Thị trường hồ tiêu quý II/2021: Giá tiêu có xu hướng ổn định trong ngắn hạn

Cập nhật: 11:38 | 29/07/2021 Theo dõi KTCK trên

Giá tiêu trên thị trường thế giới biến động trái chiều trong tháng 6 và có xu hướng ổn định trong tháng 7. Hiện một số nước bắt đầu bước vào vụ thu hoạch, nhưng nguồn cung không dồi dào như những năm trước do sản lượng dự kiến giảm ở một số quốc gia.

Bộ Công Thương đề xuất nới lỏng danh mục hàng hóa thiết yếu

Giá gas hôm nay 29/7/2021: Vững đà giảm trên thế giới

Bảng giá xe Mazda mới nhất tháng 8/2021: Ưu đãi lên đến 120 triệu đồng

Thị trường hồ tiêu thế giới

1. Về sản xuất

Theo trang peppertrade, vụ thu hoạch của Indonesia năm nay sẽ diễn ra muộn hơn so với dự kiến do dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nước này. Với năng suất giảm, sản lượng tiêu dành cho xuất khẩu của Indonesia năm nay dự kiến vào khoảng 10.000 - 15.000 tấn (tổng sản lượng hạt tiêu đạt khoảng 30.000 tấn nhưng tiêu thụ nội địa chiếm một nửa với 15.000 tấn). Xuất khẩu từ Indonesia cũng đang có những hạn chế nhất định bởi tình trạng thiếu container và giá cước vận tải tăng cao.

Còn tại Brazil, vụ thu hoạch tiêu thứ hai của nước này dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối tháng 8 đầu tháng 9 với sản lượng khoảng 25.000 tấn. Tuy việc giao hàng nhanh nhưng giá cao hơn so với Việt Nam. Đồng Real của Brazil thời điểm cuối tháng 6 tăng giá khá mạnh so với USD và đạt mức cao nhất 1 năm, do đó nhiều khả năng giá tiêu từ Brazil sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Với diễn biến như hiện nay, lượng hạt tiêu xuất khẩu của Indonesia và Brazil cho nửa cuối năm 2021 dự kiến đạt tối đa khoảng 50.000 - 60.000 tấn.

Còn theo thehindubusinessline, các nhà kinh doanh gia vị tại Kochi - Ấn Độ lo ngại về việc hạt tiêu Sri Lanka sẽ tràn vào nước này khi số liệu của Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế cho biết, sản lượng hạt tiêu của Sri Lanka tăng 25% trong năm 2021 ở mức 25.000 tấn bên cạnh lượng dự trữ chuyển tiếp là 12.000 tấn từ năm 2020. Tiêu thụ tại thị trường nội địa của Sri Lanka dự kiến là 12.000 tấn.

4856-thitruongtieu
Ảnh minh họa

2. Về tiêu thụ

Nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu của Mỹ trong những tháng đầu năm nay vẫn tương đối tốt. Theo số liệu từ Ủy Ban Thương mại Quốc tế Mỹ, nhập khẩu hạt tiêu của Mỹ trong tháng 5 tăng lên mức cao nhất trong vòng một năm qua với 8,5 nghìn tấn, tăng 2,5% so với tháng 4 nhưng giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Lũy kế sau 5 tháng đầu năm, tổng nhập khẩu hạt tiêu của Mỹ đạt 35,6 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ. Trong đó, tiêu nguyên hạt nhập khẩu của Mỹ giảm 9% xuống còn 24,2 nghìn tấn, trong khi tiêu đã xay hoặc nghiền tăng mạnh 41,3% lên 11,4 nghìn tấn.

