GS. Đặng Hùng Võ: “Xây dựng và ban hành luật thuế bất động sản là tất yếu ”

Cập nhật: 09:16 | 19/09/2022 Theo dõi KTCK trên

Tại “Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022”, cải cách hệ thống thuế sử dụng đất hay thuế bất động sản/tài sản là vấn đề trọng tâm được GS. Đặng Hùng Võ nêu ra.

Thuế bất động sản: 10 năm chưa thể thực hiện

GS. Đặng Hùng Võ cho biết Nghị quyết 19/NQ-TW năm 2012 đã đưa ra chủ trương ban hành thuế bất động sản.

Theo Nghị quyết 19, thuế là công cụ điều tiết thị trường bất động sản, là nguồn thu ngân sách ổn định; sắc thuế bất động sản đánh cả vào đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; thu thuế lũy tiến đối với các dự án để đất hoang, không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng; người có nhiều nhà đất, bỏ hoang đất, chậm đưa đất vào sử dụng chịu mức thuế cao hơn.

Tuy nhiên, từ 2012 cho tới nay, Việt Nam vẫn chưa đánh thuế vào nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất.

đánh thuế người có nhiều nhà đất
GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh thuế bất động sản thấp là một trong những nguyên nhân khiến giá nhà đất Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới

“Thuế bất động sản thấp là nguyên nhân chính dẫn tới tệ nạn đầu cơ nhà đất, tích trữ tiền tiết kiệm vào nhà đất. Từ đây, các cơn sốt giá bất động sản hình thành, tích tụ bong bóng, tạo giá ảo làm giá nhà đất ngày càng cao. Nhà đất tại đô thị lớn ở Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới”, GS. Võ phân tích.

Điều này dẫn đến 4 hệ lụy chính: Một là giá đất cao thì giá hàng hóa sản xuất ra sẽ cao, làm giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, không thu hút được đầu tư. Hai là lạm phát cao khi giá trị ảo của bất động sản tăng mạnh. Ba là không thể giải quyết được nhà ở giá phù hợp cho dân. Bốn là không thể tự điều chỉnh phân bổ dân cư làm cho các đô thị vượt ngưỡng hạ tầng.

Nhìn vào những hệ luỵ này, GS. Võ cho rằng việc xây dựng và ban hành luật thuế bất động sản là tất yếu. Tuy nhiên, việc đánh thuế phải xét đến đặc thù của xã hội Việt Nam. Trong đồng lương không có phần chi phí cho chỗ ở nên cũng không thể đánh thuế cao vào người dân. Trong khi đó, một nhóm nhỏ đầu cơ bất động sản lại có thu nhập rất cao. Nếu không đánh thuế thì tình trạng đầu cơ sẽ tiếp tục xảy ra.

“Lộ trình áp dụng thuế bất động sản ở Việt Nam không đơn giản, cần nghiên cứu cách thức đánh thuế với từng đối tượng khác nhau”, GS. Võ kết luận.

Đánh thuế cao người sở hữu nhiều nhà đất: Xu hướng tất yếu

Thực tế, năm 2008, Liên minh Châu Âu đã giúp Việt Nam xây dựng Luật Thuế tài sản nhưng bị gác lại. Sau đó, Bộ Tài chính đã 5 lần đề xuất các phương án về ban hành thuế tài sản như nâng tỷ suất thuế, đánh thuế cao vào người có nhiều nhà đất, đánh thuế cao từ ngôi nhà thứ 2 trở đi… nhưng đều không thành công.

“Có thể nói yêu cầu về đổi mới thuế bất động sản trong Nghị quyết 19 không được thực hiện. Câu hỏi đặt ra là vì sao và giải pháp nào để vượt qua khó khăn này? Trực giác có thể thấy các đại gia bất động sản có nhiều nhà đất tạo được áp lực lên việc hình thành chính sách”, ông Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Tiếp nối tinh thần Nghị quyết 19, Nghị quyết 18-NQ/TW vừa ban hành cũng đã đưa ra những đổi mới về công cụ thuế bất động sản với các nội dung nổi bật như: việc đánh thuế cao vào người có nhiều đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm đưa đất vào sử dụng, bỏ đất hoang; ưu đãi thuế đối với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số…

thuế
GS. Võ cho rằng các đại gia bất động sản có nhiều nhà đất tạo áp lực lên việc hình thành chính sách (Ảnh minh hoạ: Hải Thu)

“Như vậy, chính sách thuế bất động sản đã rõ hơn trước đây, có thuế cao đối với những nhóm này, nhưng thuế lại thấp đối với những nhóm khác. Ban hành Luật thuế bất động sản là nhiệm vụ quan trọng được đặt ra. Vấn đề còn lại là thống nhất ý chí trong bộ máy Nhà nước để thực hiện Nghị quyết này”, GS. Đặng Hùng Võ nói.

Thống kê cho thấy thuế tài sản của Việt Nam chỉ chiếm 0,034% GDP, trong khi đó thuế này của Indonesia chiếm 0,42%, của Thái Lan chiếm 0,25%, của Philippines chiếm 0,84%. So với các nước thuộc Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển OECD, các nước G7 đều đạt từ 1% tới 4% GDP. Như vậy, thuế tài sản tại Việt Nam chỉ bằng khoảng 7% của nhóm các nước phát triển trung bình thuộc Hiệp hội ASEAN, chỉ bằng 1,6% mức trung bình của nhóm các nước OECD và chỉ bằng 1% của các nước thuộc nhóm G7.

“Việt Nam có thể nâng ngay tỷ suất thuế lên cao được hay không là một vấn đề cần cân nhắc kỹ lưỡng. Thu nhập của người dân nói chung và người lao động nói riêng ở Việt Nam quá thấp. Điều này có nghĩa là việc nâng đều tỷ suất thuế lên cao hơn là bất khả thi”, GS Đặng Hùng Võ nhận định.

Tuy nhiên, tỷ suất thuế chỉ có thể nâng cao hơn mức hiện nay một chút, trong đó có chế độ miễn giảm thuế đối với một số đối tượng và đánh thuế cao vào những đối tượng đầu cơ, trữ tiền tiết kiệm vào đất, có đất nhưng không đưa vào sử dụng... Mặt khác, khi hệ thống thuế đối với bất động sản đã ổn định thì có thể xác định lại hệ thống giao đất, cho thuê đất sao cho không có khác biệt giữa giao đất được sử dụng vô thời hạn, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần và cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm.

Hải Thu

Tin cũ hơn
Xem thêm