NSƯT Đăng Dương: “Không phải cứ đạt được đỉnh cao thì ngừng phấn đấu”

Cập nhật: 11:21 | 01/05/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Với chất giọng tenor khỏe khoắn, khoáng đạt và chuẩn mực, được đào tạo chính quy tại Nhạc viện Hà Nội, Đăng Dương sớm được biết đến như một tài năng đầy triển vọng của dòng âm nhạc chính thống và trữ tình cách mạng. Anh ghi dấu trong lòng công chúng với những “bài ca đi cùng năm tháng” như: “Đường chúng ta đi”, “Đất nước trọn niềm vui”, “Hà Nội niềm tin và hi vọng”... Nếu không trở thành một nghệ sĩ hát nhạc đỏ, có thể Đăng Dương đã là một nhạc công trong dàn nhạc truyền thống. Bởi những bước đi đầu tiên trên con đường nghệ thuật của anh là những thanh âm của cây đàn bầu.  

nsut dang duong khong phai cu dat duoc dinh cao thi ngung phan dau Trọng Tấn chia sẻ "chìa khoá" giúp tình yêu bền vững
nsut dang duong khong phai cu dat duoc dinh cao thi ngung phan dau NSƯT Việt Hoàn: "Cảm ơn những tháng ngày vất vả"

Thành công đến sớm

Người ngoài gặp Đăng Dương một lần có thể cảm thấy khó chịu vì nghĩ anh khó tính, không cởi mở. Nhưng khi đã quen thì lại thấy anh là người vui vẻ và hòa nhã. Cái sự khó tính có thể là bởi anh vốn không hay vồ vập, đon đả với người mới quen... “Tôi sinh ra trong một gia đình không có truyền thống ca hát, không ai là nghệ sĩ mà chỉ là cán bộ viên chức bình thường. Thế nhưng ngay từ nhỏ, khi biết nói, biết nghe nhạc thì tôi rất thích hát. Miệng lúc nào cũng hát. Ai bảo hát là hát ngay không ngượng ngùng, kể cả giữa chốn đông người. Tôi còn nhớ hồi nhỏ, ở quê tôi cứ tổ chức chương trình gì có biểu diễn văn nghệ là tôi tham gia liền và biểu diễn một mình, hát một mình như... ca sĩ thật”, Đăng Dương hào hứng mở đầu cuộc trò chuyện.

nsut dang duong khong phai cu dat duoc dinh cao thi ngung phan dau
NSƯT Đăng Dương

Ở cái tuổi lên 10 ấy, trong khi bạn bè cùng trang lứa đều nghêu ngao hát nhạc thiếu nhi, thì Đăng Dương lại say sưa hát... nhạc cách mạng. Cậu bé Đăng Dương ngày đó lúc nào cũng mong ngóng đến cuối tuần để lắng nghe những khúc tráng ca được phát sóng trong chương trình “Ca nhạc theo yêu cầu” của Đài Tiếng nói Việt Nam. Chỉ cần nghe một, hai lần, Đăng Dương đã thuộc được ngay và hát không sai một nốt.

Mê hát từ rất nhỏ, nhưng Đăng Dương lên Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia) học rất tình cờ, gần như là sự “thế chỗ” của chị gái một người bạn đang học tại đó. Đăng Dương đặt chân vào ngôi trường thanh nhạc uy tín số một Việt Nam ở tuổi 13. Nhưng 13 tuổi thì còn quá bé để học thanh nhạc do giọng hát chưa ổn định, còn vỡ giọng theo tuổi tác. Vì thế, cô Thanh Tâm cố vấn Dương nên học một nhạc cụ nào đó và anh đã chọn ngay đàn bầu. Dù vậy, đàn bầu cũng đã giúp anh có được sự trau dồi vốn liếng âm nhạc. Hơn nữa, bây giờ cây đàn bầu cũng như người bạn tri kỷ của anh.

Sau 5 năm học đàn bầu, Đăng Dương thi đỗ vào khoa Thanh nhạc của Nhạc viện. Nam ca sĩ kể: “Vốn mê nhạc truyền thống từ bé, tôi xác định sẵn trong đầu là chỉ theo đuổi dòng nhạc này. Tuy nhiên, hồi đó dòng nhạc nhẹ bắt đầu phát triển với những giọng ca đình đám như Thanh Lam, Hồng Nhung... cùng với sự nở rộ của nhiều ca khúc trữ tình. Tôi còn nhớ, lúc chọn bài để luyện thanh nhằm thi tuyển vào khoa, thầy Trần Hiếu (NSND Trần Hiếu) cũng chọn và luyện cho tôi ca khúc “Đâu phải bởi mùa thu” của nhạc sĩ Phú Quang, một ca khúc của giọng nữ và đúng dòng nhạc trữ tình. Thế mà tôi cũng hát được và trúng tuyển với ca khúc này”.

