Kiểm toán Nhà nước đề xuất phương án ngăn chặn việc doanh nghiệp trốn thuế

Cập nhật: 06:22 | 27/05/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Theo pháp luật thuế hiện hành người nộp thuế tự kê khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm nên cơ quan thuế chỉ hậu kiểm được khoảng 18% trong tổng số các doanh nghiệp nộp thuế. Khoảng 82% đang là khoảng trống chưa được cơ quan nào kiểm tra, phát hiện. Việc trốn thuế, chuyển giá đang trở nên nhức nhối, hiện làm thất thu lớn ngân sách Nhà nước.

kiem toan nha nuoc de xuat phuong an ngan chan viec doanh nghiep tron thue Ngành ngân hàng trong kết quả kiểm toán như thế nào?
kiem toan nha nuoc de xuat phuong an ngan chan viec doanh nghiep tron thue 'Bát nháo' việc sử dụng đất tại Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng
kiem toan nha nuoc de xuat phuong an ngan chan viec doanh nghiep tron thue Nhiều doanh nghiệp đếm ngược ngày rời sàn sau “mùa” báo cáo tài chính

Vừa qua tại Hà Nội, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Kế toán Việt Nam – Tương lai và triển vọng".

Tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, sau 25 năm đổi mới và cải cách, kế toán và kiểm toán đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư và lành mạnh hóa các quan hệ kinh tế tài chính, lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia.

Trong giai đoạn tới, hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu, càng toàn diện, cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ hoạt động, xu hướng toàn cầu hóa về kinh tế - tài chính, về kế toán kiểm toán sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn; các nền kinh tế sẽ rộng mở hơn, giao lưu và giao thoa nhiều hơn. Nhiều hiệp định, điều ước, cam kết quốc tế sẽ được ký kết, triển khai sẽ cho phép không chỉ hàng hóa, dịch vụ mà cả dòng vốn đầu tư, các dòng tiền, nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực kế toán và kiểm toán sẽ di chuyển tự do hơn.

Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, cách mạng công nghệ số, nền kinh tế số đang trong thời kỳ khởi phát trên toàn thế giới, tác động rất mạnh vào các nền kinh tế nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, trong đó có kế toán và kiểm toán trên toàn thế giới.

kiem toan nha nuoc de xuat phuong an ngan chan viec doanh nghiep tron thue

Phó Thủ tướng cho biết, sự xuất hiện của điện toán đám mây, dữ liệu lớn Bigdata, Blockchain,... đã thay đổi căn bản và nâng cao hiệu quả trong quy trình xử lý, tổng hợp và truyền đạt và cung cấp thông tin, đặc biệt là thông tin kế toán, kiểm toán

Tất cả những điều đó tác động rất mạnh đến toàn bộ công việc kế toán và kiểm toán, đòi hỏi phải có sự thay đổi rất căn bản quy trình và phương pháp kế toán, kiểm toán, đổi mới căn bản phương thức tạo lập, thu thập và xử lý thông tin, phương thức kiểm tra , đánh giá thông tin, cách thức truyền tải, tiếp nhận, khai thác thông tin và lưu trữ thông tin.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, ngành kế toán, kiểm toán cần đổi mới về thể chế, ban hành các quy định pháp lý, ban hành các chính sách kế toán cho đến đổi mới quy trình kế toán, kiểm toán, chuẩn bị nguồn nhân lực mới cho tương lai.

Các tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán cần đảm nhiệm tốt vai trò và trách nhiệm đào tạo đội ngũ kế toán, kiểm toán có chứng chỉ nghề nghiệp, tổ chức các hoạt động giáo dục, bồi dưỡng nghề nghiệp, nâng cao và phát triển năng lực cho những người làm kế toán, kiểm toán theo thông lệ và chuẩn mực giáo dục nghề nghiệp... hướng tới xây dựng ngành kế toán, kiểm toán của Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đáp ứng những yêu cầu mới trong thời kỳ hội nhập.

Sửa Luật Kiểm toán Nhà nước để nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng

Trước đó, chiều ngày 23/05, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước và thảo luận tại tổ về dự án Luật này.

kiem toan nha nuoc de xuat phuong an ngan chan viec doanh nghiep tron thue
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc

Trình bày Tờ trình, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Luật đã thể chế hóa quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định tại Điều 118 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Tuy nhiên, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0, gắn với việc hội nhập quốc tế đòi hỏi nâng cao hơn nữa năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, đến nay, sau hơn 3 năm thi hành, Luật bắt đầu bộc lộ một số vướng mắc, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Ông Phớc khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 là hết sức cần thiết, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN; đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, duy trì trật tự, kỷ cương và tính nghiêm minh của pháp luật.

Theo đó, để thực hiện tốt yêu cầu của Luật Phòng, chống tham nhũng, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tương thích phù hợp với Luật Thanh tra, cần quy định thêm 01 căn cứ ban hành quyết định kiểm toán trong trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng vào Luật Kiểm toán Nhà nước theo hướng bổ sung căn cứ để ban hành quyết định kiểm toán “Có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.

Trong những năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm tra, đối chiếu, phát hiện nhiều sai phạm, truy thu cho Ngân sách Nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng. Kết quả kiểm toán năm 2018 đã phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính 92.600 tỷ đồng, trong đó, tăng thu, giảm chi cho Ngân sách Nhà nước 44.466 tỷ đồng. Qua đối chiếu thuế 2.969 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 43 địa phương, xác định tăng thu Ngân sách Nhà nước 1.684,6 tỷ đồng, kiến nghị giảm lỗ 3.341,5 tỷ đồng.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng, theo pháp luật thuế hiện hành người nộp thuế tự kê khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm nên cơ quan thuế chỉ hậu kiểm được khoảng 18% trong tổng số các doanh nghiệp nộp thuế. Khoảng 82% đang là khoảng trống chưa được cơ quan nào kiểm tra, phát hiện. Việc trốn thuế, chuyển giá đang trở nên nhức nhối, hiện làm thất thu lớn ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, ông Phớc cũng cho rằng, Kiểm toán Nhà nước đã gặp không ít các trường hợp đơn vị có hành vi chống đối, không hợp tác, không chấp hành cung cấp tài liệu, gây khó khăn cho hoạt động, như không cung cấp hồ sơ, tài liệu hoặc từ chối làm việc với Kiểm toán Nhà nước; không hợp tác khi Kiểm toán viên nhà nước đến làm việc; không bố trí kế toán, người liên quan làm việc với Kiểm toán Nhà nước...

Theo đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đề nghị có quy định quyền xác minh để làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật phòng, chống tham nhũng; bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp về tài chính công, tài sản công trong các vụ án tham nhũng...

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị, bám sát các nội dung quy định tại chương II, chương III Luật phòng chống tham nhũng để quy định vào dự thảo Luật việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng ngay chính trong cơ quan Kiểm toán Nhà nước; cụ thể hóa các nội dung Luật phòng chống tham nhũng dẫn chiếu là thực hiện theo pháp luật về kiểm toán .

Văn Thắng

Tin cũ hơn
Xem thêm