KBSV nêu rủi ro cần chú ý đối với thị trường chứng khoán 2023

Cập nhật: 06:18 | 04/04/2023 Theo dõi KTCK trên

KBSV cho rằng, rủi ro từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn là yếu tố cần lưu ý đối với thị trường chứng khoán trong năm 2023 khi mà áp lực đáo hạn lớn với giá trị tăng hơn 40% so với năm ngoái.

Trong báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán KB Việt Nam – KBSV cho rằng, các sự kiện liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp là 1 trong những nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc trong năm 2022 do:

(1) doanh nghiệp gặp khó khăn trong huy động vốn gây gia tăng rủi ro đối với vấn đề thiếu hụt thanh khoản, kéo theo triển vọng tiêu cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt ở các doanh nghiệp bất động sản;

KBSV nêu rủi ro cần chú ý đối với thị trường chứng khoán 2023
KBSV cho rằng, rủi ro từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục là yếu tố tiềm ẩn tác động lên tâm lý thị trường chứng khoán. Hình minh họa

(2) hoạt động bán giải chấp diễn ra mạnh mẽ để thu hồi vốn từ phía công ty chứng khoán hay bán danh mục đầu tư từ phía doanh nghiệp khiến gia tăng áp lực nguồn cung trên thị trường cổ phiếu;

(3) tăng rủi ro nợ xấu cũng như áp lực trích lập dự phòng khiến triển vọng kinh doanh của các ngân hàng xấu đi;

(4) áp lực cung ứng vốn cho nền kinh tế tập trung trở lại kênh ngân hàng khiến nhu cầu tín dụng cao (một phần dùng để mua trước hạn trái phiếu doanh nghiệp) thúc đẩy mặt bằng lãi suất cho vay tăng mạnh.

Đây vẫn là yếu tố rủi ro nhất cho thị trường trong năm 2023 khi mà áp lực đáo hạn lớn với giá trị tăng hơn 40% so với năm ngoái. Một số yếu tố gây gia tăng rủi ro vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023 còn bao gồm mặt bằng lãi suất cao, khả năng phát hành trái phiếu mới để đảo nợ gặp khó khăn do các quy định nghiêm ngặt hơn và niềm tin của nhà đầu tư suy giảm, thị trường bất động sản trầm lắng.

KBSV nêu rủi ro cần chú ý đối với thị trường chứng khoán 2023

Giai đoạn giữa năm 2023 là giai đoạn căng thẳng khi lượng trái phiếu đến hạn lớn. Dự tính sẽ có khoảng 332.800 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn vào năm 2023. Trong đó, lượng trái phiếu đáo hạn sẽ tăng mạnh vào giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9 với giá trị đáo hạn cao nhất rơi vào tháng 7 đạt 55.700 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2022. Nhóm bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 114.800 tỷ đồng và chiếm 36% tổng giá trị đáo hạn trong năm.

Áp lực đáo hạn gia tăng đối với các doanh nghiệp có cơ cấu nợ vay cao

Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HOSE: NVL) đứng đầu giá trị trái phiếu đáo hạn trong 3 quý cuối năm 2023 với khoảng 22.500 tỷ đồng, theo sau đó là Tập đoàn đầu tư An Đông khoảng 15.000 tỷ đồng, Sovico Group khoảng 14.000 tỷ đồng và Công ty CP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) khoảng 10.000 tỷ đồng.

Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản thuộc nhóm nguy cơ cao do dòng tiền không ổn định và khả năng huy động vốn kém trong thời kỳ bất động sản đóng băng và lãi suất ngân hàng tăng cao. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp có cơ cấu vốn sử dụng đòn bẩy cao như Novaland và Hưng Thịnh Land thì nhiều khả năng sẽ không trả được gốc trái phiếu tới hạn trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp bất động sản khác nằm trong danh sách những doanh nghiệp có lượng trái phiếu đáo hạn lớn trong năm 2023 cũng tiềm tàng nhiều nguy cơ do có liên quan đến Vạn Thịnh Phát và Novaland, điển hình như Tập đoàn An Đông, Công ty CP Đầu tư Quang Thuận và Công ty bất động sản An Khang. Tập đoàn Sovico mang ít rủi ro hơn vì có tiềm lực tài chính tốt, tuy nhiên vẫn cần phải theo dõi thêm do tỷ lệ vay nợ khá cao (gấp 4 lần vốn chủ sở hữu) cộng với lượng trái phiếu đáo hạn lớn.

Điểm tích cực và đáng trông đợi trong năm nay đến từ việc Chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp đã sớm nhận diện được các rủi ro liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp và ngay từ đầu năm đã đưa ra 1 số các giải pháp nhằm hạ nhiệt rủi ro bao gồm: Ban hành Nghị định 08 sửa đổi Nghị định 65; đưa ra gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội trị giá 110.000 tỷ đồng; tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm của doanh nghiệp; nỗ lực hạ lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp bất động sản…

Nghị định 08 tác động tích cực đến thị trường trong ngắn hạn

Trước bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức, việc ban hành Nghị định 65 sẽ góp phần tháo gỡ các khó khăn cho các doanh nghiệp phát hành và khơi thông nguồn vốn, tác động tích cực đến thị trường trong dài hạn nhưng lại gây áp lực lớn trong ngắn hạn. Vì vậy, để hạn chế các tác động tiêu cực trong ngắn hạn, Chính phủ cũng đang có một số động thái nới lỏng hơn đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thể hiện qua Nghị định 08 mới đây được ban hành.

