Đường sắt cao tốc Bắc-Nam chốt khởi công, Chính phủ yêu cầu hoàn tất một bước quan trọng ngay trong tháng 8
Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam với tổng vốn đầu tư lên đến 67 tỷ USD đang thu hút sự quan tâm đặc biệt.
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 335/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (giải phóng mặt bằng) tuyến đường sắt cao tốc trên trục Bắc-Nam.

Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của quốc gia, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được giao, bảo đảm đầy đủ điều kiện khởi công dự án vào tháng 12/2026 theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 23/4/2025.
Trước mắt, tập trung hoàn thành thủ tục liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; lựa chọn một số vị trí quan trọng (nhà ga, đoạn tuyến thuận lợi) để tổ chức lễ động thổ, khởi động các khu Tái định cư phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng của Dự án vào ngày 19/8/2025.
Cũng tại thông báo này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của Bộ Xây dựng, các bộ, ngành và địa phương, cơ quan, đơn vị trong công tác chuẩn bị đầu tư, rà soát quy hoạch, thiết kế sơ bộ, xác định nhu cầu sử dụng đất và kế hoạch giải phóng mặt bằng Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải chủ động rà soát quy hoạch/điều chỉnh quy hoạch vùng phụ cận nhà ga, định hướng phát triển mô hình TOD, tích hợp với hệ thống giao thông đô thị hiện hữu; tăng cường kết nối đồng bộ giữa đường sắt tốc độ cao và các loại hình vận tải khác; bố trí không gian phát triển dịch vụ, thương mại, logistics, đô thị tại các khu vực phụ cận các ga để khai thác hiệu quả quỹ đất, phát triển toàn vùng.
Dự án đường sắt cao tốc trục Bắc – Nam đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 11/2024. Tuyến đường sắt dài 1.541 km, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), tổng mức đầu tư lên tới khoảng 67 tỷ USD. Dự kiến đi qua 15 tỉnh, thành phố sau sáp nhập.
Được ví như tuyến giao thông "xương sống" của quốc gia, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam không chỉ rút ngắn khoảng cách giữa hai miền mà còn được kỳ vọng trở thành cú hích lớn cho tăng trưởng kinh tế – xã hội của Việt Nam trong nhiều thập niên tới.
Hiện tại, một số doanh nghiệp lớn trong nước đã bày tỏ mong muốn được tham gia phát triển dự án, tiêu biểu như Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed, Tập đoàn Trường Hải (THACO),… cùng một số đối tác quốc tế.