Mua kit test nhanh Covid-19 trên mạng: Coi chừng tiền mất, tật mang

Cập nhật: 09:36 | 11/06/2021 Theo dõi KTCK trên

Trước thực trạng bộ kit test nhanh Covid-19 của nước ngoài được rao bán tràn lan trên chợ mạng, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, sẽ kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng bán hàng không rõ nguồn gốc và không đảm bảo chất lượng, nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Cảnh báo: Xuất hiện tình trạng lừa đảo mời tiêm vaccine Covid-19

Giá thép tăng cao, cảnh báo hàng giả lừa dối người tiêu dùng

Shopee bị điểm tên trong danh sách website mua bán sản phẩm kém chất lượng

Hàng trôi nổi tràn lan

Gần đây, bộ kit test nhanh Covid-19 đang được rao bán tràn lan trên mạng xã hội và trang thương mại điện tử, có nguồn gốc xuất xứ khác nhau từ nhiều nước như Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… với giá hàng trăm nghìn đồng/bộ, tuỳ nơi sản xuất. Nhiều người do nhu cầu cá nhân nên đã tự mua các sản phẩm này về để sử dụng. Còn thực chất là sản phẩm đạt chuẩn hay không thì họ cũng không rõ.

Tại tài khoản Facebook B.T.H rao bán tại Cộng đồng dân cư Khu đô thị Việt Hưng (Long Biên): "Dịch Covid-19 mỗi người nên có một bộ test nhãn hiệu Humasis đã được Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) cấp phép sử dụng để tự check sức khỏe của mình. Giá 1 hộp 690.000 đồng (2 bộ kit). Mua 10 hộp sẽ có giá 650.000 đồng/hộp; loại một lần dùng (1 bộ kit) 260.000 - 350.000 đồng/bộ”. Ngoài ra, trên chợ online còn xuất hiện nhiều người bán sản phẩm nhập từ Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong... với giá rẻ hơn 50% hàng Hàn Quốc.

3427-covid
Bộ kit test nhanh Covid-19 đang được rao bán tràn lan trên mạng xã hội, có nguồn gốc xuất xứ khác nhau (Ảnh: Hà Linh)

Theo quảng cáo, việc lấy mẫu "cực kỳ dễ dàng", người dùng chỉ cần lấy lấy dịch ở mũi, sau đó bơm vào dung dịch và chờ kết quả sau 15 phút. Nếu bảng hiện 1 vạch là âm tính, 2 vạch là dương tính, độ nhạy đạt 89,4% và độ đặc hiệu đạt 100%. Thực tế cho thấy, những tài khoản rao bán trên mạng xã hội các bộ test nhanh Covid-19 đều cam kết "hàng chính hãng, đầy đủ giấy tờ". Thế nhưng khi phóng viên trong vai người mua hàng yêu cầu cung cấp giấy tờ hoá đơn chứng minh nguồn gốc bộ test nhanh, người bán lại nói rằng, hàng do người thân chuyển về, không dùng hết nên bán, vì vậy không hoá đơn chứng từ.

Tại TP.HCM, liên hệ thêm một số điện thoại bán hàng khác, có địa chỉ ở quận Bình Thạnh (TP HCM), giá bán rẻ hơn, 1 hộp 690 nghìn đồng (2 bộ kit). Mua 10 hộp giảm còn 650 nghìn đồng/hộp. "Hàng xách tay, rất hot bên Hàn Quốc nên sẽ về sau 3 ngày chứ không có ngay được. Nhắn địa chỉ, chuyển khoản trước" - chị này nói.

Cũng như nhiều người bán hàng khác, người này khẳng định lấy mẫu dễ dàng như... "thử thai". Người bán hàng cho biết đã bán cho nhiều bạn bè mua loại này.

3430-covid2
Lời rao bán kit test nhanh ở TP HCM

Đề cập đến tình trạng các loại kit xét nghiệm nhanh COVID-19 được rao bán nói trên, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết các sinh phẩm, kit xét nghiệm SARS-CoV-2 muốn nhập khẩu Việt Nam phải được Hội đồng thẩm định, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) thẩm định và cấp phép mới được lưu hành. Việt Nam đã quy định, kể cả các test (xét nghiệm) nhanh cũng phải được sử dụng ở phòng thí nghiệm và phải bảo đảm an toàn sinh học.