KBSV nêu rủi ro cần chú ý đối với thị trường chứng khoán 2023

Nhìn chung, các nội dung điều chỉnh của Nghị định 8 sẽ tác động tích cực đến thị trường trong ngắn hạn, đặc biệt đối với lĩnh vực bất động sản. Nhiều khó khăn trước mắt của doanh nghiệp được tháo gỡ khi mà: hành lang pháp lý đã được tạo ra giúp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đàm phán với trái chủ; nhu cầu mua trái phiếu kỳ vọng được cải thiện phần nào khi lùi thời gian xác định tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp; giảm được chi phí và thời gian phát sinh khi chưa phải thực hiện xếp hạng tín nhiệm. Dù vậy, Nghị định 08 mới có tính chất hỗ trợ chứ chưa thực sự tháo gỡ được các khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và chưa tạo được sự đột phá cần thiết để giúp khơi thông dòng vốn, cải thiện sức khoẻ tài chính doanh nghiệp và giúp phục hồi thị trường bất động sản.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là do 4 ngân hàng thương mại nhà nước thống nhất dành cho nhà ở xã hội và nhà ở công nhân. Lãi suất cho vay đối với cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ. Ngoài ra, nhiều khả năng gói 120.000 tỷ đồng sẽ mở hơn thêm đối với đối tượng nhà thu nhập thấp.

Gói tín dụng này giúp các doanh nghiệp bất động sản có thể giải quyết được các vấn đề liên quan đến dòng tiền cho hoạt động sản xuất và kinh doanh, giảm áp lực vay nợ và giúp khai thông nguồn vốn đối với lĩnh vực nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, tỷ trọng các dự án nhà ở xã hội nhìn chung chỉ chiếm một phần nhỏ trên tổng giá trị các dự án của các doanh nghiệp. Do tính đặc thù và biên lợi nhuận hẹp, nhiều chủ đầu tư không chú trọng nhiều đến loại hình bất động sản này, trong khi quỹ đất ở các thành phố lớn cho phần khúc này còn không đáng kể.

Theo đó, KBSV cho rằng, khác với gói tín dụng tương tự trị giá 30.000 tỷ giai đoạn 2014, mức độ ảnh hưởng của gói tín dụng này có phần hạn chế hơn và có thể cần mổ rộng quy mô lên phân khúc tầm thấp hoặc trung để gia tăng tầm ảnh hưởng.

Ít khả năng tạo ra những nhịp lao dốc đột ngột

Về tổng thể, KBSV cho rằng các giải pháp hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng từ phía Chính phủ, dù có các tác dụng tích cực nhất định, tuy nhiên sẽ không đủ để loại bỏ hoàn toàn yếu tố rủi ro này đối với thị trường chứng khoán, mà còn cần thêm các động thái quyết liệt hơn nữa, kết hợp với sự ấm lên của thị trường bất động sản và sự sụt giảm mạnh của mặt bằng lãi suất. Những yếu tố này sẽ chưa thể xuất hiện cùng lúc trong năm 2023.

Theo đó, đây sẽ tiếp tục là yếu tố tiềm ẩn tác động lên tâm lý thị trường, triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết, gia tăng rủi ro nợ xấu, cản trở nỗ lực hạ lãi suất của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và khiến định giá thị trường khó có thể hồi phục mạnh ngay cả khi đang ở mức nền thấp hiện tại.

Dù vậy, với việc Chính phủ, doanh nghiệp và bản thân nhà đầu tư đã có sự chuẩn bị cho yếu tố rủi ro này, KBSV cho rằng, rất ít khả năng yếu tố này có thể gây bất ngờ, tạo ra những nhịp lao dốc đột ngột như từng được chứng kiến năm 2022, dù các nhịp điều chỉnh vừa phải vẫn sẽ xảy ra ở các thời điểm xuất hiện thông tin tiêu cực liên quan.

PG Bank: Ông lớn thoái vốn và mối lo của các cổ đông

Việc Petrolimex thoái vốn khỏi PG Bank với giá khởi điểm cao hơn thị giá cổ phiếu hiện tại khiến cho nhiều cổ đông và ...

Cổ phiếu bất động sản đồng loạt "tím trần" sau thông tin giảm lãi suất

Phiên giao dịch ngày 4/3, sắc tím ghi nhận nhiều ở nhóm cổ phiếu bất động sản với 14 mã như HQC, DIG, DXG, SCR, ...

Nhận định chứng khoán ngày 4/4/2023: Xu hướng thị trường phái sinh

Các chuyên gia phân tích và công ty chứng khoán đưa ra nhận định về thị trường phái sinh cho ngày giao dịch 4/4/2023. Tạp ...

Đức Anh