Những thay đổi chính sách lãi suất quan trọng năm 2019

Cập nhật: 09:58 | 23/12/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Năm 2019 được xem là một dấu mốc lớn trong các chính sách điều hành lãi suất. Sau hơn 2 năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới quyết định giảm lãi suất điều hành. Và cũng sau một thời gian khá dài, NHNN mới tiếp tục điều chỉnh trần lãi suất huy động.

nhung thay doi chinh sach lai suat quan trong nam 2019

Nhận định của World Bank về chính sách tiền tệ của Việt Nam?

nhung thay doi chinh sach lai suat quan trong nam 2019

Cơ sở thiết lập Khung khổ điều hành chính sách tiền tệ tại Việt Nam

nhung thay doi chinh sach lai suat quan trong nam 2019

SSI Research chỉ ra nguyên nhân chính khiến dòng vốn đảo chiều

nhung thay doi chinh sach lai suat quan trong nam 2019

Ngân hàng Nhà nước cần cẩn trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ

Chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng

Theo đánh giá của giới chuyên môn, định hướng điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của NHNN đang bám sát chỉ đạo của Chính phủ cũng như theo tín hiệu của thị trường. Nhìn lại những tháng qua, đặc biệt trong những tháng cuối năm, NHNN đã có một loạt động thái liên quan đến CSTT được đánh giá là có tác động khá tích cực tới nền kinh tế.

Đơn cử từ ngày 16/9/2019, NHNN đã có các quyết định giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các NHTM từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm; Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.

Sau động thái hạ lãi suất điều hành trong tháng 9/2019, sang trung tuần tháng 11/2019, NHNN đã yêu cầu các TCTD giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 1 tháng xuống còn 0,8%/năm và hạ trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng xuống còn 5%/năm; hạ trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống còn 6%/năm. Động thái này của NHNN được giới chuyên gia đánh giá là bước đi hợp lý, phù hợp với xu hướng chung mà NHTW các nước trên thế giới đang thực hiện nhằm giữ cho nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng.

Sự thay đổi nữa thể hiện rõ nét hơn xu hướng giảm lãi suất ở Việt Nam, NHNN giảm lãi suất mua kỳ hạn (OMO) từ 4,5%/năm xuống 4%/năm - bước giảm lớn nhất trong 5 năm trở lại đây và là lần giảm thứ 2 trong năm nay. Đồng thời NHNN cũng tái khởi động lại kênh OMO sau gần 3 tháng không giao dịch. Một quyết định liên quan đến thay đổi lãi suất đáng chú ý nữa của NHNN trong tháng cuối năm là NHNN ban hành các quyết định giảm đáng kể lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc của các TCTD từ 1,2%/năm xuống còn 0,8%/năm đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc VND của TCTD tại NHNN; Lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND là 0%/năm.

Với những động thái điều chỉnh chính sách liên tiếp như trên của NHNN, theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành, NHNN đang muốn tạo tiền đề để các TCTD giảm lãi suất cho vay năm 2020, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh rủi ro bất định thế giới tăng và lạm phát khá thấp. Đồng tình quan điểm này, một số chuyên gia cho rằng, việc giảm trần lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn sẽ tạo điều kiện hỗ trợ các ngân hàng giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc ở thời điểm này một mặt có thể giảm bớt gánh nặng cho NSNN, bởi hiện tại, chi phí trả lãi cho khoản tiền gửi này được trích từ NSNN. Mặt khác nó cũng là một tín hiệu của nhà điều hành muốn các TCTD đẩy mạnh cho vay đối với nền kinh tế thay vì gửi tại NHTW.

Tuy nhiên không thể nói chính sách tiền tệ đang được nới lỏng khi mà NHNN cũng đã ban hành Thông tư 22/2019/TT-NHNN về tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và Thông tư 18/2019/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính. Việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng tổng thể cùng với lộ trình siết chặt các quy định an toàn về vốn và tín dụng cho thấy, NHNN vẫn đang điều hành CSTT với phương châm thận trọng, linh hoạt và đồng bộ, có sự kết hợp của nhiều công cụ khác nhau.

