Imexpharm vay 8 triệu USD từ ngân hàng ADB duy trì sản xuất thuốc gốc

Cập nhật: 14:43 | 16/12/2020 Theo dõi KTCK trên

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa ký thỏa thuận vay vốn trị giá 8 triệu USD với CTCP Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP) để giúp công ty duy trì sản xuất thuốc gốc (generic) bất chấp sự gián đoạn nguồn cung toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra.

CC1 về tay ai sau cuộc “thoái lui” của Bộ Xây dựng?

Digiworld đặt mục tiêu lợi nhuận 2021 tăng trưởng 49%

4016-dyyc-phym-im
Imexpharm vay 8 triệu USD từ ngân hàng ADB duy trì sản xuất thuốc gốc. (Ảnh: Imexpharm)

Theo Imexpharm, khoản tài trợ này sẽ hỗ trợ nhu cầu vốn lưu động của công ty nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu dược được cung cấp một cách dồi dào cho sản xuất thuốc gốc thiết yếu.

Ông Nguyễn Quốc Định, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Imexpharm, chia sẻ với khoản tài trợ từ ADB sẽ cải thiện thanh khoản của công ty và bảo đảm nguồn cung cấp thuốc generic cho các bệnh viện và nhà thuốc trên khắp cả nước.

Khoản tài trợ này là một phần trong gói hỗ trợ trị giá 20 tỷ USD của ngân hàng ADB đã được công bố hồi tháng 4 để giúp các quốc gia thành viên đang phát triển ứng phó với đại dịch COVID-19, ngân hàng ADB cho biết.

Thông tin mới nhất từ Imexpharm, tháng 11/2020, doanh thu thuần và lãi trước thuế của doanh nghiệp này lần lượt đạt 161,5 tỷ đồng và 29,4 tỷ đồng.

Phía Imexpharm chia sẻ, kết quả kinh doanh trong tháng đã có sự chuyển biến tích cực, sau thời gian dài trước đó bị ảnh hưởng bởi đại dịch bùng phát lần hai. Tỷ trọng OTC/ETC trong 11 tháng được giữ ở mức 61,5%/38,5%.

Kênh OTC đang trên đà hồi phục nhưng vẫn tăng trưởng âm ở mức gần 10% so với cùng kỳ trong khi đó ETC tăng trưởng 40% so với năm 2019.

Luỹ kế 11 tháng đầu năm, doanh thu Imexpharm đạt 1.175 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ, thực hiện 67% kế hoạch năm.

Lợi nhuận 11 tháng đạt hơn 218 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ, thực hiện 84% kế hoạch năm. Công ty cho biết, lợi nhuận tăng mạnh hơn doanh thu nhờ giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng và chi phí quản lý đều giảm.

Cụ thể, việc tái cơ cấu lại danh mục sản phẩm, tập trung khai thác những mặt hàng có biên lợi nhuận cao, đặc biệt của các nhà máy EU-GMP, làm cho giá vốn hàng bán giảm 1,7%. Chi phí bán hàng được cắt giảm 8,6% trong khi đó chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 5,4%.

Trong tháng 12, Imexpharm cho biết sẽ tiếp tục triển khai các chương trình bán hàng nhằm thúc đẩy doanh số của kênh bán hàng OTC trong tháng cuối năm và chuẩn bị cho quý I/2021.

Thị trường dược phẩm của Việt Nam có quy mô trên 5 tỷ USD với 22.000 loại thuốc. Theo Chứng khoán Yuanta Việt Nam, ngành dược sẽ tăng trưởng tiếp tục ở mức hai con số trong giai đoạn 2020-2025 và đạt mức 7,7 tỷ USD vào năm sau.

Hiện nhu cầu và mức độ chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe của người dân cũng ngày càng lớn, trong khi mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn thuốc do nguồn cung sản xuất không đáp ứng đủ. Năm ngoái con số này khoảng 3 tỷ USD và dự kiến năm nay tăng lên 4,35 tỷ USD.

Thu Thủy