Về nguồn cung, Việt Nam tiếp tục là nguồn cung hạt tiêu lớn nhất cho thị trường Mỹ khi chiếm tới 64,5% tổng nhập khẩu của Mỹ, nhưng so với cùng kỳ lượng tiêu nhập khẩu từ Việt Nam giảm nhẹ 1,5%, đạt gần 23 nghìn tấn. Ngoài ra, nhập khẩu hạt tiêu của Mỹ từ Brazil trong 5 tháng cũng giảm mạnh 26,6%, xuống còn 4,5 nghìn tấn. Ngược lại, Mỹ tăng rất mạnh nhập khẩu hạt tiêu từ các nguồn cung cấp khác như: Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm nay.

Trong tháng 5, nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc đạt 1,6 nghìn tấn, đưa tổng nhập khẩu hạt tiêu của nước này trong 5 tháng đầu năm lên mức 7,4 nghìn tấn, giảm mạnh 28,1% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, tiêu nguyên hạt vẫn là chủng loại được Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất với thị phần chiếm hơn 90% tổng lượng nhập, nhưng thời gian gần đây nước này có xu hướng tăng nhập khẩu hạt tiêu đã xay hoặc nghiền.

Theo số liệu từ Trung tâm thương mại quốc tế, nhập khẩu hạt tiêu của Canada trong 5 tháng đầu năm tăng mạnh 26,9% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 3,7 nghìn tấn. Trong đó, Việt Nam chiếm 50% nguồn cung hạt tiêu cho thị trường Canada với 1,92 nghìn tấn, tăng 25,1% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, lượng hạt tiêu nhập khẩu của Canada từ thị trường Brazil tăng tới 473,5% so với cùng kỳ, đạt 639,6 nghìn tấn.

Ngoài ra, Canada cũng tăng nhập khẩu hạt tiêu từ các thị trường khác như Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ… Hàng năm Canada thường nhập khẩu 7 – 7,6 nghìn tấn hạt tiêu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và lượng nhập khẩu từ năm 2019 đến nay đang có xu hướng tăng lên.

3. Diễn biến giá

Trong tháng 6, giá tiêu đen trên thị trường thế giới biến động trái chiều, tăng tại Việt Nam và Brazil trong khi giảm tại Indonesia và Ấn Độ. Sang đến tháng 7 giá tiêu tại hầu hết các thị trường đều đi ngang do một số nước bắt đầu bước vào vụ thu hoạch.

Tính đến ngày giao dịch 12/7, giá tiêu đen tại Brazil và Malaysia đạt lần lượt là 4.000 USD/tấn và 4.985 USD/tấn. Giá tiêu đen tại Indonesia và Ấn Độ cũng ổn định ở mức 3.827 USD/tấn và 5.633 USD/tấn.

Riêng giá tiêu đen tại Việt Nam giảm 7,2% (tương ứng giảm 295 USD/tấn) so với cuối tháng 6, xuống còn 3.800 USD/tấn đối với tiêu đen (500g/l). Với mức giá này, hạt tiêu của Việt Nam đang khá cạnh tranh so với các nhà cung cấp khác như Indonesia hay Brazil.

Trong khi đó, giá tiêu trắng trên thị trường quốc tế cũng tăng khá mạnh từ 30 – 39% từ đầu năm đến nay. Tính đến ngày 12/7/2021, giá tiêu trắng muntok của Indonesia đạt 6.617 USD/tấn, tiêu trắng của Malaysia dao động ở mức 6.800 USD/tấn, tiêu trắng của Việt Nam là 5.800 USD/tấn.

4. Dự báo

Với việc Indonesia, Trung Quốc, Malaysia và Brazil bước vào vụ thu hoạch mới trong tháng 7 và tháng 8 có thể gây áp lực lên giá tiêu trong ngắn hạn. Tuy nhiên, giá hạt tiêu được cho là vẫn ổn định ở mức cao trong quý III nhờ được hỗ trợ bởi những yếu tố như sản lượng giảm ở một số nước sản xuất, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại các nước xuất khẩu tiêu như Việt Nam, Indonesia và Malaysia khiến việc thu hoạch và bán ra bị ảnh hưởng.