Báo cáo phân tích thị trường mới đây của SSI cũng nhận định, những bước chuyển động về lãi suất cho thấy CSTT của NHNN Việt Nam dịch chuyển theo hướng hỗ trợ tăng trưởng rõ nét hơn. TS. Trần Hoàng Ngân - Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng cũng đánh giá điều hành chính sách của NHNN rất toàn diện ở mọi khâu từ điều hành lãi suất, ngoại hối, tỷ giá, tín dụng đến thanh toán, đảm bảo an ninh tiền tệ...

Nhưng ông đánh giá cao nhất là nỗ lực của NHNN trong điều hành tỷ giá. Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp và khó lường, nhất là trước sức ép phá giá đồng CNY của Trung Quốc nhưng NHNN vẫn khéo léo điều hành linh hoạt và thận trọng chính sách tỷ giá vừa hỗ trợ góp phần cải thiện cán cân thanh toán vãng lai, cán cân thanh toán quốc tế, tăng dự trữ ngoại hối quốc gia lên mức cao nhưng đảm bảo tính hài hòa về sức mua của tiền đồng VND, cũng như các quan hệ đối ngoại…

PGS - TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cũng nhận thấy, năm 2019 là một năm mà NHNN có nhiều chìa khóa và thuận lợi để NHNN có thể giữ tỷ giá nằm trong biên độ cho phép, dù diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng phức tạp, nhân dân tệ mất giá. Đối với điều hành CSTT của NHNN, quan trọng nhất là ưu tiên ổn định tỷ giá.

Quả vậy, tính đến thời điểm này, tỷ giá trung tâm mới chỉ tăng khoảng 1,5%, trong khi giá mua – bán USD tại các ngân hàng thậm chí còn không có nhiều thay đổi so với cuối năm 2018. Đó là một diễn biến hết sức ổn định trong bối cảnh tỷ giá của các đồng tiền chính yếu liên tục biến động mạnh. Nhiều chuyên gia cũng đánh giá, hiện nguồn cung ngoại tệ trong nền kinh tế vẫn rất dồi dào, cộng thêm sự điều hành chủ động, linh hoạt của NHNN và dự trữ ngoại tệ tăng cao sẽ là những tiền đề quan trọng để ổn định tỷ giá trong khoảng thời gian còn lại của năm cũng như trong năm 2020.

nhung thay doi chinh sach lai suat quan trong nam 2019
Ảnh minh họa

Hạ trần lãi suất huy động, lãi suất cho vay

Sau một thời gian ổn định, từ cuối năm 2018, lãi suất huy động trên thị trường đã có xu hướng tăng lên rõ rệt và gây nhiều lo lắng trong năm 2019. Lãi suất huy động cao nhất tại các ngân hàng có lúc lên đến trên 10%/năm, trong khi đó, mức lãi suất 8 - 9%/năm cũng trở nên phổ biến hơn. Cuộc chạy đua lãi suất tại các ngân hàng nhỏ cũng khiến các ngân hàng lớn muốn giảm hoặc giữ nguyên cũng không được vì sợ mất khách. Điều này là một trong những lý do khiến mục tiêu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trở nên thêm khó khăn.

Trong bối cảnh đó, trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều quyết định quan trọng để thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ, tác động lên mặt bằng lãi suất.

Tháng 9/2019, Ngân hàng Nhà nước đã nới nhẹ chính sách tiền tệ bằng cách cắt giảm lãi suất tái chiết khẩu và lãi suất tái cấp vốn ở mức 25 điểm cơ bản, xuống lần lượt còn 4% và 6%. Đây cũng là đợt điều chỉnh đầu tiên trong hơn 2 năm, kể từ tháng 7/2017. Quyết định có hiệu lực từ ngày 16/9/2019.

Theo NHNN, quyết định này nhằm phù hợp với bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến kém thuận lợi, nhiều ngân hàng trung ương các nước trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) đã giảm lãi suất điều hành.

Lãi suất điều hành được cắt giảm dự kiến sẽ nới lỏng thanh khoản ở các ngân hàng, qua đó tạo điều kiện hạ lãi suất cho doanh nghiệp, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, mức giảm lãi suất không nhiều và tác động không thực sự lớn đến thị trường hoặc sẽ cần một thời gian dài để thẩm thấu.

Không lâu sau, đến tháng 11, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có thay đổi đối với trần lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Ngày 18/11, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ phát đi thông báo điều chỉnh lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm. Cùng với đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6% xuống 5,5%/năm.

Ngoài ra, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,5%/năm xuống 7,0%/năm.

