Phía sau câu chuyện về “sự sụp đổ” của thương hiệu thép Gia Sàng: Bài 1: Con chim đầu đàn ngành thép “gãy cánh”

Cập nhật: 08:27 | 18/05/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Thời gian gần đây, xuất hiện một số thông tin xung quanh việc tái cấu trúc Công ty cổ phần luyện cán thép Gia Sàng (Công ty Gia Sàng) với những nhận định như “có nhiều khuất tất”, “không làm đúng cam kết tháo dỡ nhà máy”, “hé lộ lợi nhuận khủng”, “phân lô bán nền”, “thâu tóm đất vàng để trục lợi”… Tuy nhiên, đi sâu tìm hiểu từ các cơ quan có trách nhiệm, sự việc hoàn toàn không phải như vậy.

phia sau cau chuyen ve su sup do cua thuong hieu thep gia sang bai 1 con chim dau dan nganh thep gay canh
Nhà máy thép Gia Sàng từng bị đắp chiếu nhiều năm.


Lao dốc sau cổ phần hóa

Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng (Công ty Gia Sàng) tiền thân là Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng do Cộng hòa Dân chủ Đức giúp đỡ Việt Nam xây dựng, với tổng diện tích mặt bằng hơn 24ha, được đưa vào sản xuất năm 1975. Từng được ví là “cánh chim đầu đàn” của ngành thép Việt Nam sau giải phóng, với quy mô và công nghệ thuộc loại lớn và hiện đại nhất miền Bắc.

Đến ngày 1/1/2007, công ty được cổ phần hóa với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, trong đó vốn sở hữu Nhà nước 39,66%, vốn của một cá nhân cổ đông 41%; của cán bộ công nhân viên còn lại 19,34%. Song từ khi được cổ phần hóa, kết quả sản xuất kinh doanh ngày một đi xuống và liên tục lỗ. Chỉ riêng năm 2010 lãi 15,375 tỷ đồng. Năm 2011 lỗ hơn 21 tỷ đồng, năm 2012 lỗ hơn 28 tỷ đồng. Đến hết năm 2012, công ty này lỗ lũy kế hơn 108 tỷ đồng, và đã ngừng sản xuất từ tháng 1 năm 2013.

Số lượng công nhân cũng ngày một giảm sút, từ 750 người rút xuống 372 người, rồi hơn 200 người. Nhiều năm dài, nhà xưởng bỏ hoang với nhiều phương tiện máy móc, dây chuyền sản xuất của phân xưởng luyện thép, phân xưởng cán thép bị hoen gỉ, cỏ mọc um tùm do máy móc bị rút ruột, hư hỏng.

Năm 2013, tổng khoản nợ của Cty Gia Sàng lên tới 121,3 tỷ đồng và không còn khả năng thanh toán. Các khoản nợ lớn như nợ ngân hàng 54 tỷ đồng; thuế trên 10 tỷ đồng; lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động trên 29,3 tỷ đồng; đối tác 30 tỷ đồng…

Nội bộ công ty “có vấn đề”

Cổ phần hóa là chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước. Nhưng với công ty Gia Sàng, thủ phạm gây ra sự sụp đổ ấy không phải do cơ chế mà do con người, trong đó đáng tiếc thay có một số cán bộ lãnh đạo tha hóa, biến chất.

Theo đó, ngày 29/7/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thái Nguyên đã quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Lê Xuân Hộ, Phó Tổng giám đốc Công ty Gia Sàng về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo điều 281 Bộ luật Hình sự.

Thực hiện khám xét khẩn cấp tại nhà riêng và nơi làm việc của ông Lê Xuân Hộ (tức Động), Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thái Nguyên đã thu giữ một khẩu súng ngắn dạng côn và nhiều tài liệu chứng cứ liên quan đến vụ án.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thái Nguyên, sau khi cổ phần hóa (tháng 3/2006), tháng 10/2010, Công ty cổ phần luyện cán thép Gia Sàng đã tổ chức Đại hội cổ đông bất thường bầu ông Lê Xuân Hộ (tên gọi khác là Lê Xuân Động), sinh năm 1965, hộ khẩu thường trú tại tổ 4, phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Phó Tổng giám đốc Công ty, trực tiếp chỉ đạo công tác bảo vệ, tự vệ của Công ty cổ phần luyện cán thép Gia Sàng.

Lợi dụng văn bản đề nghị của Tổng giám đốc Công ty phê duyệt cho xưởng cán và phòng kế toán của Công ty thu gom xỉ cắt phôi bán lấy tiền trả cho công nhân, ngày 11/4/2013, ông Hộ trực tiếp đưa văn bản cho em trai là ông Lê Đình Đức cho xe tải vào trong phân xưởng cán thép để lấy thép phế, phôi thép hồi lò, giàn con lăn; đồng thời chỉ đạo một số nhân viên dưới quyền cẩu 17.330 kg thép phế, phôi thép hồi lò, giàn con lăn lên xe đi tiêu thụ...