Mặt khác giá cước vận tải biển tăng cao, nhu cầu của các thị trường lớn phục hồi cũng tác động lên giá tiêu nguyên liệu tại các nước xuất khẩu.

4858-thitruongtieu1
Ảnh minh họa

Thị trường hồ tiêu Việt Nam

1. Sản lượng

Theo ghi nhận của báo Bà Rịa - Vũng Tàu, cây hồ tiêu tại tỉnh này đang vào giai đoạn cuối kỳ ra hoa, đậu trái. Tuy nhiên, nhiều diện tích hồ tiêu bị rụng hoa hàng loạt do thời tiết bất lợi, mưa nắng thất thường, dự báo năng suất giảm mạnh.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tổng diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh là hơn 11 ngàn ha. Qua đánh giá ban đầu của ngành nông nghiệp cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng tiêu bị rụng hoa trong thời điểm này là do điều kiện thời tiết và việc chăm sóc chưa đúng kỹ thuật.

Đặc biệt, vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết nắng nóng kéo dài, cây tiêu không được cung cấp nước để giữ ẩm kịp thời làm mất đi lượng nước khá lớn. Tùy theo tình trạng của cây mà tỷ lệ và số lượng rụng bông nhiều hay ít, thậm chí có vườn rụng tới 70 - 80%.

2. Nhập khẩu

Trong 6 tháng đầu năm, nhập khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 16.921 tấn, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tiêu đen đạt 12.315 tấn, tiêu trắng đạt 4.606 tấn. Thị trường nhập khẩu lớn nhất là Indonesia với khối lượng đạt 6.332 tấn (chủ yếu là tiêu trắng) tăng 14,5% so với cùng kỳ; kế đến Brazil đạt 4.916 tấn, giảm 15,3%; đứng thứ 3 là Campuchia đạt 3.866 tấn, tăng 92,1%.

Doanh nghiệp đứng đầu về nhập khẩu hạt tiêu trong nửa đầu năm nay là Olam đạt 7.764 tấn, tăng 51,3% so với cùng kỳ. Kế đến là các doanh nghiệp Harris Freeman, Gia vị Sơn Hà, KSS,…

Các doanh nghiệp nhập khẩu tiêu trắng có thể kể tới như: Olam, Vinh Hưng, Đức Long, Phú An…

3. Tình hình xuất khẩu

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 6 đạt mức cao nhất trong hơn một năm qua với 33,2 nghìn tấn, tăng 18,6% so với tháng trước và tăng 64,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 6 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt tiêu đạt hơn 154 nghìn tấn, kim ngạch 496,8 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2020 lượng xuất khẩu giảm 7,5% (12,5 nghìn tấn) tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh 39,8% (141,4 triệu USD).

Trong tháng 6, giá xuất khẩu hạt tiêu tiếp tục tăng tháng thứ 8 liên tiếp khi đạt bình quân 3.580 USD/tấn, tăng 4,4% so với tháng 5 và tăng 54,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong nửa đầu năm nay, hạt tiêu là mặt hàng có giá tăng mạnh nhất trong số các mặt hàng nông sản với mức tăng lên tới 51,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt bình quân 3.225 USD/tấn.

Tiêu đen nguyên hạt vẫn là chủng loại được xuất khẩu nhiều nhất trong tháng 6, đạt 25,7 nghìn tấn, chiếm gần 78% tổng khối lượng xuất khẩu tiêu của cả nước. Tiếp đến là tiêu đen xay tỷ trọng 10,7% (5,5 nghìn tấn); tiêu trắng nguyên hạt chiếm 7,9% tỷ trọng (2,6 nghìn tấn); còn lại tiêu trắng xay chiếm 2,7% và tiêu ngâm giấm, mộc, đầu đinh, xanh, hồng… chiếm 1,1%.

