Nhân tố ảnh hưởng mạnh tới lợi nhuận của các ngân hàng

Cập nhật: 18:26 | 08/05/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN – Việc trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng, ngoài phụ thuộc vào chính sách quản trị rủi ro của từng nhà băng, cũng bị chi phối bởi các quy định cụ thể.  

nhan to anh huong manh toi loi nhuan cua cac ngan hang Top 5 “ông lớn” ngân hàng đạt trên 16.500 tỷ đồng trong quý I/2019
nhan to anh huong manh toi loi nhuan cua cac ngan hang Tasco lỗ quý I, hai cổ đông lớn cũng "chết chìm"

Theo thông tin trên báo cáo tài chính quý I mới công bố, Vietcombank tiếp tục vượt trội về mặt lợi nhuận với hơn 5.870 tỷ đồng lãi trước thuế, cao hơn cả tổng lợi nhuận của cả VietinBank (hơn 3.150 tỷ đồng) và BIDV (hơn 2.520 tỷ đồng) cộng lại.

Xét về tốc độ tăng lợi nhuận, Vietcombank cũng vượt xa 2 “ông lớn” còn lại với mức tăng trưởng hơn 34% trong khi BIDV chỉ tăng nhẹ 1,4% và VietinBank 4%.

nhan to anh huong manh toi loi nhuan cua cac ngan hang
Nhân tố ảnh hưởng mạnh tới lợi nhuận của các ngân hàng. Ảnh minh họa

So sánh cấu trúc lợi nhuận của 3 ngân hàng trên có thể thấy sự cách biệt lợi nhuận giữa Vietcombank so với VietinBank và BIDV xuất phát chủ yếu từ nhân tố chi phí trích lập dự phòng tín dụng. Cụ thể, trong 3 ngân hàng, BIDV đứng đầu về lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh nhưng lại xếp cuối cùng về lợi nhuận trước thuế. Với hơn 7.700 tỷ đồng lợi nhuận thuần, BIDV trích tới 5.180 tỷ cho chi phí dự phòng rủi ro (tương đương 67%).

Như vậy, chi phí dự phòng rủi ro đang là nhân tố ảnh hưởng mạnh tới lợi nhuận của các ngân hàng. Với tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao, áp lực trích lập dự phòng của Vietcombank đang thấp hơn so với BIDV và VietinBank.

Theo quy định của Thông tư 02, dự phòng rủi ro của các ngân hàng bao gồm dự phòng cụ thể và dự phòng chung. Trong đó, dự phòng chung mà ngân hàng phải trích về cơ bản được xác định bằng 0,75% tổng số dư các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4 trừ đi các khoản cho vay các tổ chức tín dụng khác. Trong khi đó, dự phòng cụ thể sẽ phụ thuộc vào chất lượng dư nợ cho vay của các ngân hàng, tỷ lệ trích lập sẽ tăng dần theo “độ xấu” của các nhóm nợ.

Do vậy, việc trích lập dự phòng cụ thể nhiều hay ít của các ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng từ chất lượng dự nợ cho vay. Nói cách khác nếu nợ xấu càng nhiều thì gánh nặng trích lập của các ngân hàng càng tăng.

Quay trở lại hoạt động kinh doanh của các đơn vị, hết quý I, Vietcombank tiếp tục là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống ở mức 1,03% trong khi VietinBank là 1,85% và BIDV là 1,74%. Khi chất lượng dự nợ tốt hơn, chi phí dự phòng của Vietcombank thấp hơn các ngân hàng khác cũng là điều dễ hiểu.

Không chỉ có tỷ lệ nợ xấu thấp, Vietcombank cũng là một trong những ngân hàng sở hữu tỷ lệ bao nợ xấu đứng đầu hệ thống ở mức 170%, theo phát biểu của Chủ tịch HĐQT Nghiêm Xuân Thành tại họp ĐHCĐ thường niên 2019. Trong khi đó, tỷ lệ này tại VietinBank khoảng 100% và BIDV là 70%.

Như vậy, mặc dù trích chi phí dự phòng rủi ro ít nhất trong 3 NHTM cổ phần Nhà nước, khả năng phòng thủ nợ xấu của Vietcombank vẫn cao nhất. Hay nói theo chiều ngược lại, áp lực trích lập dự phòng của ngân hàng này đang là thấp nhất do sở hữu một tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao.

Ngoài ra, Vietcombank cũng là ngân hàng duy nhất trong 3 “ông lớn” đã tất toán hoàn toàn nợ xấu với VAMC. Do đó, cứ mỗi đồng nợ xấu được thu hồi, ngân hàng sẽ được ghi nhận toàn bộ là lợi nhuận khác. Đây cũng được là một nguồn thu nhập tiềm tàng, giúp lợi nhuận ngân hàng có thể bứt phá trong tương lai.

Thu Hoài