Nghịch lý doanh nghiệp gạo Việt: Mùa màng 'bội thu', xuất khẩu vượt 1,5 tỷ USD trong 4 tháng, lợi nhuận vẫn 'đổ đèo'

Cập nhật: 15:51 | 09/05/2023 Theo dõi KTCK trên

4 tháng đầu năm, mặt hàng lúa gạo Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái lên hơn 1,5 tỷ USD. Điều đó bổ trợ đà tăng cho nhóm cổ phiếu gạo, song ngược lại tình hình làm ăn của các doanh nghiệp không được thuận lợi như vậy.

Nghịch lý doanh nghiệp gạo Việt: Mùa màng 'bội thu', xuất khẩu vượt 1,5 tỷ USD trong 4 tháng, lợi nhuận vẫn 'đổ đèo'

Diễn biến tích cực của kim ngạch xuất khẩu nông sản nói chung và lúa gạo Việt Nam nói riêng đã tác động tích cực lên thị giá cổ phiếu của những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này.

Mùa 'bội thu'

Trong báo cáo mới công bố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê sản lượng xuất khẩu gạo tháng 4/2023 của Việt Nam ước đạt đến 1,1 triệu tấn, đạt giá trị gần 574 tỷ USD, tương đương xấp xỉ 13.500 tỷ đồng.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo của nước ta đạt lần lượt 2,95 triệu tấn và 1,56 tỷ USD, tăng 43% về khối lượng và 54% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong các nhóm sản phẩm nông sản chủ lực.

Ngoài ra, trong lĩnh vực xuất khẩu nông nghiệp, một số mặt hàng khác cũng có kỳ "bội thu", tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022 như: cà phê (tăng 2,5%), rau quả (tăng 19,4%), hạt điều (tăng 3,4%)...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thêm, giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 526 USD/tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tính riêng tháng 4/2023, giá xuất khẩu gạo từ Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất trong hai năm.

Quan sát một số nước trong khu vực, tiêu biểu là Thái Lan và Ấn Độ, giá gạo của họ đều có xu hướng tăng đến giữa tháng, sau đó quay đầu giảm về cuối tháng. Trong 3 tháng đầu năm, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 46% thị phần, đạt 893.300 tấn với 450,4 triệu USD, tăng 33% về khối lượng và tăng 45% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Nghịch lý doanh nghiệp gạo Việt: Mùa màng 'bội thu', xuất khẩu vượt 1,5 tỷ USD trong 4 tháng, lợi nhuận vẫn 'đổ đèo'
Số liệu thống kê trong giai đoạn 2016 - 2023.

Hạt gạo Việt Nam thực sự khởi sắc trong bối cảnh thị trường xuất khẩu nói chung đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại; ảnh hưởng từ xung đột quân sự Nga-Ukraine; lạm phát cao tại một số nước trên thế giới - trong đó có những thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam (Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...) làm giảm nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu nhập khẩu.

Năm 2022, xuất khẩu gạo Việt Nam cũng đạt nhiều thành công với gần 7,2 triệu tấn, đạt giá trị 3,5 tỷ USD. Điều đặc biệt là gạo Việt Nam đã vươn sâu vào các thị trường có những yêu cầu rất khắt khe về chất lượng như Nhật Bản, châu Âu… và gạo thơm ST24, ST25 xuất khẩu đã có giá trên 1.000 USD/tấn, gấp hơn 2 lần giá xuất khẩu gạo trắng thông thường.

Đây cũng là một năm khá thành công cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo khi có nhiều đơn hàng xuất khẩu từ các thị trường lớn.

Cổ phiếu tăng cao, lợi nhuận giảm mạnh

Diễn biến tích cực của kim ngạch xuất khẩu nông sản nói chung và lúa gạo Việt Nam nói riêng đã tác động tích cực lên thị giá cổ phiếu của những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này.

Cụ thể, nhóm cổ phiếu gạo không thiếu những cái tên đạt mức tăng đến vài chục phần trăm so với thời điểm đầu năm, điển hình, cổ phiếu TAR của Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đã tăng 38% so với đầu năm lên 14.800 đồng/cp (chốt phiên 8/5); cổ phiếu VSF của Tổng công ty Lương thực miền Nam - Vinafood II cũng ghi nhận nhịp tăng 45% lên mức 6.100 đồng/cp kể từ đầu năm.

LTG của Tập đoàn Lộc Trời cũng liên tục tăng mạnh, có thời điểm đạt 30.600 đồng/cp, cao hơn 30% so với đầu năm; hay như mã PAN của Tập đoàn PAN cũng tăng 24% lên 18.500 đồng/cp... Thị giá tăng cao trong bối cảnh chỉ số VN-Index gần như không biến động kể từ đầu năm, hiện vẫn dao động quanh ngưỡng 1.053 điểm.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý I của nhóm doanh nghiệp lúa gạo lại không thể hiện sự sung túc, hầu như doanh thu và lợi nhuận đều suy giảm, cá biệt "ông lớn" Lộc Trời còn bất ngờ báo lỗ.