Một số nhân viên là Phó quản đốc phân xưởng cán thép, nhân viên bảo vệ, tuy biết hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, xuất hàng không đúng quy định, không qua cân... nhưng vẫn giúp sức cho ông Hộ mang ra ngoài tiêu thụ. Hành vi của các bị can đã gây thiệt hại cho Công ty cổ phần luyện cán thép Gia Sàng trị giá tài sản hơn 160 triệu đồng.

Điều đáng nói vụ việc diễn ra đúng thời điểm tình hình sản xuất, kinh doanh tại Công ty cổ phần luyện cán thép Gia Sàng đang trong tình cảnh thua lỗ, máy móc, vật tư thiết bị liên tục bị kẻ gian cắt phá, làm thất thoát. Các tài sản của Công ty được thế chấp tại ngân hàng để vay vốn nhưng Ban lãnh đạo Công ty đã tự ý bán không được sự cho phép của ngân hàng. Để có các khoản tiền trả nợ, trong đó có tiền chi trả nợ lương, nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội của cán bộ công nhân viên, Công ty đã phải bán nhiều vật tư thiết bị; nội bộ mất đoàn kết, nhiều đơn thư khiếu nại của công nhân phản ánh việc Ban lãnh đạo Công ty tham nhũng, thông đồng với các đối tượng bên ngoài xã hội tẩu tán tài sản, đã được gửi đến nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành...

phia sau cau chuyen ve su sup do cua thuong hieu thep gia sang bai 1 con chim dau dan nganh thep gay canh

Phó Tổng Giám đốc Lê Xuân Hộ (tức Động) bị cơ quan CSĐT khởi tố, bắt giam.


Phó tổng giám đốc lĩnh án 5 năm tù

Đáng chú ý, từ nhiều năm trước, một số công nhân đã đứng ra tố cáo nhiều hành vi mờ ám của ông Lê Xuân Hộ. Cụ thể, ngày 8/1/2013 công nhân của công ty này phát hiện các thiết bị cơ điện, máy cán cùng toàn bộ các thanh cái bằng đồng của lò điện 3 và 4, dây dẫn điện bằng đồng bị mất trộm.

Theo các công nhân kỹ thuật, khối lượng thiết bị khoảng 9 tấn nên không thể “vác tay” ra khỏi nhà máy được. Đến ngày 16/1/2013, lãnh đạo công ty mới lập bảng tổng giá trị thiết bị mất trộm và quy ra “đồng phế liệu” có giá trị 917 triệu đồng nhưng không trình báo cơ quan công an để làm rõ. Công nhân công ty còn phát hiện nhiều vụ mất trộm đáng ngờ khác như mất thiết bị điện ở cầu trục 32 tấn số 8, cầu trục 8 tấn số 6.

Sau những vụ việc trên, rạng sáng ngày 12/4/2013 công nhân công ty đã báo với cơ quan công an ngăn chặn kịp thời một xe ô tô vận chuyển thiết bị từ nhà máy đi tiêu thụ. Vụ việc sau đó đã được Công an tỉnh Thái Nguyên điều tra.

Sau khi xem xét các chứng cứ và lời khai tại tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên bị cáo Lê Xuân Hộ lĩnh án 5 năm tù; các đối tượng liên quan đến vụ án tại Công ty cổ phần luyện cán thép Gia Sàng gồm: Dương Minh Vang, Đoàn Bá Huấn - Phó quản đốc xưởng cán thép; Bùi Hồng Dương, Nguyễn Mạnh Thắng - nhân viên bảo vệ, mỗi bị cáo lĩnh án 2 năm tù.

Đến nay, các đối tượng lĩnh án hầu hết đã nhận tội, chấp hành hình phạt xong và ra tù, riêng ông Lê Xuân Hộ còn 14 tháng tù nhưng vẫn kêu oan, không nhận tội.

Sau khi vụ án xảy ra, hậu quả để lại với nhà máy vẫn vô cùng nặng nề suốt nhiều năm sau đó. Nhà máy bị đắp chiếu, bỏ hoang, hơn 700 công nhân tan đàn sẻ nghé, chỉ còn duy trì vài chục người để bảo vệ tài sản… Nợ ngân hàng, nợ lương cán bộ nhân viên, nợ tiền bảo hiểm, nợ tiền khách hàng, khiến Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng đứng bên bờ vực phá sản và khiến cho hàng trăm công nhân lâm vào tình trạng “sống dở chết dở”… Người đã nghỉ hưu, người thì chấm dứt hợp đồng lao động, người chờ việc đều ngắc ngoải… nhưng không thể tìm ra một lối thoát cho công ty đã “tan tác chim muông”…

Minh Phong

Tin liên quan