Dự báo sản lượng gia súc, gia cầm tiếp tục tăng trong khi nhu cầu giảm

Cập nhật: 09:44 | 13/08/2021 Theo dõi KTCK trên

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng thịt gia súc và gia cầm đạt hơn 3,2 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020. Bộ NN&PTNT dự báo sản lượng trong quý III sẽ đạt khoảng 1,4 triệu tấn, tăng 6,7%.

Đường nhập khẩu vào Việt Nam tăng kỷ lục

Giá cà phê hôm nay 13/8/2021: Cà phê robusta có dấu hiệu chững giá

Giá heo hơi hôm nay 13/8/2021: Miền Nam khởi sắc

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết từ đầu tháng 8/2021 đến nay, giá heo hơi tiếp tục xu hướng giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tiêu thụ giảm, trong khi nguồn cung phục hồi.

Hiện giá heo sống trên toàn quốc dao động trong khoảng 51.000 – 55.000 đồng/kg, giảm 2.000- 3.000 đồng/kg so với cuối tháng 7/2021, là mức thấp nhất kể từ giữa năm 2019.

Giá gà thịt tại các tỉnh, thành phố phía Nam cũng có xu hướng giảm mạnh, nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nên nhu cầu giảm, việc vận chuyển cũng gặp khó khăn.

Các lệnh hạn chế nhằm kiểm soát sự lây lan dịch COVID-19 tại TP HCM khiến đầu ra của các trại nuôi heo tại Đồng Nai gặp khó. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao khiến nhiều hộ phải bán sớm cắt lỗ.

4240-giacam1
Ảnh minh họa

Dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng tới việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, đẩy giá cám lên cao, ảnh hưởng tới quá trình chăn nuôi, làm chậm lại nỗ lực khôi phục đàn heo.

Mặc dù giá heo sống giảm mạnh, giá thịt heo tại các cửa hàng thịt, các siêu thị mini, các chợ truyền thống và các siêu thị vẫn cao do các chi phí liên quan đồng loạt tăng, đặc biệt là chi phí vận chuyển.

Cục Xuất nhập khẩu cho rằng từ nay đến cuối năm 2021, dịch tả heo châu Phi còn xảy ra ở một số địa phương và những nơi dịch đã được khống chế vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại; trong khi chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao… sẽ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước sau khi sản lượng thịt gia súc, gia cầm tăng trong 6 tháng đầu năm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng thịt gia súc và gia cầm đạt hơn 3,2 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, sản lượng thịt bò xuất chuồng đạt 231 nghìn tấn, tăng 2,5%; sản lượng thịt trâu xuất chuồng đạt 60,9 nghìn tấn, hơn giảm 3%; sản lượng thịt heo xuất chuồng đạt 2 triệu tấn, tăng 11,6%; sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng đạt 932,2 nghìn tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, sản lượng thịt gia súc và gia cầm trong quý III/2021 đạt khoảng 1,4 triệu tấn, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, sản lượng thịt bò đạt khoảng 91 nghìn tấn, tăng gần 7%; sản lượng thịt trâu đạt khoảng 19,6 nghìn tấn, giảm 2%; sản lượng thịt heo đạt khoảng 884 nghìn tấn, tăng 4,5%; sản lượng thịt gia cầm đạt khoảng 393 nghìn tấn, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Về tiêu thụ, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi 6 tháng cuối năm 2021 được dự báo sẽ giảm so với 6 tháng đầu năm 2021.

Đà tăng giá thức ăn chăn nuôi chưa có hồi kết, giải pháp nào cứu vãn tình thế?

Giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng, đầu ra heo hơi vẫn giảm

Nếu tháng 5, giá heo hơi ở mức trên 70.000 đồng/kg thì từ đầu tháng 6 tới nay, giá heo hơi trên cả nước có xu hướng giảm với mức giảm tới 20.000 đồng/kg so với những tháng trước đó. Mức giá giao dịch đang trong khoảng 50.000 - 57.000 đồng/kg.

Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Tài chính, từ tháng 10/2020 đến nay, giá các loại nguyên liệu chính cho chăn nuôi như ngô, lúa mỳ liên tục tăng cao với mức tăng trung bình từ 30 - 35%, kéo theo giá thức ăn chăn nuôi tăng đáng kể và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

4241-giacam2
Ảnh minh họa

Việc tăng giá nguyên liệu chủ yếu do dịch COVID-19 tác động tới logistics toàn cầu kéo theo việc tăng giá mạnh cước vận chuyển nhiều loại hàng hóa. Trong khi đó, tình trạng hạn hán ở một số quốc gia cũng đang có những ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất các mặt hàng này, dẫn đến giá tăng.

Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tích Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, cho biết: "Tính đến lần tăng giá được thông báo hồi cuối tháng 7, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng liên tiếp 9 lần.

Trong khi đó, với tình hình giá bán sản phẩm chăn nuôi như heo, gà, vịt đều xuống dốc vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Như vậy, đúng ra không có lý do gì khiến giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng thêm thế này, với mức 300-400 đồng/kg, tùy loại".

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết: "Các doanh nghiệp lý giải việc tăng giá là do nguồn nguyên liệu nhập khẩu với mức giá cao nên trong tháng 8 này họ tiếp tục điều chỉnh tăng".

Theo tính toán của các hộ chăn nuôi, với giá heo giống từ 2,5 – 3,5 triệu đồng/con, thức ăn chăn nuôi chiếm 70-75%.

Giá bán 1 kg heo hơi dưới mức 60.000 đồng /kg. Như vậy, hiện giá heo hơi xuất chuồng đang thấp hơn giá thành chăn nuôi. Mức giá như thế này khiến nhiều hộ gia đình gặp nhiều khó khăn sau khi vừa gượng dậy từ đợt thiệt hại nặng nề bởi dịch tả heo châu Phi.

"Cuộc khủng hoảng bắt đầu vào tháng 7 khi các chợ đầu mối tại TP HCM đóng cửa vì dịch COVID-19, việc mua bán của người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm này, mặc dù việc mua bán đã thuận lợi hơn nhưng có một nghịch lý là giá heo hơi đang rớt thấp, ở mức 55.000 - 58.000 đồng/kg trong khi giá cám sau 9 đợt tăng, tương đương chi phí đã tăng thêm 1 triệu đồng/con (100kg), khiến người chăn nuôi đang rơi vào tình cảnh thua lỗ".

Theo đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai tình trạng này nếu tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung trong nước trong thời gian tới.

Đề xuất giảm thuế nhập khẩu để hạ nhiệt thức ăn chăn nuôi

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự kiến giá heo hơi sẽ phục hồi trở lại trong quý III/2021 nhờ dịch bệnh được kiểm soát, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ. Tuy nhiên, giá heo hơi sẽ khó tăng đột biến.

Trong khi đó, trước đà tăng giá của thức ăn chăn nuôi vẫn chưa thể sớm có hồi kết, do đó Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đã kiến nghị giảm 50% thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, Ủy ban Ngũ cốc Mỹ cũng đã có văn bản đề xuất giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu tối huệ quốc (MFN) đối với mặt hàng ngô và lúa mỳ xuống 0%.

Theo đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ xem xét điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng lúa mỳ từ 3% xuống 0%; giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng ngô từ 5% xuống 3% nhằm góp phần giảm giá đầu vào với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Đại diện Cục Chăn nuôi cho biết thêm ngoài đề xuất giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu, để giảm giá thức ăn chăn nuôi Nhà nước có thể xem xét đưa mặt hàng này vào nhóm bình ổn giá để sản xuất chủ động đầu vào và có kế hoạch đầu ra, từ đó giúp người chăn nuôi hạn chế rủi ro, thuận lợi hơn trong việc tính toán lợi nhuận, vay vốn, tín dụng...

Linh Linh

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm