Những doanh nghiệp nào thua lỗ nặng nhất trong quý 1/2021?

Cập nhật: 17:37 | 06/05/2021 Theo dõi KTCK trên

Theo dữ liệu VietstockFinance, đến hết ngày 3/5/2021, ghi nhận 764 doanh nghiệp (không bao gồm ngân hàng và CTCK) đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2021 (tính trên cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM), trong đó có 129 doanh nghiệp đầu tiên báo lỗ quý đầu năm.

Khó khăn bủa vây PVX: Thua lỗ quý thứ 8 liên tiếp, cổ phiếu bị hạn chế giao dịch UPCOM
Doanh nghiệp ngành bia tăng trưởng trở lại trong quý 1/2021
3252-doanh-nghiyp-thua-ly
Những doanh nghiệp nào thua lỗ nặng nhất trong quý 1/2021? (Ảnh minh họa)

Dẫn đầu thua lỗ quý 1/2021 là Vietnam Airlines (HOSE – Mã: HVN) với con số lỗ ròng kỷ lục gần 5.000 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ nặng nhất từ trước đến nay. Khoản lỗ quý 1/2021 tương đương 45% khoản lỗ của cả năm 2020.

Trong 3 tháng đầu năm, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần 7.460 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ. Việc kinh doanh dưới giá vốn khiến hãng hàng không quốc gia lỗ gộp 3.869 tỷ đồng, trong khi quý 1 năm trước chỉ lỗ 632 tỷ đồng.

Một trong những lý do ảnh hưởng nặng nhất Vietnam Airlines có thể là đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Sân bay Tân Sơn Nhất ngay trước Tết Nguyên đán – vốn là giai đoạn cao điểm của ngành hàng không. Tâm lý e sợ đã khiến người dân hạn chế tới sân bay.

Kết quả kinh doanh quý 1/2021 làm tăng lỗ lũy kế lên 14.219 tỷ đồng, lớn hơn vốn điều lệ. Điều này làm gia tăng nguy cơ hủy niêm yết nếu không sớm được khắc phục. Ngoài ra, vốn chủ sở hữu cũng bị bào mòn, giảm từ 6.072 tỷ đồng xuống còn 1.031 tỷ đồng.

2657-thua-ly
Top 20 doanh nghiệp thua lỗ nặng nhất quý 1/2021. Đv: Tỷ đồng (Nguồn: VietstockFinance)

Vietttel Global (UPCOM - Mã: VGI) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1 với doanh thu thuần đạt 4.628 tỷ đồng, tăng trưởng 8% so với mức 4.304 tỷ đồng của cùng kỳ. Tuy nhiên, Vietttel Global cũng có quý kinh doanh đáng quên với con số lỗ ròng lên đến 661 tỷ đồng.

Doanh nghiệp cho biết, trong khi hoạt động kinh doanh chính tăng trưởng thuận lợi thì Viettel Global lại gặp sự kiện bất khả kháng liên quan đến những biến động chính trị tại Myanmar. Điều này đã gây tác động rất lớn đến việc quy đổi kết quả kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại đây, trong đó có công ty liên kết của Viettel Global là Mytel.

Dù bù đắp bởi sự tăng trưởng của các thị trường khác nhưng sự kiện bất khả kháng này đã dẫn đến lỗ đậm cho Vietttel Global.

Doanh nghiệp chuyển kết quả lãi trong cùng kỳ năm trước thành thua lỗ còn có PV Drilling (HOSE – Mã: PVD), doanh thu thuần quý 1/2021 giảm đến 67% so cùng kỳ về còn 550 tỷ đồng. Do kinh doanh dưới giá vốn khiến Công ty lỗ gộp 28 tỷ đồng.

Sau khi khấu trừ các khoản chi phí và thuế, PVD báo con số lỗ ròng 104 tỷ đồng (cùng kỳ lãi trên 24 tỷ đồng). Như vậy, đây là lần đầu tiên PVD quay lại báo lỗ sau 2 năm (từ sau quý 1/2019).

