Rủi ro tiềm ẩn từ các khoản cho vay doanh nghiệp trong hệ sinh thái

Cập nhật: 10:43 | 07/05/2024 Theo dõi KTCK trên

Việc ngân hàng cho vay doanh nghiệp trong hệ sinh thái đang tạo ra một môi trường tài chính phức tạp và rủi ro, mức nợ xấu có thể sẽ không tăng tương ứng do có khả năng các khoản nợ xấu đã bị che lấp qua các biện pháp tài chính.

Tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 của các ngân hàng thương mại chủ yếu đến từ việc thúc đẩy cho vay doanh nghiệp hơn là cho vay cá nhân. Điều này cũng diễn ra tương tự trong quý đầu năm 2024, nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay doanh nghiệp cao cũng chính là nhóm có tăng trưởng lợi nhuận tốt, so với mức tăng trưởng âm của nhóm tập trung vào việc cho vay cá nhân.

Rủi ro tiềm ẩn từ các khoản cho vay doanh nghiệp trong hệ sinh thái
Hình minh họa.

Mặc dù vậy, lợi nhuận của các ngân hàng có thể sẽ bị ảnh hưởng mạnh nếu phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Theo đó, diễn biến nợ xấu tại các ngân hàng cần được xem xét khi đánh giá mức tăng trưởng lợi nhuận. Đặc biệt, việc cho vay doanh nghiệp trong hệ sinh thái càng tạo ra một môi trường tài chính phức tạp và rủi ro, mức nợ xấu có thể sẽ không tăng tương ứng do có khả năng các khoản nợ xấu đã bị che lấp qua các biện pháp tài chính như cơ cấu lại nợ, tiền vay lại trở thành tiền gửi trong hệ thống, chứ không thực sự chuyển dịch vào các hoạt động kinh tế.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu cho rằng, việc ngân hàng tập trung cho doanh nghiệp trong hệ sinh thái vay sẽ biến các ngân hàng thương mại thành sân sau, chuyên huy động vốn cho doanh nghiệp. Khi đó, dòng vốn được chuyển vào những doanh nghiệp của các cổ đông này thay vì chảy vào nền kinh tế hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực chất. Ở góc nhìn tích cực, nếu dòng vốn được sử dụng hiệu quả, chảy vào các thị trường và giúp ích cho nền kinh tế sẽ góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề cần lưu ý.

Ngân hàng chấp thuận cấp tín dụng với điều kiện rất ưu đãi như giảm lãi suất, bỏ qua những yếu kém trong lĩnh vực tài chính và chấp nhận tài sản bảo đảm không đủ tiêu chuẩn. Các quyết định cho vay không được thẩm định một cách khách quan, thiếu minh bạch, đặc biệt là nâng khống giá trị tài sản bảo đảm để cho vay nhiều hơn. Chẳng hạn, tài sản đảm bảo của một sân sau vay có giá trị thị trường chỉ 100 đồng nhưng đẩy lên 150 đồng hoặc hơn thế để ngân hàng cho vay dựa trên giá trị tài sản bảo đảm đã bị nâng khống.

Tới khi những dự án đổ bể, công ty vỡ nợ, các ngân hàng phải chịu hậu quả, gánh nợ xấu hoặc phát mại tài sản một cách khó khăn, khi đó chính ngân hàng sẽ chịu nhiều thiệt hại. Ngân hàng đẩy nhiều tín dụng vào sân sau, chẳng khác gì “tự bắn vào chân”.

Sự phục hồi kinh tế không đồng đều giữa các ngành đã khiến cho việc đánh giá chất lượng tài sản trở nên khó khăn hơn, làm tăng rủi ro tiềm ẩn cho hệ thống tài chính.

Tại hội thảo Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể diễn ra vào sáng ngày 23/4 vừa qua, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng đã nghiêm cấm việc cấp tín dụng không đúng quy định pháp luật, không đúng đối tượng, việc cấp tín dụng cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan của tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, doanh nghiệp sân sau… với lãi suất ưu đãi.

Triển vọng thận trọng của ngành ngân hàng còn được thể hiện qua cách mà các ngân hàng thương mại đặt mục tiêu lợi nhuận “khiêm tốn” trong năm nay.

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 được nhiều ngân hàng tổ chức trong tháng 4 vưa qua, hầu hết các ngân hàng đã công bố kế hoạch lợi nhuận cho năm 2024, theo đó phần lớn ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận khá khiêm tốn khi so với mục tiêu họ đã đề ra trong năm 2023. Điều này phản ánh một chiến lược tăng trưởng thận trọng của các ngân hàng trong bối cảnh kinh doanh trong nước và thế giới đang có nhiều diễn biến khó lường.

Trong đó, các “ông lớn” ngân hàng như Vietcombank, BIDV, VietinBank mặc dù vẫn dẫn đầu về lợi nhuận trong toàn hệ thống, tuy nhiên tỷ lệ tăng trưởng tín dụng dự kiến cho năm 2024 không quá cao, chỉ tương đương tăng trưởng tín dụng trung bình ngành. Riêng Vietcombank chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 5% lợi nhuận trước thuế so với mức 15% của năm 2023. Trong khi việc để ngỏ kế hoạch lợi nhuận của BIDV và Vietinbank cũng cho thấy sự thận trọng và dè dặt của các ngân hàng trong việc đặt ra chỉ tiêu lợi nhuận năm 2024.

Ngân hàng HDBank và TPBank dự báo tăng trưởng lợi nhuận lần lượt là 20% và 34% cho thấy một kỳ vọng tích cực hơn, hay VPBank đặt ra con số tăng trưởng tham vọng hơn 100% trong năm 2024. Tuy nhiên, mức tăng trưởng của VPBank phải đặt trong bối cảnh lợi nhuận trước thuế của họ giảm gần 50% trong năm ngoái do nợ xấu tăng mạnh. Việc thận trọng là cần thiết, để có thể dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay, đặc biệt khi ngành ngân hàng đang phải đối mặt với sự suy giảm tín dụng và tăng trưởng kinh tế chậm có thể kéo dài.

Sự phân hóa trong mức lợi nhuận của các ngân hàng cho thấy những rủi ro tiềm ẩn đến từ bất ổn vĩ mô, rủi ro chất lượng lợi nhuận và danh mục cho vay của ngân hàng vẫn rất lớn.

Theo giới chuyên gia, trước các biến động trong môi trường kinh tế, cùng với áp lực từ việc cải thiện chất lượng tài sản và quản lý nợ xấu, ngành ngân hàng được động viên đẩy mạnh tín dụng, tuy nhiên cũng cần được giám sát chặt chẽ hơn để đảm bảo duy trì chất lượng tài sản cho toàn hệ thống.

Hậu lùm xùm vụ thẻ tín dụng, Eximbank báo lãi trượt dốc trong quý đầu năm

Dù nguồn thu chính tăng trưởng tốt, tuy nhiên thu nhập ngoài lãi trượt dốc, cộng thêm chi phí dự phòng cũng nhảy vọt gấp ...

Tiền gửi khách hàng nhích nhẹ trong quý đầu năm, dòng tiền đã chảy về đâu?

Lãi suất huy động bắt đầu tăng trở lại tại nhiều ngân hàng từ cuối tháng 3, tuy nhiên trong 3 tháng đầu năm lãi ...

Vân Anh