Những “thương hiệu” không mong muốn của Vietjet Air

Cập nhật: 16:27 | 20/11/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Trong quá trình khai thác nội địa và quốc tế, Vietjet Air đã và đang vô tình tạo dựng một thương hiệu không mấy tích cực mang tên “vua sự cố và delay”.   

thuong hieu thu hai danh cho vietjet air Máy bay Vietjet gặp sự cố khi mới cất cánh, phải quay đầu về TP.HCM

Từ “sát thủ” của chim trời

Theo đó, trong các ngày 24/7/2013 và 30/7/2013, VietJetAir đã buộc phải tạm ngừng hoạt động và tiến hành bảo dưỡng kỹ thuật sau khi xảy ra sự cố bị chim trời va vào động cơ.

Vào 19h20 tối 30/9/2015, máy bay của hãng hàng không Vietjet vừa thực hiện xong chuyến bay mang số hiệu VJ 496 hành trình từ Buôn Mê Thuột ra Hà Nội chở theo 145 khách hạ cánh lúc 19h20 lại bị chim đâm vào gây vết lõm lớn cùng vết rách ở mũi.

thuong hieu thu hai danh cho vietjet air
Máy bay Vietjet bị lõm sâu phần mũi do bị chim va vào.

Chia sẻ vào thời điểm đó, ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Cảng vụ miền Bắc xác nhận: “Tàu bay hạ cánh an toàn, hãng đang tiến hành sửa chữa. Theo lịch, tàu bay này sẽ chở khách đi Sài Gòn nhưng đã phải dùng một tàu bay khác thay thế”. Giải thích vì sao chim va lại có vết lõm lớn như vậy, ông Phương cho hay, tốc độ tàu bay nhanh cộng với một số loài chim lớn nên vẫn dẫn đến những vết lõm lớn như vậy.

Một vụ việc tương tự cũng đã xảy ra vào chiều 5/8/2017, máy bay mang số hiệu VN-A692 của hãng này với hành trình từ sân bay Liên Khương (Đà Lạt) đến Hà Nội cũng bị chim va vào động cơ khi hạ cánh xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội) dẫn đến viêc hãng phải dừng tàu bay để kiểm tra, sửa chữa đảm bảo an toàn cho các chuyến bay kế tiếp.

Gần đây nhất, tàu bay VN-A637 của hãng hàng không này đã va vào chim khi chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Cát Bi trong chuyến bay Nha Trang - Hải Phòng vào đêm 28/4/2018.

Va chạm không gây thiệt hại đáng kể, nhưng hãng hàng không đã phải hủy 7 chuyến bay trong ngày 29/4/2018 để kiểm tra, bảo dưỡng máy bay.

Đại diện hãng cho biết, tình huống chuyến bay bị ảnh hưởng do chim va vào máy bay gây thiệt hại không nhỏ cho hãng hàng không nhưng an toàn của hành khách luôn được hãng đặt lên hàng đầu.

Đến việc bị phạt 130 triệu đồng vì hạ cánh nhầm

Cụ thể, VJA bị phạt tiền kịch khung 40 triệu đồng về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Lý do phạt vì hãng này bố trí nhân viên nhân viên Đinh Mạnh Cường không có giấy phép nhân viên điều phái bay trực tại bộ phận điều độ khai thác bay tại Nội Bài để thực hiện nhiệm vụ điều phái bay.

VJA bị phạt kịch khung vì có tình tiết tăng nặng. Trước đó, ngày 24/5/2014, VJA đã bố trí nhân viên giám sát dịch vụ chuyến bay VJ8911 không đúng quy định và bị Cảng vụ Hàng không miền Bắc xử phạt vi phạm hành chính. Nhân viên điều phái bay Đỗ Anh Tuấn (VJA) bị phạt 15 triệu đồng vì che giấu sự cố khai thác tàu bay.

thuong hieu thu hai danh cho vietjet air
9 cá nhân bị xử phạt hành chính liên quan tới vụ "hạ cánh nhầm" - Ảnh minh họa

Nhân viên này không được VJA bố trí thực hiện nhiệm vụ điều phái bay ngày 19/6 nhưng đã ký hợp thức kế hoạch bay không lưu (kế hoạch bay chính thức được triển khai bằng điện văn trước chuyến bay) để che giấu sự cố khai thác tàu bay của chuyến bay VJ8575 khi nhận được chỉ thị về việc xử lý sự cố chuyến bay.

Ông Hoàng Xuân Dương, Phó trưởng Trung tâm Điều hành bay (VJA) bị phạt kịch khung 20 triệu đồng vì bố trí nhân viên Đinh Mạnh Cường thực hiện nhiệm vụ điều phái chuyến bay VJ8575 nhưng người này không có giấy phép nhân viên hàng không.

