Khen công nghệ Trung Quốc nhưng quyết từ chối, “chốt” Đức xây đường sắt cao tốc hơn 226.000 tỷ
Dù đánh giá cao công nghệ Trung Quốc, nhưng quyết định cuối cùng là chọn Đức thực hiện dự án đường sắt cao tốc huyết mạch này.

Siemens Đức vượt Trung Quốc
Trong một quyết định mang tính bước ngoặt, Ai Cập đã chính thức ký hợp đồng với tập đoàn Siemens (Đức) để xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc lớn thứ 6 thế giới, bất chấp những đánh giá tích cực dành cho công nghệ đường sắt Trung Quốc.
Trước đó, vào năm 2021, Ai Cập đã khởi công tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên dài hơn 600km nối Ain Sukhna – một thành phố cảng ở phía Nam kênh đào Suez – với Alexandria và Marsa Matruh, tổng vốn đầu tư cho đoạn tuyến này khoảng 4,5 tỷ USD. Dự án đường sắt cao tốc thu hút sự quan tâm của các tập đoàn lớn, đặc biệt là Siemens của Đức và các doanh nghiệp Trung Quốc.
Theo tờ The Economic Times, Trung Quốc được đánh giá cao về năng lực khi từng xây dựng thành công tuyến đường sắt điện khí hóa đầu tiên tại Ai Cập, và nhận nhiều lời khen ngợi từ các phái viên quốc tế. Một đại diện Ai Cập thậm chí từng chia sẻ: “Chúng tôi đã thấy sự đổi mới, công nghệ và tài năng từ Trung Quốc – tất cả kết hợp để tạo ra những dự án lớn.”
Tuy nhiên, đến năm 2022, sau quá trình xem xét kỹ lưỡng, Ai Cập đã quyết định chọn công nghệ và giải pháp của Siemens Đức cho toàn bộ mạng lưới đường sắt cao tốc, với tổng vốn đầu tư lên tới 8,7 tỷ USD (tương đương hơn 226.000 tỷ đồng Việt Nam). Hợp đồng này do công ty Siemens Mobility – đơn vị con chuyên về giao thông của Siemens – ký kết cùng hai tập đoàn xây dựng hàng đầu Ai Cập: Orascom Construction và The Arab Contractors.
Tại lễ ký kết, Chủ tịch Siemens, ông Roland Busch, khẳng định hệ thống mới sẽ giúp giảm đến 70% khí thải CO2 so với xe buýt và ô tô truyền thống, góp phần lớn vào mục tiêu phát triển xanh và bền vững của Ai Cập.
Mạng lưới 2.000km, kết nối 60 thành phố
Theo thiết kế, toàn bộ mạng lưới đường sắt cao tốc mới của Ai Cập sẽ có tổng chiều dài 2.000km, kết nối 60 thành phố lớn nhỏ, với vận tốc tàu lên đến 230 km/h. Siemens Mobility sẽ cung cấp 41 tàu cao tốc, 94 tàu vùng và 41 đầu tàu hàng, cùng 8 nhà ga hiện đại. Toàn bộ dự án sẽ được vận hành theo hợp đồng bảo trì kéo dài 15 năm.
Một điểm đặc biệt của dự án là tính bao phủ diện rộng, phục vụ tới 90% dân số Ai Cập, không chỉ giải quyết nhu cầu đi lại mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch và giao lưu vùng miền. Ước tính, hệ thống này sẽ tạo ra 40.000 việc làm trực tiếp và gần 7.000 việc làm gián tiếp, tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động.
Dự án này cũng đánh dấu sự hiện diện công nghệ đường sắt Đức tại châu Phi và Trung Đông, mở ra một kỷ nguyên mới về hạ tầng giao thông tại khu vực. Công nghệ Siemens nổi tiếng với tàu ICE – dòng tàu cao tốc chủ lực tại Đức, có thiết kế khí động học giúp tiết kiệm năng lượng và vận hành ổn định ở tốc độ cao.
Không chỉ vậy, hệ thống còn ứng dụng chuẩn kiểm soát tàu tự động châu Âu ETCS, theo dõi liên tục vị trí – tốc độ – trạng thái đoàn tàu, tự động can thiệp trong trường hợp khẩn cấp. Một số tuyến còn tích hợp công nghệ CBTC – điều khiển tàu tự động, đảm bảo an toàn và hiệu quả tối ưu.
Ngoài ra, hệ thống liên lạc đặc biệt giữa tàu và trung tâm điều hành cũng được nâng cấp liên tục để đảm bảo kết nối tin cậy và phản ứng nhanh trước mọi tình huống.
Với tầm vóc và quy mô, mạng lưới đường sắt cao tốc tại Ai Cập không chỉ là bước tiến của riêng quốc gia này, mà còn là biểu tượng chuyển mình của hạ tầng giao thông toàn châu Phi, khẳng định vai trò đối tác chiến lược của Siemens Đức trên bản đồ giao thông toàn cầu.