Ngân hàng Trung ương các nước giảm lãi suất đã dấy lên lo ngại

Cập nhật: 11:35 | 23/09/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN – Việc nhiều ngân hàng Trung ương các nước giảm lãi suất đã dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái mới sắp diễn ra trên phạm vi toàn cầu.

ngan hang trung uong cac nuoc giam lai suat da day len lo ngai

Xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ toàn cầu

ngan hang trung uong cac nuoc giam lai suat da day len lo ngai

NHNN điều hành thị trường qua các lãi suất như thế nào?

ngan hang trung uong cac nuoc giam lai suat da day len lo ngai

Loạt ngân hàng trung ương trên thế giới cắt giảm lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Theo giới quan sát, kể từ tháng 8/2019 đến nay, hàng loạt ngân hàng trung ương các nước: Mỹ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, New Zealand, Malaysia, Philippines, Indonesia, Hàn Quốc, Nam Phi… đã có những động thái điều chỉnh chính sách tỷ giá hoặc lãi suất… được cho là bất thường, khiến giới nghiên cứu và dư luận lo ngại về một cuộc suy thoái mới sắp diễn ra trên phạm vi toàn cầu.

Từ việc FED hạ lãi suất…

Ngày 1/8 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã hạ lãi suất cho vay xuống còn 2-2,25%, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2008. Những lý do được viện dẫn: Lượng đơn đặt hàng hồi tháng 3 không giảm mạnh như dự đoán, nhưng lượng hàng xuất khẩu lại yếu hơn; hoạt động của ngành chế tạo giảm sút, do các doanh nghiệp tập trung giải quyết hàng tồn kho và các nhà máy nhận được ít đơn hàng hơn.

Sự biến động hàng xuất khẩu trong tháng 3 phản ánh mức chi tiêu của doanh nghiệp yếu hơn dự báo, khiến GDP quý I không đạt mục tiêu. Về hoạt động sản xuất nói chung bị ảnh hưởng bởi cuộc thương chiến Mỹ - Trung căng thẳng, tác động lên thị trường phố Wall, kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế Mỹ và toàn cầu.

Ngày 5/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) điều chỉnh tỷ giá tham chiếu về mức 6,9683 NDT đổi 1 USD. PBOC giải thích rằng, đây là sự phản ứng của thị trường trong bối cảnh Mỹ áp mức thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 1/9.

Ngay sau khi đồng NDT giảm giá trị thấp nhất trong 11 năm qua, thị trường tài chính thế giới đã rung chuyển. Tại Mỹ, giá dầu giảm 7%, trong đó giá dầu thô biển Bắc (Brent) ghi nhận tỷ lệ giảm tính theo ngày thấp nhất kể từ tháng 2/2016. Chỉ số S&P 500 vốn đang ở vùng tích cực cũng giảm xuống 0,9% khi chốt phiên giao dịch.

Ngày 6/8, Trung Quốc lại bán trái phiếu bằng đồng NDT tại Hong Kong, nhằm hạn chế đà bán ra đối với đồng NDT. Khiến thị trường tài chính thế giới biến động mạnh. Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt khác (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 97,62 điểm. USD đứng ở mức: 1 euro đổi 1,1201 USD; 106,16 yen đổi 1 USD; 1,2122 USD đổi 1 bảng Anh.

Tiếp đến là ngân hàng Trung ương Ấn Độ, Thái Lan, New Zealand và nhiều nước khác cũng đã chủ động cắt giảm lãi suất với kỳ vọng các ngân hàng Trung ương lớn khác cũng sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ, nhằm đối phó với tác động của nền kinh tế Trung Quốc, Mỹ tăng trưởng chậm lại và thương mại bị sụt giảm.

ngan hang trung uong cac nuoc giam lai suat da day len lo ngai
Ảnh minh họa

Sự phản ứng của các nước…

Khi được hỏi về tác động đến thị trường tài chính, Tổng thống Mỹ D. Trump nói rằng: “Hiện tại tôi hoàn toàn không lo ngại chuyện đó”. Theo ông, thuế suất có thể được tăng lên qua từng giai đoạn. “10% trước hết được áp dụng trong một khoảng thời gian ngắn và sau đó tôi có thể tăng lên hoặc giảm xuống, tùy thuộc vào những gì đạt được trong thỏa thuận (với Trung Quốc)”.