Anh kể, mặc dù đào tạo chính thống nhưng khoa Thanh nhạc thời kỳ đó cũng bị cuốn theo thị hiếu âm nhạc của số đông. “Một cái nôi nghệ thuật như Nhạc viện Hà Nội còn thiên về nhạc nhẹ thì chắc chắn sự phát triển của dòng nhạc chính thống, dòng nhạc cách mạng sẽ gặp nhiều khó khăn. Không chỉ có thế, những sinh viên theo học dòng nhạc này cũng rất vất vả, khổ luyện gấp bội lần so với dòng nhạc nhẹ”, anh bộc bạch.

Lúc đó, NSND Trung Kiên đang nắm giữ cương vị lãnh đạo ở Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), với vai trò của một nhà quản lý, đồng thời với trách nhiệm của một nghệ sĩ thuộc dòng nhạc chính thống, thầy Kiên đã nắm được “dòng chảy” của thể loại âm nhạc này. Thấy rõ xu hướng đào tạo của Nhạc viện Hà Nội, thầy đã chấn chỉnh công tác đào tạo và đề ra chủ trương phải chú trọng đào tạo dòng nhạc chính thống, không chỉ khởi xướng bằng lời, thầy còn tập hợp tất cả những sinh viên thanh nhạc thuộc dòng nhạc chính thống và lựa chọn trong số đó những sinh viên có tiềm năng, chuyên môn tốt để trực tiếp luyện thanh.

Và trong số những sinh viên năm đó, duy nhất mình Đăng Dương “lọt” được vào mắt thầy Kiên. “Thầy Kiên là một người kỹ tính, rất có trách nhiệm và say mê công việc, biết định hướng tốt cho sinh viên trên bước đường tương lai và nhìn ra thế mạnh của sinh viên cực kỳ chính xác, đặc biệt là trong việc giao bài (để luyện và hát). Chính thầy là người đã khuyên tôi nên chuyên tâm vào một lĩnh vực là hát thôi vì việc học tập một chuyên môn này đã đủ vất vả, khổ luyện lắm rồi. Nếu ôm đồm thêm cả học đàn bầu nữa thì không những bị phân tâm mà thời gian còn không đủ để học. Và khi đã bị phân tâm thì dễ dẫn đến nghề nào cũng dở dang, khó thành công. Do đó, mặc dù đã học lên đến đại học năm thứ 2, nhưng tôi quyết định dừng học đàn bầu và chỉ học thanh nhạc”, Đăng Dương chia sẻ.

Hơn một năm dưới sự dạy bảo, rèn luyện nghiêm khắc của thầy Trung Kiên, con đường âm nhạc của Đăng Dương đã bước sang một trang mới khi giành giải Nhất “Giọng hát hay Hà Nội” và Nhất “Giọng hát nhạc thính phòng toàn quốc lần I” (năm 1996). Từ đó đến nay, Đăng Dương luôn xuất hiện như một thành viên không thể thiếu trên những sân khấu ca nhạc lớn, có khi một mình hát solo, có khi hát cùng Trọng Tấn, Việt Hoàn trong những buổi hòa nhạc cùng các dàn nhạc giao hưởng, thính phòng trong nước và quốc tế.

nsut dang duong khong phai cu dat duoc dinh cao thi ngung phan dau

Đăng Dương nói, dòng nhạc mà anh lựa chọn đã “nuôi” anh rất tốt, cho anh một cuộc sống ổn định với những điều kiện được bảo đảm mà “nhìn lên tất nhiên không thể bằng... đại gia, nhưng nhìn xuống thấy nhiều nghệ sĩ còn khổ hơn mình”. Anh vui mừng vì những năm gần đây, dòng nhạc này đã lấy được cảm tình của rất nhiều khán giả. Bằng chứng là trong các chương trình biểu diễn, những ca sĩ nhạc đỏ như anh đã nhận được rất nhiều sự yêu mến, sẻ chia của các tầng lớp khán giả, đặc biệt còn có cả những em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Anh nghĩ rằng, nhạc đỏ sẽ không bao giờ mất vì nó đã gắn liền với những năm tháng lịch sử hào hùng của dân tộc.