Quyết định này đã có tác động rõ rệt lên thị trường khi ngay sau đấy, từ ngày 19/11, lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đồng loạt giảm. Không những vậy, lãi suất huy động các kỳ hạn dài hơn cũng giảm theo, mức giảm có lúc lên tới trên 0,5 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, mức lãi suất cao ngất ngưởng 9%, 10%/năm cũng không còn xuất hiện.

Trong 3 ngày ngay sau quyết định trên của NHNN, 7 ngân hàng đã nhập cuộc giảm lãi suất cho vay và ưu đãi tín dụng. Trong đó, 4 "ông lớn" ngân hàng là Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank đều tuyên bố giảm lãi suất cho vay dù sẽ ảnh hưởng phần nào tới lợi nhuận.

Giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc

Chính sách cuối cùng liên quan đến lãi suất trong năm 2019 của NHNN là việc giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của các TCTD, có hiệu lực từ 1/12/2019. Cụ thể, lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VNĐ là 0,8%/năm. Lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VNĐ là 0%/năm. Lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0%/năm. Lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0.05%/năm.

Mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc áp dụng tại Quyết định mới này đã giảm so với lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VNĐ của TCTD tại NHNN 1,2%/năm trước đó.

Đồng thời, NHNN quy định lãi suất đối với tiền gửi bằng VNĐ tại NHNN của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô là 0,8%/năm. Ngoài ra, NHNN cũng quy định lãi suất đối với tiền gửi bằng VNĐ tại NHNN của Kho bạc Nhà nước là 1%/năm, lãi suất đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước là 0,05%/năm, lãi suất đối với tiền gửi bằng VNĐ của Bảo hiểm tiển gửi Việt Nam là 0,8%/năm.

Theo các chuyên gia, tác động của việc giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc là không rõ ràng, có thể chỉ nhằm tiết kiệm một khoản chi phí cho ngân sách. Chỉ khi NHNN giảm lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc thì mới khuyến khích các ngân hàng thương mại giảm gửi tiền tại NHNN và dùng số tiền đó để cho vay ra nền kinh tế.

"Tuýt còi" cuộc đua lãi suất

Bên cạnh những quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên, trong năm 2019, NHNN cũng có nhiều văn bản nhắc nhở các TCTD chấn chỉnh việc áp dụng lãi suất huy động phải đúng quy định.

Chẳng hạn hồi đầu tháng 9, Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản "chỉnh đốn" các ngân hàng đua lãi suất. Theo cơ quan quản lý, động thái tăng lãi suất làm tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng, tạo ra diễn biến tâm lý tiêu cực trên thị trường, có nguy cơ dẫn đến cuộc đua về lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng, gây bất ổn thị trường tiền tệ.

NHNN với thái độ cứng rắn cho biết sẽ theo dõi sát việc triển khai giải pháp về lãi suất và tín dụng của các tổ chức tín dụng và sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNN, trong đó gồm cả biện pháp thu hẹp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của tổ chức ngân hàng vi phạm.

Nhìn một cách tổng thể, đến cuối năm 2019, lãi suất trên thị trường đã có phần hạ nhiệt. Tại nhiều ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank,…lãi suất cho vay đã có tới 2 đợt giảm trong năm, trong đó mức lãi suất tại một số lĩnh vực ưu tiên đã giảm tổng cộng 1%/năm. Trong khi đó, những ngân hàng tư nhân lớn như MBBank, ACB,…cũng có các chương trình vay vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Lãi suất huy động vào những tháng cao điểm kinh doanh cuối năm không còn cao đột biến.

Tuy nhiên, áp lực lãi suất trong năm 2020 theo nhiều chuyên gia là vẫn còn lớn. Bởi sự phân hoá giữa các ngân hàng ngày càng cách biệt khiến các ngân hàng nhỏ phải nâng lãi suất để thu hút nguồn vốn, khiến cuộc đua lãi suất khó có hồi kết. Trong khi đó, gửi tiết kiệm còn phải cạnh tranh nhiều kênh đầu tư khác nổi lên với mức sinh lời cao hơn, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp.

Trong bối cảnh hạn chế tăng trưởng tín dụng, giảm lãi suất là một trong những mục tiêu hàng đầu đối với các chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp lĩnh vực ưu tiên.

Hoài Sơn