Lật tẩy các chiêu trò bán hàng giả trên nền tảng thương mại điện tử

Cập nhật: 09:09 | 30/11/2020 Theo dõi KTCK trên

Ngày nay, nhiều hình thức gian lận kinh doanh xuất hiện trên sàn thương mại điện tử. Cục TMĐT và Kinh tế số vừa chỉ ra 3 nhóm hàng giả kinh doanh chính trên nền tảng internet.

Thu hồi lô thuốc Sedtyl không đạt chất lượng trên toàn quốc

Cảnh giác với các chiêu trò lừa gạt khiến nhiều người "sập bẫy" trong dịp Black Friday

Chiêu trò của người đàn bà làm nghề môi giới bất động sản

0730-chieutro3011

Theo thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, 3 nhóm hàng giả kinh doanh chính trên nền tảng TMĐT là đồ công nghệ điện tử; quần áo, giày dép, mĩ phẩm; đồ gia dụng. Thông thường, các mặt hàng làm giả lưu thông trên internet có giá trị cao hoặc do nước ngoài sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó cục trưởng Cục cho biết: "Một đồng hồ Rolex có giá trị hàng trăm triệu đồng, nhưng trên môi trường mạng vẫn có những đồng hồ Rolex giả với giá vài triệu đồng, đó là ví dụ điển hình cho hàng giả trên môi trường thương mại điện tử".

0732-chieutro3011a
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Ảnh: idea.gov.vn)

Ngoài ra, những người kinh doanh không lành mạnh thậm chí còn dùng chiêu trò đặt tên miền website gần giống với những thương hiệu thật. Bà Huyền dẫn ví dụ về sàn thương mại điện tử Lazada cũng từng bị làm nhái.

Một số website "có vấn đề" mà Cục phát hiện ra trong thời gian qua bao gồm youtube.vn, bmw.com.vn, subway.com.vn (trùng với nhãn hiệu đã được đăng kí) bảo hộ; intelt.vn, kodark.com, panasonica.com (tên miền tương tự với nhãn hiệu đã được đăng kí bảo hộ) hay laptopdell.com, macsaigon.vn, daunhotshell.com.vn (tên miền chứa đựng nhãn hiệu đã được bảo hộ và từ mô tả liên quan).

"Truy cập vào những trang này, người tiêu dùng rất dễ mua phải hàng giả, hàng nhái", Cục khẳng định.

Ngoài ra, các đối tượng thậm chí còn sử dụng hình ảnh của những người có ảnh hưởng (KOLs) và người nổi tiếng để quảng cáo và bán hàng giả.

Trong quý III/2020, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lí 63.110 vụ việc vi phạm, gian lận trên nền tảng thương mại điện tử.

Một số nội dung đáng chú ý của Nghị định 98

Nghị định mới quy định từng mức xử phạt cụ thể với các nhóm hành vi như: Thiết lập website thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng di động; Vi phạm về thông tin và giao dịch trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động; hành vi vi phạm về cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.

Đối với hành vi sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng khi chưa được duyệt hoặc xác nhận thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị phạt từ 5 – 10 triệu đồng.

Với hành vi tự ý thay đổi, xóa, hủy, sao chép, tiết lộ hoặc di chuyển trái phép thông tin thanh toán của khách hàng trên website hoặc ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc để thông tin thanh toán của khách hàng qua website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử bị chiếm đoạt gây thiệt hại cho khách hàng sẽ bị phạt từ 30 – 40 triệu đồng.

Đáng chú ý là mức tiền phạt quy định tại Nghị định này là áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân.

Thu Uyên (Tổng hợp)