Khó khăn vẫn đeo bám doanh nghiệp bất động sản trong năm 2023

Cập nhật: 15:35 | 20/12/2022 Theo dõi KTCK trên

Theo GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tình hình kinh tế, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 được dự đoán tích cực, nhiều khả năng sẽ hồi phục và trong đó thị trường bất động sản tiếp tục đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, bức tranh bất động sản vẫn sẽ ngả màu khi còn đó những khó khăn, thách thức chưa thể vượt qua.

Thị trường bất động sản hiện đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và là 1 trong 20 ngành kinh tế cấp 1, xếp thứ 9 về quy mô giá trị, có quan hệ trực tiếp với các thị trường tài chính tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường vốn, thị trường xây dựng, thị trường nguyên vật liệu thiết bị, thị trường lao động.

Thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, sẽ có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngược lại, thị trường bất động sản thiếu ổn định, giá cả bất hợp lý hoặc trầm lắng kéo dài sẽ có tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, gây khó khăn cho việc giải quyết nhà ở cho người dân, và nhiều hệ lụy xã hội.

Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản liên tiếp gặp khó khăn khi lượng giao dịch không có khả năng cải thiện, nguồn cung khan hiếm, giá cả chững ở mức cao, việc huy động các nguồn vốn gặp nhiều trở ngại cả lý do chủ quan và khách quan và đặc biệt là sự lệch pha về “cung cầu” giữa các phân khúc, nguy cơ gây ra nhiều rủi ro và thách thức với nền Kinh tế nếu không có các biện pháp và chính sách điều chỉnh kịp thời.

Dự báo năm 2023, GS.TS Phạm Hồng Chương cho biết, tình hình kinh tế thế giới có những chuyển biến sau đại dịch, tăng trưởng toàn cầu về cơ bản đang trên đà phục hồi, dù còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro và chưa vững chắc. Theo đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 được dự đoán có nhiều khả năng sẽ hồi phục.

Thị trường bất động sản có nhiều cơ hội để phát triển theo đúng chu kỳ của nó
Thị trường bất động sản có nhiều cơ hội để phát triển theo đúng chu kỳ của nó

Thị trường bất động sản tiếp tục đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng và sẽ nhận được sự quan tâm rất lớn của Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ban ngành trung ương và địa phương.

Đây sẽ là trọng tâm chính trong các cơ chế chính sách nhằm phục hồi và tăng trưởng Kinh tế. - Năm 2023, là năm Quốc hội thông qua các đạo luật cơ bản liên quan đến thị trường BĐS (Luật đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở…) sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn về mặt pháp lý cho thị trường.

Thị trường có nhiều cơ hội để phát triển theo đúng chu kỳ của nó do nhu cầu thị trường bất động sản vẫn còn lớn, đặc biệt là nhu cầu thực về nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Nhu cầu đầu tư với các bất động sản có đủ điều kiện pháp lý vẫn lớn khi các kênh đầu tư khác kém hấp dẫn.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành này vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn thách thức về pháp lý, nguồn vốn, thị trường chung. Trong đó, vướng mắc pháp lý là lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh.

Về huy động vốn, lãi suất ngân hàng ngày càng tăng làm cho chi phí vốn tăng, số lượng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trong năm 2023 – 2024 sẽ đáo hạn với khối lượng lớn, các quy định phát hành mới theo hướng siết chặt đang là rào cản đối với các doanh nghiệp bất động sản.

“Việc nhà nước kiểm soát chặt nguồn vốn tín dụng đối với lĩnh vực BĐS đã làm cho các doanh nghiệp vô cùng khó khăn, một số doanh nghiệp có nguy cơ bị đổ vỡ hoặc bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm do phải bán rẻ dự án để có dòng tiền”, GS.TS Phạm Hồng Chương nhận định.

Trong khi đó, thị trường tiếp tục trầm lắng do tâm lý chờ đợi các động thái của Chính phủ. Nguồn cung bất động sản đang có xu hướng giảm rõ rệt do hầu hết dự án bị ách tắc từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Giá bất động sản (cụ thể giá nhà và đất nền) vẫn ở mức cao mặc dù giao dịch trên thị trường đã chững lại, một số địa bàn trầm lắng, không xuất hiện giao dịch.

Bên cạnh đó, hậu quả của cơn sốt đất 2020, 2021 đã đẩy giá quá cao khiến thị trường không còn nhiều dư địa tăng giá, khó thu hút nhà đầu tư. Giá nhà quá cao cũng làm cho nhiều người có nhu cầu mua nhà thực không có khả năng tiếp cận.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, nếu không có chính sách nào đặc biệt, thị trường bất động sản năm 2023 sẽ phải điều chỉnh theo hướng thu hẹp, thực chất hơn trong bối cảnh các nguồn tiền không đột biến, do nhiều khoản tài chính đã bị rút khỏi thị trường, do các doanh nghiệp rơi vào khó khăn, một số bị phong tỏa tài sản trong thời gian qua liên quan đến trái phiếu, tín dụng, khiến dòng vốn đầu tư cho bất động sản có thể bị sụt giảm mạnh.

Tuệ Minh