FLC bị cưỡng chế thuế do quá hạn nộp thuế gần 680 tỷ đồng

Cập nhật: 14:26 | 09/01/2024 Theo dõi KTCK trên

Tập đoàn FLC bị ngừng sử dụng hóa đơn do chưa nộp số thuế quá hạn 678 tỷ đồng, đồng thời bị cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tài khoản ngân hàng.

Mới đây, Cục thuế TP. Hà Nội đã ra quyết định điều chỉnh áp dụng cưỡng chế thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Công ty CP Tập đoàn FLC. Lý do là doanh nghiệp có số tiền quá hạn nộp hơn 678 tỷ đồng, buộc phải cưỡng chế thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế. Trong quyết định hồi tháng 7/2023, tập đoàn này có số tiền quá hạn nộp là hơn 590 tỷ đồng.

FLC bị cưỡng chế thuế do quá hạn nộp thuế gần 680 tỷ đồng
Cục thuế TP. Hà Nội đã ra quyết định điều chỉnh áp dụng cưỡng chế thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Công ty CP Tập đoàn FLC

Đây là số tiền đơn vị không chấp hành nộp theo thông báo của Cục thuế Hà Nội, thông báo của Chi cục thuế Khu vực TP Sầm Sơn- Quảng Xương, thông báo của Cục thuế tỉnh Quảng Bình và thông báo của Ban quản lý Khu kinh tế TP. Quy Nhơn.

Song song đó, FLC còn nhận được các quyết định của Cục thuế TP. Hà Nội về việc cưỡng thuế thi hành quyết định hành chính bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản ở các ngân hàng. Trong trường hợp tài khoản còn ít hơn số tiền cưỡng chế, các ngân hàng vẫn phải trích số tiền còn lại sau khi trừ đi số dư tối thiểu để duy trì tài khoản và tiếp tục theo dõi để trích tiếp khi những tài khoản này phát sinh giao dịch có.

Tổng số tiền cưỡng chế gần 90 tỷ đồng. Trong số này có khoảng 61 tỷ đồng là tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, 14 tỷ đồng là thuế thu nhập cá nhân và phần còn lại chủ yếu là tiền chậm nộp.

Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn FLC vẫn chưa thể phát hành báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, 2022, các báo cáo quý I, quý II và soát xét bán niên năm 2023.

Trong văn bản giải trình, Tập đoàn này cho biết, doanh nghiệp chưa đạt được sự đồng thuận đối với Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn UHY về ý kiến kiểm toán báo cáo tài chính riêng và báo cáo tài chính hợp nhất cho cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2021. Cũng chính vì vậy mà Tập đoàn FLC chưa thể công bố các báo cáo tài chính kiểm toán các năm sau đó, đồng thời cũng chưa thể tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 và ĐHĐCĐ thường niên 2023.

Tập đoàn FLC khẳng định đang nỗ lực phối hợp cùng UHY thực hiện các thủ tục bổ sung làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán phù hợp và công bố thông tin theo quy định.

Đáng nói, thời gian công bố thông tin vẫn bị bỏ ngỏ và FLC cũng đã liên tục “thất hứa” chuyện công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 từ đầu năm 2022 đến nay. Cũng bởi liên tục “trễ hẹn” phát hành báo cáo tài chính, doanh nghiệp này cũng chưa thể tiến hành họp ĐHĐCĐ thường niên theo đúng quy định.

Liên quan đến nghĩa vụ công bố thông tin kỳ kinh doanh bán niên 2023, FLC cũng đã chậm công bố báo cáo quản trị. Nguyên nhân được doanh nghiệp đưa ra là do thay đổi về mặt nhân sự.

Cụ thể, các nhân sự phụ trách tài liệu hồ sơ liên quan đến việc báo cáo tình hình quản trị đã nghỉ việc, còn các nhân sự mới mất thời gian để tìm đầu mối, thu thập, tổng hợp tài liệu làm báo cáo. Sau đó, vào ngày 8/8/2023, FLC đã công bố báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2023.

Đối với tất cả các vi phạm về nghĩa vụ công bố thông tin nói trên, ngày 3/10/2023, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ra quyết định xử phạt FLC với số tiền là 92,5 triệu đồng.

Trong khi đó, trên sàn chứng khoán, cổ phiếu FLC đã bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 13/7/2023 do Tập đoàn FLC chưa họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 trong thời hạn tối đa kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính theo quy định.

Cũng cần nói thêm, kể từ khi chuyển về giao dịch tại sàn UPCoM, cổ phiếu FLC đã liên tiếp nhận “án phạt” từ HNX. Trước đó, cổ phiếu này được đưa vào diện hạn chế giao dịch ngày 22/5/2023 do chậm nộp báo cáo tài chính 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày. Ngoài ra FLC vẫn đang nằm trong diện đình chỉ giao dịch kể từ ngày 24/2/2023 do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.

Cổ phiếu FLC đã duy trì trạng thái “bất động” được hơn một năm. Với việc Tập đoàn FLC tiếp tục trì hoãn phát hành báo cáo tài chính kiểm toán 2021, dường như con đường trở lại sàn chứng khoán của mã này có lẽ vẫn còn rất xa.

Trong bối cảnh chưa thể tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 và ĐHĐCĐ thường niên 2023, Tập đoàn này chỉ có thể triệu tập các cuộc họp bất thường. Lần gần đây nhất, vào tháng 3/2023, tại ĐHĐCĐ bất thường, cổ đông FLC đã thông qua phương án tái cơ cấu toàn diện (bao gồm tái cơ cấu tài chính, tái cơ cấu các khoản vay, tái cơ cấu nhân sự, tái cơ cấu các hoạt động đầu tư, kinh doanh…). Theo đó, Tập đoàn này sẽ tập trung giữ lại hai lĩnh vực kinh doanh cốt lõi gồm phát triển bất động sản và kinh doanh nghỉ dưỡng, sân golf; đồng thời thực hiện M&A các dự án để tái cấu trúc các khoản vay, có nguồn vốn duy trì hoạt động.

BCG Land (BCR) sắp chuyển nhượng toàn bộ vốn tại King Crown Riverside Residence

BCG Land vừa cho biết sẽ chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại công ty liên kết - King Crown Riverside Residence trong quý I/2024.

Thị trường chứng khoán ngày 9/1/2023: Thông tin trước giờ mở cửa

Cổ phiếu bất động sản bật tăng, đà tăng VN-Index được giữ vững; Cơ điện Dzĩ An đối diện án hủy niêm yết; Đèo Cả ...

Đèo Cả (HHV) “ế” hơn 7 triệu cổ phiếu trong đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu

Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả đã đã phân phối được 91,34% số cổ phiếu chào bán giá 10.000 đồng, còn dư hơn ...

Tiểu Vy