Giá thép tăng và tác động (bài 1): Cổ phiếu thép "ngoi" lên từ COVID-19

Cập nhật: 11:47 | 22/05/2021 Theo dõi KTCK trên

Hơn một năm kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, bất chấp những tác động làm thay đổi cơ cấu doanh thu và lợi nhuận, nhóm cổ phiếu thép vẫn đồng lòng tăng giá đặt biệt là từ đầu năm 2021 với hỗ lực từ đà tăng của giá thép thế giới và trong nước.

4017-nu
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Giá thép nhập tăng

Thông tin từ Tập đoàn Hòa Phát cho biết, giá phế liệu đã liên tục tăng mạnh từ mức 207 USD/tấn vào tháng 4/2020 lên mức 500 USD/tấn vào ngày 10/5/2021 - tương ứng mức tăng gấp 2,5 lần.

Đáng chú ý, từ tháng 11/2020 đến nay, giá phế liệu đã tăng từ mức 300 USD/tấn lên 500 USD/tấn - gần gấp đôi trong vòng 6 tháng. Từ tháng 4/2021 đến nay, giá phế liệu tăng từ 430 USD/tấn lên 500 USD/tấn - tăng 70 USD/ sau một tháng.

Với quặng, nếu như vào tháng 5/2020, giá quặng sắt ở mức 88 USD/tấn thì đến tháng 5/2021 đã lên mức 229 USD/tấn - cao gấp 2,6 lần. Tính riêng từ tháng 4 đến tháng 5/2021, giá quặng tăng từ 167 USD/tấn lên 229 USD/tấn và hiện giá quặng vẫn đang tiếp tục trên đà tăng, chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ở thị trường thế giới, ngày 10/5/2021, giá quặng sắt trên sàn Trung Quốc tăng 10% lên mức cao kỷ lục, giá thép tăng 6%. Trên sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt tháng 6 tăng 10,3% lên 226,25 USD/tấn. Thị trường cho thấy, nhu cầu mạnh với các loại quặng có hàm lượng sắt cao.

Theo đánh giá từ Tập đoàn Hòa Phát, giá nguyên liệu tăng mạnh do Trung Quốc đang nắm giữ 70% lượng quặng nhập đường biển toàn cầu và chi phối hoàn toàn giá quặng sắt thế giới.

Nhu cầu thép ở quốc gia này cũng rất lớn, đặc biệt Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư nhằm phục hồi sau dịch COVID-19. Vì vậy, các nhà sản xuất Trung Quốc đang tích cực dự trữ, nhập nguyên vật liệu cho sản xuất.

Những lo ngại về nguồn cung cũng thúc đẩy giá quặng sắt do quan hệ giữa nhà sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc và nhà cung cấp quặng sắt lớn nhất Australia có dấu hiệu xấu đi.

Nhiều doanh nghiệp thép có thể gặp khó

Điều được nhiều doanh nghiệp quan tâm hiện nay là làm thế nào để kiểm soát và kìm lại đà tăng của giá thép. Về vấn đề này, phía Bộ Công Thương cho biết sẽ tăng cường quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời những hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Theo ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam: “Mặc dù năng lực sản xuất các sản phẩm thép của ngành thép Việt Nam đã đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nội địa. Tuy nhiên, nguyên liệu như quặng sắt, phế thép, nhiên liệu và vật liệu tiêu hao thường xuyên như than mỡ, coke, điện cực, trục cán, vật liệu chịu lửa… phục vụ cho sản xuất thép hầu hết được nhập khẩu, nên thị trường thép Việt Nam chịu sự chi phối lớn từ thị trường toàn cầu.

Diễn biến tăng giá gần đây do giá nguyên vật liệu sản xuất thép toàn cầu tăng bất thường, giá thép thô và thép thành phẩm trên thế giới đều tăng và diễn biến phức tạp, khó lường có thể gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất thép trong nước”, ông Đa nói.

