hậu suy thoái mạnh nhất trong vòng 80 năm trở lại đây. Tại những quốc gia thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh, hoạt động giao thông đã gần như trở về mức bình thường. Mức tiêu thụ xăng và nhiên liệu hàng không tại nhiều nơi trên thế giới, bao gồm Hoa Kỳ và Trung Quốc, đã tăng mạnh. Đặc biệt, mức tiêu thụ nhiên liệu tại Hoa Kỳ trong mùa hè này được dự báo sẽ đạt mức cao kỷ lục.

Thứ hai: Tăng trưởng nguồn cung dầu thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng nhu cầu sử dụng dự kiến trong năm nay. Liên minh OPEC+ đang thận trọng để giữ thị trường ở mức cân bằng và tránh để tình trạng dư cung xảy ra khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi. Dự kiến sản lượng dầu thô toàn cầu năm nay sẽ chỉ tăng thêm ở mức 1,3 triệu thùng/ngày; trong khi đó, nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu sẽ tăng thêm tới 5,9 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, OPEC vừa mới dự báo sản lượng khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ sẽ không phục hồi nhanh trong năm nay. Thông thường, sản lượng khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ sẽ phục hồi nhanh khi giá dầu thô tăng mạnh trở lại.

Thứ ba: Lượng tồn trữ dầu thô trên toàn cầu đang có xu hướng giảm mạnh, phản ánh tình trạng nguồn cung ở mức thấp và nhu cầu tăng cao. Hãng Wood Mackenzie cho biết lượng tồn trữ dầu thô của các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hiện đã giảm hơn 100 triệu thùng so với mức đỉnh hồi tháng 5/2020. Dự kiến, lượng tồn trữ dầu thô này sẽ tiếp tục giảm thêm 100 triệu thùng nữa trong nửa cuối năm nay, xuống mức thấp hơn đáng kể so với mức trước thời điểm đại dịch xảy ra.

Dự báo giá dầu thô những tháng tới

Hãng Wood Mackenzie dự báo giá dầu thô có thể tiếp tục tăng trong những tháng tới đây. Trong đó, giá dầu thô Brent có thể đạt khoảng 75 USD – 76 USD/thùng trong những tháng mùa hè này và dự kiến nguồn cung sẽ tiếp tục ở mức thấp trong Quý 3/2021. Trong khi đó, tâm lý giới đầu tư vẫn tiếp tục hưng phấn, thậm chí, một số nhà đầu tư còn kỳ vọng giá dầu thô sẽ đạt ngưỡng 100 USD/thùng.

Tuy nhiên, hãng Wood Mackenzie nhận định diễn biến giá dầu thô trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào chiến lược khai thác của liên minh OPEC+ khi tổ chức này có thể nhanh chóng nâng sản lượng khai thác trở lại.

Trong khi đó, các hãng giao dịch dầu thô lớn nhất thế giới như Vitol và Trafigura đồng loạt dự báo giá dầu thô sẽ dao động trong khoảng từ 70 USD – 80 USD/thùng trong nửa cuối năm nay. Tập đoàn tài chính Goldman Sachs (Hoa Kỳ) hiện vẫn giữ nguyên dự báo giá dầu thô sẽ đạt 80 USD/thùng trong những tháng mùa hè này.

Giới quan sát nhận định hiện liên minh OPEC+ có xu hướng để giá dầu thô tăng cao nhằm khắc phục phần nào thiệt hại doanh thu lên đến 355 tỷ USD khi thị trường dầu mỏ sụp đổ trong năm ngoái.

Hãng Wood Mackenzie nhận định nếu giá dầu thô Brent trong năm 2021 đạt trung bình 69,30 USD/thùng thì doanh thu của OPEC sẽ gần đạt mức tương đương trong năm 2019 với sản lượng khai thác giảm 10%.

Liên minh OPEC+ cũng hiểu được những rủi ro khi giá dầu thô lên quá cao sẽ làm chậm lại đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, phần lớn ngành công nghiệp dầu mỏ đang thu được dòng tiền khổng lồ khi giá dầu thô ở mức 70 USD/thùng. Mọi việc sẽ bắt đầu thay đổi khi giá dầu thô vẫn giữ ở mức cao như hiện nay trong năm 2022 và đà phục hồi nhu cầu sử dụng có dấu hiệu ổn định.

Thu Uyên (Tổng hợp)

Tin cũ hơn
Xem thêm