4900-thitruongtieu2
Ảnh minh họa

Lượng hạt tiêu xuất khẩu sang các thị trường chính của Việt Nam như: Mỹ, UAE, Ấn Độ, Pakistan… trong tháng 6 đều tăng mạnh so với tháng trước cũng như cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tiêu sang thị trường Mỹ - thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam tăng 13,9% về lượng và tăng 60% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 32,7 nghìn tấn, trị giá 114,3 triệu USD.

Đứng thứ hai là thị trường UAE với khối lượng đạt 10,3 nghìn tấn, trị giá 34,7 triệu USD, tăng 72,2% về lượng và 179,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, đây cũng là thị trường xuất khẩu tiêu tăng trưởng mạnh nhất trong nửa đầu năm nay. Ngoài ra, lượng hạt tiêu xuất khẩu sang thị trường Pakistan, Hàn Quốc, Anh… cũng tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, xuất khẩu hạt tiêu sang Pakistan, Ấn Độ, Đức, Ai Cập, Nga, Philippines… có chiều hướng giảm.

4. Diễn biến giá

Trong tháng 6, giá tiêu đen tại thị trường nội địa tiếp tục tăng 4.000 – 5.000 đồng/kg so với tháng 5 lên mức 74.000 - 76.500 đồng/kg. Giá hạt tiêu trắng ở mức 110.000 đồng/kg, tăng 8.000 đồng/kg so với cuối tháng 5.

Tuy nhiên, sang tháng 7, giá tiêu có xu hướng ổn định hoặc giảm nhẹ. Tại các tỉnh Tây Nguyên giá tiêu đen dao động ở mức 72.500 – 75.500 đồng/kg tính đến ngày 12/7, giảm 500 – 1.000 đồng/kg so với cuối tháng trước.

Với mức tăng khá mạnh từ đầu năm đến nay, giá tiêu đen trong nước hiện đang cao hơn khoảng 19.000 – 21.500 đồng/kg so với đầu năm nay và cao hơn 1,5 lần so với mức giá 47.000 – 49.500 đồng/kg đạt được của cùng kỳ năm ngoái.

Mặt khác, mức giá 72.500 – 75.500 đồng/kg cũng đưa giá tiêu đen trong nước lên mức cao nhất trong 4 năm rưỡi trở lại đây.

5. Dự báo

Nhìn lại thị trường hạt tiêu trong nửa đầu năm nay, việc giá hạt tiêu tăng mạnh trong thời gian qua được đánh giá là tương đối bất ngờ và vượt dự đoán của doanh nghiệp lẫn người trồng tiêu.

Ngay từ đầu năm, hầu hết nhận định đều cho rằng giá tiêu trong năm 2021 khó tăng mạnh vì cung vẫn vượt cầu, dịch COVID-19 khiến nhu cầu giảm mạnh. Thêm vào đó, tình trạng thiếu container rỗng, giá cước tăng cao càng khiến tình hình khó khăn hơn. Ngoài ra, các nước sản xuất tiêu lớn khác như Brazil, Campuchia tăng sản lượng nên càng gây áp lực lên giá.

Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) đánh giá tình trạng tăng giá tiêu là "bất thường", người dân không nên vì vậy mà vay tiền để trữ hàng hay mở rộng diện tích trồng. Đồng thời VPA cho tằng giá tiêu tăng nóng ngoài các yếu tố khách quan còn có yếu tố bị chi phối bởi các nhà đầu cơ nội địa.

Sau cảnh báo của VPA, giá hạt tiêu trong nước đã hạt nhiệt trong tháng 4 cũng như phần lớn thời gian của tháng 5.

Theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam thời gian tới sẽ khá thuận lợi do nhu cầu từ phía đối tác tăng. Giá hạt tiêu có xu hướng tăng do nguồn cung khan hiếm.

Vụ mùa hạt tiêu năm nay của Việt Nam sản lượng giảm gần 30%. Trong khi đó, tình trạng thiếu container rỗng xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu khiến hàng đến chậm, gây tình trạng thiếu hụt cục bộ.

Thu Uyên (Tổng hợp)