Hy hữu: Vinafood II (VSF) “quên” không ghi nhận khoản phải thu dài hạn hơn 620 tỷ đồng trong báo cáo tài chính

Cập nhật: 06:30 | 04/02/2024 Theo dõi KTCK trên

Mới đây, Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II, UPCoM: VSF) đã có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) về việc đính chính báo cáo tài chính quý IV/2023.

Theo đó, Vinafood II cho biết, sau khi rà soát lại hồ sơ, doanh nghiệp nhận thấy nội dung cần điều chỉnh tại khoản mục phải thu dài hạn khách hàng, tương ứng với phải trả dài hạn khác được trình bày tại báo cáo tài chính. Cụ thể, tại báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 được công bố ngày 29/1/2024, khoản phải thu dài hạn của khách hàng được ghi nhận vào thời điểm cuối năm 2023 là 0 đồng. Sau đính chính, khoản mục này ghi nhận 625,5 tỷ đồng. Đối ứng phía bên kia nguồn vốn, với số tiền phát sinh nói trên, khoản phải trả dài hạn khác tăng lên xấp xỉ 1.236 tỷ đồng. Như vậy, tại thời điểm ngày 31/12/2023, tổng tài sản, tương đương tổng nguồn vốn của doanh nghiệp là 6.232 tỷ đồng.

Hy hữu: Vinafood II (VSF) “quên” không ghi nhận khoản phải thu dài hạn hơn 620 tỷ đồng trong báo cáo tài chính
Nội dung đính chính của Vinafood II

Đối chiếu với báo cáo tài chính của Vinafood II, khoản tiền 625,5 tỷ đồng được làm rõ tại các thuyết minh số 5 và số 20. Cụ thể, đây là khoản liên quan đến hàng viện trợ trị giá trị giá 25,6 triệu USD của Chính phủ Việt Nam đối với cho Chính phủ Cuba. Theo tìm hiểu, trong giai đoạn 1993 – 1996, khi còn là doanh nghiệp nhà nước, Vinafood II là đơn vị trung gian cho khoản viện trợ này. Theo đó, số tiền nói trên là khoản mà Vinafood II phải từ phía Cuba, nhưng đồng thời cũng là khoản mà công ty phải trả cho Chính phủ Việt Nam tại cùng thời điểm.

Hy hữu: Vinafood II (VSF) “quên” không ghi nhận khoản phải thu dài hạn hơn 620 tỷ đồng trong báo cáo tài chính
Chi tiết các khoản phải thu khách hàng của Vinafood II

Liên quan đến các khoản phải thu, phải trả của Vinafood II, bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp cho thấy, trong năm 2023, doanh nghiệp này đã tất toán một loạt nghĩa vụ thanh toán với các bên liên quan với giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, tại các khoản phải thu, trong năm 2023, Vinafood II không còn ghi nhận khoản phải thu 1.332 tỷ đồng đối với Tổng cục Lương thực Bangladesh (Directorate General of Food Bangladesh). Đây là động lực chính khiến các khoản phải thu ngắn hạn giảm mạnh giảm tới 3,7 lần, từ mức 1.976 tỷ đồng xuống còn 528 tỷ đồng.

Phía bên kia bảng cân đối kế toán, tại khoản mục phải trả người bán ngắn hạn, Vinafood II cũng chứng kiến sự thu hẹp mạnh mẽ khi doanh nghiệp không còn ghi nhận khoản phải trả 1.333 tỷ đồng đối với Công ty Swiss Singapore Overses Enterpries Pvt. Ltd. Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng đã thanh toán hơn 1.160 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn, đưa khoản mục này đã giảm từ mức 2.560 tỷ đồng xuống còn gần 1.400 tỷ đồng sau một năm. Nợ ngắn hạn giảm mạnh, tổng nợ phải trả của Vinafood II đã giảm xuống còn 3.768 tỷ đồng.

Hy hữu: Vinafood II (VSF) “quên” không ghi nhận khoản phải thu dài hạn hơn 620 tỷ đồng trong báo cáo tài chính
Vinafood II đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với doanh nghiệp Singapore trong năm 2023

Có thể thấy, sau khi tất toán một loạt nghĩa vụ tài chính, tổng tài sản của Vinafood II giảm tới 2.900 tỷ đồng. Mặc dù quy mô tài sản nhỏ lại nhưng đối với Vinafood II, đây không phải là một chỉ báo bất thường mà thể hiện quá trình tái cơ cấu, “tinh gọn” tài sản của công ty.

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV, luỹ kế năm 2023, doanh thu của Vinafood II đạt xấp xỉ 23.031 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt gần 63 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2023, “đại gia” lương thực vẫn lỗ lũy kế 2.778 tỷ đồng. Đây là kết quả sau thời gian dài thua lỗ, kể từ khi doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa từ năm 2018. Cần biết, thời điểm lên sàn UPCoM vào năm 2018, Vinafood II thua lỗ gần 1.500 tỷ đồng. Đây là kết quả của quá trình xử lý tài chính cho những khoản thất thoát trước đó. Cụ thể, doanh nghiệp này đã phải trích lập dự phòng gần 1.300 tỷ đồng cho các khoản nợ khó đòi từ các bên liên quan, trong đó, quá nửa là khoản xử lý tài sản đã bị khai khống tại công ty con là Công ty Lương thực Trà Vinh. Những năm sau đó, dù doanh thu mỗi năm lên hơn 16.000 tỷ đồng, Vinafood II vẫn liên tục thua lỗ. Mãi đến năm 2022, doanh nghiệp này mới bắt đầu có lãi, song cũng giống như năm 2023, khoản lãi này là rất “mỏng” so với mức doanh thu “khổng lồ” mà doanh nghiệp này mang về.

Trên thị trường chứng khoán, cuối tháng 7 – đầu tháng 8 năm vừa qua, cổ phiếu VSF bất ngờ tăng “dựng đứng” từ mức 7.900 đồng/cp lên mức 30.000 đồng/cp rồi 40.000 đồng/cp. Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/2/2024, mã này đóng cửa ở mức 37.800 đồng/cp, tăng 0,8% so với phiên trước đó.

Nghịch lý doanh nghiệp gạo Việt: Mùa màng 'bội thu', xuất khẩu vượt 1,5 tỷ USD trong 4 tháng, lợi nhuận vẫn 'đổ đèo'

4 tháng đầu năm, mặt hàng lúa gạo Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái lên ...

Khởi tố, bắt tạm giam cựu Chủ tịch, cựu Tổng giám đốc Vinafood II vì bán rẻ "đất vàng" cho tư nhân

Đây là hoạt động mở rộng điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất ...

Cổ phiếu Vinafood II tăng bốc lên đỉnh, Tập đoàn T&T của bầu Hiển tạm lãi 3.600 tỷ đồng

Cú sốc cung trên thị trường lương thực thế giới đã “châm ngòi” cho sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu lúa gạo trên thị ...

Thái Hà

Tin cũ hơn
Xem thêm