Ngân hàng Bản Việt được phê duyệt áp dụng Basel II

Cập nhật: 13:29 | 28/10/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Ngân hàng Bản Việt đã trở thành ngân hàng thứ 12 chính thức được NHNN phê duyệt áp dụng chuẩn Basel II từ ngày 1/11.

ngan hang ban viet duoc phe duyet ap dung basel ii

Ngân hàng Việt triển khai Basel II tới nay như thế nào?

ngan hang ban viet duoc phe duyet ap dung basel ii

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 23/10: Phân hoá ngày càng rõ rệt giữa các ngân hàng trong việc áp dụng Basel II

ngan hang ban viet duoc phe duyet ap dung basel ii

Basel IV đang được xây dựng nhưng Việt Nam loay hoay với Basel II

Tại sao các ngân hàng lại cần áp dụng Basel?

Việc thực hiện tuân thủ theo các Hiệp ước Basel cho phép các ngân hàng đo lường và giám sát chặt chẽ những rủi ro, từ đó kiểm soát tốt hơn phản ứng nhanh và chủ động trong việc quản lí rủi ro. Điều này sẽ giúp tăng trưởng bền vững hơn, hỗ trợ tăng giá trị cho cổ đông.

Đồng thời, việc áp dụng các tiêu chuẩn này giúp cho các ngân hàng được xếp hạng tốt hơn và hoà nhập vào nền tài chính quốc tế.

Ý tưởng ban đầu về Basel I được bắt đầu từ những năm 1975 nhưng được chính thức ra mắt vào năm 1988, sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1980 tại Mỹ khiến hàng loạt ngân hàng phá sản.

Basel I đã được triển khai và áp dụng trên khắp toàn cầu. Hiệp ước này được điều chỉnh, bổ sung theo thời gian để bù đắp những thiếu sót của những hiệp ước trước và ngày càng chặt chẽ hơn với những yêu cầu ngày càng cao.

Các ngân hàng trên thế giới đã bắt đầu áp dụng Basel từ rất sớm và hiện nay Basel III đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới từ năm 2015 tại các nền kinh tế tài chính phát triển. Trong khi đó, Basel IV đang trong quá trình xây dựng và dự kiến là bản hợp nhất của Basel III sửa đổi và chuẩn mực kế toán IFRS 9.

Basel II là tiêu chuẩn gồm ba trụ cột chính: yêu cầu về vốn tối thiểu, đánh giá của cơ quan giám sát (tăng cường giám sát) và nguyên tắc thị trường.

Nhằm bắt kịp thông lệ quốc tế về quản trị rủi ro, các ngân hàng Việt cũng đang trong tiến trình "quá độ" lên Basel II.

Theo lộ trình xác định của các cơ quan quản lí, trong năm 2019 có khoảng 10 NHTM áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn (trụ cột 1 và 3) và từ năm 2023 tất cả các NHTM áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao cơ bản.

Theo Nghị quyết số 24 năm 2016 của Quốc Hội và Nghị quyết số 27 năm 2017 của Chính phủ: "Đến năm 2020, cơ bản các NHTM có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó có ít nhất 12 - 15 NHTM áp dụng thành công Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn trở lên".

NHNN đã lựa chọn 10 NHTM trong nước để thực hiện thí điểm Basel II. Đến nay, đã có 17 NHTM đăng kí áp dụng Thông tư 41 (Basel II) trước thời hạn gồm 15 NHTM trong nước và 2 ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Tuy nhiên mới chỉ có 11 ngân hàng được phê duyệt gồm 10 ngân hàng trong nước (Vietcombank, VIB, OCB, MBBank, VPBank, ACB, TPBank, Techcombank, MSB, HDBank và một ngân hàng nước ngoài là Shinhan Bank.

ngan hang ban viet duoc phe duyet ap dung basel ii
Ảnh minh họa

Phân hoá ngày càng rõ rệt giữa các ngân hàng trong việc áp dụng Basel II

Cuộc chạy đua Basel II giữa các ngân hàng đang ngày càng trở nên gấp rút khi thời hạn áp dụng của Thông tư 41 đang tới gần. Một số ngân hàng đã về đích sớm trong khi nhiều ngân hàng khác vẫn đang trong quá trình xây dựng, trình duyệt. Sự khác biệt này đã tạo nên sự phân hoá rõ rệt trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Điều đó được thể hiện trước hết qua quá trình tăng vốn bài toán khó giải của nhiều ngân hàng hiện nay. Để đáp ứng được hệ số an toàn vốn (CAR) - trụ cột đầu tiên của Basel II, các ngân hàng bắt buộc phải tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính của mình.