Ở trong nước, giá phế liệu, quặng sắt tăng mạnh suốt thời gian qua tác động rất lớn đề chi phí đầu vào của sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất. Giá thành phẩm thép trong nước như thép cuộn từ tháng 10/2020 đến nay tăng khoảng 56%; giá thép cây tăng khoảng 42%...

"Giá nguyên liệu tăng bằng số lần, trong khi giá bán thành phẩm chỉ có thể tăng khoảng 50% như hiện nay khiến cho doanh nghiệp thép gặp khó khăn. Để phục vụ sản xuất được ổn định, Hòa Phát phải mua hàng dù giá các loại nguyên liệu đều tăng cao bởi nếu không mua sẽ không có hàng để sản xuất.

Tuy nhiên, chia sẻ về giá thép mới đây, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho hay, việc giá thép tăng là do thời gian qua giá nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, than tăng mạnh. Điều này là bình thường và không ảnh hưởng đến Hòa Phát.

Vị đại diện Tập đoàn Hòa Phát cũng nói rõ, thời gian qua nhu cầu tiêu thụ sắt thép của các quốc gia trên thế giới đều tăng mạnh, giá thép tăng lên mức cao. Trong khi nguồn cung khan hiếm từ Trung Quốc và Ấn Độ, đặc biệt bị ảnh hưởng bởi chính sách kiểm soát sản lượng của Chính phủ Trung Quốc tại khu vực Đường Sơn. Đến nay, giá thép chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Những yếu tố này đã tác động mạnh đến thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, nhu cầu xây dựng bất động sản khởi sắc trở lại vì vậy, các đại lý tăng cường nhập hàng dự trữ cho kế hoạch kinh doanh năm 2021. Các công trình xây dựng cũng gấp rút triển khai, tăng cường nhập hàng đề phòng giá tăng tiếp có thể ảnh hưởng đến chi phí xây dựng công trình. Những yếu tố này cũng đã khiến giá thép thời gian qua tăng mạnh.

Cổ phiếu thép tăng phi mã

4127-long
Chủ tịch HĐQT Hòa Phát - Trần Đình Long

Trong khi thị trường chứng khoán vẫn tăng khá thận trọng từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu thép vẫn một mình bứt phá trước hiệu ứng giá thép.

Dẫn đầu cổ phiếu ngành thép là HPG của Hòa Phát. Tính từ ngày 31/3/2021 hết tháng 4/2021, HPG đã tăng từ mức giá 46.800 đồng lên 58.100 đồng khi kết phiên giao dịch ngày 29/4. Như vậy trong 1 tháng giao dịch, HPG đã tăng giá 11.300 đồng, tương ứng mức tăng 24,1%.

Trong khi đó, tính từ thời điểm kết phiên ngày 31/12/2020 đến phiên 31/3/2021, HPG chỉ tăng 5.350 đồng (từ 41.450 đồng lên 46.800 đồng). Cho thấy, mức tăng trong tháng 4 vừa qua hơn gấp đôi so với cả 3 tháng đầu năm 2021. Tính chung từ đầu năm 2021 tới nay, cổ phiếu HPG tăng giá 40,1%.

Cổ phiếu điển hình thứ hai của ngành thép là HSG của Hoa Sen. Trong tháng 4/2021, HSG tăng 3.350 đồng từ giá 28.400 đồng lên 31.750 đồng, tương ứng mức tăng khoảng 11,8%.

Nếu tính từ thời điểm 31/12/2020 - 31/3/2021, HSG đã tăng 6.250 đồng từ 22.150 đồng lên 28.400 đồng, tương ứng mức tăng 28,2%. Tính từ đầu năm 2021 đến hết tháng 4, HSG tăng giá 43,3%.

