Một cổ phiếu phân bón tăng 45% kể từ đầu năm, duy trì cổ tức bằng tiền ở mức cao qua các năm

Cập nhật: 16:52 | 07/10/2023 Theo dõi KTCK trên

Mới đây, Công ty chứng khoán VISC có đánh giá về triển vọng đối với cổ phiếu DCM. Theo VISC, DCM sẽ được hỗ trợ bởi những yếu tố như giá Urê thế giới trên đà hồi phục; Tình hình tài chính lành mạnh với các khoản vay nợ ngắn, dài hạn ở mức thấp; Cổ tức bằng tiền đều đặn qua các năm,... Tuy nhiên, việc giá dầu tăng cao có thể mang lại rủi ro khi đầu tư DCM.

Công ty CP Phân bón Dầu Khí Cà Mau (HOSE: DCM) có tiền thân là Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau, được thành lập vào năm 2011. Công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ đầu năm 2015. Sản phẩm của công ty bao gồm Đạm Ure hạt đục, phân phối chính tại khu vực Tây Nam Bộ, Nam Bộ và Đồng Bằng Sông Cửu Long. Sản phẩm phân bón của Công ty còn được xuất khẩu sang các thị trường châu Á, đặc biệt là thị trường Campuchia.

Công ty sở hữu trực tiếp 01 nhà máy sản xuất urea với công suất thiết kế 800.000 tấn/năm và gián tiếp sở hữu Nhà máy Bao bì có công suất thiết kế 20 triệu bao/năm và 01 nhà máy sản xuất phân urea humate có công suất 30.000 tấn/năm thông qua Công ty con - Công ty CP Bao bì Dầu khí Việt Nam.

Cổ phiếu DCM được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) từ tháng 03/2015.

Nguồn: www.pvcfc.com.vn
Nguồn: www.pvcfc.com.vn

Về hoạt động kinh doanh, kết thúc quý 2/2023, doanh thu thuần của Đạm Cà Mau đạt 3.456,45 tỷ đồng, giảm 16,62% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán hàng giảm nhưng giá vốn hàng bán lại tăng 6,57% khiến lãi gộp của DCM giảm tới 71% xuống còn hơn 370,29 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 32,89% xuống còn 11,25%. Lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp đạt gần 290 tỷ đồng, giảm 71,59% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.026 tỷ đồng, giảm 26% cùng kỳ. Biên lãi gộp sụt giảm mạnh từ mức 40,7% trong nửa đầu năm 2022 giảm xuống còn 15,6% trong nửa đầu năm 2023 do giá bán các sản phẩm phân bón giảm mạnh và giá khí đầu vào tăng nhẹ. LNST cổ đông công ty mẹ trong 6T/2023 đạt 540,19 tỷ đồng giảm 79% so với cùng kỳ 2022.

Năm 2023, DCM đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 13.458 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 1.383 tỷ đồng, tương ứng lần lượt giảm 18% và giảm 70% so với năm 2022. Với kế hoạch này, doanh nghiệp đã hoàn thành được gần 45% mục tiêu doanh thu và 39% mục tiêu về lợi nhuận sau nửa đầu năm.

Tổng mức đầu tư năm 2023 dự kiến đạt 275,2 tỷ đồng nhằm đầu tư xây đựng cơ bản và mua sắm thiết bị trong đó vốn chủ sở hữu là 85,7 tỷ đồng còn lại là vốn vay và khác.

Kết quả kinh doanh DCM
Kết quả kinh doanh DCM

Tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của DCM tăng hơn 1.400 tỷ đồng lên 15.599 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn chiếm trên 85%, riêng tiền, các khoản tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đã có 10.512 tỷ đồng chiếm 67,39% tổng tài sản.

Tỷ lệ Nợ/Vốn chủ sở hữu (D/E) bằng 0,41, tỷ lệ này thấp cho thấy doanh nghiệp ít phụ thuộc vào vay nợ, không chịu nhiều áp lực tài chính.

Giá cổ phiếu tăng hơn 45% kể từ đầu năm

Trên sàn chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 06/10/2023, cổ phiếu DCM đóng cửa tại mức giá 35.200 đồng/cổ phiếu, tăng 1,15% so với phiên trước đó. Như vây, cổ phiếu DCM đã tăng hơn 45% và lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2023 giúp vốn hoá thị trường vượt ngưỡng 18.000 tỷ đồng.

Nguồn: Fireant
Nguồn: Fireant

Cũng liên quan đến cổ phiếu DCM, Công ty CP Chứng khoán Đầu tư Tài chính Việt Nam (VISC) mới đây đã có đánh giá triển vọng đối với mã này. Theo VISC, DCM sẽ được hỗ trợ bởi những yếu tố sau: Giá Urê thế giới trên đà hồi phục; Tình hình tài chính lành mạnh với các khoản vay nợ ngắn, dài hạn ở mức thấp; Cổ tức bằng tiền đều đặn qua các năm. Tuy nhiên, VISC cũng nêu rủi ro khi đầu tư DCM đến từ việc giá dầu tăng cao.

Liên quan đến cổ tức, vào ngày 29/08 vừa qua, DCM đã chốt quyền chia cổ tức năm 2022 bằng tiền tỷ lệ 30%. Hiện công ty đang có 529,4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vậy DCM phải chi gần 1.600 tỷ đồng để chi trả cổ tức đợt này.

Công ty CP Chứng khoán Đầu tư Tài chính Việt Nam (VISC) tiền thân là Công ty CP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam được thành lập ngày 15/10/2007 theo giấy phép thành lập và hoạt động số 88/UBCK-GP do UBCK Nhà Nước cấp ngày 11/01/2008 với các cổ đông sáng lập có nền tảng tài chỉnh vững mạnh. Lĩnh vực kinh doanh: Môi giới chứng khoán; Tự doanh chứng khoán; Tư vấn đầu tư chứng khoán; Lưu ký chứng khoán; Bảo lãnh phát hành chứng khoán…

Ngày 01/12/2009, VICS chính thức niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với mã chứng khoán VIG.

Ngày 04/5/2023, Công ty CP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã nhận được Giấy phép điều chỉnh của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận về việc thay đổi tên Công ty với tên mới là Công ty CP Chứng khoán Đầu tư Tài chính Việt Nam (viết tắt là VISC, MCK: VIG). Đồng thời, Công ty cũng thay đổi địa chỉ website mới: visc.com.vn (địa chỉ website cũ: vics.com.vn).

Địa chỉ trụ sở chính: Tầng 1 và Tầng 8, khối B tòa nhà Sông Đà, đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.

Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, đến nay Công ty CP Chứng khoán Đầu tư Tài chính Việt Nam đã được Tập đoàn Đầu tư Thăng Long đầu tư chiến lược, tái cấu trúc thành công và ra mắt thương hiệu mới VISC, với định hướng trở thành một định chế tài chính trung gian hàng đầu tại Việt Nam, tham gia vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ chứng khoán, dịch vụ tài chính và ngân hàng đầu tư.

Đ. Duy

Tin cũ hơn
Xem thêm