Không cho phép mình “phá phách” nhạc đỏ

Trong “bộ ba nhạc đỏ” Việt Hoàn - Trọng Tấn - Đăng Dương, Đăng Dương được anh em nói vui “con đường quan chức rộng mở” nhất và lại còn “tranh đất” ở hầu hết công việc của hai người kia. Không chỉ làm Phó đoàn ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam - nơi Việt Hoàn làm ca sĩ; nhiều năm nay anh còn đảm nhận vai trò giảng viên ở Nhạc viện Hà Nội - nơi Trọng Tấn từng làm công tác giảng dạy.

Nhưng trong “cuộc sống” âm nhạc thực, khi so sánh với 2 người anh em của mình, Đăng Dương cười vui mà nói rằng “tiếng tăm” của anh không thể so sánh được với họ. Trọng Tấn và Việt Hoàn năng động trong việc tiếp cận với khán giả, khi họ liên tục ra mắt những sản phẩm âm nhạc, hay như chọn sự kết hợp biểu diễn với các nghệ sĩ khác trong rất nhiều các chương trình nghệ thuật mang ý nghĩa và phong cách nhạc khác nhau. Còn Đăng Dương, sau mười mấy năm gắn bó với nghề, anh mới có album đầu tay với tựa đề “Đất nước trọn niềm vui” và phải 6 năm sau mới có album thứ hai “Khi nắng mai về”.

Hát nhạc truyền thống, Đăng Dương không cho phép mình “phá phách”. “Mọi người bàn rất nhiều về chuyện làm mới nhạc cổ điển nhưng chính cái tên dòng nhạc cổ điển thính phòng đã mang tính chuẩn mực và nói lên việc khó thay đổi. Bên cạnh đó, dòng nhạc cách mạng là dòng nhạc đỉnh cao nên sự đột phá, liều lĩnh là rất khó. Từ âm hưởng, lời ca không cho mình phá cách một cách quá đáng. Những ca khúc mang tính trữ tình chỉ làm mới bằng cách phối khí khác đi cho phù hợp với đương đại. Cũng không thể giữ mãi một lối hát vì bối cảnh đã khác trước. Những ca sĩ như tôi thời nay được học cơ bản, phong cách hát được chấp nhận đổi mới cho phù hợp thời hiện tại, như dồn dập và sôi nổi hơn, vui vẻ hơn”, Đăng Dương cho biết.

Khi có ai so sánh anh “chậm” hơn với những người bạn của mình trong việc kết hợp làm album, tham gia live show với các nghệ sĩ thì Đăng Dương bày tỏ, không phải ca khúc nào cũng hợp với giọng hát của anh. Chung thủy với nhạc đỏ, Đăng Dương chưa bao giờ thử hát nhạc nhẹ, nếu có, anh chỉ dám lấn sân sang dòng semi classic (bán cổ điển). Bởi lẽ, anh muốn “đi chầm chậm” trên con đường âm nhạc mình đã chọn vì anh thấy nó yên ổn, vừa vặn.

Nhưng như thế không có nghĩa là “an phận” và bằng lòng với chính mình. Đăng Dương nhấn mạnh rằng, không phải cứ đạt được một đỉnh cao nào đó thì ngừng phấn đấu. Đã theo âm nhạc bác học thì phải phấn đấu, rèn luyện cả đời mới giữ được nghề của mình, bởi nghề này nếu không thường xuyên chăm chút sẽ mai một. Vì vậy, trước khi đào tạo một lớp nào đó về dòng nhạc chính thống, Đăng Dương vẫn luôn thẳng thắn với các học trò của mình rằng, phải xác định trước, con đường phía trước rất gian khổ, không hề đơn giản, dễ dàng. Cứ lao theo sự nghiệp “ăn sổi” thì rồi cuối cùng chẳng đạt được gì cả, có khi tay vẫn trắng tay.

Đăng Dương nhấn mạnh, ngành nghề nào cũng cần có tinh hoa, yếu tố này càng cần phải có để anh sáng tạo nên dấu ấn riêng không giống ai và làm nên giá trị đích thực của nghệ thuật. Nói một cách cụ thể hơn nữa, người ca sĩ cần phải có sự nhạy cảm hơn người, cảm thụ và biểu đạt hơn người, để mang đến cho ca khúc cái “hồn” đúng theo tinh thần của tác giả.