Đại dịch COVID-19 đã kéo lợi nhuận và doanh thu của Vietravel (UPCOM - Mã: VTR) đi lùi ngay trong quý đầu tiên hãng hàng không Vietravel Airlines đi vào hoạt động.

Quý 1 với doanh thu thuần 277 tỷ đồng, giảm gần 65% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành Công ty giảm mạnh xuống còn gần 72 tỷ đồng – chỉ bằng 1/12 con số cùng kỳ; doanh thu bán vé máy bay cũng giảm hơn một nửa xuống gần 71 tỷ đồng.

Khấu trừ chi phí, Vietravel lỗ ròng 72 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế tính đến ngày 31/3/2021 theo đó ghi nhận hơn 102 tỷ đồng.

2917-ly-rong-1
Vietravel liên tiếp ghi nhận thua lỗ. (Nguồn: Cafef)

CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG) đạt 266 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý 1/2021, giảm 68% so với cùng kỳ năm trước. HAGL lỗ trước thuế 248 tỷ đồng, tuy nhiên trong kỳ doanh nghiệp lại ghi nhận khoản thu nhập thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại 179 tỷ khiến công ty chỉ còn lỗ ròng 58 tỷ đồng.

Tiếp tục thua lỗ khiến khoản lỗ luỹ kế tính tới ngày 31/3 của tập đoàn tăng lên 7.474 tỷ đồng.

Điểm tích cực nhất trên bảng cân đối kế toán của HAGL sau khi không còn hợp nhất với HAGL Agrico là tổng nợ đi vay giảm tới 9.393 tỷ so với đầu năm còn 8.710 tỷ đồng. Đây là mức nợ thấp nhất của tập đoàn trong gần chục năm qua.

Trong đó, tổng dư nợ trái phiếu cuối kỳ là gần 7.210 tỷ, còn lại chủ yếu là từ các ngân hàng và một phần từ tổ chức, cá nhân.

Tỷ lệ nợ đi vay/vốn chủ sở hữu tăng nhẹ từ 1,8 lần đầu năm lên 1,83 lần cuối quý 1. Giảm một phần gánh nặng nợ là một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu của HAGL để từng bước vực dậy tập đoàn.

Quý 1 của Quốc tế Hoàng Gia (HOSE – Mã: RIC) ghi nhận doanh thu thuần 27 tỷ đồng và một khoản lỗ ròng 27 tỷ đồng.

Kinh doanh dưới giá vốn, cùng với đó, các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng không giảm đáng kể so với cùng kỳ khiến RIC tiếp tục ghi nhận lỗ ròng quý thứ 6 liên tiếp.

Trong năm nay, lãnh đạo RIC đã đề ra mục tiêu lãi sau thuế 11,6 tỷ đồng. Nhưng với những gì đạt được trong quý 1 đặt ra một thử thách lớn trên con đường hoàn thành kế hoạch năm 2021 của doanh nghiệp.

Dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp chủ quản khách sạn Hoàng Gia Hạ Long âm gần 20 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước dương 150 triệu đồng.

Tính đến cuối quý đầu 2021, RIC vẫn trong tình trạng mất cân đối tài chính với tài sản ngắn hạn (52,6 tỷ đồng) bằng chưa đến phân nửa nợ ngắn hạn (114 tỷ đồng).

Những doanh nghiệp lỗ đậm trong quý 1/2021 còn có: Masan High-Tech Materials (UpCOM – Mã: MSR) lỗ ròng gần 300 tỷ đồng; Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Mã: DHB) lỗ ròng 249 tỷ đồng; Điện lực Khánh Hòa (Mã: KHP) lỗ ròng 77 tỷ đồng; Nhiệt điện Cẩm Phả (Mã: NCP) lỗ ròng 71 tỷ đồng,…

Hoàng Hà (t/h)