Ông Evan Pritchard, nhà kinh tế học cấp cao của Capital Economics cho rằng, việc Trung Quốc ngừng duy trì mốc quy đổi quan trọng giữa NDT với USD hàm chứa khả năng nước này từ bỏ hi vọng đạt thoả thuận thương mại với Mỹ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, vẫn chưa đến lúc thế giới chứng kiến một cuộc chiến tranh tiền tệ, bởi đồng NDT ở mức giá hiện nay chỉ đủ để thúc đẩy một phần kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Đồng NDT vẫn chưa thực sự bị đẩy lên thành chiến tranh tiền tệ.

Như vậy, từ những động thái mới của ngân hàng Trung ương các nước, nhất là 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới cho thấy, cuộc thương chiến Mỹ - Trung không chỉ gia tăng tính quyết liệt, mà còn có nguy cơ chuyển hóa từ “chiến tranh thương mại” sang “chiến tranh công nghệ” và có thể là “chiến tranh tiền tệ” (nếu hai bên không kiềm chế).

Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung đang diễn biến theo hướng toàn diện, phức tạp nhằm giữ và giành ngôi vị dẫn đầu thế giới trong cấu trúc an ninh toàn cầu mới, thì sự tác động của nó đến nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu là không loại trừ. Tuy nhiên, nguy cơ này vẫn còn đang ở phía trước.

Giảm lãi suất phù hợp diễn biến, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Với nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước tích cực như hiện nay, lãi suất về cơ bản sẽ diễn biến ổn định, được hỗ trợ bởi các yếu tố tích cực như thanh khoản hệ thống được bảo đảm, có dư thừa, tín dụng tăng phù hợp với chỉ tiêu định hướng.

Ngoài ra, xu hướng ngân hàng trung ương các nước không còn theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt như giai đoạn trước giúp giảm áp lực cho lãi suất trong nước.

Do đó, việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành sẽ giúp các tổ chức tín dụng có thể tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, hỗ trợ ổn định mặt bằng lãi suất của các tổ chức tín dụng.

Về chủ trương điều hành trong thời gian tới, ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN cho biết: NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ để điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Về tín dụng, NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo định hướng cả năm khoảng 14%, thực hiện đồng bộ các biện pháp để ổn định mặt bằng lãi suất. Về tỷ giá, theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường trong nước và quốc tế, diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ.

Theo các chuyên gia đánh giá: việc hạ lãi suất điều hành có thể khiến các thị trường được hưởng lợi. Khi lãi suất điều hành giảm như thị trường chứng khoán tăng trưởng tích cực hơn. Thực tế, sau quyết định này hàng loạt cổ phiếu đã tăng mạnh nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng, còn thị trường bất động sản có cơ hội để tăng cung bất động sản.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ bớt căng thẳng hơn, giảm tác động vốn trung, dài hạn cho các doanh nghiệp.

Trước mắt, giảm lãi suất điều hành không tác động nhiều đến tình hình kinh doanh của các ngân hàng. Vì các ngân hàng chủ yếu kinh doanh trên thị trường 1 (nơi diễn ra các giao dịch giữa ngân hàng với doanh nghiệp và dân cư), còn trên thị trường 2 (thị trường tiền tệ liên ngân hàng), lãi suất cũng đang ổn định và đã giảm về mức hợp lý trước khi có quyết giảm lãi suất điều hành.

Việc giảm lãi suất điều hành lúc này là cần thiết giúp tăng tỉ giá hỗ trợ xuất khẩu (hiện năm nay đang bị suy giảm). Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo việc giảm lãi suất có khả năng làm tăng lạm phát, vì tiền được đẩy nhiều vào lưu thông nhiều hơn, tỉ giá cũng tăng lên.

Văn Khương

Tin liên quan