Trong đó, đối với TAR, ba tháng đầu năm doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 897 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 8,5 tỷ đồng, lần lượt giảm 6,3% và 68,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo giải trình, TAR cho biết nguyên nhân lãi giảm là vì chi phí lãi vay trong kỳ tăng mạnh, cao gấp đôi so với cùng kỳ, lên đến 33 tỷ đồng.

Tuy nhiên, còn những yếu tố khác cũng ảnh hưởng xấu đến kết quả kinh doanh của TAR bên cạnh doanh thu thuần sụt giảm, ví dụ như biên lợi nhuận quý này chỉ còn 7,3% thấp hơn 8,7% của quý cũ. Đồng thời, doanh nghiệp không còn khoản thu nhập khác với hơn 4 tỷ đồng như trong quý I/2022.

Tập đoàn PAN cũng chẳng khấm khá hơn, khi doanh thu quý I giảm 14% còn 2.530 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm 36,5% còn 106 tỷ đồng. Có nhiều nét tương đồng như TAR, PAN cũng chứng kiến chi phí lãi vay tăng mạnh trong quý, cùng với đó "khuyết" đi nguồn thu nhập khác lên tới 235 tỷ đồng. Đó là những tác nhân kéo sụt lợi nhuận PAN trong quý "mở bát" năm 2023.

VSF nằm trong số ít doanh nghiệp giữ được tốc độ tăng trưởng doanh thu trong quý I, với doanh thu đạt 4.470 tỷ đồng, cao hơn 59,5% cùng kỳ. Dẫu vậy, niềm vui đã chẳng trọn vẹn bởi giá vốn cũng tăng quá nhanh, khiến lợi nhuận sau thuế VSF chỉ đi ngang ở mức 5 tỷ đồng.

Nghịch lý doanh nghiệp gạo Việt: Mùa màng 'bội thu', xuất khẩu vượt 1,5 tỷ USD trong 4 tháng, lợi nhuận vẫn 'đổ đèo'
Nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi Tập đoàn Lộc Trời báo lỗ hơn 81 tỷ đồng trong quý I.

Tương tự như "đại gia" xuất khẩu gạo phía Nam VSF, LTG cũng giữ vững được sức tăng trưởng về doanh thu trong quý I với 2.452 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng nói, không có sự khác biệt và cũng hệt như VSF, các chi phí như giá vốn, chi phí tài chính, vận hành đồng loạt "đội" lên với giá trị lớn đã "cuốn bay" toàn bộ lợi nhuận của LTG.

Kết quả, LTG báo lỗ sau thuế hơn 81 tỷ đồng trong quý vừa qua, khiến cho khoảng cách chinh phục kế hoạch lợi nhuận 400 tỷ đồng năm 2023 ngày một xa xôi.

Nhận định về thị trường xuất khẩu gạo thời gian tới, với góc nhìn thận trọng, nhóm chuyên gia của VNDirect cho rằng các doanh nghiệp sẽ vấp phải nhiều thách thức. Trong đó, việc Ấn Độ hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ gây áp lực cạnh tranh cho gạo Việt Nam và làm giảm giá gạo xuất khẩu; đồng thời, việc da dạng hóa cơ cấu cây trồng và xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa.

Giá phân bón tăng cao cũng có thể ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân, điều này cũng có thể dẫn đến giảm diện tích trồng lúa khi họ chuyển sang các loại cây trồng khác. Hơn nữa, gạo Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với gạo Thái Lan trong năm 2023.

Nên biết, theo Hiệp hội doanh nghiệp xuất khẩu gạo Thái Lan, xuất khẩu gạo của Thái Lan sang Philippines dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2023 do Việt Nam đang phải đối mặt với những hạn chế về năng lực xuất khẩu gạo.

Cổ đông PAN Group: 3 năm được 3 tạ gạo và 36 chai nước mắm, cổ phiếu "dậm chân tại chỗ"

Tới đây có thể là năm thứ 2 PAN Group chốt phương án không chia cổ tức bằng tiền cho hàng vạn cổ đông. Đáng ...

Cổ phiếu nhóm nông sản được mùa "bội thu"

Trong bối cảnh tình hình xuất khẩu nhìn chung không có nhiều đột phá, song cổ phiếu của nhiều mặt hàng nông sản lại trở ...

Trung An (TAR) - hành trình từ doanh nghiệp xay xát gạo đến mô hình lúa gạo thuần hữu cơ

Trung An mục tiêu định hướng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm chất lượng an toàn đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và organic.

Vân Oanh

Tin liên quan