Hạnh phúc đủ đầy

Trong giới ca sĩ nhạc đỏ, mọi người vẫn truyền miệng “một nửa” của ca sĩ Đăng Dương duyên dáng và xinh đẹp có tiếng, lại có hai cậu con trai kháu khỉnh. Không ít người phát “ghen” vì ở anh hội tủ đầy đủ những yếu tố của một người đàn ông hạnh phúc: vợ đẹp con ngoan, gia đình êm ấm.

Kim Xuyến, vợ Đăng Dương, vốn là ca sĩ nhạc nhẹ của Đoàn Quân khu 2, quê ở Yên Bái. Cơ duyên dẫn hai người đến với nhau cũng là qua những lần biểu diễn chung. Ngay từ lần đầu tiên xem Kiều Trinh (nghệ danh của chị) hát trên sân khấu, trái tim của Đăng Dương đã đập rộn ràng. Nhưng phải đến một năm sau, trong một lần diễn chung, chàng mới mạnh dạn bày tỏ tình cảm. Tình yêu đẹp sớm đi đến hạnh phúc viên mãn bằng một đám cưới gắn kết họ lại như duyên số định sẵn. Sau 8 năm chung sống, vợ chồng ca sĩ vẫn đắm đuối, ngọt ngào như thuở ban đầu.

nsut dang duong khong phai cu dat duoc dinh cao thi ngung phan dau
Chị Xuyến thấy hạnh phúc với việc chăm sóc gia đình và đứng sau chồng.

Cùng làm nghệ thuật, thường xuyên phải đi diễn xa, có những tháng mà vợ xách va li đi cả tháng trời, chồng ở nhà cũng đi diễn liên miên, con cái phụ thuộc vào người giúp việc. Không đành lòng, Kim Xuyến đã chọn lựa công việc mới là làm phát thanh viên tại Đài tiếng nói Việt Nam để tiện chăm sóc chồng con và gia đình. Bỏ đoàn, bỏ nghề hát là một sự hi sinh lớn lao, cần sự quyết tâm rất lớn từ chị. Vì vậy, nếu có ai đó nói với Đăng Dương rằng “phía sau sự thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng của một người phụ nữ”, thì chắc chắn anh sẽ gật gù cười đầy hạnh phúc và mãn nguyện.

Giọng ca nhạc đỏ kể, vợ anh đã từng phải động viên chồng rất nhiều để anh có quyết tâm làm album. Ý tưởng làm một album về các ngành nghề xuất phát từ một lần về quê, trò chuyện về công việc và cả hai anh chị thấy bất ngờ khi những ca khúc về ngành nghề lao động trong kho âm nhạc của Việt Nam quá phong phú. Đó cũng là những ca khúc đã gắn liền với tên tuổi của anh: “Bài ca người giáo viên nhân dân”, “Bài ca người thợ rừng”, “Những ngôi sao ca đêm”... Nhưng anh vẫn cứ chần chừ, khiến nhiều khi vợ phải giả vờ giận dỗi, trách móc, rồi thì ngày nào cũng giục giã. Như thế mà đến tận 2 năm trời anh mới xong một sản phẩm.

Nói về chồng, Kim Xuyến cũng không ngớt lời khen: “Anh Dương là người rất tâm lý. Thời gian mang bầu, tính nết của mình nhiều khi “sớm nắng chiều mưa”, hay cáu giận vô cớ, nhưng ông xã luôn biết cách “nhường nhịn” và giúp vợ vượt qua. Đặc biệt là khi nào có dịp đi diễn ở xa là anh Dương lại đưa vợ đi cùng với mục đích cho vợ nghỉ dưỡng và tránh cảm giác cô đơn khi chồng xa nhà. Nếu mình thích cái gì, anh Dương sẵn sàng đưa đi và kiên nhẫn chờ đợi mình chọn lựa từng thứ mà không hề kêu ca phàn nàn”.

Chị bảo, anh không hoa mỹ, không biết nói những “lời có cánh” nhưng chị không buồn vì điều đó, chị cảm nhận được sự chăm lo của anh cho chị trong từng hành động, từng công việc cụ thể mà anh giúp chị. Cứ đi làm thì thôi, xong việc là anh lập tức về nhà với vợ con chứ chẳng mấy khi la cà bên ngoài. Chính vì thế, lúc nào chị cũng cảm thấy vui vẻ, thoải mái và ấm áp với cuộc sống riêng của mình. Vui vẻ cũng là món quà lớn lao nhất mà anh dành tặng chị mỗi ngày.

Nhiều khi, nhìn thấy chị cứ ngắm đi ngắm lại mấy cái túi, anh bảo: “Em thích cái túi này lắm phải không, được rồi, khi anh đi diễn ở nước ngoài, có đủ tiền lương anh sẽ mua cho em, anh sẽ mua cho em cả một bộ sưu tập túi”. Chị Xuyến rất hạnh phúc khi được chồng quan tâm như thế. Thực ra, cái túi chỉ là một chuyện nhưng ở đây sự quan tâm, thấu hiểu cả những sở thích nho nhỏ, đời thường của vợ mới là điều đáng quý ở người đàn ông.

Đăng Dương tự nhận mình là “người chồng dễ chịu”, anh rất dễ tính trong chuyện ăn uống, khi thích cải thiện thì vợ chồng lại kéo nhau ra nhà hàng... Hỏi đùa rằng, chắc bởi vợ xinh thế nên anh phải “dễ chịu” để giữ chị ấy, Đăng Dương lắc đầu bảo, anh chẳng cần giữ đâu bởi anh biết vợ yêu và luôn tin tưởng ở anh. Tất nhiên với gia đình Đăng Dương và nhất là với người đàn ông chỉnh tề như anh thì cái sự ghen chỉ dừng lại ở những điều nhỏ nhặt như: chị dỗi hờn khi anh chụp ảnh cùng ai đó, đi với ai đó hơi thân thiết một chút... “Quan trọng là tin nhau, chứ như tôi đi diễn bên ngoài suốt như thế có muốn giữ cũng không giữ được. Vấn đề là giữ nhau trong tim như thế nào mà thôi”, Đăng Dương nói.

Quan điểm nuôi dạy con của Đăng Dương và bà xã là không o ép, áp đặt, để con được phát triển một cách tự nhiên. Việc cho con tiếp xúc với môi trường xung quanh cũng là một cuộc sống thu nhỏ giúp trẻ quan sát cái hay cái dở, tốt thì học tập, xấu thì rút kinh nghiệm. Không chỉ dạy con cách quan sát xung quanh, anh chị còn chú trọng rèn cho con tính tự giác, lòng nhân ái, biết cảm thông chia sẻ và giúp đỡ mọi người xung quanh. Dù cuộc sống có rộn bận đến mấy, họ cũng dành cho con cái sự quan tâm đặc biệt nhất. Hai vợ chồng thay phiên nhau dạy con học và không tiếc thời gian vui chơi, tâm sự cùng chúng.

Hiện tại bà xã Đăng Dương đã lựa chọn lùi hẳn về phía sau hậu trường vừa chăm sóc con cái, vừa làm quản lý cho chồng. Khi có những chuyến đi diễn xa, Đăng Dương thường đưa bà xã đi cùng. Đây cũng là khoảng thời gian để hai vợ chồng có thể kết hợp du lịch và chăm sóc riêng cho nhau. Nam ca sĩ Đăng Dương tâm sự để có thể giữ gìn hạnh phúc gia đình được lâu bền thì hai vợ chồng cần phải có những phút giây hâm nóng tình cảm. Xã hội ngày càng phát triển, ngoài con cái, các cặp vợ chồng cũng cần phải để ý hơn đến hạnh phúc của riêng mình. Nếu tình cảm không được vun đắp thường xuyên thì sẽ dần bị mai một. Vì vậy, bản năng của cha mẹ là chăm sóc con cái nhưng họ cũng cần phải biết dành thời gian cho nhau.

NSƯT Đăng Dương tên đầy đủ là Phạm Đăng Dương (sinh năm 1974) tại Xã Đức Xương, huyện Gia Lộc, Hải Dương là một ca sĩ nổi tiếng trong dòng nhạc thính phòng và nhạc đỏ. Đăng Dương được đánh giá cao vì có một chất giọng khỏe, vang và là một nghệ sĩ tận tình với công việc. Anh cùng với các ca sĩ Trọng Tấn và Việt Hoàn ra mắt khán thính giả lần đầu tiên vào Liên hoan Tiếng hát sinh viên 1998 với bài Đường chúng ta đi (Huy Du) và từ đó bộ ba Đăng Dương - Trọng Tấn - Việt Hoàn nhanh chóng giành được một chỗ đứng vững chắc trong lòng người yêu nhạc. Năm 2016, Đăng Dương được phong tặng NSƯT cùng với 366 nghệ sĩ khác như: Xuân Bắc, Quang Thắng, Trần Ly Ly…

Nguyễn Thanh

Tin liên quan