Trong các năm gần đây, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống luôn ở mức cao nhưng vốn điều lệ các ngân hàng lại không tăng ở mức tương xứng.

Theo số liệu từ NHNN, đến cuối tháng 8/2019, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 591.800 tỉ đồng (tăng 2,57% so với cuối năm 2018 và tăng 15,5% so với cuối năm 2017) trong khi tăng trưởng tín dụng tính đến 19/8 đã đạt khoảng 7,6%.

Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 856.100 tỉ đồng, tăng 12,3% so với cuối năm 2018 và 29,7% so với cuối năm 2017. Tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) toàn hệ thống ở mức 11,9%.

Nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước, hay còn gọi là Big4 là những ngân hàng cung ứng vốn nhiều nhất trong nền kinh tế cũng phải đối mặt với khó khăn từ tăng vốn.

Tuy vậy, "ông lớn" Vietcombank là ngân hàng đầu tiên được phê duyệt áp dụng chuẩn Basel II tại Việt Nam (cùng thời điểm với VIB).

Sự dẫn đầu của Vietcombank cũng không quá bất ngờ vì đây là một trong những ngân hàng có qui mô tài sản lớn nhưng tỉ lệ nợ xấu thấp và có nhiều thuận lợi trong quá trình tăng vốn.

Vào đầu năm nay, Vietcombank đã thực hiện bán vốn cho Mizuho nhằm duy trì tỉ lệ sở hữu và GIC để đưa mức nắm giữ lên 2,55% vốn cổ phần của ngân hàng. Thương vụ lần này đã giúp Vietcombank tăng vốn lên hơn 37.000 tỉ đồng, là ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ hai toàn hệ thống sau VietinBank.

Được biết thương vụ đã hoàn tất từ cuối tháng 12/2018 và đối tác cũng chuyển tiền xong cho Vietcombank trước ngày 4/1.

Trong thời gian qua, hầu hết ngân hàng đều lên kế hoạch tăng vốn nhưng không phải ngân hàng nào cũng có thể thực hiện được theo mục tiêu đặt ra.

Theo tổng hợp của người viết, trong số 29 ngân hàng thương mại khảo sát thì có tới 23 ngân hàng không thay đổi vốn điều lệ trong nửa đầu năm. Chỉ có 6 ngân hàng ghi nhận tăng vốn điều lệ gồm: Ngân hàng Quốc dân, LienVietPostBank, VietBank, Vietcombank, Bản Việt, Agribank (chỉ tăng nhẹ 0,1%).

Báo cáo mới đây gửi Quốc hội của NHNN cho biết đang tích cực phối hợp với Bộ Tài chính xử lí vấn đề tăng vốn cho các ngân hàng thương mại Nhà nước, đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá Agribank.

Qua đó, NHNN đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa đổi hoặc ban hành Nghị quyết mới theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước (không bao gồm ba ngân hàng mua bắt buộc).

Ngân hàng Bản Việt được phê duyệt áp dụng Basel II

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành quyết định về việc Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) áp dụng Thông tư số 41 hay hiệp ước chuẩn Basel II.

Ngân hàng được chính thức áp dụng thông tư quy định tỉ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài này từ ngày 1/11.

Theo quyết định, Ngân hàng Bản Việt có trách nhiệm thực hiện chuyển hoạt động chính thức từ hệ thống chính sang hệ thống dự phòng đối với hệ thống tính tỉ lệ an toàn vốn theo đúng kế hoạch báo cáo để đảm bảo hệ thống có thể hoạt động liên tục trong trường hợp có thảm họa.

Trong thời gian từ ngày 1/11 đến hết ngày 31/12/2019, ngân hàng đồng thời thực hiện chế độ báo cáo về tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định tại Thông tư 36 ban hành ngày 20/11/2014 của Thống đốc NHNN qui định các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Bản Việt đạt 67 tỉ đồng, giảm 42% so với cùng kì năm 2018, đây cũng là ngân hàng đầu tiên báo lãi giảm trong kì. Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận ngân hàng sụt giảm là lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối giảm mạnh 84% xuống còn 19 tỉ đồng.

Tại thời điểm 30/9, tổng tài sản của VietCapitalBank đạt 48.019 tỉ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm.Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 32.562 tỉ đồng, tăng trưởng 10,9%; dự phòng rủi ro cho khách hàng tăng 21% lên 411 tỉ đồng. Tiền gửi khách hàng cuối tháng 9 đạt 34.231 tỉ đồng, tăng 2,2% so với đầu năm.

Ngân hàng Bản Việt chưa công bố thuyết minh báo cáo tài chính nên chưa rõ con số nợ xấu và số dư trái phiếu VAMC.

Văn Khương