Ngã đau khi đu theo tin đồn

Cập nhật: 13:52 | 04/04/2022 Theo dõi KTCK trên

Tin đồn về thương vụ thâu tóm thường giúp cổ phiếu của doanh nghiệp mục tiêu tăng mạnh. Hưng phấn đu theo những tin đồn này, không ít người phải chịu cú ngã đau khi cổ phiếu lao dốc, trong đó có câu chuyện tại nhóm cổ phiếu “họ” DNP.

“Rớt mặt đất” khi tin chính thức ra

Trong công văn phản hồi Báo Đầu Chứng khoán mới đây, Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai (mã DNP) khẳng định: “DNP Corp không tham gia đầu tư vào các công ty trên. DNP Corp đang tập trung cho các động lực tăng trưởng chính tại CMC (gạch ốp lát, ngói, đá thạch anh cao cấp các loại, làm nền tảng cho hệ sinh thái vật liệu hoàn thiện toà nhà); Inochi - thương hiệu gia dụng make by Việt Nam; DNP Water với các dự án cấp nước vùng, cải thiện quản trị vận hành cấp nước trên nền tảng số hoá”.

4542-tin-don

Khá tình cờ, sau khi thông tin này đưa ra, nhóm cổ phiếu NVT, JVC, VC9 hay HUT “quay xe” giảm, trái với diễn biến tăng nóng gần đây. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, các cổ phiếu trên đã có dấu hiệu phân phối đỉnh.

Cụ thể, cổ phiếu HUT từ ngày 15/10/2021 đến 21/3/2022 tăng 3,98 lần, từ 10.300 đồng lên 51.300 đồng/cổ phiếu và bắt đầu giảm trong các phiên gần đây, về vùng 38.700 đồng/cổ phiếu. Hai tuần trở lại đây, khi thanh khoản tăng kỷ lục, cổ phiếu có xu hướng biến động mạnh và không giữ được vùng giá cao, xuất hiện nhiều phiên dư bán sàn với khối lượng lớn.

Tương tự, từ ngày 11/3- 30/3/2022, cổ phiếu NVT tăng 119%, từ 14.800 đồng/cổ phiếu lên 32.400 đồng/cổ phiếu, với nhiều phiên tăng trần liên tục. Nếu như giai đoạn trước khi tăng nóng, chỉ có khoảng 24.000 cổ phiếu được khớp lệnh trong một phiên, thì tới thời điểm hiện tại, thanh khoản đạt 127.000 cổ phiếu/phiên, tức tăng 4,3 lần so với giai đoạn trước đó.

Với VC9, từ 11/3 đến 28/3, cổ phiếu tăng 144%, từ 11.300 đồng/cổ phiếu lên 27.600 đồng/cổ phiếu và bắt đầu điều chỉnh trong một số phiên gần đây. Trong một số phiên, cổ phiếu có thanh khoản kỷ lục nhưng giá không tăng, có hiện tượng kéo nước rút và bắt đầu sàn trở lại.

Như vậy, trong vòng nửa năm qua, đây là lần thứ 2, nhiều nhà đầu tư chịu cú ngã đau khi đu theo tin đồn về “game” thâu tóm. Trước đó, cuối năm 2021, khi các cổ phiếu như BII (của Louis Land), TGG (của Louis Capital), AGM (của Angimex), VKC (của VKC Holdings), APG (của Chứng khoán APG), DDV (của Dap – Vinachem), TDH (của Thủ Đức House) đều tăng nhanh nhờ thông tin thâu tóm. Tuy nhiên, phần lớn các nhà đầu tư “đu” theo làn sóng này ở vùng đỉnh đều chịu mất mát, sau khi các cổ đông lớn là thành viên cấp cao của doanh nghiệp “quay xe” bán ra.

Thị trường tăng nóng, tin đồn nở rộ

Ở bất kỳ giai đoạn nào của thị trường chứng khoán, câu chuyện thâu tóm doanh nghiệp luôn là chất xúc tác giúp đẩy giá cổ phiếu, bởi nhà đầu tư luôn kỳ vọng doanh nghiệp sẽ “lột xác” sau khi về tay chủ mới. Thực tế, không ít người đã kiếm lợi nhuận lớn khi rót tiền vào những cổ phiếu này đúng thời điểm.

Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ những thương vụ M&A nổi tiếng một thời đã giúp giá cổ phiếu của doanh nghiệp bị thâu tóm tăng mạnh trong suốt thời gian dài, như Vinamilk với GTNFoods, Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh với Đường Biên Hòa...

Thông tin đồn thổi về game thâu tóm gần đây đang có nhiều vấn đề.

Phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán nêu quan điểm, “tin đồn không phải là câu chuyện xa lạ trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng những đồn thổi về game thâu tóm gần đây đang có nhiều vấn đề”. Nhiều cổ phiếu tăng rất cao, trong nhiều ngày liền nhờ những thông tin kiểu như thành viên cấp cao của doanh nghiệp này mua vào trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp kia. Thậm chí, thành viên đó còn lên mạng xã hội để kêu gọi triển vọng về cổ phiếu, nhưng sau đó vài tháng lại thông báo rút khỏi công ty khi cổ phiếu đạt đỉnh, để nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ “sững sờ”, “ngơ ngác”.

