Lạm phát "leo thang", doanh nghiệp dệt may lo thiếu đơn hàng cuối năm?

Cập nhật: 16:28 | 20/07/2022 Theo dõi KTCK trên

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), 6 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may đạt khoảng 22 tỷ USD, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là con số ấn tượng đối với ngành trong giai đoạn doanh nghiệp phục hồi hậu COVID-19 song dự báo, nửa cuối năm năm thị trường sẽ có nhiều biến động, đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp và mục tiêu xuất khẩu của toàn ngành.

Xuất khẩu mật ong của Việt Nam vào châu Âu sẽ ra sao sau khi thuế CBPG được điều chỉnh?

Mỹ tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga

Tỷ giá biến động mạnh, xuất khẩu Việt Nam gặp khó

Tỷ lệ lạm phát ở Mỹ và EU chạm đỉnh nhiều năm khiến nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may, thời trang giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng, giảm công suất, thậm chí nhiều khách hàng còn yêu cầu giãn, hủy đơn hàng đã ký.

Trái với sự lạc quan của 6 tháng đầu năm, ông Vũ Đức Giang dự báo nửa cuối năm 2022 thị trường thế giới sẽ có nhiều biến động khó lường trước tình hình lạm phát tăng mạnh tại Mỹ và EU.

Theo số liệu của Trading Economic, tỷ lệ lạm phát của Mỹ trong tháng 6 vừa qua đã nhảy lên mốc 9,1%, mức cao nhất kể từ tháng 11/1981. Tương tự, tỷ lệ lạm phát của khu vực đồng tiền chung Euro chạm đỉnh 30 năm, lên mốc 8,6%.

Cơn bão lạm phát ở hai thị trường xuất khẩu dệt may chính của Việt Nam khiến nhu cầu của người tiêu dùng giảm sút, gián tiếp tác động đến đơn hàng của doanh nghiệp trong quý III và quý IV.

Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Internet)

Kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng năm 2022 đạt hơn 22 tỷ USD cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành với mức tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này có được là do doanh nghiệp đã chủ động thích ứng, điều chỉnh phù hợp kế hoạch sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả. Cùng với đó, ngày càng tận dụng tốt các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và các Hiệp định thương mại tự do FTA, trong đó, một số hiệp định có ràng buộc về quy tắc xuất xứ đã thúc đẩy ngành công nghiệp dệt sợi trong nước phát triển.

Tuy nhiên, từ giữa quý 2, những biến động về thị trường, lạm phát trên thế giới đang khiến đà tăng trưởng này chậm lại. Theo đó, cầu dệt may đang có xu hướng giảm do lạm phát tăng, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu sau dịch ảnh hưởng lớn đến đơn hàng của các doanh nghiệp. Hiện tại, đa số doanh nghiệp mới ký đơn hàng đến hết quý III, có đơn vị ký đến tháng 10. Một số ít các đơn vị đã đủ đơn hàng đến hết năm nhưng gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) cho biết: "Quý III này với các doanh nghiệp dệt may sẽ rất vất vả. Đơn hàng từ Mỹ và EU của VitaJean đã giảm khoảng 20%, một số khách hàng xin giãn đơn hàng thu đông. Do đó, chúng tôi dự kiến giảm công suất lao động xuống 4 ngày/tuần, thay vì 6 ngày như trước đây".

Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Internet)

Đại diện VitaJean cho biết tình trạng thiếu đơn hàng dệt may là câu chuyện chung của nhiều doanh nghiệp bởi hai thị trường này chiếm tới 60% tổng kim xuất khẩu ngành. Thậm chí, ông Việt còn lo lắng rằng nếu lạm phát tiếp tục leo thang, khách hàng có thể hủy các đơn hàng đã ký cho năm 2023.

Tiêu thụ hàng hóa chững lại, khách hàng giãn đơn khiến lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp lên tới 3-6 tháng khiến dòng tiền đứng im, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang dự báo, nửa cuối năm nay thị trường thế giới sẽ có biến động khó lường, đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp toàn ngành dệt may. Trong bối cảnh khó dự báo về tình hình kinh tế thế giới như hiện nay, các doanh nghiệp cần thực hiện nhiều giải pháp để chủ động nguyên liệu sản xuất, vừa đảm bảo đáp ứng đủ về đơn hàng. Đồng thời, phải bám sát về thông tin và diễn biến thị trường, nắm vững yêu cầu về thị trường nước nhập khẩu hàng hóa để có những điều chỉnh phù hợp.

Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Internet)

"Chúng ta đang có những Hiệp định thương mại là một động lực, đây cũng là giải pháp về giảm dòng thuế quan và đủ năng lực hấp dẫn cho các giải pháp về đầu tư vào ngành dệt may của Việt Nam. Thứ hai, chúng ta cũng đã chủ động được một số nguyên liệu đầu vào cho nên khó khăn sẽ giảm đi, duy trì được sức mua trong sản phẩm dệt may toàn cầu. Chúng ta cũng có giải pháp về thích nghi với một số dòng sản phẩm cao cấp và sản phẩm khó, những sản phẩm có sự khác biệt, sản phẩm có tính đặc biệt, điều này có tác động đến việc thúc đẩy đổi mới trang thiết bị công nghệ thích ứng với các dòng sản phẩm mới" - ông Vũ Đức Giang nói.

Diễn biến khó lường của thị trường, giá cả nguyên phụ liệu liên tục tăng cao là những thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp dệt may. Do vậy, các doanh nghiệp phải xây dựng những giải pháp linh hoạt nhằm đối phó, thích ứng kịp thời với các tín hiệu của thị trường để từ đó chủ động, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng và hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

Thu Uyên (Tổng hợp)