Từ đầu năm đến hết tháng 4, cổ phiếu NKG của thép Nam Kim tăng giá 11.000 đồng (từ mức 15.000 đồng lên 26.000 đồng), tương ứng mức tăng 73,3%. Riêng trong tháng giao dịch vừa qua, NKG tăng giá từ 23.000 đồng lên 26.000 đồng, tương ứng mức tăng khoảng 8,8%.

Nhìn chung trong tháng 4 đầu năm, khó có cổ phiếu của ngành nào tăng giá mạnh bằng cổ phiếu ngành thép với hỗ lực từ việc giá thép đang tăng nóng liên tục trên thị trường.

Nhịp điều chỉnh ngắn hạn đã bắt đầu

Trong báo cáo thị trường mới đây, Chứng khoán Yuanta nhận định, tháng 5, nhóm cổ phiếu kim loại và ngân hàng tiếp tục dẫn dắt xu hướng của thị trường. Tuy nhiên, dư địa tăng trưởng của nhóm cổ phiếu kim loại sẽ không còn nhiều. VN-Index có thể điều chỉnh và kiểm định vùng hỗ trợ 1.180 – 1.200 điểm.

Thực tế ghi nhận, sau quãng khá dài tăng nóng, bước sang tháng 5/2021 nhóm cổ phiếu thép bắt đầu xuất hiện dấu hiệu bị chốt lời mạnh và giảm giá...

4201-cks
Bước sang tháng 5/2021, nhiều cổ phiếu thép bắt đầu nhịp điều chỉnh ngắn hạn

Theo đó, các chuyên gia có những góc độ tiếp cận khác nhau về nhóm cổ phiếu thép. Quan điểm ngắn hạn cho rằng diễn biến giá tăng nhanh trong ngắn hạn có biểu hiện của “màn chạy nước rút” và thông tin bất lợi bắt đầu xuất hiện. Nhóm cổ phiếu này có nguy cơ rơi vào nhịp điều chỉnh.

Tuy nhiên nhìn dài hạn, các yếu tố thúc đẩy giá nguyên liệu thép và giá thép thành phẩm tăng gắn liền với các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp thép vẫn còn. Do đó yếu tố cơ bản vẫn còn hấp dẫn và nâng đỡ giá cổ phiếu nhóm ngành thép.

Điều các chuyên gia chờ đợi là những biện pháp hạ nhiệt giá thép của Chính phủ sẽ như thế nào và tác động đến đâu. Nếu các biện pháp này được cho là không nghiêm trọng, giá cổ phiếu thép có thể quay lại xu hướng tăng.

Liên quan đến nguy cơ gia tăng lạm phát do chi phí đẩy, các chuyên gia thống nhất đánh giá đó không phải là rủi ro đối với thị trường, ít nhất là trong năm 2021 do khả năng kiềm chế lạm phát vẫn tốt. Đây chưa phải là yếu tố có khả năng đảo chiều xu hướng tăng hiện tại. Mặt khác, yếu tố cung cầu trên thị trường vẫn có lợi đối với xu hướng tăng, khi dòng tiền chảy vào thị trường ngày một lớn.

Theo ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm Kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội, dòng thép theo khả năng cao đã đi đến giai đoạn cuối khi nhiều cổ phiếu đã chạy nước rút cũng như nhiều thông tin xấu đã bắt đầu le lói như giá quặng sắt giảm mạnh, sự can thiệp bình ổn giá. Hiện tại về kỹ thuật thì cổ phiếu thép nhiều mã đã diễn ra phân phối nên giai đoạn này cổ phiếu thép tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tương tự, ông Lâm Gia Khang – Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank cho rằng, các biện pháp bình ổn giá thép đang được tiến hành đồng loạt ở cả trong nước và quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc. Trong khi đó, thị phần xuất khẩu đều chiếm trên 30% cơ cấu doanh thu các doanh nghiệp tốp đầu như HPG (30,5%), NKG (37,5%), HSG (52,5%).