“Điều đáng nói nhất, trong giai đoạn “bơm nóng” cổ phiếu, gần như doanh nghiệp dính tin đồn không có thông tin phản hồi chính thức, mà phải chờ đến khi cổ phiếu bị điều chỉnh mới bắt đầu rò rỉ tin ra ngoài”, vị chuyên gia bình luận.

Ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, số đông nhà đầu tư cá nhân ưa phong cách lướt sóng, nên ít khi tìm hiểu thông tin một cách bài bản, từ chính doanh nghiệp, mà thích nghe qua kênh truyền miệng.

Việc tin đồn có “đất sống”, dưới góc nhìn của các chuyên gia, xuất phát từ việc nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến công tác quan hệ nhà đầu tư (IR), thường xuyên cập nhật tình hình hoạt động tới cổ đông và giới đầu tư.

Thị trường chứng khoán là thị trường của thông tin. Ở đó, bất kỳ một tin đồn theo chiều hướng tốt hay xấu đều ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp đang được niêm yết. Nếu doanh nghiệp không chú trọng đến công bố thông tin một cách minh bạch, kịp thời, bảo vệ nhà đầu tư, làm sao nhà đầu tư có thể yên tâm, tin tưởng đồng hành cùng doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực tài chính, cũng như trong việc sở hữu các doanh nghiệp niêm yết, luật quy định trên cơ sở bản chất là vấn đề quan trọng hơn hình thức ở một số công ty. Trong đó, một số trường hợp mặc dù tỷ lệ sở hữu cổ phần dưới 51% nhưng vẫn là công ty con do ban lãnh đạo đã chiếm trọng số và có quyền quyết định tới hoạt động của công ty đang đầu tư.

Ngược lại, một số công ty mặc dù sở hữu trên 51% nhưng không có quyền quyết định tại các đơn vị đầu tư vẫn chỉ có thể ghi nhận là đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết.

Đơn cử, mặc dù Gemadept (mã GMD) đang sở hữu hơn 50% vốn tại CTCP Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link nhưng vẫn ghi nhận là công ty liên doanh, liên kết do công ty phải có tối thiểu 76% tổng số cổ phần biểu quyết mới thông qua được quyết định quan trọng.

Tại Nhà Thủ Đức (mã TDH), trong quá khứ, tính tới 31/12/2020, TDH sở hữu 43% vốn điều lệ tại CTCP Ngoại thương và phát triển đầu tư TP.HCM (mã FDC) nhưng vẫn ghi nhận là công ty con do nắm quyền kiểm soát tại FDC khi có hơn phân nửa lãnh đạo của FDC là đại diện của TDH.

Câu chuyện của GMD và TDH chỉ là hai ví dụ nhỏ trong vô vàn ví dụ thực tiễn của “bản chất hơn hình thức” đang diễn ra ở trên sàn.

Như mới đây, cổ phiếu CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã BAF) niêm yết trên HOSE ngày 3/12/2021. Trước thời điểm niêm yết, cơ cấu cổ đông của công ty không có tên Tập đoàn Tân Long. Tuy nhiên, bà Bùi Hương Giang, Tổng giám đốc công ty lại có đảm nhiệm nhiều vị trí liên quan tới Tập đoàn Tân Long trước khi trở thành Tổng giám đốc tại BAF, đơn vị hoạt động chung ngành nghề.

Cụ thể, trước khi bắt đầu đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành ngành nông sản tại BAF từ tháng 6/2020, bà Giang từng quản lý kinh doanh ngành nông sản nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại CTCP Tân Long (từ 2007 - 2013); quản lý kinh doanh ngành nông sản nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại CTCP HUM (từ 2014 - 6/2020).

Sau khi niêm yết, ngày 16/3/2022, công ty chính thức bổ nhiệm ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long vào vị trí Chủ tịch HĐQT tại BAF và chính thức cụ thể hoá hiện diện của Tập đoàn Tân Long tại BAF.

Còn Nhựa Đồng Nai liên tục thông báo về việc không tham gia quá trình thâu tóm tại HUT, JVC, NVT, VC9 nhưng rõ ràng các lãnh đạo chủ chốt của Nhựa Đồng Nai đang tiếp tục nắm giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy của những doanh nghiệp này. Điều này khó tránh khỏi việc quyết định điều hành bị chi phối bởi lãnh đạo của Nhựa Đồng Nai nói chung và ông Vũ Đình Độ nói riêng.

Nguy cơ 'ngã ngựa' từ các cổ phiếu đánh sóng theo tin đồn, game thâu tóm, sáp nhập

Những nhà đầu tư mới tham gia sẽ mang đến nhiều yếu tố tích cực nhưng cũng kéo theo nhiều điều tiêu cực. Về mặt ...

Ứng xử thế nào trước các tin đồn chứng khoán?

Mức độ ảnh hưởng của tin đồn là cực kỳ lớn trên thị trường chứng khoán. Trong tin đồn, tùy thuộc diễn biến của thị ...

Ông Lã Giang Trung: Tin đồn có thể đúng hoặc sai, cố gắng bán ra cổ phiếu đầu cơ lúc này là không sai

Ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment cho rằng tin đồn trên thị trường chứng khoán có thể đúng hoặc không. Nhưng khi tin đồn ...

Việt Dương - Duy Bắc/ĐTCK

Tin liên quan