Giá vàng có nguy cơ tụt xuống 1.600 USD/ounce vào quý I/2022?

Cập nhật: 10:15 | 13/08/2021 Theo dõi KTCK trên

Ông Dhar của Commonwealth Bank of Australia dự đoán giá vàng sẽ tụt xuống còn 1.700 USD/ounce vào quý I năm tới, trong khi ông Schnider của UBS cảnh báo giá vàng có thể giảm xuống 1.600 USD/ounce hoặc hơn.

[Cập nhật] Giá vàng hôm nay 13/8/2021: Vàng SJC giữ nguyên

Giá vàng hôm nay 13/8/2021: Tụt dốc nhanh

Dự báo giá vàng ngày 13/8/2021: Có thể điều chỉnh giảm nhẹ trên diện rộng?

Chuyên gia UBS: Giá vàng trong đà giảm, nguy cơ tụt xuống 1.600 USD/ounce vào quý I/2022

Tối ngày 8/8, giá vàng thế giới rơi xuống mức đáy 4 tháng là 1.677,9 USD/ounce. Tại thời điểm 7h30 sáng ngày 13/8 (theo giờ Việt Nam), giá của kim loại quý này đã phục hồi về mức 1.753 USD/ounce, song vẫn còn cách xa mức đỉnh đầu năm nay là khoảng 1.900 USD.

CNBC dẫn lời các nhà phân tích cho biết động thái giảm của giá vàng hồi cuối tuần qua có liên quan tới báo cáo việc làm tốt hơn dự kiến của Mỹ cũng như do nhà đầu tư đổ xô mua đồng USD để phản ứng với thông tin tích cực trên.

Giá vàng và đồng bạc xanh vốn có quan hệ tỷ lệ nghịch. Khi đồng USD mạnh lên so với các loại tiền tệ khác, giá vàng sẽ giảm vì nó trở nên đắt hơn khi thanh toán bằng các đồng tiền còn lại, từ đó làm giảm nhu cầu tiêu thụ vàng.

5626-nhandinhgiavang
Ảnh minh họa

Ông Vivek Dhar, chuyên gia phân tích hàng hóa của ngân hàng Commonwealth Bank of Australia, giải thích: "Đợt bán tháo vàng hồi đầu tuần được kích hoạt khi thị trường châu Á mua vào USD và bán ra vàng để phản ứng với báo cáo việc làm mạnh mẽ của Mỹ".

Ngày 6/8, Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết trong tháng 7, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo ra thêm 943.000 việc làm, cao hơn dự báo 845.000 việc làm của Dow Jones.

Giá vàng xuống 1.700 USD/ounce, thậm chí 1.600 USD vào đầu năm 2022

Dù giá vàng đã phục hồi, nhưng ông Dhar nói "rất khó để vững niềm tin rằng giá kim loại quý này sẽ tăng" vì triển vọng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), theo CNBC.

Fed được kỳ vọng sẽ sớm siết chặt chính sách tiền tệ và thu hẹp quy mô các biện pháp kích thích trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ dần khởi sắc sau thời gian dài chịu đựng ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Ngân hàng trung ương Mỹ đang neo lãi suất gần mức 0, song các quan chức đã báo hiệu rằng Fed có thể tăng lãi suất sớm, đặc biệt là khi lạm phát tăng nóng.

Ông Dominic Schnider, Giám đốc Đầu tư tại UBS Global Wealth Management, dự đoán lợi suất trái phiếu thực tế sẽ ít biến động hơn và điều đó có nghĩa là vàng sẽ tụt giá mạnh hơn. Chia sẻ với CNBC, ông Schnider dự đoán dòng tiền sẽ tháo chạy khỏi các chứng chỉ quỹ ETF vàng và thị trường tương lai của kim loại quý này.

Khi lợi suất trái phiếu thực tế tăng lên, giá vàng sẽ đi xuống và ngược lại. Trong trường hợp đó, chi phí cơ hội khi nắm giữ vàng, một tài sản không sinh lãi (non-yielding asset), sẽ cao hơn vì các nhà đầu tư đang bỏ qua khoản lời từ các tài sản sinh lãi khác.

"Tôi sẽ không bất ngờ nếu chúng ta thấy khoảng 20 triệu ounce vàng rời khỏi thị trường ETF và thị trường tương lai. Điều này làm giá vàng giảm sâu hơn", ông Schnider nhấn mạnh.

"Đồng USD mạnh hơn, kết hợp với việc lợi suất trái phiếu thực tế kỳ hạn 10 năm tăng dần, cho thấy giá vàng sẽ có xu hướng giảm điểm", ông Dhar của Commonwealth Bank of Australia nói thêm.

Ông Dhar dự đoán giá vàng sẽ tụt xuống còn 1.700 USD/ounce vào quý I năm tới, trong khi ông Schnider của UBS cảnh báo giá vàng có thể giảm xuống 1.600 USD/ounce hoặc hơn.

5629-nhandinhgiavang1
Ảnh minh họa

Vàng có phải hàng rào chống lạm phát hiệu quả?

Quyết sách bất ngờ của Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã góp phần đặt dấu chấm hết cho hệ thống bản vị vàng và đến nay, nhiều chuyên gia vẫn coi đây là một trong các chính sách có tầm ảnh hưởng nhất của vị tổng thống này.

Trong những năm sau quyết định của Tổng thống Nixon, lạm phát thực sự đã tăng lên. Hơn nữa, giá vàng cũng tăng theo, so với năm 1971 thì giá của kim loại quý này hiện đã tăng khoảng 50 lần.

Mối tương quan giữa giá vàng và lạm phát đã khiến nhiều người tin rằng vàng là công cụ phòng ngừa lạm phát hiệu quả. Song, dữ liệu lại đang chứng minh điều ngược lại, Wall Street Journal nhấn mạnh.

Nếu vàng là một hàng rào ngừa lạm phát tốt, thì tỷ lệ giữa giá vàng và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) phải tăng tương đối trong các năm qua. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Trong 50 năm qua, tỷ lệ này liên tục biến động từ mức thấp 1 điểm lên mức cao 8,4 điểm.

Theo nghiên cứu của giáo sư Campbell Harvey thuộc Đại học Duke và cựu giám đốc cấp cao Claude Erb của công ty tài chính TCW Group, vàng chỉ là một tài sản ngăn ngừa lạm phát hiệu quả nếu xét trong một thời gian dài, vượt kế hoạch đầu tư thông thường.

Hai vị chuyên gia phát hiện rằng, chỉ khi đo lường trong một giai đoạn rất dài, chẳng hạn như một thế kỷ trở lên, thì vàng mới thành công duy trì sức mua mạnh mẽ của mình. Còn trong ngắn hạn, giá thực tế (đã điều chỉnh theo lạm phát) của kim loại vàng cũng biến động không khác gì các tài sản còn lại.

Vai trò của vàng như một hàng rào ngăn chặn lạm phát càng yếu ớt hơn trong thời đại ngày nay, giáo sư Harvey kết luận. Nguyên nhân là vì giá vàng hiện đang rất đắt so với trong quá khứ.

Thu Uyên (Tổng hợp)

Tin cũ hơn
Xem thêm