Hành vi của ông Dương có tình tiết tăng nặng là che giấu vi phạm hành chính: sau sự cố xảy ra, đã chỉ đạo ông Đỗ Anh Tuấn đến giải quyết và hoàn thiện vi phạm đã có hành vi che giấu vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, lái phụ, cơ trưởng, nhân viên xếp lịch, tiếp viên trưởng của VJA đều bị phạt 7,5 triệu đồng vì thực hiện nhiệm vụ không đúng quy trình thực hiện công việc, quy trình phối hợp hoạt động gây uy hiếp an ninh hàng không, an toàn hàng không.

Cụ thể, lái phụ Amin Hassiri (VJA) bị phạt 7,5 triệu đồng vì đã ký tài liệu chuyến bay đưa khách đi Đà Lạt (thực hiện bằng máy bay số hiệu VN-A692 đi Cam Ranh theo kế hoạch cũ) do phục vụ mặt đất cung cấp, nhưng không kiểm tra, đối chiếu thông tin trên tài liệu chuyến bay theo quy định, không hội ý trước chuyến bay với các thành viên tổ bay.

Cơ trưởng Pavel Ondrej (VJA) bị phạt tiền 7,5 triệu đồng vì được giao nhiệm vụ điều khiển chuyến bay VJ8575 nhưng đã không cập nhật kế hoạch bay không lưu theo quy định, không tổ chức hội ý trước chuyến bay với các thành viên tổ bay.

Tiếp viên trưởng Phan Thị Hương Trang (VJA) bị phạt tiền 7,5 triệu đồng do không hội ý trước chuyến bay với các thành viên tổ lái theo quy định làm chuyến bay chở nhầm khách đi Cam Ranh.

Nhân viên xếp lịch bay Chu Thanh Liêm (VJA) bị phạt tiền 7,5 triệu đồng vì được phân công xếp lịch bay cho tổ lái chuyến bay VJ 8575 nhưng đã không thông báo lịch bay theo kế hoạch bay không lưu thay đổi cho thành viên tổ lái sau khi nhận được kế hoạch này.

Ngoài ra, kíp trưởng Phùng Thị Hương (cơ sở thủ tục bay Nội Bài) bị phạt 10 triệu đồng vì thực hiện không đúng nhiệm vụ khi không phân công cụ thể người nhận kế hoạch bay không lưu; không kiểm tra email để biết kế hoạch bay. Do đó không biết được kế hoạch bay không lưu chuyến bay VJ8575 đã thay đổi.

Bà Hương bị phạt kịch khung do tình tiết tăng nặng vì đã yêu cầu nhân viên điều phái của VJA ký hoàn thiện hồ sơ kế hoạch bay sau khi xảy ra sự cố.

Đội phó Đội điều hành bay Nội Bài Nguyễn Thị Thu Hường bị phạt 7,5 triệu đồng vì trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đã không nắm bắt đầy đủ, kịp thời vụ việc chuyến bay VJ8575 vận chuyển nhầm hành khách để có biện pháp xử lý phù hợp.

Nhân viên Phạm Như Tùng (Cơ sở thủ tục bay Nội Bài) bị phạt 7,5 triệu đồng vì sau khi nhận được các phản ánh, thắc mắc về chuyến bay VJ8575 đã thực hiện không đầy đủ quy định về kiểm tra và xử lý điện văn theo quy định nên không phát hiện sai sót của kế hoạch bay không lưu.

Và những sự cố khiến hành khách hoảng hồn

Cụ thể, lúc 19h 28 ngày 25/3/2018, máy bay VN-A681 của Vietjet đã thực hiện chuyến bay VJ117 với hành trình Đà Nẵng – TP HCM và hạ cánh tại đường băng 25R/07L trên sân bay Tân Sơn Nhất.

Sau khi hạ cánh, hệ thống phanh tự động đang làm việc tốt ở chế độ trung bình và giảm tốc độ xả đà của máy bay bình thường. Khi tốc độ xả đà của máy bay đạt 80 kts (khoảng 148 km/h), tổ lái ngắt chế độ phanh tự động để chuyển sang chế độ phanh điều khiển trực tiếp và đạp phanh để giảm tốc độ nhưng không thấy có tác dụng của hệ thống phanh điều khiển trực tiếp này. Tổ lái đã quyết định áp dụng quy trình phanh dự phòng tương ứng cho trường hợp trên để dừng máy bay tại vị trí cuối đường băng 25R/L.

Lúc 19h 30, tổ bay thông báo máy bay bị trục trặc kỹ thuật, không thể tự lăn và yêu cầu hỗ trợ xe kéo để kéo máy bay về bến đậu. Trực ban trưởng của sân bay Tân Sơn Nhất đã triển khai xe kéo ra kéo máy bay về bến đậu. Nguyên nhân ban đầu được xác định do trục trặc hệ thống phanh điều khiển trực tiếp.

Đánh giá sơ bộ cho thấy cấu trúc và các hệ thống của máy bay đều ở trạng thái tốt, ngoại trừ phát hiện có chảy dầu thủy lực tại cụm phanh số 3 và số 4 (càng bên phải), 2 lốp số 3 và 4 của càng bên phải phải thay thế do bị dầu thủy lực chảy vào.