Trong nước, việc giảm thuế nhập khẩu tạo cơ hội giảm giá bán cho các doanh nghiệp ngoại, gián tiếp ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp thép. Do đó, trong ngắn hạn tôi cho rằng, việc tham gia cổ phiếu thép có khá nhiều rủi ro.

Ở một góc nhìn lạc quan hơn, ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS nhận định, nNếu nhìn diễn biến, xu thế hay chỉ đơn thuần từ các hoạt động kinh doanh, triển vọng tăng trưởng hay ít nhất là duy trì kết quả kinh doanh tốt của các doanh nghiệp thép thì rõ ràng triển vọng vẫn khá hiện hữu.

Tuy nhiên, sau khi giá cổ phiếu liên tục biến động trong ngắn hạn và đã tăng nóng, nhóm cổ phiếu này sẽ bước vào pha điều chỉnh. Không chỉ thông tin bình ổn giá thép là một trong những nguyên nhân ít nhiều được “thêu dệt” để làm “nghiêm trọng hóa” tình hình khiến giá thép đều chỉnh, mà đơn giản hơn thị trường cũng đã vào khu vực khá nhạy cảm sát vùng điều chỉnh mạnh. Nhiều cổ phiếu lớn điều chỉnh, dòng tiền phân hóa vào các nhóm ngành khác nhau như nhóm ngân hàng, chứng khoán.

Ông Khánh cho rằng, cổ phiếu thép chỉ đơn thuần vào pha điều chỉnh mà chúng ta không biết “điều chỉnh ngắn hay sâu như thế nào”, nhưng khả năng hồi phục sau điều chỉnh là vẫn còn. Theo số liệu thống kê triển vọng doanh thu/lợi nhuận sau thuế năm 2021 của nhóm doanh nghiệp này vẫn giao động ở 18% - 20% so với 2020. Giá cổ phiếu sẽ càng lên một khi triển vọng doanh thu/lợi nhuận vẫn tiếp tục duy trì.

Đồng quan điểm, ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS khẳng định, cổ phiếu thép hiện đang chịu tác động tiêu cực bởi thông tin Chính phủ đang cân nhắc 1 số biện pháp để hạ giá thép thành phẩm trong nước trong đó bao gồm cả việc điều tiết thuế xuất, nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá.

Trong bối cảnh kết quả kinh doanh các doanh nghiệp thép được dự báo tăng trưởng mạnh nhờ nhu cầu tiêu thụ, sản lượng, giá bán đều tăng so với cùng kỳ, rủi ro về mặt chính sách sẽ là rủi ro đáng kể nhất có thể tác động tiêu cực đến lợi nhuận vài quý tới của các doanh nghiệp trong ngành. Theo đó, các thông tin liên quan đến các biện pháp ổn định giá thép của Chính phủ sẽ có tác động trọng yếu đến biến động cổ phiếu ngành thép trong ngắn hạn.

Trong trường hợp các biện pháp đưa ra không gây ra các tác động nghiêm trọng, tôi kỳ vọng cổ phiếu ngành thép sẽ nhanh chóng quay trở lại xu hướng tăng giá.

Giá thép hôm nay 22/5/2021: Thép thanh bất ngờ giảm giá ngày cuối tuần

Ghi nhận vào lúc 10h30 ngày 22/5 (theo giờ Việt Nam), giá thép thanh tại Thượng Hải giảm 0,7%. Giá thép tại Trung Quốc thoái ...

Giá gas hôm nay 22/5/2021: Nối đà tăng

Ghi nhận vào lúc 9h50 ngày 22/5 (theo giờ Việt Nam), giá gas hôm nay tăng hơn 0,1% lên 2,96 USD/mmBTU đối với hợp đồng ...

Hòa Phát (HPG): Dragon Capital bán ra hàng triệu cổ phiếu, thu về cả trăm tỷ đồng

Thống kê trong hơn một tháng qua, nhóm quỹ Dragon Capital đã bán đi ít nhất 1,77 triệu cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa ...

Quân Vương