Theo PGS Phu, kit xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 rao bán tràn lan có thể là giả, khi thử có thể cho kết quả không đúng. Như vậy, khi xét nghiệm không những không phát hiện ra bệnh mà còn có nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Mới đây, QLTT Hà Nội đã phát hiện, xử lý trường hợp đầu tiên bán bộ kit test nhanh Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ tại cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế thuộc Công ty CP tổng hợp Lâm Khang (Hoàng Mai, Hà Nội). Chủ cơ sở không xuất trình được các hóa đơn chứng từ hợp pháp, đồng thời khai nhận đã mua trôi nổi trên mạng Internet. Toàn bộ lô hàng gồm 29 hộp test thử nhanh Covid-19 nhãn "Testsealabs Covid-19 Antigen Test Cassetle", mặt sau in nội dung "HANGZHOU TESTSEA BIOTECHNOLOGY CO.LTD CHINA" đã bị đoàn kiểm tra tạm giữ, tiếp tục xử lý theo quy định.

3429-covid1
Người tiêu dùng cần thận trọng khi mua kit test nhanh Covid-19

Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT (Tổng cục QLTT) - cho biết, ngay từ cuối tháng 1/2021, khi tình hình dịch bệnh chưa diễn biến phức tạp, Tổng cục QLTT đã ban hành Công văn hỏa tốc số 199/TCQLTT-CNV gửi Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong công văn, Tổng cục cũng đặc biệt nhấn mạnh và yêu cầu các cục QLTT chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với các loại hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là trang thiết bị, vật tư y tế dùng để phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung - cầu, giá cả hàng hóa do dịch Covid-19.

Gần đây nhất, ngày 10/5/2021, Tổng cục QLTT tiếp tục có Công văn số 846/TCQLTT-CNV gửi Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Đức Lê cho biết, mặt hàng kit test nhanh thuộc nhóm các mặt hàng trang thiết bị vật tư y tế nên đã được Tổng cục QLTT đặc biệt quan tâm và chỉ đạo xuyên suốt đến các Cục QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Đặc biệt, Tổng cục đã chỉ đạo các cục QLTT phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát trên các sàn giao dịch thương mại điện tử để kiểm tra, xác minh thông tin.

"Lực lượng QLTT sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý, ngăn chặn kịp thời hiện tượng kinh doanh bộ kit test không phải do Bộ Y tế cấp phép hoặc bộ kit test không được kinh doanh tại cơ quan, tổ chức được cấp phép. Trường hợp sử dụng bộ kit test giả, không rõ nguồn gốc, sẽ kết hợp lực lượng chức năng khác như công an, hải quan để phát hiện nguồn vào Việt Nam" - ông Lê nhấn mạnh.

Tổng cục QLTT khuyến cáo, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, người bán, đặc biệt không nên mua những mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, bán trôi nổi trên mạng. Nếu các kit xét nghiệm này là giả mạo, chất lượng không bảo đảm không những không phát hiện ra bệnh mà còn nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh nếu bị bỏ sót.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn khuyến cáo, chất lượng những sản phẩm bán trôi nổi trên mạng chưa hề được kiểm chứng và cấp phép. Do đó, người dân mua về không cẩn thận lại rơi vào cảnh tiền mất tật mang. Theo ông Tuấn, trước tình hình dịch bệnh hết sức phức tạp như hiện tại, người dân không nên hoảng loạn hay hoang mang. Việc cần nhất là bình tĩnh thực hiện đúng khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay: "Hiện tại, nước ta chỉ có chủ trương tăng cường năng lực xét nghiệm tại các tỉnh, TP và tại các cơ sở y tế để chủ động tấn công phòng, chống dịch, tăng cường truy vết bằng xét nghiệm trong trường hợp cần thiết. Bộ Y tế không khuyến khích người dân tham gia xét nghiệm và tự xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, bởi lẽ nếu xét nghiệm có kết quả âm tính sẽ gây ra tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch".

Thu Uyên (Tổng hợp)

Tin cũ hơn
Xem thêm