Không lâu sau sự cố trên, ngày 11/4/2018 khi máy bay A320 ceo chở 213 hành khách của hãng này lại phải xin hạ cánh khẩn ngay sau khi cất cánh do nhiệt độ khí thải sau động cơ tăng tới giới hạn. Sự cố cùng lúc xảy ra với cả hai động cơ khi máy bay đang trên không trung. Cơ trưởng chuyến bay quyết định cho máy bay quay lại hạ cánh để kiểm tra.

Cục Trưởng HKVN Đinh Việt Thắng cho biết, sự cố cả hai động cơ máy bay cùng lúc được hệ thống báo cảnh báo tăng nhiệt là khá hiếm gặp trong hoạt động hàng không, khi đó chuyến bay phải đối mặt với nhiều rủi ro vì không thể tắt cả hai động cơ. Đây là sự cố được xếp vào nhóm C - nhóm uy hiếp an toàn cao.

Gần đây, chuyến bay chở gần 200 hành khách của hãng này đi Hàn Quốc cũng đã đột ngột hạ cánh ở Hồng Kông. Theo đại diện truyền thông của hãng hàng không này, sau khi phát hiện có cảnh báo kỹ thuật, cơ trưởng đã quyết định chuyển hướng hạ cánh xuống sân bay Hồng Kông để kiểm tra. Liên quan đến vụ việc này, sáng 31/10, đại diện truyền thông của hãng đã có thông tin chính thức đến các cơ quan báo chí.

Theo đó, chuyến bay VJ982 khởi hành từ Hà Nội đi Busan (Hàn Quốc) ngày 30/10/2018, sau khi phát hiện có cảnh báo kỹ thuật, cơ trưởng đã quyết định chuyển hướng hạ cánh xuống sân bay Hong Kong để kiểm tra. Sau khi kiểm tra và xác định cảnh báo kỹ thuật là giả, tất cả các hành khách trên chuyến bay VJ982 đã tiếp tục hành trình từ sân bay Hong Kong lúc 9h22' (giờ địa phương) ngày 30/10/2018.

thuong hieu thu hai danh cho vietjet air
Đường bay của chuyến bay VJ198 tối ngày 19/11. Đồ họa: Flightradar24.

Mới đây nhất, chuyến bay VJ198 khởi hành từ TP.HCM đi Hà Nội lúc 19h30 tối ngày 19/11 cũng đã phải quay đầu hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Tân Sân Nhất vì gặp sự cố.

Theo miêu tả của hành khách trên máy bay và một vài đoạn video ghi lại cabin máy bay khi sự việc xảy ra, phi hành đoàn của chuyến bay đã thông báo về sự cố khẩn cấp và máy bay phải bay vòng tròn 30 phút trên không để xả nhiên liệu. Tiếp viên trên chuyến bay cũng đã hướng dẫn hành khách chuẩn bị cho tình huống xấu nhất cũng như liên tục hô "brace" (bám chặt - PV.).

Dữ liệu từ Flightradar24 cũng trùng khớp với miêu tả trên. Theo ghi nhận của đơn vị này, máy bay của Vietjet Air đã đạt tới độ cao 11.000 feet trước khi phát hiện sự cố và phải hạ độ cao về khoảng 5.000 feet để thực hiện bay khoảng 5 vòng lớn trên trời trong khoảng 30 phút.

Rất may tình huống xấu nhất đã không xảy ra, máy bay đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Tân Sân Nhất lúc 20h06 phút. Toàn bộ hành khách đã được chuyển sang chuyến bay kế tiếp của hãng. Tuy nhiên nhiều hành khách vẫn hoảng sợ sau chuyến bay, trong đó có người chia sẻ bị "sốc tâm lý" do sự cố.

Trả lời báo chí về sự cố trên chuyến bay VJ198 khởi hành từ TP.HCM đi Hà Nội lúc 19h05 ngày 19/11, Vietjet Air cho hay đây là báo động giả và tàu bay đã trở lại khai thác.

“Lùm xùm kép” liên quan đến checkin và U23 Việt Nam

Đêm 28/1/2018, nhiều khách hàng của Vietjet cho biết hệ thống checkin tại sân bay, kiosk hay website của Vietjet Air đều bị tê liệt khiến họ không thể sử dụng dịch vụ.

Cùng ngày, hãng hàng không giá rẻ bị chỉ trích mạnh mẽ trên mạng xã hội sau màn chào đón đội tuyển U23 Việt Nam bằng dàn người mẫu trong trang phục “mát mẻ”. Ngay sau đó, CEO Phương Thảo của Vietjet Air đã lên tiếng xin lỗi và cho rằng việc này là tự phát từ tổ hậu cần, không nằm trong chương trình tiếp đón.

Hữu Dũng T/H

Tin liên quan