Hà Nội: Công trình giao thông và những “món hời” bất động sản?

Cập nhật: 15:32 | 23/08/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Với sự thay đổi mạnh mẽ của hệ thống giao thông, trong vài năm qua, trục Đông - Tây Hà Nội đã trở thành tâm điểm của giới đầu tư địa ốc.  

Theo bà Đỗ Thu Hằng, trưởng bộ phận nghiên cứu Savills Việt Nam, hai khu vực này đang mở ra cơ hội đầu tư thuận lợi khi tốc độ đô thị hóa nhanh, hạ tầng đầu tư mở rộng và hiện đại.

Thủ đô đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong làn sóng đầu tư mới, khi nhiều “ông lớn” địa ốc đang dồn lực cho phía Tây. Những tiêu chuẩn sống cao cấp cũng đang được định vị tại đây. Đặc biệt, khu vực được coi là “trung tâm mới” phía Tây - đường Lê Trọng Tấn, Lê Văn Lương kéo dài cùng với sự hiện diện của các tuyến đường Phạm Văn Đồng, đại lộ Thăng Long hay đường 32 cũng đang chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ với hàng loạt dự án và các đô thị.

cong trinh giao thong va nhung mon hoi bat dong san
Nhiều đại công trình giao thông đã dẫn đường cho các "tiểu thành phố" hình thành (ảnh internet)

Mặt khác, hệ thống cơ sở hạ tầng tại Hà Nội đang được hoàn thiện với nhiều dự án giao thông lớn được triển khai đã và đang tạo ra sức hút lớn về đầu tư bất động sản (bất động sản) trên diện rộng.

Nắm bắt được xu hướng, nhiều công trình, hạ tầng dịch vụ xã hội như Bệnh viện 198, trường Marie Curie, Đoàn Thị Điểm, Đại học Thương mại, Trung tâm thương mại The Garden, Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Cung thể thao dưới nước cũng đã về với khu vực phía Tây và Tây Nam thủ đô với sự dẫn đường của hệ thống giao thông hiện đại.

Trong tương lai, nhiều bộ, ngành chuyển về đây thì Mỹ Đình không chỉ là trung tâm hành chính mới mà còn thu hút lượng lớn người dân chuyển đến đây sinh sống. Từ đó làm gia tăng nhu cầu nhà ở, trong đó có cả nhu cầu nhà ở cho thuê bởi người nước ngoài hiện tập trung tại Mỹ Đình rất đông và đang có xu hướng gia tăng".

Ngoài khu vực phía Tây, khu vực hai bên sông Hồng thuộc phía Đông và phía Bắc Hà Nội như Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh... cũng trở thành địa điểm hấp dẫn đầu tư bất động sản nhờ quỹ đất rộng, phù hợp xây những khu đô thị tích hợp, hạ tầng đồng bộ. Nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, có định hướng xây dựng phù hợp, dịch vụ tiện ích hiện đại như khu đô thị phức hợp như Vincom, Việt Hưng, BRG... đã đánh dấu sự có mặt của mình trên đất thủ.

Yếu tố chính đồng thời cũng là cở sở để thu hút các “ông lớn” phải kể đến việc nhiều cây cầu mới được đưa vào sử dụng, rút ngắn khoảng cách đi lại giữa đôi bờ sông Hồng, làm tăng thêm giá trị bất động sản khu vực phía Đông. Bên cạnh đó, khu vực này còn là nơi giao lộ các huyết mạch giao thông chính của miền Bắc và cả nước như: đường thủy, đường sắt, hàng không, các quốc lộ 1A, 1B, 5A, 5B, đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên được triển khai...

Theo đánh giá của CBRE, tại Hà Nội, cơ sở hạ tầng tiếp tục được cải thiện, nhiều dự án đường giao thông được đầu tư mở rộng, đặc biệt, việc công bố kế hoạch xây dựng thêm nhiều cây cầu mới qua sông Hồng và sông Đuống trong tương lai sẽ giúp cải thiện đáng kể kết nối giữa khu vực phía Đông và phần còn lại của Thủ đô, đồng thời thu hút nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư cũng như người mua nhà để ở.

cong trinh giao thong va nhung mon hoi bat dong san
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, từ khu vực trung tâm Thủ đô về phía Nam, hàng loạt tuyến đường kết nối đã được UBND Thành phố phê duyệt mở rộng. Trong đó có đường Trương Định mở rộng 40,0m; Kim Ngưu - Mai Động - Tam Trinh mở rộng 40,0m; Hoàng Mai, Lĩnh Nam 22,5m... Điều này góp phần không nhỏ thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm nhà ở tại khu vực trung tâm.

Với sự phát triển ngày càng đồng bộ của cơ sở hạ tầng cũng như nguồn cung nhà ở, người mua có nhiều lựa chọn ở nhiều phân khúc, nhiều dự án, nhiều vị trí. Tuy nhiên, khách hàng luôn có xu hướng tìm kiếm vị trí tốt hơn, thiết kế, sáng tạo hơn. Cụ thể là những dự án được hưởng lợi từ các công trình giao thông lớn đang được triển khai, mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho cư dân sẽ trở thành lựa chọn yêu thích của người mua nhà trong thời gian tới.

Hữu Dũng

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm