SCIC thoái vốn linh hoạt không đưa hàng hóa làm thị trường dội cung

Cập nhật: 14:58 | 11/07/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Năm 2019, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước – SCIC phải thoái vốn ở 140 doanh nghiệp trong đó có nhiều doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán sở hữu vị thế ngành và nhiều lợi thế kinh doanh khác. Quan điểm của SCIC trong việc thoái vốn năm 2019 là linh hoạt theo thị trường, bán vốn phải đạt hiệu quả, nếu thị trường chứng khoán diễn biến không tốt thì Tổng công ty cũng không đưa hàng hóa ra bán dội cung.    

SCIC sắp đấu giá cổ phần tại Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Bỉm Sơn

SCIC công bố danh sách 108 doanh nghiệp sẽ bán cổ phần năm 2019

SCIC dự kiến thoái vốn toàn bộ khỏi Sa Giang, thu về tối thiểu gần 400 tỷ đồng

Trong nhóm này, có những phiên thoái vốn được chú ý. Đơn cử, SCIC đang chào bán toàn bộ 3,56 triệu cổ phần (tương đương 50% vốn) đang nắm giữ tại CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang. Hình thức bán số cổ phần nói trên là đấu giá cả lô, với giá khởi điểm là 111.700 đồng/cổ phần, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư phải bỏ ra tối thiểu 398 tỷ đồng để sở hữu số cổ phần này. Thời gian đăng ký muộn nhất là ngày 12/7/2019 và chỉ dành cho nhà đầu tư trong nước. Sa Giang là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, hoạt động khá ổn định dù chịu áp lực cạnh tranh khốc liệt trên thị trường xuất khẩu từ các đối thủ đến từ Indonesia, Malaysia, Thái Lan… Năm 2018, Sa Giang trả cổ tức 29% bằng tiền, lãi cơ bản trên mỗi cổ phần là 3.214 đồng. Đây là doanh nghiệp được giới đầu tư nước ngoài khá quan tâm. Tuy nhiên, ngoài SCIC, nhóm cổ đông lớn trong nước của Sa Giang hiện nắm gần 30% cổ phần, đồng thời nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 49% cổ phần tại Sa Giang, nên SCIC giới hạn đợt chào bán này chỉ dành cho nhà đầu tư trong nước.

SCIC thoái vốn linh hoạt không đưa hàng hóa làm thị trường dội cung
Ảnh minh họa

Tiếp đó phải là việc thoái vốn tại Bảo hiểm Bảo Minh. Đơn vị này có vốn điều lệ hơn 900 tỷ đồng, SCIC sở hữu 50,7%. Ngoài SCIC, Bảo Minh còn có cổ đông lớn khác là Tập đoàn AXA (Pháp), nắm 16,6% cổ phần. Khi đầu tư vào Bảo Minh, AXA có thỏa thuận với SCIC rằng khi thoái vốn, hai bên sẽ cùng thoái vốn. Như vậy, nếu lần này AXA muốn thoái vốn cùng SCIC thì nhà đầu tư mới có thể mua vào gần 70% cổ phần Bảo Minh, tức là đủ để chi phối hoàn toàn doanh nghiệp. Thương vụ do vậy được nhìn nhận là hấp dẫn, đặc biệt là với các nhà đầu tư ngoại muốn gia nhập thị trường bảo hiểm Việt Nam, chứ không phải đầu tư tài chính đơn thuần.

Có nhiều doanh nghiệp khác được nhận xét hấp dẫn khi SCIC đưa ra chào bán. Đơn cử như CTCP Bến xe Kon Tum, dự kiến bán vốn nhà nước 97%, tương đương 31 tỷ đồng; CTCP Nông sản thực phẩm xuất khẩu Cần Thơ, vốn nhà nước 98%, tương ứng với 108 tỷ đồng; phần vốn nhà nước tại CTCP Bảo Việt - SCIC; 88% vốn nhà nước tại Tổng công ty Điện tử và tin học, tương ứng 385 tỷ đồng; Tổng công ty Licogi (SCIC nắm 41% vốn), Domesco (SCIC nắm 35% vốn), Fafim Việt Nam (SCIC nắm 30% vốn), CTCP Đầu tư tháp truyền hình Việt Nam (SCIC nắm 33% vốn).

Vừa qua, SCIC thực hiện bán đấu giá thành công trọn lô 3,13 triệu cổ phần (tương đương 59% vốn) Công ty Phát triển nhà Cần Thơ với giá 47.300 đồng/cổ phần, cao hơn 69% so với giá chào bán và gấp gần 5 lần so với mệnh giá.

Anh Khang T/h