Đường sắt cao tốc Bắc-Nam đi qua những xã, phường mới nào của Thanh Hóa?
Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa có chiều dài hơn 95km, đi qua địa phận 18 xã, phường.
Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 11/2024, với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng (hơn 67,3 tỷ USD). Tuyến đường sắt dài 1.541 km, từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP. HCM), đi qua 15 tỉnh, thành, trong đó có Thanh Hóa.

Tuyến sử dụng khổ đường đôi 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục. Toàn tuyến có 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa, phục vụ vận tải tốc độ cao và có thể chuyển đổi sang chở hàng khi cần. Dự kiến, công trình khởi công trước ngày 31/12/2026 và cơ bản hoàn thành vào năm 2035.
Tuyến đường sắt cao tốc qua Thanh Hóa có chiều dài hơn 95km
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh để kiểm tra tiến độ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, đoạn qua địa bàn. Hội nghị do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm chủ trì và kết nối tới tất cả các xã, phường có dự án đi qua.
Theo Ban Quản lý Dự án Đường sắt, đoạn tuyến đi qua tỉnh Thanh Hóa dài khoảng 95,33 km, từ Km113+800 đến Km209+130, với tổng diện tích đất bị ảnh hưởng là 572,99 ha, trong đó 91,56 ha là đất ở, còn lại hơn 481 ha là đất nông nghiệp và các loại đất khác.
Tuyến đường sắt đi qua địa bàn 18 xã, phường mới, gồm:
7 phường: Quang Trung, Bỉm Sơn, Hàm Rồng, Đông Tiến, Đông Sơn, Đông Quang, Trúc Lâm;
11 xã: Hoạt Giang, Hà Trung, Triệu Lộc, Hoằng Phú, Hoằng Giang, Trung Chính, Thắng Lợi, Nông Cống, Thăng Bình, Công Chính, Trường Lâm.
Tổng cộng có 2.107 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó nhiều hộ phải di dời, bố trí tái định cư. Ngoài ra, dự án còn tác động tới khoảng 41 công trình hạ tầng kỹ thuật và cơ sở sản xuất – kinh doanh, buộc phải di dời, điều chỉnh.
Hiện tỉnh đã hoàn thành xây dựng hạ tầng 1 khu tái định cư tại thôn Mỹ Phong (xã Công Chính), đang thực hiện giải phóng mặt bằng 8 khu, lập quy hoạch chi tiết cho 28 khu và xin ý kiến nhân dân về vị trí xây dựng 1 khu tại xã Trung Chính.
Gấp rút giải phóng mặt bằng
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm yêu cầu tất cả các xã, phường có tuyến đường đi qua phải khẩn trương rà soát lại diện tích đất thu hồi, thống kê chính xác số hộ phải tái định cư và các công trình bị ảnh hưởng để làm cơ sở quy hoạch khu tái định cư phù hợp.

Từ nay đến ngày 11/7, các địa phương phải hoàn tất báo cáo, gửi về Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên & Môi trường để tổng hợp trình UBND tỉnh. Các xã, phường được yêu cầu tổ chức lấy ý kiến nhân dân về phương án tái định cư, đảm bảo tính công khai, minh bạch và tạo sự đồng thuận cao.
Bên cạnh đó, trong tháng 7/2025, tỉnh sẽ giao Sở Công Thương và Sở Xây dựng phối hợp với Điện lực Thanh Hóa và Công ty truyền tải điện để thống kê, lập phương án di dời hạ tầng kỹ thuật điện trong phạm vi dự án.
UBND các xã, phường cũng cần chủ động làm việc với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trong vùng giải phóng mặt bằng, lắng nghe nguyện vọng và đề xuất phương án hỗ trợ phù hợp.
Về phía tỉnh, các sở ngành liên quan sẽ bám sát hướng dẫn từ Trung ương, kịp thời hướng dẫn triển khai chính sách đặc thù về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo đúng quy định của Luật Đất đai và Luật Đầu tư công.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là công trình trọng điểm quốc gia, vì vậy ông Liêm yêu cầu không để chậm trễ tiến độ do yếu tố chủ quan từ địa phương.