Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi)

Cập nhật: 14:58 | 22/10/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Sáng ngày 22/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.

quoc hoi nghe bao cao giai trinh tiep thu chinh ly du an luat chung khoan sua doi

Bên lề Quốc hội: Tiếp thu, chỉnh lý nhiều điểm trong dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi)

quoc hoi nghe bao cao giai trinh tiep thu chinh ly du an luat chung khoan sua doi

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi)

quoc hoi nghe bao cao giai trinh tiep thu chinh ly du an luat chung khoan sua doi

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề trong dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi)

quoc hoi nghe bao cao giai trinh tiep thu chinh ly du an luat chung khoan sua doi
Toàn cảnh phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 và ý kiến các Đoàn ĐBQH về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Về chào bán cổ phiếu thấp hơn mệnh giá, để bảo đảm đồng bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan tại Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc nâng điều kiện về vốn điều lệ là nhằm nâng cao chất lượng, sự ổn định của công ty đại chúng và phù hợp với thông lệ quốc tế, quy mô thị trường chứng khoán. Quy định điều kiện về mức vốn điều lệ để được chào bán chứng khoán ra công chúng là 30 tỷ đồng cũng tương thích với điều kiện niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội hiện nay.

Liên quan đến việc chào bán trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu theo hướng phân định rõ phạm vi Luật Chứng khoán điều chỉnh đối với phát hành chứng khoán của công ty đại chúng và Luật Doanh nghiệp điều chỉnh phát hành chứng khoán của doanh nghiệp không phải công ty đại chúng để bảo đảm tính nhất quán trong việc đưa ra các điều kiện phát hành, quản trị doanh nghiệp cũng như quá trình xem xét chấp thuận, giám sát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền đối với đối tượng công ty đại chúng và doanh nghiệp không phải công ty đại chúng, đồng thời bảo đảm có đủ thời gian đánh giá tác động theo đúng quy định của pháp luật.

quoc hoi nghe bao cao giai trinh tiep thu chinh ly du an luat chung khoan sua doi
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo. Nguồn quochoi.vn

Đối với việc chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với mức vốn thấp, rủi ro cao; cho phép chào bán chứng khoán ra công chúng trên thị trường chứng khoán sẽ ảnh hưởng đến tính an toàn của thị trường và không bảo đảm tính bình đẳng đối với các thành viên thị trường khác. Mặt khác, hiện nay, Luật Doanh nghiệp đã có quy định cụ thể đối với chào bán cổ phần riêng lẻ đối với công ty không phải là công ty đại chúng. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định 38/2018/NĐ-CP đã có những cơ chế hỗ trợ vốn và đầu tư cho các doanh nghiệp này thông qua Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Vì vậy, đề nghị không quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại dự thảo Luật.

Về vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng việc quy định Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính như hiện nay là phù hợp, giữ ổn định về bộ máy, tổ chức, không tăng thêm đầu mối. Đồng thời, mô hình hiện nay đã và đang phát huy tác dụng tốt, giúp cho Bộ Tài chính quản lý thống nhất các vấn đề liên quan đến tài chính của đất nước; các chính sách phụ trợ cho sự phát triển của thị trường chứng khoán được ban hành trong chỉnh thể đồng bộ, linh hoạt.

Để bảo đảm tính thống nhất, giảm bớt đầu mối quản trị, điều hành và minh bạch, rõ ràng trong áp dụng quy định của pháp luật, dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng chỉ có 01 Sở giao dịch chứng khoán duy nhất, là đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức giao dịch chứng khoán; sửa đổi tên gọi Sở giao dịch chứng khoán thành Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam tại các điều, khoản liên quan. Đây là doanh nghiệp rất đặc thù nên cần được quy định cụ thể trong Luật về thẩm quyền thành lập, quyền hạn và nghĩa vụ cơ bản. Mặt khác, những biến động về thị trường tại Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn tiền tệ của quốc gia. Do vậy, để bảo đảm Nhà nước giữ vai trò chỉ đạo, chi phối đề nghị chỉnh lý khoản 1 Điều 42 của dự thảo Luật, theo đó Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật này và Luật Doanh nghiệp, do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Liên quan đến tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) trình Quốc hội Kỳ họp thứ 8 có quy định về điều kiện, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và dự kiến quy định ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Việc quy định như tại Điều 50 dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) bảo đảm được tính thống nhất với quy định hiện hành và dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), bảo đảm tính linh hoạt bằng việc giao Chính phủ hướng dẫn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, qua rà soát, các quy định của dự thảo Luật không chồng lấn với phạm vi điều chỉnh của các luật khác và không gây ra các xung đột pháp luật. Riêng Luật Các tổ chức tín dụng có quy định những điều kiện nhằm hạn chế hoạt động đầu tư chứng khoán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để ngăn ngừa rủi ro và bảo đảm an ninh tiền tệ. Do vậy, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Điều 3 được chỉnh sửa theo hướng giảm bớt các hoạt động bắt buộc phải tuân thủ Luật Chứng khoán, cụ thể đã bỏ quy định về đầu tư và quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán so với dự thảo đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

Bên cạnh đó, Để tạo thuận lợi cho hoạt động của các chủ thể kinh doanh, Điều 69 của dự thảo Luật cũng đã sửa đổi quy định về cấp giấy phép thành lập và hoạt động đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán tương tự quy định về cấp giấy phép cho tổ chức tín dụng tại Luật Các tổ chức tín dụng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, ngoài những nội dung nêu trên, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung cụ thể và kỹ thuật văn bản. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin kính trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Anh Khang T/h

Tin cũ hơn
Xem thêm