Ông chủ Asanzo nói gì trước nghi án dính hàng tàu?

Cập nhật: 16:09 | 24/06/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Sau khi báo chí đưa thông tin Asanzo dùng hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt, ông Phạm Văn Tam, CEO Công ty CP Tập đoàn Asanzo đã có những phản hồi đầu tiên.  

Vào sáng 21/6, một số tờ báo lớn đã đăng tải loạt điều tra về công ty Asanzo nhập hàng Trung Quốc nhưng lại ghi có xuất xứ tại Việt Nam, đồng thời lập nên các công ty "ma", không có thật, để nhập hàng Asanzo từ Trung Quốc sau đó bí mật đưa về các nhà máy của Asanzo tại Việt Nam.

Không chỉ vậy, Asanzo cho công nhân gỡ tem "made in China" trên sản phẩm rồi dán đè tem "xuất xứ Việt Nam" trước khi tung ra thị trường. Có hẳn một quy trình ráp màn hình ti vi tại nhà máy Asanzo mà công nhân phải tuân theo việc bỏ tem "made in China".

Cũng trong ngày 21/6, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) đã cho biết tước ngay quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao đối với doanh nghiệp ASANZO sau bài báo điều tra của Tuổi Trẻ về hàng điện tử gia dụng thuộc Tập đoàn Asanzo.

ong chu asanzo noi gi truoc nghi an dinh hang tau
Tập đoàn Asanzo nổi tiếng trong lĩnh vực điện tử gia dụng Việt

Một số nhà bán lẻ gỡ sản phẩm Asanzo khỏi kệ hàng

Vào sáng hôm nay 22/6, một số website của các nhà bán lẻ lớn tại Việt Nam các sản phẩm của Asanzo đã bắt đầu bị gỡ khỏi kệ hàng hoặc chuyển sang trạng thái hết hàng. Cụ thể, ở website A Đây Rồi, trang TMĐT trực thuộc tập đoàn Vingroup, khi tìm kiếm với từ khóa Asanzo sẽ nhận được kết quả trả về là không có sản phẩm nào. Với website của Điện Máy Chợ Lớn, tình trạng tương tự cũng xảy ra. Một siêu thị điện máy lớn khác là Nguyễn Kim dù vẫn hiện ra các kết quả tìm kiếm liên quan đến từ khóa Asanzo nhưng số lượng đã giảm đi đáng kể, đồng thời khi bấm vào các sản phẩm đều nhận được thông báo đã hết hàng hoặc tạm ngừng kinh doanh.

Được thành lập từ năm 2013, trải qua 6 năm phát triển từ một doanh nghiệp không có tên tuổi, Asanzo đã vươn lên top 3 thị trường điện tử Việt Nam.

Năm 2018, Asanzo đã bán ra trên 4 triệu sản phẩm các loại, đạt doanh thu 6.250 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2017. Trong năm nay, doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu lên đến 10.000 tỷ đồng.

Trên website chính thức của doanh nghiệp này có thể thấy, Asanzo tập trung vào các thiết bị điện tử, điện lạnh, điện gia dụng trong gia đình như tivi, điện thoại, tủ đông lạnh máy điều hòa, quạt làm mát không khí...

Nếu là một khách hàng của Asanzo, nhìn danh mục cách sản phẩm mà hãng này đang bày bán thì chắc chắn một điều là, bạn có thể chọn toàn bộ đồ dùng điện tử điện lạnh phục vụ cho nhu cầu của bản thân và gia đình của thương hiệu mang tên Asanzo này từ tivi, tủ lạnh, bình nước, nồi cơm điện, ấm điện, quạt điện, máy lọc nước lò vi sóng, lò nướng...

Ông chủ Asanzo nói gì?

Ông Phạm Văn Tam, CEO Công ty CP Tập đoàn Asanzo giải thích, về việc báo chí thông tin Asanzo cố ý xóa bỏ dấu vết “Made in China” trên Panel LCD (khung hiển thị màn hình tinh thể lỏng), theo quy trình của Asanzo, Panel LCD là một linh kiện bên trong của tivi và các công nhân không gỡ bỏ tem sườn có chữ “Made in China” trên linh kiện này. Công nhân chỉ dán thêm tem bảo hành cho linh kiện Panel LCD.

“Chúng tôi không việc gì phải xóa chữ Made in China đi cả, bởi bộ phận này sẽ nằm bên trong phần vỏ nhựa bao bọc bên ngoài. Chẳng lẽ chúng tôi nuôi hàng ngàn công nhân chỉ để xóa chữ thôi sao. Quy trình thực hiện của chúng tôi hoàn toàn không có điều này. Chúng tôi chỉ dán dòng chữ “Xuất xứ Việt Nam” ở bên ngoài sản phẩm hoàn thiện, điều này là phù hợp với quy định hiện hành”, ông Tam trình bày.

Hiện nay, 70-80% phần cứng của tivi Asanzo là nhập từ nước ngoài, phần còn lại được sản xuất trong nước. Riêng phần mềm tivi thì được nghiên cứu, sản xuất hoàn toàn ở Việt Nam.

“Nếu các doanh nghiệp cung cấp linh kiện điện tử ở Việt Nam có thể sản xuất được những linh kiện chất lượng, giá cả phải chăng thì chúng tôi chẳng dại gì phải đi nhập từ nước ngoài cả. Việc sản xuất màn hình thì chúng ta cũng hoàn toàn có thể sản xuất được nhưng vốn đầu tư lớn và rất ô nhiễm môi trường nên chúng tôi không thể bất chấp để sản xuất ở Việt Nam”, ông Tam nhấn mạnh.

Về việc nhập nguyên chiếc các sản phẩm điện gia dụng rồi dùng thương hiệu Asanzo bán ra thị trường, ông Phạm Văn Tam cho rằng, sau khi các doanh nghiệp nước ngoài được hưởng những chính sách thuế ưu đãi theo các hiệp định thương mại thì Asanzo đã không thể cạnh tranh nổi.

Asanzo đã chuyển từ lắp ráp sản phẩm sang vai trò đối tác thương mại, tức sản phẩm của Asanzo được gia công ở nước ngoài rồi nhờ các công ty phụ trợ nhập về Việt Nam và bán lại cho Asanzo. Việc nhờ đơn vị khác nhập khẩu giùm nhằm đảm bảo sự linh động của nguồn vốn.

Hiện đang có gần 100 công ty phụ trợ trong nước cung cấp hàng cho Asanzo. Tuy nhiên, ông Tam thừa nhận Asanzo đang kiểm soát đầu vào của các nhà cung cấp chưa được chặt chẽ vì lo theo đuổi việc quảng bá, chăm sóc khách hàng.

Nguyễn My (Tổng hợp)

Tin cũ hơn
Xem thêm